Toà Thánh: Kỹ Thuật Số Có Thể Thúc Đẩy Văn Hóa Hòa Bình Nếu Được Đạo Đức Hướng Dẫn

Ngày 31/8, phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy một nền văn hoá hoà bình trong thời đại kỹ thuật số” do Liên Hiệp Quốc tổ chức, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York cho rằng, công nghệ có thể thúc đẩy một nền văn hoá hoà bình nếu điều này đi cùng với một nền đạo đức về tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ.

Mở đầu, Đức Tổng Giám Mục nhận xét, trong những năm gần đây tiến bộ kỹ thuật số đã mang lại những cơ hội và thách đố quan trọng cho nỗ lực cơ bản thúc đẩy văn hoá hoà bình. Chính vì thế Đức Thánh Cha đã chọn chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Hoà bình” cho sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình lần thứ 57, mời gọi mọi người khám phá cách công nghệ có thể thúc đẩy hoà bình và cách ngăn chặn việc lạm dụng nó.

Tiếp đến, Đại diện Toà Thánh tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể. Đầu tiên, công nghệ kỹ thuật số có tác động to lớn đến giáo dục. Chúng có thể là công cụ thúc đẩy các giá trị và mục tiêu của một nền văn hóa hòa bình, nhưng việc quá phụ thuộc vào chúng có nguy cơ biến giáo dục thành hàng hóa, hạ thấp nó thành một công cụ để truyền tải kiến thức kỹ thuật và lấy đi yếu tố thiết yếu của con người.

Đức Tổng Giám Mục nói: “Tuyên ngôn về Văn hóa Hòa bình nêu rõ ‘vai trò then chốt trong việc thúc đẩy văn hóa hòa bình thuộc về cha mẹ, giáo viên, chính trị gia, nhà báo, tổ chức tôn giáo và các nhóm…’. Chính trong những cộng đồng này, trí tuệ và tinh thần, đặc biệt của giới trẻ, được hình thành. Ở đó, con người nhận được sự đào tạo toàn diện trong đối thoại, gặp gỡ, xã hội, liên đới và hòa bình, qua việc vun trồng các đức tính cơ bản về công lý và bác ái”.

Thứ hai, công nghệ kỹ thuật số có một vai trò quan trọng trong việc truyền bá nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe người khác. Theo Đức Tổng Giám Mục, những sáng kiến mới này cho phép các cá nhân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chúng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm, vì nhân quyền cũng bao hàm những nghĩa vụ tương ứng.

Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh kết thúc bài phát biểu, nói: “Việc thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và một thế giới tốt đẹp hơn có thể thực hiện được nhờ vào tiến bộ công nghệ, nếu điều này đi cùng với một nền đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn về công ích, một nền đạo đức về tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ, có khả năng nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của con người trong mối quan hệ với người khác và với toàn thể tạo vật”. (CSR_3348_2023)

 

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt (01.09.2023)