Các nghiên cứu mới đây về Lòng Biết ơn đã cho thấy vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống của con người. Năm 2006, các nhà tâm lý học, ông Nansook Park và Christopher Peterson, đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về những cách biểu tỏ sức mạnh nơi trẻ em, và họ đi đến kết luận rằng lòng biết ơn chính là điều giúp làm cho cuộc sống của các em được ổn định và hạnh phúc.
Không chỉ nơi trẻ em, các nhà nghiên cứu còn cho biết những thiếu niên nào (tuổi từ 11 đến 13) có lòng biết ơn, thì so với những em cùng trang lứa mà ít có lòng biết ơn, thì những thiếu niên đó vẫn có cuộc sống vui tươi hơn, lạc quan hơn, có được những sự hỗ trợ xã hội tốt hơn, hài lòng hơn trong tương giao với gia đình, trường học, cộng đồng, bạn bè, và cả chính với chúng nữa. Ngoài ra, chúng còn biết giúp đỡ những người khác.
Còn với những em tuổi từ 14 đến 19, những em có lòng biết ơn thì vẫn hài lòng hơn trong cuộc sống, biết sử dụng sức mạnh của mình để làm điều tốt cho cộng đồng, tham gia vào các công tác và các sinh hoạt ở trường, đạt điểm cao trong học tập, ít ganh tỵ với người khác, ít cảm thấy bị áp bức hoặc bị lệ thuộc vào những gì là vật chất.
Vậy câu hỏi được nêu ra ở đây: làm để nào để giúp các con cái có lòng biết ơn? Lòng biết ơn nảy sinh từ những mối tương giao tình thương và lớn lên từ đó. Khi cha mẹ biết bày tỏ và đáp ứng nhu cầu yêu thương của con cái, thì họ đang gieo những hạt giống của lòng biết ơn nơi chúng. Dưới đây là những yếu tố quan trọng để giáo dục và nuôi dưỡng lòng biết ơn nơi con cái:
Nêu gương và dạy lòng biết ơn
Con cái thường nhìn lên các bậc cha mẹ để noi gương bắt chước. Vì thế, cha mẹ hãy nêu gương cho con cái về lòng biết ơn: qua lời nói, thư từ, những món quà nho nhỏ, những hành vi đối xử… đều là những cách thế để dạy con cái có lòng biết ơn. Điều này không chỉ nhằm công khai đánh giá cao những điều thiện trong cuộc sống, nhưng còn cho con cái biết chúng đang được sống giữa những ơn phúc của gia đình, của xã hội, và biết ơn là một thái độ cần phải có. Cha mẹ cần giúp con cái biết thán phục và đánh giá những điều tốt lành chúng nhận được từ người khác: Giá trị của những điều tốt lành chúng nhận được, thiện ý của người trao ban và cái giá mà họ phải trả trong những việc đó. Điều này giúp các trẻ em biết suy nghĩ với lòng biết ơn.
Dành thời gian ở với con cái và nhắc nhở chúng
Trẻ em và ngay cả các em thiếu niên, đều thích được ở với cha mẹ. Hãy dành nhiều thời gian cho con cái và dạy chúng về ngôn ngữ tình yêu vốn là một món quà lớn nhất trong cuộc sống. Hãy kiếm những thời gian để gia đình quy tụ và sinh hoạt chung, trong đó biểu tỏ những mối tương giao tình yêu với nhau, đặc biệt là quan tâm tới việc thăng tiến lòng biết ơn và những lối ứng xử luân lý. Hãy dứt khoát loại bỏ những bận tâm khác như những cuộc điện thoại làm ăn, hay lướt web với các smartphone, laptop, máy tính bảng… để dành trọn vẹn những giây phút này cho con cái.
Giúp con cái biết tự lập
Hãy giúp con cái biết sống tự lập. Điều này sẽ giúp thăng tiến những mối tương giao trong gia đình, bầu khi trong gia đình, và giúp con cái biết vận dụng tất cả sức lực và tài năng của chúng. Khi biết vận dụng những tài năng và ý thức việc phải tự thăng tiến bản thân, các trẻ sẽ biết đánh giá cuộc sống, có được những sự trợ giúp từ người khác, và nuôi dưỡng lòng biết ơn trong cuộc sống. Với các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay, hãy giúp con cái biết sử dụng và hướng tới những tương giao xã hội tích cực và sự thăng tiến bản thân.
Biết dùng những điểm mạnh của con cái để xây dựng lòng biết ơn
Một khi đã biết được những điểm mạnh và khả năng của con cái, các bậc cha mẹ hãy khích lệ và giúp chúng biết sử dụng những sức mạnh và khả năng này khi có thể. Không chỉ tìm những cơ hội để con cái mình được thăng tiến, nhưng còn giúp chúng kiện cường những khả năng đó qua việc giúp đỡ và cộng tác với người khác. Tất nhiên điều này sẽ kiện cường lòng biết ơn và sự tử tế của chúng hơn.
Giúp chú tâm và hỗ trợ con cái đạt được những mục tiêu nội tại
Với các người trẻ, thì không khó để hướng chúng tới những mục tiêu ngoại tại như mong muốn và cố gắng đạt được những giá trị của giầu sang, địa vị, hay những điều tương tự như thế. Tuy nhiên, việc này lại đưa chúng đến việc coi thường hoặc thậm chí bỏ qua những bổn phận tương quan với xã hội, gầy dựng mối tương giao thâm sâu với tha nhân và có lòng biết ơn chân thực. Thế nên, công việc của cha mẹ là giúp con cái theo đuổi những mục tiêu nội tại như việc tham gia vào những hoạt động nhằm thăng tiến cộng đồng, sự liên kết và tương giao, ý thức sự thuộc về gia đình và cộng đồng xã hội… mà qua đó lòng biết ơn được kiện cường qua chính những sự dấn thân của chúng. Ngoài ra, cha mẹ nên có những lời khen ngợi và khích lệ con cái trước sự dấn thân của chúng như thế.
Khích lệ việc giúp người khác và nuôi dưỡng tình liên đới
Giúp đỡ tha nhân và biết sống quảng đại là 2 yếu tố chính để giúp giáo dục con cái có lòng biết ơn. Khi con cái biết dùng những khả năng của chúng để giúp đỡ tha nhân, chúng sẽ cảm nhận thấy mối liên hệ với những người đó. Hệ quả của việc giúp đỡ này là việc phát triển và nuôi dưỡng tình bằng hữu, những mối tương giao. Như thế, cha mẹ hãy giúp con cái biết nghĩ đến người khác, cám ơn người khác, biết tích cực cộng tác, giúp đỡ và trao ban.
Giúp các trẻ tìm ra những vấn đề của chúng
Việc hướng tới mục đích của cuộc sống giúp con cái cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Cha mẹ hãy giúp con cái có những đam mê, những giá trị, những ước mơ trong cuộc sống và tìm cách đạt được chúng. Điều này khởi đi với việc nuôi dưỡng mối quan tâm của chúng về những vấn đề xã hội, thúc đẩy chúng học hỏi bao có thể về những vấn đề đó và tìm cách đạt được chúng với óc sáng tạo. Cảm thức sâu xa nhất về lòng biết ơn đến từ việc liên kết với một bức tranh lớn hơn, toàn diện hơn, tới những vấn đề của người khác và tìm cách thực hiện chúng như một sự góp phần vào xã hội.
Giúp trẻ có lòng biết ơn không chỉ là một vấn đề của gia đình, nhưng còn là của xã hội. Xã hội rất cần có những con người có lòng biết ơn. Các bậc cha mẹ hãy giúp con cái không chỉ trở thành những người trưởng thành tốt lành trong đời sống, mà còn là những người biết quan tâm thăng tiến và góp phần vào xã hội, vào thế giới.