Cử Hành Thánh Thể: Bài 37 – Vinh Tụng Ca Cuối Cùng

Sau các lời chuyển cầu cho người sống và người đã qua đời, tư tế kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể bằng việc xướng Vinh tụng ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.

WHĐ (24.06.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

BÀI 37: VINH TỤNG CA CUỐI CÙNG

I/ NGHI THỨC 

Sau các lời chuyển cầu cho người sống và người đã qua đời, tư tế kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể bằng việc xướng Vinh tụng ca: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”. Tiếp đó, cộng đoàn phụng vụ cùng nhau tán đồng và kết thúc bằng lời tung hô “Amen” (x. QCSL 79h).

II/ LỊCH SỬ – Ý NGHĨA

1/ Câu xướng

Vinh tụng ca được dịch từ tiếng Hy Lạp là doxologia. Chữ này bởi doxa có nghĩa là vinh quang và logos nghĩa là lời. Như vậy, doxologia là “lời về vinh quang”, tức là một công thức cử hành vinh quang Thiên Chúa, dành mọi vinh quang và danh dự cho Thiên Chúa là Cha toàn năng. Những công thức này có nhiều trong Thánh Kinh (x. Rm 11,36; 16,25; Gl 1,3-5; Tm 17) và trong cử  hành phụng vụ Thánh lễ ngay từ thế kỷ II, thậm chí từ thế kỷ I.[1] Các Vinh tụng ca chính trong phụng vụ là: (1) “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời” sau kinh Khấn xin của kinh Lạy Cha; (2) “Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa…” kết thúc các Thánh vịnh trong các Giờ kinh Phụng vụ; (3) Đoạn cuối cùng trong các thánh thi; (4) Kinh Vinh danh trong Thánh lễ và kinh Te Deum cũng được gọi là những Vinh tụng ca; (5) Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể của Thánh lễ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.” Vinh tụng ca này có thể được coi như là đỉnh cao nhất của Thánh lễ.[2]

Theo tập tục của Đông phương, những lời chúc tụng được dâng lên trực tiếp cho Ba Ngôi một cách đồng đều đúng như những bản thảo thần học hồi thế kỷ IV, nghĩa là Ngôi Cha và Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đều có quyền năng và vinh dự như nhau: “Sáng danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng.[3] Công thức trên là kết quả của các cuộc tranh luận về thần học Chúa Ba Ngôi trong những Công đồng đầu tiên của Hội Thánh. Rôma lại có một truyền thống thực hành khác, những lời chúc tụng được dâng lên Chúa Cha, nhờ, với và trong Chúa Kitô, cũng như trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, tức khẳng định vai trò của Đức Kitô, là Thượng Tế cao vời cùng là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại (x. Hr 8,1; 9,24; Ep 1,10).[4] Đây không phải là sự khác biệt với thần học bên Đông phương bởi vì Tây phương luôn nhấn mạnh Ba Ngôi Thiên Chúa nhận một uy quyền như nhau. Có lẽ Hội Thánh La-tinh muốn cho thấy lời tôn vinh chỉ mang ý nghĩa đích thực khi liên kết với Chúa Kitô, và lời tôn vinh chỉ có thể cất lên nhờ Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất giữa Ba Ngôi và giữa muôn loài thọ tạo trong Đức Kitô (x. Ep 4,2).[5]

Trong bốn Kinh nguyện Thánh Thể hiện nay, Lời chuyển cầu cuối cùng được nối liền với Lời chúc vinh bằng cách quy hướng về sự trung gian của Chúa Kitô, tuy mỗi kinh có những sắc thái khác nhau: (1) Kinh nguyện Thánh Thể II là kinh ngắn nhất, nên câu chuyển cũng đơn giản nhất: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa”; (2) Kinh có câu chuyển tiếp đầy đủ nhất là Lễ quy Rôma: “Lạy Chúa, nhờ Người, Chúa hằng sáng tạo, thánh hoá, ban sinh lực, giáng phúc và phân phát cho chúng con tất cả những lễ vật này”; (3) Kinh nguyện Thánh Thể III và IV cũng có những câu giông giống câu của Lễ quy Rôma: “Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con, nhờ Người Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian (III); Nhờ Người, Cha rộng ban mọi ơn lành cho thế gian (IV).[6]

Câu chuyển tiếp này giúp chúng ta hiểu rằng mọi thứ Chúa Cha ban cho chúng ta đều qua Đức Giêsu, và tất cả chúng sẽ được quay về Chúa Cha theo cùng một cách, tức là đều qua Đức Giêsu. Tuy nhiên việc ban xuống và quay về sẽ không xảy ra nếu không có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Chính trong sự hợp nhất của Ngài trong Ba Ngôi Thiên Chúa mà tất cả sẽ được nhận biết.[7]

Câu “Chính nhờ Người/Đức Kitô, [cùng] với Người/Đức Kitô và trong Người/Đức Kitô” làm chúng ta liên tưởng tới Đức Kitô bị treo trên thánh giá, nơi Ngài tự hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại và cũng là nơi làm vinh danh Chúa Cha.[8] Câu “Chính nhờ Người, với Người và trong Người….”  có nghĩa là tất cả mọi danh dự và vinh quang đều được dâng lên Chúa Cha nhờ chính Chúa Kitô. Nhờ chính Chúa Kitô, vì Người là Thượng Tế cao cả và là Đầu của Hội Thánh, là Thủ lãnh của nhân loại đã được cứu chuộc và của toàn thể muôn loài trong trời đất (x. Ep 1,10), lúc này cả cộng đoàn được cứu chuộc đang ở quanh Người, sẽ cùng hợp nhất với Người và trong Người để tôn vinh Chúa Cha trên trời.[9] Không phải ngẫu nhiên mà Vinh tụng ca được xếp đặt ở phần kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể và cũng không phải ngẫu nhiên mà Vinh tụng ca ở dạng khẳng định/chỉ thị chứ không phải dạng ước mong hay thỉnh cầu. Bởi vì Hội Thánh vào lúc này đang ở trước bàn thờ để cung kính dâng lên Chúa Cha Mình bị nộp và Máu đổ ra của Chúa Kitô, Đấng đã hành động vì vâng phục thánh ý Chúa Cha cùng với tình yêu vô biên dành cho nhân loại; và Chúa Cha đang ở đây để thực sự tiếp nhận mọi vinh quang và danh dự. Thời khắc này, những lời của Malakhi 1,11 được hoàn tất: “Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân.”[10] 

Trong nghi lễ phụng vụ dành cho Đức Giáo hoàng ngày xưa, việc nâng Mình và Máu Thánh lên khi đọc Vinh tụng ca là một trong những cử chỉ cổ xưa nhất trong Kinh nguyện Thánh Thể theo truyền thống Rôma và có nguồn gốc từ nghi lễ trong Cựu Ước thuộc về nghi thức tiến dâng của lễ lên trước nhan Chúa (x. Xh 29,24.26; Lv 14,12.24; Ds 5,25).[11] Việc “nâng cao”/ “đại nâng cao” mà hiện nay chỉ là trưng ra Mình/Máu Thánh sau truyền phép cho mọi người chiêm ngắm và thờ lạy thì xuất hiện gần đây hơn nhiều. Còn thực hành “giơ cao”, đúng thật là “giơ cao” đĩa thánh và chén thánh như hiện nay trong phần Vinh tụng ca ngày xưa lại chỉ là “tiểu nâng cao” mà thôi. Đây là kiểu thực hành Rôma đã có từ thế kỷ VII, trong đó, một thầy tổng phó tế (tại các lễ đại triều) sẽ giữ một chén nặng [có khi đến 10 kg] cùng nâng lên với Đức Giáo hoàng đang vừa đọc “Chính nhờ Người…” vừa đang nâng cao hai ổ bánh lên. Cử chỉ này kéo dài trong suốt cả Vinh tụng ca cho đến hết lời tung hô Amen của dân chúng.[12]

Thế kỷ XI, thay vì nâng Bánh Thánh và Chén Thánh lên, chủ tế làm 3 dấu thánh giá trên Mình-Máu Thánh. Đến thế kỷ XII, ghi thêm hai dấu thánh giá nữa thành 5 dấu thánh giá với 2 cách giải thích như sau: (1) Biểu trưng cho 5 dấu đanh trên thân xác Chúa Giêsu; (2) 3 dấu thánh giá trước quy về Ngôi Con “chính nhờ Người, với Người và trong Người”, 2 dấu thánh giá còn lại quy chiếu đến Ngôi Cha và Ngôi Thánh Thần. Từ thế kỷ XIV, vị tư tế đặt chén trên bàn thờ, bái quỳ, đọc bắt đầu câu Per omnia saecula saeculorum – đến muôn đời.  Vì vậy, những lời kết này xuất hiện như một cách dẫn vào kinh Lạy Cha theo sau. Trong Sách lễ 1570 (được sử dụng mãi cho đến những năm 1960), vị tư tế trong khi nguyện thầm hầu hết Vinh tụng ca sẽ ghi ba hình Thánh giá bằng Mình Thánh trên chén, rồi thêm hai lần nữa bằng Mình Thánh giữa chén và chính ngài, rồi cuối cùng ngài nâng cao một chút chén thánh cùng với Mình Thánh ở trên chén trước khi kết thúc Vinh tụng ca đọc thầm và bắt đầu dẫn nhập vào kinh Lạy Cha.[13]

Ngay lập tức sau Công đồng Vaticanô II, chữ đỏ mới đã bỏ đi thực hành ghi những dấu thánh giá của thập niên 1960 và quy định linh mục chủ tế phải giữ Mình Thánh bằng tay phải ở trên chén thánh (được giữ bằng tay trái) rồi nâng cả hai lên cao một chút trong khi đọc toàn bộ Vinh tụng ca lớn tiếng. Ngày nay, phần Vinh tụng ca được phục hồi tầm quan trọng và vẻ đẹp nguyên thủy. Khi đọc Vinh tụng ca/Lời chúc vinh, một tay vị tư tế cầm đĩa có đựng Bánh Thánh, và tay kia cầm chén thánh chứa Máu Thánh, cả hai tay cùng giơ cao không phải để cho cộng đoàn thấy cho bằng để biểu lộ sự hiến dâng, làm cho Vinh tụng ca thêm vẻ trang trọng (x. QCSL 151).[14] Nếu phó tế hiện diện, thì chính thầy nâng chén. Vinh tụng ca long trọng được cộng đoàn kết thúc bằng tiếng Amen long trọng mà được xem là một trong số những tung hô trọng thể nhất của dân chúng trong Thánh lễ (x. QCSL 180).[15]

2/ Amen long trọng

Amen là một tiếng đầy ý nghĩa, là một lời phát xuất từ chữ “Amuna” của người Do Thái, nghĩa là “tin”, là “đúng vậy” vốn được sử dụng thường xuyên trong bối cảnh phụng vụ (x. 1Sb 16,36; Nk 8,6; Rm 1,25; Gl 1,5; Ep 3,21; 1Cl 16,24; 1Tx 5,28; 2Tx 3,18; Kh 7,12; 5,14; 19,4).[16] Nhưng trong phần Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, tiếng Amen long trọng (great Amen) không chỉ có nghĩa là “tin”, là “chớ gì được như vậy”, vì vinh quang và danh dự mà linh mục dâng lên Chúa không phải là một lời ước, nhưng là một khẳng định, tán đồng.[17] Amen long trọng này đáp lại và phê chuẩn cho toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể như một dấu niêm phong cho cử hành bí tích Thánh Thể, bí tích hiệp nhất của Hội Thánh, nghĩa là có sự đồng hóa hoàn toàn giữa cộng đoàn với tư tế, và đích thực tư tế là tiếng nói của Hội Thánh.[18] Nói cách khác, Amen long trọng này là sự xác nhận của Dân Chúa đối với toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể và cũng chính là lời tuyên xưng đức tin của phần Phụng vụ Thánh Thể, nghĩa là toàn thể cộng đoàn tuyên xưng niềm tin chính đáng của mình qua những điều phụng vụ vừa trình bày.[19] Ở đâylinh mục muốn nói lên rằng: “Mình và Máu Thánh mà con đang nâng cao, chính là vinh quang thuộc về Chúa mà Chúa đã ban cho chúng con.” Vì thế lời Amen này cũng muốn nói lên rằng: “Đó thật là vinh quang, thật đúng như vậy, chắc chắn như vậy, chúng con đồng tình, ủng hộ và tán thành với lời khẳng định ấy” (x. QCSL 79h,  151);[20] Đồng thời, trong tiếng Amen, tất cả những người tham dự Thánh lễ cùng hòa nhập với tất cả những vị anh hùng trong lịch sử cứu độ: các thầy Lêvi, ông Etra, thánh Phaolô; cũng như với tất cả các thiên thần và các thánh trên trời, mà tôn vinh Thiên Chúa trong bài ca chúc tụng muôn đời, mừng vui vì Chúa Kitô đến với chúng ta nơi bí tích Thánh Thể.[21] Amen là tiếng tập trung và diễn tả tất cả sự thờ lạy, tất cả lòng cảm tạ, tất cả nỗi buồn và nhu cầu của cộng đoàn.[22]

 Tóm lại, Vinh tụng ca tóm kết toàn bộ ý nghĩa của Kinh nguyện Thánh Thể mà có mục đích là tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen và tán dương vinh quang Chúa Cha, qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần với lời tung hô vui mừng của mọi người vì vô số những ân huệ Ngài thương ban: những hồng ân của hôm qua, của hôm nay và ngay cả của ngày mai. Tung hô Amen long trọng của dân chúng đáp lại sau Vinh tụng ca là một từ quan trọng nhất trong toàn bộ phụng vụ và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tất cả những lời tung hô. Lời Amen là sự xác nhận của Dân Chúa đối với toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể.

III/ MỤC VỤ

1) Theo hướng dẫn của Hội Thánh, chỉ một mình chủ tế xướng Vinh tụng ca hoặc nếu có các linh mục đồng tế, các ngài có thể cùng đọc/hát với chủ tế. Các tín hữu khác không được trực tiếp đọc/hát Vinh tụng ca, nhưng tham gia bằng đức tin và thinh lặng, sau đó là bằng lời tung hô Amen long trọng (x. QCSL 79, 236, 151; LNGM 158; CHTL 199; Ecclesia de Mysterio 6§2; Redemptionis sacramentum 54).

2) Do bản chất đối đáp của kinh nguyện, Vinh tụng ca được kết thúc bởi lời đáp Amen của toàn thể cộng đoàn nhưng không phải của chủ tế, nghĩa là chủ tế không đọc/hát Amen (x. QCSL 79, 151, 180; LNGM 158; OCM 15).[23] Các vị đồng tế cũng không đọc/hát Amen long trọng dù các ngài có cùng chủ tế đọc/hát Vinh tụng ca hay không, trừ trường hợp vừa không có sự hiện diện của giáo dân, vừa các vị đồng tế hiện diện không đọc/hát Vinh tụng ca.[24]

3) Thánh Giêrônimô và nhiều tác giả khác thời xưa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Amen kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể khi cho biết âm vang của nó nghe như thể tiếng sấm sét trong thành Rôma, làm rung lắc các đền thờ dân ngoại như thế nào.[25] Vì thế, nên thể hiện tiếng Amen cách long trọng, tức là làm cho phần tung hô này thật nổi bật và tưng bừng phấn khởi với tiếng hát mạnh mẽ của toàn thể cộng đồng Dân Chúa, với âm thanh hòa vào của toàn bộ các loại nhạc cụ có thể được, với việc kéo dài hay nhắc lại tiếng Amen nhiều lần;[26]

4) Nên hát Amen long trọng cả khi chủ tế không hát “Chính nhờ …” vì tiếng Amen long trọng này không phải đáp lại câu “Chính nhờ …” mà là đáp lại toàn bộ Kinh nguyện Thánh Thể mà câu “Chính nhờ…” chỉ là đoạn cuối của nó, tức chỉ là thành phần của Kinh nguyện Thánh Thể hơn là một lời tung hô (x. CHTL 199).[27]

5) Nên hát tiếng Amen long trọng trong bất cứ Thánh lễ nào, cả trong Thánh lễ ngày thường hoặc Thánh lễ cho những cộng đoàn nhỏ hơn và ngay cả khi không có nhạc cụ kèm theo (x. MVTN 103a).[28]

6) Đang khi đọc/hát Vinh tụng ca thì một mình chủ tế nâng đĩa thánh và chén thánh lên; hoặc nếu có phó tế/linh mục đồng tế hiện diện, thì chủ tế giữ đĩa thánh, còn phó tế/linh mục đồng tế (nếu không có phó tế) đứng bên phải chủ tế giữ chén thánh. Sự khác biệt giữa phó tế và linh mục đồng tế ở đây là: linh mục thì có thể tự lấy chén thánh, còn phó tế thì nhận chén thánh từ chủ tế (dù rằng chữ đỏ không nói rõ ràng như vậy);[29]

7) Chủ tế nên cập nhật để không thực hành theo quy định của Sách lễ Tridentinô nữa khi chỉ nâng cả đĩa thánh và chén thánh ở mức độ thấp mà nay cần thay đổi bằng cách nâng đĩa thánh và chén thánh lên thật cao (elevans/the major “physical” elevation/the grand gesture of lifting high the gifts toward heaven for all to see)[30] đến độ mắt của chủ tế phải hướng lên cũng như phải giữ đĩa thánh và chén thánh cho đến khi kết thúc lời tung hô Amen long trọng như một cử điệu dâng tiến đầy mạnh mẽ và ý nghĩa nhằm diễn tả sự hiến dâng đích thực Hy lễ Đức Kitô lên Chúa Cha (x. NTTL 124; QCSL 151, 180; LNGM 158).[31] Đĩa và chén thánh cần ở độ cao ngang nhau dù trong trường hợp chủ tế nâng cả hai hay trong trường hợp phó tế/linh mục đồng tế nâng chén còn chủ tế nâng đĩa.[32]  Tuy khó khăn, nhưng đúng là khi đọc/hát Vinh tụng ca thì chủ tế cúi đầu vì liên hệ đến danh Ba Ngôi Thiên Chúa một trật (x. QCSL 275a).[33]

8) Phải bãi bỏ thực hành trong đó một số linh mục cùng nhau nâng nhiều chén thánh hay bình thánh trong khi đang đọc/hát “Chính nhờ Người…” (x. QCSL 180), nghĩa là chỉ có một đĩa và một chén được nâng cao lúc này, tất cả những chén thánh hay bình thánh khác vẫn phải ở trên bàn thờ cho dù có đông phó tế hay linh mục đồng tế hiện diện (Notitiae 46 (2009): 171).

9) Khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, linh mục nên dừng lại giây lát để cho thấy rõ rằng Kinh nguyện Thánh Thể (= hành động “tạ ơn”) đã hoàn tất và nghi thức hiệp lễ (= hành động “bẻ ra và trao cho”) sắp bắt đầu.[34]

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Nguồn: WHĐ (24.06.2024)

 

______

[1] Le Gall, La Mess au fil de ses rites (Chambray: C.L.D, 1992), 197.

[2] Ibid., 170.

[3] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, trong The Church at Prayer, vol. 2, ed. A. G. Martimort, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1986),106.

[4] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 425.

[5] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, trans. Julian Fernandes, ed. Mary Ellen Evans (Collegeville: The Liturgical Press, 1976), 204; Nguyễn Thế Thủ, Phụng vụ Thánh Thể, 133; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 426.

[6] Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 145.

[7] Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 139.

[8] Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, 140.

[9] X. Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 267-68; Jungmann, SJ, The Mass: An Historical, Theological, and Pastoral Survey, 204.

[10] Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 266.

[11] Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 172.

[12] X. Robert Cabié, “The Eucharist”, 106; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 266-67; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 426.

[13] X. Cabié, “The Eucharist”, 106; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 267-71; Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ, 426.

[14] Le Gall, La Mess au fil de ses rites, 173.

[15] James P. Moroney, The Mass Explained: An Introduction to the New Roman Missal (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp., 2008), 94.

[16] X. Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (West Chester: Ascension Press, 2011), 120.

[17] X. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 266.

[18] Enrico Mazza, The Celebration of the Eucharist, trans. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press/A Pueblo Book, 1999), 295; J. D. Crichton, Understanding the Mass, 3rd edition (Londong/New York:  Geoffrey Chapman, 1993), 109.

[19] The Sacred Congregation for the Sacraments and Divine Worship, Inaestimabile Donum: Instruction Concerning Worship of the Eucharistic Mystery, no. 4(17 April 1980); Sri, A Biblical Walk through the Mass, 121; Kenneth Smits, “A Congregational Order of Worship,” trong Living Bread, Saving Cup, ed. Kevin Seasoltz (Collegeville: The Liturgical Press: 1987), 298; Turner, Let Us Pray, no. 611.

[20] A.M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, số 38.

[21] = chú thích 19. 

[22]. Sean Swayne, Gather Around the Lord: A Vision for the Renewal of the Sunday Eucharist (Columba Press, 1987), 58.

[23] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 151.

[24] X. Paul Turner, Ars Celebrandi (Collegeville: The Liturgical Press, 2021), Kindle, 135.

[25] X. Dennis C. Smolarski, sj, How Not to Say Mass (New Jersey: Paulist Press, 1986), 68. 

[26] X. St. Jerome, Commentary on Galatians II, vol. 7, 427 (A.D. 381), trans. John Chapman, O.S.B., “St. Jerome and Rome,” The Dublin Review CXXII: 42-73, at 62.

[27] = chú thích 18.

[28] Ibid.

[29] X. Turner, Ars Celebrandi, 135.

[30] Dennis C. Smolarski, sj, How Not to Say Mass (New Jersey: Paulist Press, 1986), 68.

[31] X. Preces eucharistiae pro concelebratione (1972), 15 (et passim); Kevin W. Irwin, Responses to 101 Questions on the Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1999), 84; Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu, 203; Dom (maintenant Mgr) Robert Le Gall, Dictionnaire de liturgie (Chambray 1987), sv. élévation.

[32] X. Turner, Let Us Pray, nos. 608-609.

[33] Ibid., no. 612.

[34] X. Catholic Bishops’ Conference of England and Wales, Celebrating the Mass (London: Catholic Truth Society and Colloquium [CaTEW] Ltd., 2005), 199; Robert Liewellyn, “The Congregation shares in the Prayers of the President,” trong The New Liturgy, ed. Lancelot Sheppard (Westminster/London: Darton, Longman & Todd Ltd., 1970), 105, 109-11.