Trả Lại Tự Do (07.01.2021 – Thứ Năm)

Lời Chúa: Lc 4, 14-22a

Khi ấy, Ðức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh. Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,

vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.

Người đã sai tôi đi công bố

cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,

cho người mù biết họ được sáng mắt,

trả lại tự do cho người bị áp bức,

công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Ðức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV

Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống…)

Sau một thời gian hoạt động, Chúa Giêsu trở về rao giảng tại chính quê hương mình là Nadarét miền Galilê. Tại đây, trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức (ngày Sabbat, trong hội đường), Chúa Giêsu công bố chương trình hoạt động của Ngài: Với tư cách là Messia vừa được tấn phong, Ngài được sai đi truyền bá Phúc Âm cho những người nghèo hèn, khốn khổ. Như thế là Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ xưa qua lời ngôn sứ Isaia.

B. Suy gẫm (… nẩy mầm)

1. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi… sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó”. Thời Chúa Giêsu và thời các tông đồ, những kẻ nghèo khó quả thực đã được nghe Phúc Âm. Nhưng những kẻ nghèo khó thời nay có được như thế chưa ?

2. Chuyện xảy ra trong một đêm trình diễn văn nghệ Giáng Sinh: một thanh niên hoá trang thành một người ăn mày để diễn nhạc cảnh Chúa đến với người nghèo. Nhưng thanh niên này không thể nào bước lên sân khấu được, vì khi anh tới gần đó thì bị những người trong ban trật tự đuổi đi. Họ tưởng anh là một tên ăn mày thật, và họ sợ anh phá rối buổi trình diễn. Xét về mặt hoá trang thì ban tổ chức văn nghệ đã thành công. Tuy nhiên xét về tinh thần thì họ đã tự mâu thuẫn: họ muốn nói cho khán giả biết Chúa đến với người nghèo, nhưng khi gặp người nghèo, dù chỉ là một người giả nghèo, thì họ đã xua đuổi. Phúc Âm đã không thấm nhập vào lòng những kẻ trình diễn Phúc Âm.

3. “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó,” (Lc 4,18)

Một người bạn kể lại: “… Trong lớp tôi dạy, có một em tên Bi bị khuyết tật bẩm sinh: sứt môi và điếc một tai trái. Bị các bạn chế diễu, em luôn cảm thấy bị bỏ rơi, thua thiệt. Em trở nên khép kín và xa lánh mọi người. Một hôm, tôi cho các em được tự do đi lại trong lớp và có thể nói nhỏ vào tai bất kỳ một người bạn nào những gì mình thích. Bi ngồi đó, không tham gia, cũng không chờ đợi. Và chính lúc đó, tôi đã đến nói nhỏ vào tai em “Ước gì Bi là đứa em nhỏ của cô!” Bi ngước mắt ngạc nhiên như dò hỏi “Có thật không cô ?” Và tôi đã ôm chầm lấy em.”

Kỳ diệu thay luồng gió của Thánh Thần! Ngài vẫn tác động trên tâm hồn con người, ngay trên người bạn của tôi, để luôn biết cảm thông và trao tặng… Hành vi ấy đang tiếp nối những hành vi của Chúa Giêsu, Đấng đã được Thánh Thần thúc đẩy để đem Phúc Âm cho người nghèo khó.

Lạy Chúa, khi con đói, xin gởi đến con người cần của ăn. Khi con cô đơn, xin gởi đến con người cần được thông cảm. (Epphata)

Nguồn: tgpsaigon

WGPKT(06/01/2021) KONTUM