Hạnh Phúc Vừa Vặn

 

HẠNH PHÚC VỪA VẶN

 

            Cuối con đường nhỏ bình yên có hai hàng sử quân tử đều thẳng tắp là ngôi nhà nhỏ của gia đình anh chị Thanh, Hân. Ngôi nhà nhỏ của anh chị luôn đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc được thể hiện qua ánh mắt của từng thành viên trong gia đình nhỏ ấy.

            Anh Thanh từ ngày chuyển sang công ty môi giới bất động sản, chị Hân ngoài những giờ trên lớp chị nhận thêm công việc bán hàng online, kinh tế của gia đình thay đổi hẳn. Lúc mọi nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, những khó khổ trước kia đã lùi lại phía sau, đặc biệt là khi cả hai sắm điện thoại thông minh có nhiều chức năng, cũng là lúc anh em Trí và Nguyên nhận ra sự thay đổi ở cả ba lẫn mẹ. Mọi người trong gia đình ít dần tiếng cười, những bữa cơm đầy đủ cả bốn thành viên cũng thưa dần, sự quan tâm, hỏi han, những buổi tối cuối tuần ba mẹ ít chở anh em Trí đi công viên, đi ăn kem như trước. Ba Trí ngoài những lúc tất bật ở công ty về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi đã phải trả lời những cuộc điện thoại không sao dứt ra được vì công việc. Mẹ chẳng bao giờ rời tay khỏi chiếc điện thoại, trả lời tin nhắn của khách hàng, xem những mẫu váy áo, giày dép đủ kiểu, thỉnh thoảng miệng mỉm cười một mình. Em trai Trí chỉ biết làm bạn với cái tivi. Còn có mỗi Trí là hết ngồi ở trường lại về nhà thui thủi một mình trong căn phòng nhỏ cô đơn.

            Trường học gần nhà nên mẹ mua xe đạp cho Trí đi học cho chủ động, chỉ mới học lớp 6 nhưng Trí rất có ý thức trong việc học cũng như trong cách cư xử, Trí ngoan hiền, thông minh lại chăm chỉ. Vì thế, vợ chồng chị Hân ít phải nhắc nhở nhiều.

            Kể từ khi ba mẹ sắm điện thoại thông minh, nhiều hôm ngồi thẩn thờ bên bàn học, Trí lại miên man tự hỏi: “không biết trong điện thoại có những gì? Sao ba mẹ lúc nào cũng giữ nó ở trong túi áo, túi quần dẫu là đi làm hay lúc ở nhà? Sao lúc nào cả mẹ lẫn ba đều vui vẻ, tủm tỉm cười khi cầm nó trên tay?  Còn mình, chẳng lẽ mình không bằng cái điện thoại, vì mình đâu khiến ba mẹ vui như khi ở bên chiếc điện thoại kia. Giá như ba mẹ vẫn cứ dùng điện thoại thường thôi, điện thoại mà người ta vẫn gọi là cục gạch ấy, chắc ba mẹ sẽ có nhiều thời gian dành cho nó và em Nguyên hơn”.

            …

            Tháng 11, phố xá hanh hao quá, nắng nóng làm con người ngột ngạt. Chiều, tranh thủ sau giờ dạy học, giao xong món hàng online cuối cùng về đến nhà chỉ kịp mở cánh cổng dắt xe máy vào đến sân, ngồi bệt xuống thềm nhà nghỉ mệt, tựa đầu vào tường gạch men lạnh toát, chị Hân lim dim mắt chợt ngửi thấy mùi cơm bếp nhà ai vừa chín tới thoảng  bay theo gió chị sực tỉnh: “đã lâu lắm gia đình chị chưa có một bữa cơm xum vầy đông đủ”, theo quán tính chị lấy điện thoại từ túi xách gọi điện cho chồng đầu dây bên kia vang lên giọng nói đều đều: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Chị nhớ lại lịch học của thằng Trí, hôm nay ngoài giờ học chính Trí còn phải đi học thêm môn toán và môn anh văn phải 20h00’ mới về đến nhà, còn mỗi Nguyên đang ở bên nhà ông bà ngoại chị chưa kịp đón về. Chị chợt nhận ra gia đình xum vầy, hạnh phúc là điều quý giá nhất, vợ chồng chị quá bận rộn với rất nhiều lựa chọn và suy nghĩ: đã giàu phải giàu hơn, đã thành công phải thành công hơn, những quay cuồng toan tính khiến cho tâm hồn chai sạn đi, không còn chỗ cho những phút giây cả gia đình đầm ấm bên nhau. Bỗng chị lặng người, mắt chị cay cay.

            …

            Dạo gần đây, mỗi thứ 7, chủ nhật Nguyên không hay ở nhà với mẹ, chỉ thích qua ở với ông bà ngoại, chị Hân cũng không mấy bận tâm nên gửi Nguyên ở nhà ông bà luôn hai ngày nghỉ cuối tuần.

            Chủ nhật bà ngoại dắt Nguyên đi lễ thiếu nhi, đăng ký cho Nguyên theo học lớp giáo lý Đồng cỏ non. Nguyên thích lắm, được mặc chiếc áo trắng Thiếu nhi thánh thể và chiếc khăn quàng màu hồng nhìn ánh mắt rạng ngời của Nguyên bà ngoại vui và thấy bình an. Cuối giờ lễ hôm ấy trong khi mọi người lần lượt về hết chỉ còn mỗi mình Nguyên quỳ gối ở hàng ghế đầu của nhà thờ cầu nguyện, bà ngoại ngồi dãy ghế cuối cùng kiên nhẫn chờ đợi. Lúc ra về bà nhẹ nhàng nắm tay Nguyên:

            – Bà ơi! Có phải Chúa luôn yêu thương đàn chiên của mình phải không bà?

            – Đúng rồi cháu ạ!

            – Nếu cháu ngoan ngoãn, biết vâng lời ông bà, cha mẹ và học tốt thì xin gì Chúa cũng cho phải không bà?

            – Thế cháu muốn xin Chúa điều gì vậy?

            – Cháu xin Chúa cho cháu một điều ước! Cháu ước mình là chiếc điện thoại di động của ba và mẹ, vì cháu muốn được ba mẹ yêu quý cháu như đối với chiếc điện thoại ấy.

            Nghe xong câu nói của Nguyên bà ngoại siết chặt tay Nguyên hơn, trong lòng có những cảm xúc khó tả, một đứa trẻ ngây thơ là thế chắc đã rất buồn, đã tủi thân lắm mới có những suy nghĩ non nớt nhưng rất thật.

            Chiều chủ nhật chị Hân ghé nhà bà đón Nguyên, bà tâm sự chuyện lúc sáng cho con gái nghe, chị Hân ôm Nguyên vào lòng không dám khóc, ngước lên nhìn thấy mắt bà ngoại đỏ hoe, chị cố im lặng mà không hiểu sao nước mắt cứ vô thức chảy ra.

            Tối hôm ấy, chờ cho Nguyên đã ngủ say, chị Hân kéo mền đắp cho con rồi nhẹ nhàng bước ra ngoài. Thấy cánh cửa phòng Trí khép hờ, chị bước đến định đóng lại. Trong ánh đèn ngủ lờ mờ, thấy dáng con nằm sõng soài, chị bước vào phòng kê lại cái gối, kéo lại cái mền, chỉnh lại bốn góc màn cho vuông vắn. Thoáng nhìn trên bàn học của con có một quyển sổ bìa cứng đặt ngay ngắn ở góc bàn, chị tò mò cầm lên mang ra phòng khách đọc, giở trang đầu tiên chị biết đó là nhật ký, biết rằng đọc trộm nhật ký là không tôn trọng quyền riêng tư của con nhưng chị lại rất muốn hiểu được con mình đang nghĩ gì nên chị tiếp tục giở trang thứ hai, thứ ba….và đến trang cuối cùng. Mắt chị nhòe và tim chị đau nhói. Chị cầm quyển nhật ký bước lại nơi bàn làm việc của anh. Đến lượt anh đọc:

Ngày 15/3/20

            Hôm nay cô giáo gọi tên mình “Trần Hữu Trí” lên bảng kiểm tra bài cũ, mình có thuộc bài nhưng lại trả lời với cô giáo là không thuộc bài. Đây là lần thứ ba trong tuần mình trả lời với thầy cô giáo là không thuộc bài cũ. Cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện cho mẹ.

            Cả tháng nay mình không nhìn thấy ba, lúc mình chưa dậy ba đã đi làm, buổi tối lúc mình đi ngủ ba mới về.

            Vì chuyện học hành của mình mà ba mẹ đều sắp xếp công việc đề về sớm. Mình đã gặp được cả ba lẫn mẹ dù rằng sau đó là một bài giáo huấn thật dài.

Ngày 22/4/20

            Bố và mẹ lại cãi nhau, mình có nên trốn học một vài hôm không nhỉ? Mình ghét phải về nhà khi nhìn thấy ánh mắt giận nhau của ba mẹ.

Ngày 06/11/20

            Mục tiêu của ba là tích góp đủ tiền mua căn nhà lớn ở đầu ngõ và mua xe hơi. Tại sao người lớn lại có nhiều mục tiêu đến như vậy? Đôi lúc con tự hỏi ba mẹ có thấy hạnh phúc hay không khi chạy theo những mục tiêu ấy trong khi mọi thứ thân thương xung quanh đang dần vuột khỏi tầm tay của ba mẹ.

            Con buồn!

                        Ngày 24/12/20

            Giáng sinh, mọi gia đình đều chở nhau đi chơi, đi ăn, đi lễ. Duy nhất chỉ có nhà mình chẳng đông đủ bốn thành viên vì ba đi công tác không về kịp, chỉ có mẹ dắt hai anh em mình đi lễ. Noel năm nay không lạnh nhưng lòng mình lạnh lắm.

                        Ngày 31/12/20

          Ước gì mình được là chiếc điện thoại di động của ba và mẹ

            …

            Anh Thanh gấp lại quyển nhật ký lặng lẽ nhìn vợ:

            – Vợ chồng mình đã quá vô tâm phải không em?

            – Chắc các con đã rất buồn, đã tủi thân lắm! Lúc chiều đón Nguyên ở nhà bà ngoại về, Nguyên cũng mơ ước được làm chiếc điện thoại di động của bố mẹ đó anh! Vợ chồng mình cứ mải mê với công việc, điện thoại. Thiếu chút nữa chúng ta quên mất rằng gia đình, con cái mới là điều quan trọng nhất!

            Cuộc sống, đôi khi ta cố tạo ra hạnh phúc, làm mọi cách để có hạnh phúc, nhưng không hiểu rằng hạnh phúc là một điều rất tự nhiên, luôn vừa vặn với mỗi người và chẳng thể cưỡng cầu.

 

Maria Nguyễn Thị Thảo

(Trích Tập “HOA NÚI RỪNG VI” – Ban Mục vụ Văn hóa Gp. Kon Tum)

WGPKT(18/01/2024) KONTUM