Vài Điểm Nhấn Của Tham Dự Viên Về Các Đề Tài Thuyết Trình Trong Đại Hội Giáo Lý Viên Toàn Quốc Lần 5 (Năm 2017)

Ảnh: giaolyductin.net (2017)

VÀI ĐIỂM NHẤN CỦA THAM DỰ VIÊN VỀ CÁC ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH TRONG ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN 5 

Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc (ĐHGLTQ) lần V diễn ra tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, từ ngày 28 tháng 8 đến ngày 01 tháng 9 năm 2017, với 254 đại biểu gồm 4 giám mục, 105 linh mục, 73 tu sĩ nam nữ và 76 giáo dân nam nữ thuộc 25 giáo phận. Tiếp nối tầm nhìn chung về việc Dạy Giáo Lý theo viễn tượng Loan báo Tin Mừng của ĐHGLTQ lần III (2011), và định hướng Huấn giáo nhằm phục vụ cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin của ĐHGLTQ lần IV (2014), cùng với những chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc Dạy Giáo lý trong “Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại VN năm 2017”, đại hội lần này (2017) đã triển khai chủ đề “Đào tạo Giáo lý viên, con người hiệp thông để loan báo Tin Mừng” với ba chiều kích: Hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người.

Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự bảo trợ của Đức Mẹ Maria, các đại biểu tham dự Đại Hội đã lắng nghe giáo huấn từ quý Đức Cha và cha nguyên tổng thư ký ủy ban Giáolý Đức tin, tất cả đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và nhận ra những VẤN NẠN và MONG ĐỢI sau đây:  

Về đề tài 1: Đào tạo Giáo lý viên, con người của Hiệp Thông để Loan báo Tin Mừng

Với bài thuyết trình khai mở mang tính định hướng, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền giải thích chủ đề của đại hội bằng việc làm sáng tỏ cụm từ “Giáo lý viên, con người hiệp thông” qua ba chiều kích: hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Hội Thánh và hiệp thông với mọi người. Đào tạo Giáo lý viên theo ba chiều kích hiệp thông vừa nêu là nền tảng giúp Giáo lý viên có thể loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả.

Vấn nạn:

Bối cảnh nơi các cộng đoàn giáo xứ thường thấy thiếu sự hiệp thông và hiệp nhất giữa các tương quan: Cha xứ và Giáo lý viên, Giáo lý viên và phụ huynh cũng như giữa các Giáo xứ với nhau. Nguyên do là thiếu sự hiệp thông với Thiên Chúa trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, tham dự phụng vụ; với Hội Thánh trong sự vâng lời, cộng tác; với mọi người trong việc lưu tâm chuẩn bị bài giáo lý, thiếu quan tâm đến hoàn cảnh của học viên để truyền đạt cho phù hợp, thiếu trách nhiệm vì coi việc dạy giáo lý là phục vụ không công, không lương nên dễ dàng bỏ lớp, bỏ dạy.

Bối cảnh xã hội Việt Nam đang tràn ngập sự giả dối và vô cảm. Tương quan trong xã hội thường không lấy lương tâm chân chính và sự thật làm thước đo cho suy nghĩ và hành động của mình. Tương quan theo kiểu cá lớn nuốt cá bé và chạy theo lợi ích cá nhân đang thống trị hơn là tương quan của tình thương trong chân lý. Việt Nam có số người ngoài Công giáo chiếm hơn 92% dân số, trong đó người nghèo đa phần rất đông. Việc đưa Tin Mừng hội nhập vào văn hóa và sống bác ái nơi giáo dân và cả Giáo lý viên còn hạn chế.

Các phương pháp đào tạo Giáo lý viên hiện nay còn chú trọng nhiều đến kiến thức và khả năng truyền đạt. Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý 2017 hướng đến hiệp thông, giúp nhận thức đúng, cao, sâu và xa hơn: không còn là chuyện dạy và học thuộc giáo lý, mà cả Giáo lý viên lẫn học viên đều cùng tìm gặp Thiên Chúa, đón nhận Thiên Chúa.

Số Giáo lý viên thường giảm dần vì thiếu “không gian – sân chơi – môi trường sống hiệp thông”. Tình gia đình, tình hiệp thông huynh đệ giữa các Giáo lý viên ít được coi là cần thiết để tạo động lực thôi thúc Giáo lý viên dấn thân trong ơn gọi Tông đồ.

Mong đợi:

Cần mở rộng, đào sâu đào tạo mối tương quan với 3 chiều kích: với Chúa, với Giáo Hội và với mọi người. Chiều kích hiệp thông với Chúa là nền tảng cần thiết và nguồn gốc rất quan trọng để Giáo lý viên được biến đổi hầu có thể giúp biến đổi những người xung quanh. Hiệp thông với Thiên Chúa là điều kiện cần nhưng còn phải hiệp thông với Hội Thánh và tha nhân là điều kiện đủ và trọn vẹn để có thể sống và làm chứng Tin Mừng hơn là chỉ hiểu biết Tin Mừng.

Cần đào tạo đủ chuyên môn Kinh Thánh, Thần học, Tâm lý xã hội, Giáo dục, Truyền thông và Sư phạm; đào tạo cách toàn diện với 4 chiều khích: nhân bản, thiêng liêng, tri thức, tông đồ.

Hiện nay chưa có chương trình đào tạo Giáo lý viên sống hiệp thông, nên cần có một chương trình và mô hình đào tạo chi tiết và cụ thể hơn là các hướng dẫn chung.

Đòi hỏi cha xứ phải nêu gương hiệp thông: biết dung hòa, biết tôn trọng theo một đường lối giáo lý chung của giáo phận. Các cha cần thể hiện sự hiệp thông với Giáo lý viên bằng sự quan tâm đến việc dạy giáo lý, tránh sự bất cập: có cha thì khoán trắng cho Giáo lý viên giáo dân và tu sĩ, có cha thì không dám giao cho ai và luôn gắt gao đòi hỏi nếu có Giáo lý viên thì phải có đủ trình độ hết lớp 12 trở lên.

Cần có một đường lối giáo lý chung trong giáo phận và khích lệ quý cha theo đường hướng chung. Cũng cần có một chương trình giáo lý chung cho tất cả các giáo phận để tạo sự dễ dàng cho học viên giáo lý.

Giáo lý viên và Huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể phải kết hợp với nhau để làm việc, không gây chia rẽ trong các học viên giáo lý.

Về đề tài 2: Đào tạo Giáo lý viên hiệp thông với Thiên Chúa

Bài thuyết trình của Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo khai triển chiều kích hiệp thông với Thiên Chúa. Con người được Thiên Chúa tạo dựng tự bản tính có khả năng hiệp thông với Thiên Chúa và không ngừng khát khao Ngài. Sự hiệp thông được thể hiện qua các đặc tính: tham dự, kết hiệp, thuộc về, chung nguồn sống. Ba nẻo đường dẫn vào sự hiệp thông với Thiên Chúa là (1) cởi trói (via purgativa), (2) mở mắt và nhìn (via illuminitiva), (3) hiệp nhất (via unitiva).

Vấn nạn:

Trong giảng dạy, Giáo lý viên thiếu đời sống nội tâm nên nói nhiều, phô diễn tài năng, chủ yếu sinh hoạt náo động mà thiếu giờ thinh lặng, lắng đọng để cầu nguyện, và để giúp học viên nghe được tiếng Chúa.

Khi dạy Giáo lý, Giáo lý viên ít chú trọng đến việc giúp học viên sống tương quan hiệp thông với Thiên Chúa mà chỉ cung cấp nội dung giáo lý để lãnh Bí tích.

Mong đợi:

Giáo lý viên cần xét mình để nhận ra thực trạng đời sống của mình trong khi thi hành sứ vụ. Điều này đòi hỏi Giáo lý viên phải quay trở lại với Chúa, gặp gỡ Chúa qua việc suy gẫm để nội tâm hóa sứ điệp Lời Chúa, gắn bó với Chúa qua lời nguyện tắt, học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa (Lectio Divina), thêm lòng yêu mến Chúa.

Trong các biến cố cuộc sống, Giáo lý viên cần tìm và thực hiện thánh ý Chúa trong đời sống thường ngày bằng việc kết hợp với Chúa: nghĩ, muốn và làm như Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.

Giáo lý viên cần truyền đạt kinh nghiệm thiêng liêng giúp học viên gặp gỡ Chúa, đặc biệt qua phụng vụ, các việc đạo đức bình dân, nhất là Thánh lễ và các Bí tích. Giáo lý viên cần hiểu biết và thực hành 10 điều tâm niệm của phong trào ThiếuNhi Thánh Thể để hỗ trợ việc sống hiệp thông với Chúa.

Về đề tài 3: Đào tạo Giáo lý viên hiệp thông với Hội Thánh

Bài thuyết trình của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trình bày chiều kích hiệp thông với Hội Thánh qua mô hình Giáo Hội tham gia, với 6 đặc tính: (1) tập trung vào Chúa Kitô, (2) cộng đoàn bình đẳng, (3) cộng đoàn đồng trách nhiệm, (4) cộng đoàn mà mỗi người cảm nhận mình thuộc về Giáo Hội, (5) cộng đoàn mà mỗi người đều góp phần vào sứ mạng chung, (6) cộng đoàn với tầm nhìn vượt xa bên ngoài để gặp gỡ hơn là đóng khung trong bức tường Giáo Hội. Như thế, Giáo lý viên tham gia việc dạy giáo lý như một sứ vụ trong Giáo Hội, với tinh thần trách nhiệm truyền thông đức tin, và sự hiệp thông với mọi người, đặc biệt là với cha xứ, với các Giáo lý viên khác và với các học viên.

Vấn nạn:

Giáo lý viên chưa ý thức sứ mạng của mình là một ơn gọi nên việc dạy giáo lý thường theo cảm xúc, thiếu trách nhiệm; dạy giáo lý hiểu như một công việc mà Cha xứ giao để giúp Cha.

Tương quan của Giáo lý viên với Cha xứ: Cha xứ chưa đồng hành và chưa quan tâm đủ đến Giáo lý viên.

Tương quan của Giáo lý viên với học viên: Giáo lý viên phần lớn chỉ quan tâm chuyển tải kiến thức mà thiếu quan tâm đến đời sống và hoàn cảnh của học viên: Giáo lý viên là Thầy mà chưa là Mẹ.

Tương quan của Giáo lý viên với Phụ huynh học viên: Phụ huynh đa phần chú trọng đến bằng cấp xã hội hơn là đời sống tâm linh của con mình; đến khi con tới tuổi lãnh nhận Bí tích thì gây áp lực cho Giáo lý viên.

Tương quan của Giáo lý viên với nhau có vấn đề do chênh lệch về tuổi tác, kiến thức, kinh nghiệm sống đức tin nên có những ganh tị, bất đồng, gây gương xấu trong môi trường giáo lý.

Mong đợi:

Cần giúp Giáo lý viên nhận thức đây là một ơn gọi Chúa dành riêng cho mình trong việc thực thi sứ mạng ngôn sứ của Đức Kitô để biết trân quý ơn gọi và thêm lòng khao khát đáp lời mời gọi của Chúa.

Mong các Cha xứ tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, về huấn luyện; nhất quán trong chương trình giáo lý, tổ chức tĩnh tâm cho Giáo lý viên; có một sự đồng hành yêu thương, tương trợ: thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ và bác ái trong mọi sự.

Giáo lý viên cần quan tâm, nhạy cảm đến tâm lý các học sinh cá biệt để xây dựng tương quan thân ái. Giáo lý viên cần được đào tạo có khả năng dạy giáo lý cho những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Cần đào tạo giúp Giáo lý viên biết cách kết nối và tổ chức hội Phụ huynh để hỗ trợ Giáo lý viên trong việc giáo dục đức tin cho con em mình.

Cần đào tạo Giáo lý viên biết cảm thông, chia sẻ và hợp tác trong việc thi hành sứ vụ của mình trong giáo xứ.

Về đề tài 4: Đào tạo Giáo lý viên hiệp thông với mọi người

Đức cha Giuse Nguyễn Năng trình bày chiều kích hiệp thông với mọi người. Hiệp thông (communio),  hiểu như “sự kết hợp cá vị của từng Kitô hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa”, là nguồn suối của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau và với mọi người, thể hiện cụ thể qua việc đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn và đối thoại với mọi người.

Đối thoại Đại kết: với các Giáo Hội Tin Lành tại Việt Nam

Vấn nạn:

Làm sao chúng ta có thể đối thoại với anh em Tin Lành tại Việt Nam khi

* Về phía chúng ta: còn yếu về Kinh Thánh, cầu nguyện và hăng say loan báo Tin Mừng.

* Về phía anh em Tin Lành: còn có những thái độ quá khích, tấn công, chiêu dụ người công giáo.

Mong đợi

* Cần giúp Giáo lý viên hiểu rõ và đầy đủ niềm tin Công giáo và những điểm chung với anh em Tin Lành.

* Gia tăng kiến thức về Kinh Thánh, Lịch sử Giáo Hội, Đại kết.

Đối thoại Liên tôn và với các tôn giáo ngoài Kitô giáo

Vấn nạn

* Chưa có một cái nhìn tích cực về các tôn giáo bạn và thiếu sự quan tâm mở rộng tấm lòng, vòng tay đối với các tôn giáo bạn. Người Công giáo chưa quan tâm đến “Chân, Thiện, Mỹ” trong các tín ngưỡng, Đạo Ông bà và việc thờ cúng tổ tiên.

* Thái độ “độc quyền chân lý và ơn cứu độ” của phía chúng ta (Công Giáo).

* Còn nhiều thành kiến từ quá khứ: “Đạo Tây”, “theo đạo là bỏ ông bà”.

Mong đợi

* Cần có chương trình giới thiệu các tôn giáo, nêu rõ những gì là “mầm ân sủng “ (Semen Verbi) nơi các tôn giáo, đặc biệt Đạo Trời và “Đạo Hiếu”. Đạo Hiếu và việc thờ kính ông bà tổ tiên góp phần cho công cuộc Phúc âm hóa; đây là điểm thuận lợi cho việc dạy Giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân.

* Cần giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn về các tôn giáo khác với những điểm chung, những khác biệt về chân lý và ơn cứu độ.

* Tổ chức những cuộc thăm viếng, giao lưu và cộng tác hoạt động bác ái, xã hội chung.

* Đặc biệt chăm sóc các dự tòng, các gia đình tân tòng để họ trở thành những tác nhân xây dựng nhịp cầu hiệp thông với chính gia đình bà con còn chưa biết đạo.

* Chuẩn bị tinh thần và lối sống của các gia đình bên công giáo kết hôn với người khác đạo hay gia đình bên chồng/vợ chưa biết Kitô giáo: sống gương mẫu và yêu thương, tôn trọng và hòa đồng trong mức có thể

​Đối thoại với mọi người trong xã hội

Vấn nạn:

* Người Công giáo còn đóng khung trong sinh hoạt nhà thờ, chưa ý thức đến trách nhiệm xã hội, sứ mạng của người giáo dân đối với việc “thánh hóa” môi trường trần thế.

* Khoảng cách còn xa giữa người Công giáo và anh em “vô thần”, người Cộng sản, thường có thái độ bất khoan dung…

Mong đợi

* Khích lệ mở rộng tương quan với mọi người trong xã hội và môi trường: thăm viếng, chúc Tết, tận dụng dịp hôn nhân, tang chế.

* Giúp các Giáo lý viên hiểu biết cặn kẽ về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, về tông huấn Laudato Si’.

 

Về đề tài 5: Đào tạo Giáo lý viên, chứng nhân niềm vui Tin mừng

Với bài thuyết trình cuối cùng, Đức Cố Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc nêu lên ba điều kiện để có thể trở nên chứng nhân của niềm vui Tin Mừng: biết Kinh Thánh và thần học, lòng mến Chúa yêu người, hiểu nội dung và sư phạm giáo lý. Ba điều kiện trên phải luôn được canh tân trong Chúa Thánh Thần, nguồn suối của niềm vui đích thực. Với Chúa Thánh Thần, người Giáo lý viên sẽ loan báo Tin Mừng với lòng nhiệt huyết, vui tươi, hấp dẫn, quảng đại, yêu thương vô bờ.

Sau khi lắng nghe tư tưởng chủ đạo của tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đại hội thảo luận tập trung về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc đào tạo Giáo lý viên cũng như trong việc làm chứng. Trong đời sống cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, Chúa Thánh Thần là thầy dạy chân lý dẫn Giáo lý viên đến Sự Thật toàn vẹn là Chúa Giêsu Kitô. Giáo lý viên phải luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.    

Vấn nạn

Nhiều lúc chúng ta quên hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời ta, trong công việc ta làm, ý riêng của ta làm cản trở ơn Chúa Thánh Thần.

Làm sao vượt qua những khó khăn, những đau khổ luôn có trong sứ vụ của Giáo lý viên.

Cuộc sống trở nên còi cọc khi sống cô lập và dễ dãi, có khi chúng ta bị cám dỗ chỉ hạnh phúc nếu có rất nhiều điều kiện để vươn lên. Xã hội kỹ thuật tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui nơi những người nghèo.

Mong đợi:

Giáo lý viên cần đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần khi tìm hiểu Kinh Thánh và suy tư thần học để thấy sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong suốt lịch sử cứu độ và cho đến hôm nay. Ngài luôn hiện diện, kêu gọi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng; Ngài luôn ban ơn, nâng đỡ và dẫn dắt và canh tân mọi hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Thánh Thần là thành thầy dạy chân lý, dẫn chúng ta đến chân lý toàn vẹn là Chúa Giêsu Kitô, Đấng giải thoát chúng ta. Đó là niềm vui đích thật mà người Giáo lý viên luôn là chứng nhân.

Cầu nguyện giúp Giáo lý viên xác tín rằng niềm vui luôn có ngay cả trong gian truân thử thách và đau khổ trong sứ vụ; niềm vui ấy không bao giờ bị dập tắt, chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô bờ bến. Chúa sẽ ban cho chúng ta đủ sức để có thể cảm hóa người nghe; chính Chúa sẽ giúp người nghe nhận ra chân lý đức tin và chuyển hóa họ hiểu biết và yêu mến Ngài. Cầu nguyện cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến tâm tình thờ lạy, cảm tạ, ngợi khen, tôn vinh, tạ lỗi và xin ơn lành của Chúa.

Chúng ta cần phải nhận ra rằng Lời Chúa là linh hồn, là nguồn mạch và là nền tảng cho mọi việc làm và cả cuộc sống của Giáo lý viên. Giáo lý viên phải tâm niệm rằng: “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.”

Tác giả: Lm. Đaminh Phạm Minh Tiến
WGPKT(18/09/2021) KONTUM