Để Giảm Ảnh Hưởng Của Phương Tiện Truyền Thông Trong Gia Đình Công Giáo

 

Silvio Cuéllar

 

Hơn một thập niên trước, hai chúng tôi đã quyết định ngưng dịch vụ truyền hình cáp và không xem Tivi nữa. Đây thực sự là một quyết định quyết liệt vào thời điểm đó nhưng đã giúp con cái chúng tôi học được nhiều kỹ năng như chơi nhạc cụ, vẽ tranh và phát triển tài năng ngay từ nhỏ. Chúng tôi đưa ra quyết định này vì thống kê ngày càng cho thấy rằng việc sử dụng Tivi quá nhiều có tác động tiêu cực đến trẻ em và chúng tôi muốn hạn chế những ảnh hưởng này.

Ngày nay, không còn là Tivi mà điện thoại di động, máy tính bảng và mạng xã hội đã trở thành nguồn gây lo lắng đối với giới trẻ và là một công cụ gây nghiện với những ảnh hưởng xấu có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của trẻ, khiến chúng xa rời đức tin và những giá trị mà chúng ta cố gắng truyền đạt.

Mặc dù hiện Tivi ngày được sử dụng ít hơn nhưng các dịch vụ phát trực tuyến lại tăng lên, khiến các bậc cha mẹ ngày càng khó theo dõi những gì con mình đang xem. Thống kê và nghiên cứu cho thấy việc sử dụng quá mức mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh niên và thanh thiếu niên; chúng ta cần khẩn trương đặt ra giới hạn về thời gian trẻ dùng điện thoại, máy tính bảng, hoặc máy tính.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý trong Tông huấn Amoris Laetitia, các gia đình “cần cân nhắc xem họ muốn con cái mình tiếp xúc với những gì”. Để làm được điều này, “có nghĩa là phải quan tâm đến việc ai là người cung ứng cho trẻ những trò giải trí, ai là người đi vào phòng của trẻ thông qua Tivi và các thiết bị điện tử, ai là người mà mình trao phó con cái để họ hướng dẫn chúng trong những thời gian rảnh rỗi”.

Một số chiến lược nhằm giảm bớt ảnh hưởng của phương tiện truyền thông

– Khuyến khích các hoạt động gia đình không sử dụng điện tử. Cụ thể, có thể tắt tất cả các thiết bị điện tử trong bữa tối của gia đình, khích lệ việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Ví dụ, bạn có thể gợi ý: Hãy kể cho cha mẹ nghe điều gì mà con cảm thấy biết ơn xem nào! Con có muốn chia sẻ một điều tốt đẹp đã xảy ra với con trong tuần này không?

– Sắp xếp thời gian cụ thể cho việc sử dụng mạng xã hội và công nghệ trong nhà. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đặt giới hạn cho từng ứng dụng trên điện thoại, xem lại thời gian sử dụng thiết bị mỗi tuần và điều chỉnh cho phù hợp. Để làm được điều này, bậc cha mẹ cần tham gia nhiều hơn vào đời sống và hoạt động của trẻ.

– Cha mẹ cùng quyết định độ tuổi thích hợp để trẻ sử dụng điện thoại di động. Trong gia đình chúng tôi là 15 tuổi, nhưng mỗi gia đình có thể tuỷ nghi, điều quan trọng là luôn sự giám sát.

– Thiết lập những thói quen tốt để khuyến khích việc thực hành đức tin, dành thời gian cho việc cầu nguyện của gia đình.

– Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động thể thao, nghệ thuật, sau giờ học và các hoạt động khác giúp trẻ phát triển tài năng.

– Thúc đẩy việc sử dụng phương tiện truyền thông có chọn lọc, ưu tiên những nội dung truyền cảm hứng nuôi dưỡng đức tin và các giá trị Công giáo.

– Cuối cùng, hãy khuyến khích việc đọc Kinh thánh và tham gia vào nhóm giới trẻ của giáo xứ.

Tầm quan trọng của gương mẫu và giao tiếp

Chỉ đặt ra các quy tắc hoặc giới hạn thôi là chưa đủ; là bậc cha mẹ, chúng ta cũng có trách nhiệm trong việc làm gương trong những hành vi tốt. Chúng ta không thể yêu cầu trẻ không uống rượu nếu chúng ta uống rượu không có chừng mực. Chúng ta không thể nói trẻ đừng sử dụng điện thoại quá mức nếu chúng ta sử dụng điện thoại liên tục.

Điều cần thiết là phải giúp trẻ phát triển những kỹ năng giao tiếp tốt, giải thích những gì chúng ta mong đợi ở trẻ, lắng nghe trẻ và áp dụng những biện pháp khi trẻ không cư xử chừng mực như mong đợi.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở: “Gia đình không thể phủ nhận mình là nơi nâng đỡ, đồng hành, hướng dẫn con cái, cho dù cần phải tái tạo lại các phương pháp và khám phá những nguồn lực mới”.

Chỉ khi dành thời gian cho con cái, nói với chúng về những điều quan trọng một cách đơn giản với tâm tình trìu mến, đồng thời tạo ra những cơ hội lành mạnh để trẻ sử dụng thời gian, thì chúng ta mới có thể giúp trẻ khỏi bị xâm hại”.

Tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, tâm linh và thể chất của trẻ. Đồng thời, cha mẹ không chỉ phải đặt ra giới hạn mà còn phải làm gương, tìm sự cân bằng và lấp đầy thời gian của trẻ bằng những hoạt động tích cực giúp trẻ phát triển tài năng. Đó là chưa kể đến việc thực hành đức tin tại gia và những dịp trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta.

Hãy quan tâm để chọn những hoạt động vui vẻ và khả thi cho cả gia đình. Đây có thể là sự khởi đầu cho những thói quen tích cực mới trong gia đình, giúp chúng ta bớt sử dụng phương tiện truyền thông và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình để làm những việc nuôi dưỡng thể lý, tâm trí – và cả đức tin của chúng ta.

 

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Lược dịch từ: oursundayvisitor.com (06. 05. 2024)

Nguồn: daminhthanhtam.com