Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 25 Thường Niên B

Trong đời sống xã hội chức vụ đi liền với địa vị, nó có liên quan tới chỗ ngồi, thường tình ai cũng muốn “ghế” của mình được đặt cao, quyền cao chức trọng là thế, ấy vậy mà trong Kitô giáo con đường đau khổ lại chiếm giữ trung tâm lịch sử ơn cứu độ.  Đó là cuộc tử nạn của Đức Giêsu, được ám tàng nói đến nhiều lần trong Kinh thánh, bàng bạc dưới nhiều hình thức khác nhau, qua nhiều câu chuyện của các nhân vật thời Cựu Ước. 

 

Chẳng hạn Ting mừng Chúa nhật 24B ngôn sứ Isaia đã trình bày Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa bị chể diễu: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu …”, nhà tiên tri tuyên sấm về một chủ thể cá vị, bị lép vế, bị khinh miệt, nhưng kiên vững vì xác tín có Thiên Chúa phù trợ. 

 

Cái khinh miệt tẩy chay và đàn áp không chỉ tuyên sấm cho một cá nhân nhưng cho cả một tập thể, một dân tộc.  Bài sách Khôn Ngoan hôm nay nói đến chủ thể tập thể là dân Do-thái sống lưu vong giữa các dân ngoại mà vẫn trung thành thờ kính Thiên Chúa nên đã bị phường vô đạo chế nhạo: Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó ….  Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm (x. Bài Đọc 1. Kn 2, 12.17-20).  Câu hỏi bật lên là tại sao người sống trung tín với Thiên Chúa lại bị bạc đãi bị hành hạ chèn ép. 

 

Câu trả lời của thánh Giacôbê tông đồ về nguyên nhân sinh ra các thứ hằn học nầy đó lòng ham muốn, ghen tương đố kỵ, sinh ra tranh chấp, gây xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa, đi đến chém giết nhau, “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết, anh em ganh ghét cũng chẳng được gì nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau …”(x. Bài Đọc 2. Gc 3,16-4,3).  Sự độc ác từ bên trong trào ra bên ngoài điển hình qua vụ án của Đức Giêsu.

 

Sách tiên tri Isaia và sách Khôn Ngoan chuẩn bị tâm lý cho chúng ta đón nhận việc Đức Giêsu báo thương khó lần thứ hai: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người ….” (Bài Tin mừng Mc 9,30-37).  Mặc dầu Đức Giêsu nói rõ như vậy mà các môn đệ của Người vẫn “không hiểu lời đó”.  Tâm trí của các ông có vấn đề, họ đang tìm cho mình chỗ đứng tốt nhất, xem: “Ai là người lớn hơn cả”.    
Cái nhìn trần thế ham muốn địa vị, ghen tỵ lẫn nhau, tranh chấp chỗ ngồi, khiến các ông không nhận ra sự thật đau thương mà Thầy các ông sắp bước vào.  Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), hay đúng hơn con người tạo ra thế giới cho riêng mình (Heidegger), thế giới của Đức Giêsu sắp bước vào là thế giới hy sinh chịu chết để cứu chuộc nhân loại, thì hoàn toàn khác với thế giới của các môn đệ đang tranh chấp nhau chỗ ngồi và thứ bậc.  Cái ích kỷ ham muốn quyền bính che lấp tâm trí các môn đệ đến nỗi họ không hiểu được ý nghĩa lời  sấm của Đức Giêsu nói về con đường khổ nạn.

 

“Ai là người lớn hơn cả? vẫn là then chốt của cuộc tranh luận.  Ba lần Đức Giêsu loan báo cuộc tử nạn của Người, Người sẽ bị hạ nhục đến tự hủy ra không.  Các môn đệ cạnh tranh nhau địa vị mà quên đi rằng chính Thầy Giêsu là người lớn nhất, Thầy đã không dành cho mình quyền lực và vinh quang, Thầy không đến để tranh chấp ngôi vị với con người, Thầy đến để phục vụ.  Thật sự con người trần thế khó có thể đón nhận một Thiên Chúa của sự sống, của niềm vui và của hạnh phúc lại có thể đi trên con đường đau thương chết chóc, lại ngồi chỗ hạng bét trong xã hội. 

 

Cái ‘gai’, chất ‘mật đắng’ trong lịch sử cứu độ làm cho môn đệ bỏ rơi Thầy và làm cho nhiều người từ chối Kitô giáo.  Có cái gì đó mâu thuẫn khó đón nhận, khó nuốt trôi khi nghe Đức Giêsu khẳng định: “ Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (c. 35).  Đức Giêsu tái định nghĩa thế nào là làm lớn và Người ban quy luật đó cho những ai bước theo Người.

 

Đứa trẻ mà Đức Giêsu đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ linh hoạt vừa nói lên địa vị rốt hết, vừa nói lên tính đơn sơ và phó thác của trẻ em, chúng không vướng mắc hệ thống toan tính so đo hơn thiệt như người lớn tuổi thường rào trước đón sau.  Các phẩm tính đó cũng là những tư cách cần thiết để vào Nước Trời, đó là đức khiêm hạ, tính chân thật và phó thác tuyệt đối cho Thiên Chúa.  Trở nên trẻ nhỏ không phải là giản lược cung cách hành xử không suy nghĩ của trẻ nít.   Chúng ta học nơi cử chỉ của Đức Giêsu đối với trẻ em đó là sự thân thiện và liên đới với tha nhân trong tôn trọng nhân phẩm con người.

 

Lạy Chúa Giêsu xin mở mắt con để con biết tôn trọng anh em con trong sự nghèo nàn và khốn khổ của họ, những mãnh đời đó phản ảnh chân dung của một Đức Kitô bị bỏ rơi. Amen

Lu-Y Nguyễn Quang Vinh
Lm Kontum Giáo xứ Đức An
WGPKT(18/09/2021) KONTUM