Tọa đàm về Di sản Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan được giáo phận Qui Nhơn tổ chức vào ngày 22/9/2024, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu và các tham dự viên. Một trong những kết quả nổi bật của Tọa đàm là phát hành sách ‘Sấm truyền ca – Ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản’.
Sấm truyền ca là một tuyệt tác văn chương của thế kỷ 17 trên quê hương đất Việt. Ra đời trước truyện Kiều của Nguyễn Du 150 năm, Sấm truyền ca được viết theo thể thơ lục bát dựa theo 5 quyển đầu trong bộ Kinh thánh của Công giáo. Tác phẩm này là sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, vừa chuyển tải nội dung Kinh thánh, vừa sử dụng lối diễn đạt mang đậm bản sắc dân tộc.
Bản Sấm truyền ca bằng chữ Nôm do chính Lữ Y Đoan chép đến này đã thất lạc. Chúng ta chỉ được biết Sấm truyền ca qua những bản dịch và bản chép tay. Sấm truyền ca diễn ca 5 quyển đầu trong bộ Kinh thánh là: Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số, Đệ nhị luật. Đến nay, chúng ta chỉ còn bản chép tay Sấm truyền ca lục bát trọn vẹn 50 chương quyển Sáng thế có tên là Tạo đoan kinh và diễn ca 21 chương quyển Xuất hành có tên là Lập quốc kinh. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực để tìm kiếm thêm những bản còn thất lạc.
Tủ sách Nước Mặn đã tổng hợp 2 bản chép tay của Paulus Tạo và Nguyễn Văn Nhạn, cùng với bản văn Kinh thánh và bản văn phục chế đề nghị hình thành nên quyển: Sấm truyền ca – Ấn phẩm đối chiếu để phục hồi nguyên bản.
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc gần xa.
Link đặt mua sách: https://tusachnuocman.com/…/sam-truyen-ca-an-pham-doi…/
Sau đây là lời giới thiệu của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn trong dịp phát hành sách này.
Kính thưa Quý độc giả,
Năm 2020, nhân kỷ niệm 350 năm bộ sách Sấm Truyền Ca bằng chữ Nôm (1670-2020) của Lữ Y Đoan, linh mục Địa phận Đàng Trong (1608-1678),Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn đã giới thiệu một phần tác phẩm Sấm Truyền Ca bằng Quốc ngữ, thực hiện lại theo ấn bản năm 2000 của Tập san Y Sĩ tại Canada. Nội dung được giới thiệu là quyển Sáng Thế, với tựa đề là Tạo Đoan Kinh, theo bản chép tay của nhà báo Paulus Tạo. Trong lời giới thiệu ấn phẩm này, tôi đã trình bày tác phẩm như một công trình “hội nhập văn hóa” đi trước thời đại của một linh mục Việt Nam, nhằm giới thiệu Thánh Kinh cho người Việt đương thời bằng chính chữ viết của họ (lúc ấy là chữ Nôm), với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Những ngày cuối năm 2022, Tủ sách Nước Mặn may mắn nhận được hai bản chép tay khác nhau: Bản của nhà báo Nguyễn Văn Nhạn tìm lại được tại Việt Nam và bản của nhà báo Paulus Tạo tìm lại được tại Canada. Hai tài liệu này hết sức quý để thực hiện một ấn bản đối chiếu bốn cột trọn 50 chương của quyển Tạo Đoan Kinh: cột nguyên bản Thánh Kinh, hai cột cho hai bản chép tay và cột thứ tư tìm định dạng bản Quốc ngữ đầu tiên năm 1820 do ông Phan Văn Cận chuyển ngữ. Tiếp đó là phần đối chiếu 21 chương của quyển Lập Quốc Kinh, với hai cột: nguyên bản Thánh Kinh và bản chép tay của Nguyễn Văn Nhạn.
Mục đích của ấn bản đối chiếu này là để tìm lại bản văn gần nhất với bản Quốc ngữ năm 1820 của ông Phan Văn Cận. Thực vậy, trải qua thời gian, bản Quốc ngữ này đã được chép tay sao lại nhiều lần, không tránh khỏi đã có một số chỉnh sửa, sai sót, đang khi chính bản chép tay gốc đã bị thất lạc cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Chữ Nôm và Quốc ngữ đều là những ký tự giúp đọc tiếng Việt, viết khác nhau nhưng phát âm thì giống nhau. Tìm được khuôn mặt bản Quốc ngữ năm 1820 cũng có nghĩa là đã đọc được bản chữ Nôm trước năm 1820.
Việc phát hành ấn bản đối chiếu này nhằm lôi cuốn giới nghiên cứu chú ý tới một tác phẩm văn chương xuất sắc bằng thể thơ lục bát của người Công giáo Việt Nam vào hậu bán thế kỷ XVII, trước thời đại chúng ta đang sống hơn 350 năm (1670-2023). Đang khi tiếp tục truy tìm nguyên bản bằng chữ Nôm của tác phẩm cũng như bản văn bằng Quốc ngữ đầu tiên của ông Phan Văn Cận, việc xác định được khuôn mặt gần nhất với bản Quốc ngữ đầu tiên đã là một tin vui. Đàng khác những chứng tích trong hai bản chép tay cho thấy những người làm công việc sao chép đều có cung cách hết sức trân trọng nguyên bản. Từ đó, ta có thể suy ra rằng độ chênh lệch giữa nguyên bản chữ Nôm 1670 và bản Quốc ngữ 1820 không đáng kể.
Việc tìm lại bản văn Quốc ngữ đầu tiên của Sấm Truyền Ca cũng sẽ cho thấy mức độ phát triển và khả năng diễn tả trong sáng và đầy tính nghệ thuật của Quốc ngữ cách nay hơn 200 năm (1820-2023) và, hơn nữa, của chữ Nôm cách đây hơn 350 năm (1670-2023). Như thế, Sấm Truyền Ca có thể được coi là một tác phẩm văn chương đáng liệt kê vào danh sách di sản văn học nghệ thuật Việt Nam và góp phần làm phong phú kho tàng văn học nước nhà.
Đối với người Công giáo, việc phát hành ấn bản đối chiếu này cũng cho thấy đây là một tác phẩm hay và có giá trị về phương diện đạo. Việc đối chiếu các bản chép tay cho thấy người xưa đã trân trọng tác phẩm này như thế nào, đến độ họ đã mang nó theo bên mình như một bảo vật trên đường trốn tránh cơn bách hại, đã sẵn sàng bỏ công sức để chép tay và truyền lại cho hậu thế, bất chấp thái độ chống đối của các thừa sai Tây phương. Các bản chép tay chứng tỏ một sự trân trọng rất lớn đối với từng câu từng chữ của tác phẩm. Hơn nữa, trong ấn bản đối chiếu này, không những các bản chép tay được đối chiếu với nhau, mà còn đối chiếu với bản văn Thánh Kinh nữa, qua đó các độc giả có thể thấy được sự trung thành của tác phẩm đối với Thánh Kinh.
Tác phẩm là niềm tự hào của giới học thức Công giáo, cách riêng là các linh mục và tu sĩ nam nữ. Tác phẩm cho thấy sự đóng góp hết sức quí báu của hàng linh mục Việt Nam vào công cuộc truyền giáo và hội nhập văn hóa của Giáo Hội tại Việt Nam. Lữ Y Đoan là một linh mục uyên bác cả về Hán học lẫn Tây học, cả về kiến thức Thánh Kinh lẫn học thuật phần đời. Ngài đã đóng góp biết bao tâm huyết lẫn sức lực để hoàn thành tác phẩm trong một hoàn cảnh thật khó khăn. Các linh mục và tu sĩ trẻ ngày nay nên coi ngài như một mẫu gương tuyệt vời trong việc rao giảng Tin mừng bằng con đường văn hóa và văn học, vốn được người Việt Nam quí trọng và yêu thích. Để được như vậy, cần phải trau dồi tiếng Việt và chú tâm nghiên cứu học thuật nước nhà, trong số đó có những kho tàng Hán Nôm rất đáng trân trọng.
Việc đối chiếu giữa các bản chép tay Tạo Đoan Kinh rồi ra cũng còn gợi lên sự đối chiếu giữa Sấm Truyền Ca với Truyện Kiều. Sấm Truyền Ca ra đời trước Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đến 150 năm. Cả hai có thể có nhiều điểm tương đồng. Thi hào Nguyễn Du mượn một câu chuyện trong kho tàng văn học Trung Hoa để làm bối cảnh xây dựng Truyện Kiều, còn linh mục Lữ Y Đoan đã lấy câu chuyện Thánh Kinh để làm bối cảnh xây dựng Sấm Truyền Ca. Cả linh mục Lữ Y Đoan và thi hào Nguyễn Du đều là những nhà uyên thâm Nho học, tác phẩm của hai vị đều phản ánh sâu đậm nét văn hóa này, tuy nhiên một vị nhìn từ lăng kính Phật giáo, một vị tiếp thu qua nhãn giới Kitô giáo. Truyện Kiều là chứng nhân thi ca đầu thế kỷ XIX, Sấm Truyền Ca là chứng nhân của tiếng Việt cuối thế kỷ XVII. Khá nhiều chuyện lý thú.
Cuối cùng, việc ấn hành tác phẩm Sấm Truyền Ca đối chiếu này cũng nhằm mục đích làm cho nhiều người có cơ hội biết đến giá trị của nó và tích cực tìm kiếm nguyên bản bằng chữ Nôm, bản chuyển ngữ đầu tiên bằng Quốc ngữ, cũng như những bản sao chép tay bằng Quốc ngữ còn lưu lạc đâu đó của phần sau quyển Lập Quốc Kinh, và của cả ba quyển tiếp theo của bộ sách Sấm Truyền Ca.
Tôi xin trân trọng giới thiệu ấn phẩm đối chiếu này đến Quý độc giả gần xa, rất mong tác phẩm được nhiều người quan tâm đón nhận và giới thiệu cho những người quen biết, để càng có thêm nhiều người biết đến tác phẩm này và những giá trị của nó.
Tòa giám mục Qui Nhơn, ngày 05 tháng 8 năm 2023
+Matthêô Nguyễn Văn Khôi Giám mục Giáo phận Qui Nhơn