WHĐ (10.03.2024) – Để tôn vinh di sản của Thánh Tôma Aquino sau 750 năm ngày ngài qua đời, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội đã tài trợ tổ chức cuộc Hội thảo về chủ đề “Bản thể học xã hội và Luật tự nhiên theo quan điểm của Thánh Tôma Aquino. Tầm nhìn về và từ Khoa học xã hội” tại Roma trong 2 ngày 07-08. 03. 2024. Nhân dịp này, Đức giáo hoàng Phanxicô đã gửi tới các tham dự viên Hội thảo một Sứ điệp. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI TỚI THAM DỰ VIÊN HỘI THẢO:
“BẢN THỂ HỌC XÃ HỘI VÀ LUẬT TỰ NHIÊN THEO QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH TÔMA AQUINO”
Ngày mồng 07-08 tháng 03 năm 2024
Tôi rất vui khi được biết Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội đã chọn tổ chức kỷ niệm 750 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquino bằng việc tài trợ cho cuộc Hội thảo về chủ đề “Bản thể học xã hội và Luật tự nhiên theo quan điểm của Thánh Tôma Aquino. Tầm nhìn về và từ Khoa học xã hội”. Tôi bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những ai góp phần vào cuộc gặp gỡ quan trọng này và cầu chúc các buổi thảo luận của anh chị em đạt được những thành quả mỹ mãn nhất.
Chắc chắn là Thánh Tôma Aquino không trau dồi các khoa học xã hội như chúng ta hiểu ngày nay. Tuy nhiên, việc nghiên cứu nghiêm túc của ngài về những hệ luận mang tính triết học và thần học từ luận cứ Kinh Thánh – con người được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27), vốn được thể hiện trong nhiều tác phẩm của ngài, có thể được coi là đã góp phần mở đường cho sự phát triển của các ngành khoa học hiện đại này. Tác phẩm của Thánh Tôma thể hiện cả sự dấn thân của ngài trong việc hiểu Lời Chúa được mặc khải trong mọi chiều kích của nó, lẫn sự cởi mở đáng chú ý của ngài đối với mọi chân lý mà lý trí con người có thể tiếp cận được. Vị Tiến sĩ Thiên thần đã xác tín sâu xa rằng, vì Thiên Chúa là chân lý và là ánh sáng soi sáng mọi hiểu biết, nên không thể có mâu thuẫn cơ bản giữa chân lý được mặc khải và những chân lý được lý trí khám phá. Trọng tâm của sự hiểu biết của Thánh Tôma về mối tương quan giữa đức tin và lý trí là niềm xác tín của ngài về sức mạnh của món quà ân sủng của Thiên Chúa để chữa lành bản tính con người bị suy yếu bởi tội lỗi và nâng cao tâm trí thông qua việc tham gia vào chính sự hiểu biết và tình yêu của Thiên Chúa, và do đó, giúp chúng ta hiểu và sắp xếp cuộc sống của mình một cách đúng đắn với tư cách cá nhân và xã hội.
Các khoa học xã hội đương đại tiếp cận các vấn đề của con người và theo đuổi sự phát triển của con người thông qua nhiều cách tiếp cận và phương pháp khác nhau cần được đặt nền tảng trên thực tế và phẩm giá bất khả giản lược của con người. Thánh Tôma đã có thể rút ra một di sản triết học phong phú mà ngài giải thích qua lăng kính Phúc Âm để khẳng định rằng con người, với tư cách là “thụ tạo hoàn hảo nhất trong toàn vũ trụ” (ST I, q. 29, a. 3), là trụ cột của trật tự xã hội. Được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa Ba Ngôi, các cá nhân, thông qua các mối tương quan cá vị và liên vị, được định sẵn để sống, tăng trưởng, và phát triển trong cộng đoàn. Vì thế, “lẽ tự nhiên là con người nên sống trong xã hội với nhiều người khác để kiếm được, bằng công việc chân tay và thể chất, được soi sáng bởi ánh sáng trí tuệ và sức mạnh ý chí, những của cải vật chất và tinh thần cần thiết cho cuộc sống an lạc, sung túc, và hạnh phúc của họ” (De regno, B.I.c. 1).
Dựa trên những nguyên tắc do Aristotle thiết lập, Thánh Tôma khẳng định rằng của cải tinh thần đi trước của cải vật chất và công ích của xã hội đi trước lợi ích của cá nhân, vì con người tự bản chất là một “sinh vật mang tính chính trị”. Mối liên hệ của Thánh Tôma với các tác phẩm đạo đức và chính trị của các nhà tư tưởng cổ điển vĩ đại được thể hiện rõ qua các bài bình luận của ngài, và được phản ánh đặc biệt trong những câu hỏi mà ngài dành cho công lý, nhất là trong Luận thuyết về Luật nổi tiếng của ngài (ST I-II, qq. 90-108). Trong khi ảnh hưởng của Thánh Tôma trong việc định hình tư duy đạo đức và pháp lý hiện đại là điều không thể nghi ngại, thì sự khôi phục viễn ảnh triết học và thần học đã hình thành nên công trình của ngài có thể rất hứa hẹn cho sự suy tư có kỷ luật của chúng ta về các vấn đề xã hội cấp bách của thời đại chúng ta.
Thánh Tôma đề cao phẩm giá và sự thống nhất nội tại của con người, vốn vừa thuộc về thế giới vật chất nhờ thể xác, vừa thuộc về thế giới tâm linh nhờ linh hồn có lý trí. Dựa trên nguyên tắc không mâu thuẫn, con người là một thụ tạo không những có khả năng phân biệt giữa thật và giả mà còn có khả năng phân định giữa thiện và ác. Khả năng bẩm sinh để phân định và ra lệnh hoặc xử lý các hành vi hướng tới mục đích tối hậu thông qua tình yêu này, theo truyền thống được gọi là “luật tự nhiên”, như Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, trích dẫn Thánh Thomas, nêu rõ, “Luật tự nhiên không gì khác là ánh sáng trí tuệ do Thiên Chúa đặt trong ta; nhờ đó, chúng ta nhận biết điều phải làm và điều phải tránh. Thiên Chúa đã ban ánh sáng này và luật này cho con người trong công trình tạo dựng” (Số 1955).
Ngày nay, điều cần thiết là phải khôi phục việc cân nhắc “khuynh hướng tự nhiên muốn biết sự thật về Thiên Chúa và sống trong xã hội” (ST I-II, q. 94, a. 2) để định hình tư duy và các chính sách xã hội theo những cách thế khuyến khích thay vì cản trở sự phát triển con người đích thực của các cá nhân và các dân tộc. Vì lý do này, các vị tiền nhiệm của tôi và tôi đã liên tục tái khẳng định tầm quan trọng của luật tự nhiên trong các cuộc thảo luận liên quan đến những thách đố về đạo đức và chính trị của thời đại chúng ta. Theo lời của Đức Bênêđíctô XVI, “Luật luân lý phổ quát là nền tảng vững chắc cho một cuộc đối thoại mang tính chất văn hóa, tôn giáo và chính trị, chấp nhận một sự đa nguyên, đa dạng của nhiều nền văn hóa khác nhau, hợp tác để cùng nhau tìm những gì là chân, thiện và Thiên Chúa” (Thông điệp Caritas in Veritate, 59).
Do đó, niềm tin của Thánh Tôma vào luật tự nhiên được ghi khắc trong trái tim con người có thể đưa ra những ý tưởng mới mẻ và giá trị cho thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, vốn bị chi phối bởi chủ nghĩa thực chứng pháp lý và thuyết ngụy biện, ngay cả khi luật tự nhiên này tiếp tục tìm kiếm những nền tảng vững chắc cho một trật tự xã hội công bằng và nhân bản. Thật vậy, tiếp nối Aristotle, Thánh Tôma nhận thức rõ về sự phức tạp liên quan đến việc áp dụng luật vào các hành động cụ thể, và do đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân đức epikeia. Theo lời của Thánh Tôma, “các hành vi của con người, là đối tượng của luật pháp, bao gồm các sự kiện ngẫu nhiên và đơn lẻ, có thể thay đổi theo vô số cách thức… Nhưng trong một số trường hợp nhất định, việc tuân thủ những luật này sẽ đi ngược lại công lý và gây phương hại đến công ích, vốn là mục đích của luật pháp”. Do đó, “điều tốt là bỏ qua câu chữ của luật pháp để tuân theo những gì ý thức về công lý và công ích đòi hỏi” (ST II-II, q. 120, a. 1).
Nếu vị Tiến sĩ Thiên thần căn cứ vào sự hiểu biết của mình về phẩm giá con người và những đòi hỏi của một “Bản thể học xã hội” trong bản tính con người, và do đó, theo trật tự của sáng tạo, cũng như với tư cách là một nhà tư tưởng Kitô giáo, ngài cũng nhất thiết nói thêm rằng bản tính con người của chúng ta, bị tổn thương bởi tội lỗi, được chữa lành và thăng hoa nhờ ân sủng là hoa trái của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại. Khi bắt đầu cuốn Kitô học vĩ đại của mình, tức là phần thứ ba của bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae), tiếp nối giáo huấn của Thánh Kinh và của các Giáo phụ, Thánh Tôma khẳng định rằng việc Nhập thể của Con Thiên Chúa mạc khải phẩm giá ưu việt của bản tính con người. Niềm xác tín này đã được tái khẳng định một cách hùng hồn trong thời đại chúng ta qua giáo huấn của Công đồng Vatican II, rằng “Đức Kitô, A-đam mới, trong khi mạc khải về mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình” (Hiến chế Gaudium et Spes, 22). Sau đó, ân sủng viên mãn hiện diện nơi nhân tính của Đấng Cứu độ được thông truyền cho các chi thể trong Thân Mình của Người là Giáo Hội mà toàn thể nhân loại được mời gọi tham gia. Với tư cách là Đầu của Thân Mình đó, Đức Kitô phân phát ân sủng của Người cho mỗi thành viên bằng nhiều cách thức khác nhau, tùy theo ân sủng và ơn gọi riêng của họ.
Tầm nhìn sâu sắc của Thánh Tôma về việc tuôn đổ ân sủng cứu chuộc và những cách thức khác nhau mà ân sủng đó được thông truyền để xây dựng Thân Mình có những hàm ý phong phú trong việc nhận thức động lực của một trật tự xã hội vững mạnh được đặt nền trên sự hòa giải, liên đới, công bằng, và hỗ tương. Theo nghĩa này, Đức Bênêđíctô XVI có thể khẳng định rằng, với tư cách là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, đến lượt con người, nam cũng như nữ, trở thành đối tượng của đức ái, được mời gọi phản ánh đức ái đó và dệt nên những mạng lưới đức ái (x. Caritas in Veritate, 5) để phục vụ công lý và công ích.
Chính động lực lớn hơn của đức ái được đón nhận và cho đi này đã mang lại sức sống cho giáo huấn xã hội của Giáo hội (x. sđd.), vốn tìm cách khám phá làm thế nào những lợi ích xã hội của ơn cứu độ có thể trở nên hữu hình và hoạt động trong đời sống của con người với tư cách là những thực thể xã hội mà tính cá nhân của họ không thể không đắm chìm trong một lịch sử, văn hóa và truyền thống lớn hơn. Tại điểm này, Thánh Tôma chỉ ra rằng, chúng ta coi trọng tâm của đời sống Kitô hữu là hành vi thờ phượng tư tế nhằm tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa thế gian. Trong nhãn quan này, vị Tiến sĩ Thiên Thần kiên quyết ủng hộ việc ưu tiên các công việc của lòng thương xót. Thánh nhân diễn tả: “Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa bằng những hy tế và lễ vật bên ngoài, không phải vì Ngài, nhưng vì lợi ích của chúng ta và của tha nhân. Thực ra, Thiên Chúa không cần những hy lễ của chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta dâng chúng cho Ngài, để khơi dậy lòng sùng kính của chúng ta và vì lợi ích của tha nhân. Do đó, lòng thương xót… là một hy lễ dễ được đón nhận hơn, vì nó mang lại lợi ích trực tiếp hơn cho người lân cận của chúng ta” (ST II-II, q. 30, a. 4, ad 1).
Các bạn thân mến, trong những năm triều đại giáo hoàng của mình, tôi đã cố gắng ưu tiên cử chỉ rửa chân, theo gương Chúa Giêsu, Đấng mà trong Bữa Tiệc Ly, đã cởi áo choàng và rửa chân cho từng môn đệ. Việc rửa chân chắc chắn là một biểu tượng hùng hồn về các Mối Phúc được Chúa công bố trong Bài giảng Trên núi và là sự thể hiện cụ thể của các Mối Phúc này trong việc làm của lòng thương xót. Với việc rửa chân, Chúa muốn để lại cho chúng ta “một gương mẫu để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Thật vậy, như Thánh Tôma Aquino dạy, với một hành động phi thường như thế, Đức Kitô “đã thể hiện tất cả những việc làm của lòng thương xót” (In Ioan. XIII). Chúa Giêsu biết rằng khi nói đến việc truyền cảm hứng cho hành động của con người thì gương sáng quan trọng hơn một tràng những lời nói suông.
Trong những ngày này, khi anh chị em tiếp cận di sản phong phú về tư tưởng tôn giáo, đạo đức và xã hội mà Thánh Tôma Aquino để lại cho chúng ta, tôi tin rằng anh chị em sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng và sự soi sáng cho những đóng góp của chính mình cho các ngành khoa học xã hội khác nhau, đồng thời hết sức tôn trọng các phương pháp và mục tiêu riêng của chúng. Tôi lập lại những lời chúc tốt đẹp dành cho các cuộc thảo luận của anh chị em và tôi cầu nguyện để từng người, trong công việc và cuộc sống, tìm thấy sự viên mãn trong sự dấn thân chung của chúng ta nhằm góp phần vào một tương lai của tình huynh đệ, công lý và hòa bình cho tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại. Tôi ưu ái ban phép lành cho từng người và cho những người thân yêu của anh chị em.
Từ Vatican, ngày mồng 07 tháng 03 năm 2024
PHANXICÔ