Nữ Tu Ấn Độ Giảng Dạy Thần Học Từ Các Vùng Ngoại Vi

Sơ Shalini Mulackal, giáo sư tại Học viện Thần học Vidyajyoti, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy thần học theo bối cảnh, đưa sinh viên đến các khu ổ chuột ở thành phố Delhi của Ấn Độ để họ dấn thân hơn trong việc bênh vực người nghèo.

Sơ Shalini Mulackal là giáo sư thần học hệ thống tại Vidyajyoti, một trường Cao đẳng Thần học Dòng Tên hàng đầu ở Delhi, Ấn Độ, kể từ năm 1999. Trong khi đang học Thạc sĩ tại cùng trường, sơ sống giữa một khu ổ chuột, nơi cộng đoàn của sơ sinh sống và làm việc.

Kinh nghiệm của sơ tại khu ổ chuột đã trở thành nền tảng cho việc sơ sử dụng nhất quán phương pháp thần học theo ngữ cảnh, là phương pháp nhằm tìm cách mang lại sự biến đổi nơi các cá nhân và xã hội. Trong khi giảng dạy, sơ tiếp tục cùng các sinh viên đến thăm các khu ổ chuột và hướng dẫn họ suy tư thần học.

Tiếp xúc với các vùng ngoại vi

Sơ Shalini đã là nguồn cảm hứng cho một số nhà thần học trẻ ở Ấn Độ vì phong cách “Hoạt động Thần học” cụ thể của sơ. Sơ thường xuyên đưa các sinh viên đến các khu ổ chuột, đến những người sống ở vùng ngoại vi theo đúng nghĩa đen, chẳng hạn như ở bãi rác.

Cùng với các sinh viên, Sơ Shalini thường tham gia các cuộc biểu tình của những phụ nữ phản đối đấu tranh chống lại bạo lực và hiếp dâm, cũng như các cuộc biểu tình của những người phải di dời và bị phân biệt đối xử, chống lại các dự án lớn. Sự tham gia của họ có ý nghĩa như một hành động mang tính biểu tượng của tình liên đới với các nhóm bị từ chối các quyền cơ bản của con người.

Sơ Shalinni cho biết động lực thúc đẩy sơ với tư cách là một giáo sư là “lòng hăng say đối với Chúa Kitô và lòng trắc ẩn đối với các nạn nhân của hệ thống xã hội bất công”.

Thần học theo bối cảnh

Sơ Shalini tin rằng mục đích của việc hoạt động thần học là mang lại sự biến đổi cả nơi các cá nhân và trong xã hội. Vì vậy, bối cảnh của việc làm thần học phải xuất phát từ quan điểm và kinh nghiệm của người nghèo.

Phương pháp giảng dạy của sơ nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra lựa chọn ưu tiên cho người nghèo và truyền ngọn lửa tương tự cho sinh viên của mình. Sơ nói với Vatican News: “Qua việc giảng dạy, các tấm gương và sự tương tác của tôi với các sinh viên, tôi hy vọng rằng ít nhất một số sinh viên sẽ thực sự dấn thân phục vụ người nghèo”.

Cần cái nhìn của phụ nữ

Sơ Shalini là người ủng hộ mạnh mẽ việc đưa quan điểm của phụ nữ vào mọi lĩnh vực thần học và mọi khía cạnh của đời sống Giáo hội. Sơ nói: “Hệ thống đào tạo chủng viện hiện nay của chúng ta cần phải thay đổi. Các vị lãnh đạo Giáo hội chịu trách nhiệm đào tạo chủng viện ở Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ về việc làm thế nào để có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào việc đào tạo và giảng dạy ở chủng viện”.

Sơ Shalini đã đóng góp vào tiến trình Thượng Hội đồng đang diễn ra, cả ở Tổng Giáo phận Delhi và tại Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CCBI). Đọc hết bản báo cáo tổng hợp dài mười trang từ nhiều giáo phận Nghi lễ Latinh khác nhau ở Ấn Độ, sơ nhắc lại rằng việc phụ nữ đã cảm động rơi nước mắt như thế nào khi lần đầu tiên họ trải nghiệm cơ hội được nói mà không sợ hãi và được lắng nghe.

Sơ Shalini nói: “Chắc chắn Giáo hội dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha Phanxicô đang nỗ lực hết sức để lắng nghe phụ nữ và đáp ứng với hoàn cảnh của họ. Ví dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô, cách đây không lâu, đã bổ nhiệm ba phụ nữ vào Bộ Giám mục. Năm 2020, ngài bổ nhiệm sáu phụ nữ vào Hội đồng Kinh tế của Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng cho phép phụ nữ bỏ phiếu trong Thượng Hội Đồng”.

Các nữ tu tương lai

Sơ Shalini cảm thấy cách mạnh mẽ rằng, ngày nay hơn bao giờ hết, thế giới cần những nữ tu dấn thân làm chứng bằng cuộc sống của mình.

Sơ tin rằng họ cần đáp ứng những nhu cầu mới, như là các cố vấn, người hướng dẫn, linh hướng, nhà thần học, thừa tác viên chăm sóc mục vụ, nhà hoạt động nhân quyền và nhà môi trường.

 

Sơ Greta Pereira, OCV

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt (25.08.2024)