Đừng Để Chúa Bị Hiểu Lầm!

 

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

 

Đã bao nhiêu lần, chúng ta đọc trong các thiệp tang: “Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, gia đình tang quyến chúng tôi xin kính báo: Ông/Bà… được Chúa gọi về…” Hoặc là: “Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Ông/Bà… vừa được Chúa gọi về…” Có phải thật sự Chúa gọi người này về hay không? Nếu người qua đời là một người trẻ hoặc một em bé đang tràn đầy sức sống, chúng ta cũng cho là Chúa gọi về hay sao?

Đã bao nhiêu lần, chúng ta hát thánh vịnh 125 do cha Kim Long phổ nhạc: “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ”. Trong thánh vịnh 125, dân Do Thái ca tụng và tạ ơn Chúa vì Người dẫn đưa họ trở về Đất Hứa sau bao nhiêu năm lưu đày: “Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng… Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy mình chan chứa một niềm vui.” (c. 1-2.4). Thánh vịnh 125 thuộc thể loại “Ca khúc lên Đền”, là một bài ca vui mừng và tạ ơn Thiên Chúa. Người Do Thái thường hát thánh vịnh này trước ngày lễ sa-bát và các ngày lễ của họ. Tại sao chúng ta lại “dám” hát Thánh vịnh này trong thánh lễ an táng? Như vậy, chẳng phải là thật bất cẩn và vô tâm khi tang quyến đang buồn sầu khóc than sao?

Đã bao nhiêu lần, chúng ta nghe những lời an ủi như thế này trong các đám tang: “Anh/Chị vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa…”, hoặc là: “chấp nhận những thử thách Chúa gửi tới…”

Không! Chúa không gọi ai cả! Chúa không muốn ai phải chết! Chúa không phạt ai cả! Chúa không muốn điều xấu cho ai và làm hại ai cả! Chúa không muốn cái chết của bất kỳ ai, ngay cả kẻ tội lỗi! Trong sách ngôn sứ Êdêkien, Chúa phán như sau: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.” (Ed 18,21)

Vậy chúng ta hiểu cái chết như thế nào? Cái chết do đâu mà ra?

1/ Trước tiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa, là nguồn mạch sự sống, đã tạo dựng con người và muôn loài muôn vật theo một trật tự. Người trao cho con người việc cai quản mọi loài thụ tạo. Và tất cả những gì Thiên Chúa sáng tạo đều tốt đẹp (St 1,4.10.12.18.21.25.31). Và Chúa tôn trọng sự tự do và độc lập của mọi thụ tạo.

2/ Vậy cái xấu, cái ác và sự chết đến từ đâu? Theo Kinh Thánh, nó phát xuất từ sự bất tuân Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Tội Tổ Tông hay Nguyên Tội. Thánh Phaolô tóm gọn “mầu nhiệm sự dữ” qua câu sau đây: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rm 5,12)

Theo giáo lý của Hội Thánh Công giáo, mỗi một con người đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Trong con người tồn tại một khao khát mãnh liệt hướng về điều thiện vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhưng cũng có xu hướng hướng về sự dữ do Tội Tổ Tông. Tuy nhiên, con người không “thừa hưởng” tội từ bất kỳ ai: Tội tổ tông, mặc dầu truyền đến mỗi người, nhưng không hề mang tính cách một tội của bản thân nơi bất kỳ ai trong con cháu ông Ađam. Nguyên tội làm mất đi sự thánh thiện và công chính ban đầu, nhưng không làm hư hoại hoàn toàn bản tính loài người: Bản tính loài người chỉ bị thương tổn trong các khả năng tự nhiên, bị lâm cảnh mê muội, đau khổ và phải chết. (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 405)

3/ Có phải Chúa muốn cái chết của con người không? Đây là một câu hỏi lớn, và câu trả lời là KHÔNG! Không, Thiên Chúa không muốn cái chết, đặc biệt là cái chết của trẻ em và người trẻ! Sách Khôn Ngoan trong Kinh Thánh nói như sau: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (1,13). Cái chết của một người, dù là đàn ông hay đàn bà, dù là người già hay trẻ nhỏ không làm Chúa vui chút nào cả! Thiên Chúa không dùng cái chết của một người để trừng phạt ai đó, cũng không để dọa nạt hay thử thách người thân hay bạn bè của người ấy!

Vậy tại sao lại chết? Tại sao lại có cái chết của những người trẻ đang có nhiều ước mơ và dự tính? Tại sao lại có những trẻ thơ vô tội phải chết khi còn chưa kịp khám phá sự sống?

Chúng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi này không phải ở phía Thiên Chúa mà là ở phía chúng ta, là phía loài người phàm trần với cuộc sống mỏng manh và giới hạn. Cuộc sống của chúng ta đều đang hướng tới cái chết. Và không ai thoát được cái chết cả! Chết vì tuổi già, vì bệnh tật, vì tai nạn, vì tai ương… chứ không phải vì Chúa muốn!

Thiên Chúa không ngăn cản cái chết đến. Người không giơ tay ngăn cản mọi việc đang diễn ra trên trái đất. Vậy Thiên Chúa ở đâu và làm gì khi một người qua đời? Người ở bên cạnh người chết và với những ai đang than khóc, buồn sầu. Người an ủi họ. Ngày xưa, Chúa Giêsu đã khóc khi bạn của Người là Ladarô qua đời (Ga 11,34). Vâng, Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, nghĩa là chính Thiên Chúa, đã thương tiếc cái chết của bạn bè mình, Chúa thương tiếc cái chết của những người con mà Người hết mực yêu thương. Và chúng ta đừng quên, chính Con Thiên Chúa trong thân phận con người cũng đã chấp nhận cái chết.

4/ Vậy tại sao trong thánh lễ, trong Kinh nguyện Thánh thể số 2, linh mục lại đọc: Xin nhớ đến tôi tớ Chúa là T. mà Chúa đã gọi ra khỏi đời này về với Chúa”?

Ta phải hiểu lời nguyện này như sau: Chúa tôn trọng quy luật tự nhiên và giới hạn của con người, là sinh ra, lớn lên rồi chết. Ông Ladarô trong Tin Mừng được Chúa cho sống lại, rồi sau đó cũng sẽ chết. Chỉ khi ai đó chết rồi, sau khi đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế, Chúa gọi người đó về hưởng hạnh phúc bên Chúa. Chúa không rút ngắn cuộc sống của ai cả!

Hầu như trong tất cả các Kinh nguyện Thánh thể, Giáo Hội đều xin Chúa “nhận”, “thương nhận”, “tiếp nhận” những người đã qua đời vào Thiên Đàng. Xin nêu một vài lời nguyện:

– Kinh nguyện Thánh thể số 3 có câu: Xin Cha thương đến anh chị em chúng con đã ly trần, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã sống đẹp lòng Cha mà nay đã lìa cõi thế. Xin thương nhận hết thảy vào Nước Cha…”

– Hoặc trong Kinh nguyện Thánh Thể cầu cho những nhu cầu khác nhau: Xin Chúa nhớ đến anh chị em chúng con đã an nghỉ trong Đức Kitô, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con… Xin Chúa tiếp nhận họ vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa và ban cho họ khi sống lại được sống viên mãn.”

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta không đề cập đến chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa là cứu con người khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết. Chúa Kitô xuống trần gian để đem con người về Thiên Đàng là nơi không còn nước mắt, đau khổ và sự chết.

Trở lại những gì đã được đề cập đầu bài viết, thiết nghĩ chúng ta nên tránh những cách nói làm cho Chúa bị… trách oan vì làm cho những người không có cùng niềm tin với chúng ta hiểu lầm khi báo tin người thân qua đời, như “Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Ông/Bà… vừa được Chúa gọi về…”. Vì Chúa không “gọi” ai cả, theo nghĩa Chúa không làm cho ai phải chết. Nhưng chúng ta tin rằng, khi một người thân yêu của chúng ta qua đời là lúc họ được về với Chúa, về nhà Chúa, về nơi quê hương đích thật là Thiên Đàng. Vì vậy, để hiểu cho đúng hơn, chúng ta nên nói: “Ông/Bà… đã về nhà Cha/nhà Chúa” , hoặc “Ông/Bà… đã an nghỉ trong Chúa/bên Chúa”. Đó là niềm tin của chúng ta. Niềm tin đó không chỉ đem lại cho chúng ta niềm an ủi, niềm hy vọng trong lúc đau buồn vì mất đi người thân, nhưng còn là một lời mời gọi chúng ta ý thức về cách chúng ta đang sống. Chúng ta phải sống làm sao để ngày trở về với Chúa của chúng ta không làm chúng ta sợ hãi hay xấu hổ khi đến trước mặt Chúa, nhưng là ngày tràn đầy niềm vui của người con vì được trở về với Cha mình.

 

Nguồn: daminhtamhiep.net