Các Thành Phần Chính Nơi Hang Đá Và Ý Nghĩa Của Nó?

Có một con lừa? Một chuồng bò? Một cái nhìn chi tiết về hang đá truyền thống và các thành phần tạo nên nó.

Ý nghĩa của các yếu tố tiêu biểu nơi hang đá truyền thống là gì? Có thực là có một con lừa? một hang đá?

Từ khi thánh Phanxicô Assisi tạo ra hang đá, nhiều nền văn hóa khác nhau trên toàn thế giới đã góp phần tạo nên truyền thống giáng sinh tuyệt đẹp.

Tất cả các nền văn hóa này duy trì những yếu tố chung gợi lên những khía cạnh nổi bật cho câu chuyện Con Thiên Chúa ra đời.

Chúng ta hãy xem các nhân vật và các yếu tố chính đứng bên Hài Nhi Giêsu, lẽ tất nhiên, nhân vật chính là chính Đức Giêsu.

Chuồng bò hay hang đá

Thánh Luca giải thích rằng Đức Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (x. Lc 2,7).

Đoạn Kinh thánh không đề cập đến chuồng bò như chúng ta được biết trong truyền thống phương Tây, bởi vì các loài động vật được nhốt trong hang. Suốt dòng lịch sử của Giáo hội, những hình ảnh diễn tả Chúa Giêsu ra đời chú trọng vào một kiểu hang động, đó là lý do tại sao một số hang đá giáng sinh vẫn còn giữ truyền thống này.

Tuy nhiên, các nghệ sĩ công giáo đã diễn tả cảnh Chúa Giêsu ra đời theo bối cảnh gần gũi hơn với nền văn hóa của họ, và do đó nảy sinh thêm hình ảnh máng cỏ trong hang đá.

Con lừa

Không có con lừa nào được đề cập trong các trình thuật về việc ra đời của Chúa Giêsu, nhưng theo một tài liệu cổ xưa được gọi là Tiền Phúc âm của Giacôbê kể rằng: Thánh Giuse đã đặt Đức Maria trên lưng một con lừa để giúp cho Đức Maria thực hiện chuyến đi xa. Hơn nữa, vào thời điểm đó, lừa là phương tiện đi lại phổ biến và do khoảng cách khá xa nên thật hợp lý để xem đây là phương tiện được sử dụng. Đó là lý do tại sao con lừa thường có mặt trong hang đá: nó không phải là con vật đã ở trong hang, mà có lẽ là con vật đã chở Mẹ Thiên Chúa – và chính Thiên Chúa, người mà Mẹ đang cưu mang trong lòng mình.

Bò xuất hiện trong hang đá nơi Chúa sinh ra bắt nguồn từ một tài liệu khác, có lẽ nó được lấy từ đoạn văn của tiên tri Isaia: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Is 1:3). Phân đoạn này nhấn mạnh rằng ngay cả thú vật cũng biết Chúa là ai, nhưng loài người thì lại nổi loạn chống lại Ngài.

Maria và Giuse

Hai nhân vật chính ở cạnh máng cỏ Chúa Giêsu thường được trình bày là đang quỳ gối trước Hài Nhi đang nằm, các ngài đang cầu nguyện và vô cùng kinh ngạc về mầu nhiệm đang hiển hiện trước mặt.

Các mục đồng

Theo trình thuật Kinh Thánh, các mục đồng rất cần thiết trong bất kỳ hang đá nào và tương ứng với đoạn Tin Mừng Lc 2, 15-16, theo đó các mục đồng bảo nhau đến Bêlem để xem điều “Chúa đã cho họ biết”. “Họ liền hối hả ra đi”, và tại đó “họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”.

Các thiên thần

Ngay cả khi không được nhắc đến cách minh nhiên trong khung cảnh hang đá, các thiên thần đã hiện ra cho các mục đồng và loan báo “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người Chúa thương” (x. Lc 2, 13-14).

Ba đạo sĩ

Thánh Matthêu viết rằng các Đạo sĩ từ phương Đông đến viếng thăm Chúa Giêsu, và trong Kinh Thánh ngài không nói cụ thể số người, nhưng truyền thống cho rằng có ba người, dựa trên số lễ vật được dâng: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).

Các yếu tố được thêm vào

Các yếu tố khác được đưa vào khung cảnh giáng sinh ở nhiều quốc gia khác nhau.

Ở Ý, cảnh Chúa Giêsu giáng sinh có thể bao gồm cả một đất nước với vô số người đang làm công việc của mình. Kiến trúc thường mang phong cách trung cổ, thuộc thời kỳ khác với thời Chúa Giêsu sinh ra, nhưng nhấn mạnh rằng Người được sinh ra cho toàn thể nhân nhân loại chứ không riêng cho thời đại nào.

Ở Ba Lan, Szopka giới thiệu một thánh đường được trang trí theo phong cách Gothic. Lần nữa, nó nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu giáng sinh không phải là một sự kiện lịch sử nhất thời, nhưng là một biến cố vĩ đại luôn tồn tại cho mọi thế hệ và mọi tâm hồn.

Tại Việt Nam kiến trúc hang đá rất phong phú mang nhiều phong cách khác nhau, có nơi hang đá được bài trí mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam, chất liệu bằng tranh, rơm, trang phục truyền thống của dân tộc áo dài, khăn đóng… Tuy nhiên, Chúa Hài Đồng vẫn là trung tâm, nổi bật nhất giữa các màu sắc rực rỡ bên ngoài.
 

G. Võ Tá Hoàng