Cha Alain Thomasset, s.j., giáo sư thần học luân lý tại Khoa Loyola Paris, cho rằng Tuyên ngôn về phẩm giá con người được Vatican công bố vào thứ Hai ngày 8/4/2024, trong khi lấy lại giáo huấn học thuyết của Giáo hội, đã mang lại những khác biệt hữu ích giữa nhiều ý nghĩa về phẩm giá vốn đang gây nhầm lẫn ngày nay.
La Croix: Lời lẽ của bản văn này có mới không? Nếu có, theo Cha, tính mới mẻ của nó hệ tại ở điều gì?
Cha Alain Thomasset: Về tổng thể, bản văn nhắc lại học thuyết của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II, coi việc tôn trọng phẩm giá con người là nguyên tắc nền tảng của đạo đức, nền tảng của nhân quyền và là điều kiện của bất kỳ xã hội công bằng và hòa bình nào. Tính mới mẻ của nó nằm ở chỗ giải thích thuật ngữ này, để tránh nhầm lẫn, và mô tả những vi phạm khác nhau đối với phẩm giá này.
La Croix: Nó có khác với cách tiếp cận của các Đức Giáo hoàng tiền nhiệm không? Đâu là dấu ấn đặc trưng của Đức Thánh Cha Phanxicô ?
Cha Alain Thomasset: Bản văn này nằm trong đường hướng của các Đức Giáo hoàng trước đây (đặc biệt là thông điệp Evangelium vitae và thông điệp Sollicitudo rei socialis của Đức Gioan Phaolô II, hay thông điệp Caritas in veritate của Đức Bênêđíctô XVI), nhưng chúng ta có thể nhận ra dấu ấn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc nhấn mạnh tập trung vào các cuộc tấn công vào phẩm giá con người trong thảm cảnh nghèo đói, tình trạng người di cư, bạo lực đối với phụ nữ, nạn buôn người hay chiến tranh. Rất nhiều chủ đề mà Đức Thánh Cha muốn thấy đã được bổ sung vào dự án đầu tiên của Bộ và được đặt lên hàng đầu.
La Croix: “Mặc dù sự nhạy cảm ngày càng tăng đối với chủ đề phẩm giá con người đã lan rộng,” như bản văn nói, nhưng tại sao cần phải tái khẳng định phẩm giá “vô hạn”, “bất khả tước bỏ”, “vô điều kiện” của mỗi con người ngày nay?
Cha Alain Thomasset: Phẩm giá nhân vị bị đe dọa theo nhiều cách mới và khác nhau. Đối mặt với sự phân biệt kỳ thị hoặc sự chối bỏ của xã hội (người khuyết tật, người già, trẻ sơ sinh, người sắp chết, v.v.), cần phải nhớ rằng phẩm giá không gắn liền với vẻ bề ngoài hay các khả năng, nhưng được ban tặng cùng với sự sống. Chẳng hạn, sự phân biệt được đưa ra trong tài liệu giữa “phẩm giá hữu thể” (nội tại, gắn liền với sự kiện hiện hữu) và “phẩm giá hiện sinh” (kinh nghiệm sống của con người hoặc sự đánh giá cao của xã hội về phẩm giá), cho phép tránh nhầm lẫn khi chúng ta nói về “chết trong phẩm giá” và biến nó thành một lập luận thường được sử dụng cho việc trợ tử hoặc an tử.
Đối mặt với những vi phạm vốn đã nổi tiếng (bạo lực, nghèo đói, phá thai, chiến tranh, v.v.), những hình ảnh mới xuất hiện, đặc biệt với những vấn đề do công nghệ kỹ thuật số đặt ra, những chuyển đổi về giới tính và, nói chung, pháp luật có xu hướng thúc đẩy các quyền cá nhân chủ quan, tách biệt với việc xem xét những gì chung cho toàn thể nhân loại, và khỏi chiều kích tương quan của nhân vị. Quyền tự do được thực hiện để thể hiện phẩm giá này không mang tính chất tự quy chiếu và mang tính cá nhân chủ nghĩa, nhưng để phục vụ người khác và công ích.
La Croix: Bản văn này có thể mở ra những thay đổi về sau liên quan đến một số điểm học thuyết không?
Cha Alain Thomasset: Sự phân biệt giữa các ý nghĩa khác nhau của phẩm giá (hữu thể học, luân lý, xã hội, hiện sinh) là một đóng góp thú vị đáng được mở rộng. Chúng hoàn thiện học thuyết của Giáo hội để tránh những nhầm lẫn về ngôn ngữ, một điều rất thường xảy ra ngày nay.
La Croix: Bản văn này có thể khuyến khích công việc của các nhà thần học về một số chiều kích mà ngày nay ít được quan tâm, chẳng hạn như bạo lực kỹ thuật số không?
Cha Alain Thomasset: Lĩnh vực về bạo lực kỹ thuật số là một điểm độc đáo đáng được nghiên cứu thần học: điều này sửa đổi mối quan hệ của chúng ta với thời gian, không gian, với các mối quan hệ, với thân xác như thế nào? Tương tự như vậy đối với sự chuyển đổi giới tính và lý thuyết về giống. Làm thế nào quan tâm đến những khó khăn thực sự mà mọi người đang trải qua trong khi bảo vệ phẩm giá của mỗi người trong số họ? Làm thế nào cũng tính đến hoàn cảnh của những người đồng tính luyến ái? Trái lại, tôi ngạc nhiên khi không thấy xuất hiện những vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Sinh thái cũng ít được đề cập.
La Croix: Nghĩ gì về việc đề cập đến các vụ lạm dụng trong bản văn này: liệu nó quá ít hay đã rất quan trọng khi chủ đề xuất hiện như thế trong một văn bản huấn quyền thuộc loại này?
Cha Alain Thomasset: Điều quan trọng là tài liệu của Bộ nói về vấn đề lạm dụng vì cuộc tấn công vào phẩm giá con người này xảy ra trong Giáo hội và chúng ta luôn gặp khó khăn trong việc đo lường nó. Bản văn, mặc dù ngắn gọn, nhấn mạnh một cách đúng đắn sự kiện rằng các vụ lạm dụng gây ra tổn thương suốt đời. Nó cho phép tập trung sự chú ý vào các nạn nhân, trong khi trước đây cái nhìn của Giáo hội chủ yếu tập trung vào hành vi của kẻ tấn công.
Việc tài liệu nhấn mạnh đến chiều kích tương quan của quyền tự do của chúng ta cũng sẽ cho phép trình bày lại đạo đức tính dục và gia đình theo hướng tránh lý tưởng hóa quá mức – một nguồn bạo lực tiềm tàng – và coi trọng sự tôn trọng và công lý trong các mối quan hệ.