Nhìn Thập Giá…

          Cách đây nhiều năm, cơm trưa xong, mọi người lên phòng nghỉ, chỉ còn lại linh mục nhạc sĩ Tí Ti (Phêrô Thành Tâm) đáng yêu ngồi với mấy Cha. Bỉ nhân hỏi cha ngồi cạnh Tí Ti :
          – Cha ơi ! Cha có quen ai ở Trung Tâm Chấn Thương Chỉnh Hình không ạ ?
          – Có quen ! Chi vậy ?
          – Cha ơi ! Mấy hôm nay con bị xái cổ ?
          – Sao xái ?
        – Dạ, chẳng giấu gì Cha, mấy hôm nay con cứ “nhìn thập giá ngất cao Giêsu chịu treo” nên con bị xái.

          Cha Thành Tâm biết là bị “kê” nên nói :

          – Chú em ! Chú em chọc wa wài hen !

          Gọi là chọc cho vui tuổi già của Cha Thành Tâm dễ thương nhưng cảm ơn Cha đã để lại tâm tình hết sức sâu lắng khi nhìn Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá.

          Vâng ! Con gẫm suy sao Chúa yêu con làm chi ? Chúa yêu con khi con còn là tội nhân để rồi con không hiểu nỗi …

          Tuần Thánh là cao điểm nhất của Năm Phụng Vụ và những ngày tuần Thánh, người Kitô hữu được mời gọi chiêm ngắm và bước theo Chúa Giêsu lên đỉnh đồi Canvê. Năm nay, một năm hết sức đặc biệt khi cả thế giới chìm ngập trong đau thương của đại dịch Coronavirus cũng chính là tuần Thánh đặc biệt để mỗi người chúng ta lắng đọng tâm hồn hơn nữa.

          Đường lên núi Canvê ngày xưa không chỉ gập gềnh bởi núi đá gập ghềnh mà còn gập ghềnh hơn nữa do lòng người “gập ghềnh”.

          Trước tiên, ta bắt gặp quan lại. Quan lại, cách riêng là Philatô và Hêrôđê, nếu như trước đây chả qua lại hay cũng chả thân thích gì nhưng vì muốn an thân hay vụ lợi, hai ông này đã bắt tay nhau để xử án Chúa Giêsu dù biết Chúa vô tội. Cao cơ hơn cả là Hêrôđể muốn không phiền lụy vào mình nên rửa tay để coi như mình không vấy máu trên người vô tội. Thế nhưng rồi, hành vi ấy cũng chỉ là hành vi bên ngoài nhưng ông vẫn góp phần vào cái chết của Chúa Giêsu. Và, sau khi Chúa chết, quan cũng như lính chỉ vì vài đồng bạc lẽ cũng đã bưng bít sự sống lại của Chúa.

          “Vở bi kịch” mang tên Giêsu hay vụ án Giêsu ta thấy có lẽ đông nhất đó chính là đám đông dân chúng. Nhìn đám đông đó, ta thấy lòng họ thật tráo trở. Ít nhiều gì đám đông đó cũng đã nhận bổng lộc từ Chúa Giêsu trên những nẻo đường Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng. Hay ít là trong đám đông đó, Chúa Giêsu chưa bao giờ gây hấn với ai hay gây thù chuốc oán với ai. Thế nhưng rồi vì hùa theo đám đông, ta bắt gặp hành vi dã man từ đám đông ấy “Đóng đinh nó ! Đóng đinh nó vào thập giá !”.

          Bi kịch và bi đát dành cho con người mang tên Giêsu. Con người đã quay lưng với người ban ơn cho mình. Mình là người thụ ơn. Không biết ơn cũng đã đành nhưng tệ hơn nữa là loại trừ người ban ơn cho mình.

          Có lẽ, đau hơn cả với “tội nhân” Giêsu có lẽ là những môn đệ thân tín. Các môn đệ thân tín có thể nói là những người đã chấm chung một chén, uống chung một bàn với Thầy Giêsu nhưng rồi đã bỏ đi hết. Nghiệt ngã nhất là “thánh nổ” Phêrô : “Ai bỏ Thầy chứ con đây con không bao giờ bỏ Thầy”.

          Nhục, tủi cho con người oai phong lẫm liệt ấy ! “Trước khi gà gáy 2 lần thì con đã chối Thầy 3 lần!”.

          Mà thật ! Như Thầy nói, Phêrô đã vấp phạm và bi đát nhất là phản bội người yêu của mình, Thầy của mình.

          Toang rồi ông giáo ơi ! Nói theo ngôn ngữ thời nay là vậy ! Đời “ông giáo” coi như không còn gì để mất. Bỏ đã đau mà chối còn đau hơn nữa.

          Từ trên Thánh giá ngước nhìn trời cao

          môi khô rã rời bơ vơ Chúa hỏi “sao nỡ đành bỏ  con?”

          Từ trên cao ấy Chúa nhìn xung quanh, tình đời bạc đen

          tình người hờn ghen Chúa gục đầu đơn côi.

          Thật ! Tình đời quá bạc đen khi con người bỏ đi hết. Và, bi thương nhất là Chúa Cha cũng im lặng khi thấy con yêu của mình chịu chết nhục hình. Thế nhưng, sự im lặng của Chúa Cha như để cho thánh ý của Cha được nên trọn để Thiên Chúa được tôn vinh nơi Con của Cha Con Cha được tôn vinh như Cha. Sự im lặng của Cha không như sự ruồng rẫy của con người. Sự im lặng của Cha để cho ơn cứu độ được thành toàn nơi người Con Một yêu dấu.

          Cuối cùng, chỉ còn người duy nhất “tồn tại” dưới chân cây thập tự đó chính là Thân Mẫu người và người môn đệ Người yêu.

          Khi đổ chuyện mới biết đá biết vàng ! Hay khi đụng chuyện mới biết ai là người thương ta thật ! được áp dụng cho cuộc đời Chúa Giêsu trong giờ bi đát nhất.

          Mẹ Maria đã bình tĩnh đón nhận cái chết của con mình cách nhục nhã. Gioan cũng ở với Mẹ để nhìn Thầy mình chết đau đớn.

          Thế đó ! “Tua” lại con đường Canvê để ta thử xem ta là ai trong “vở bi hài kịch” mang tên Giêsu ?

          Ta là người được thụ ơn mà nay phản bội Chúa ?

          Ta là người vô tâm trước án chết của một người vô tội ?

          Ta là quan quyền đã rửa tay hay vì tiền mà quay lưng với Chúa ?

          Ta là người môn đệ thân tín đã từng “chén tù chén tạc” với Thầy Giêsu mà đã trốn Chúa ?

          Và, ta là Gioan, ta là Mẹ Maria ?

          Câu trả lời tùy thuộc vào tâm tình của mỗi người chúng ta.

          Đường Canvê xưa cũng như đường Canvê ngày nay chẳng ai muốn đi vì quá đau thương. Ngày nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi bước đi theo Thầy Chí Thánh như ngày xưa vậy. Tâm tình của chúng ta như thế nào là của mỗi người chúng ta.

          Thật thế ! Đường thập giá không phải là con đường dễ đi, Thánh Giá không phải là nhẹ để ta vác trên mọi nẻo đường đời. Để đi theo Chúa và vác thập tự giá đời ta, không có cách nào khác là ta phải kết hợp mật thiết với Chúa Cha và vâng lời Chúa Cha đến tận cùng.

          Tự sức chúng ta, tự khả năng chúng ta chắc chắn chúng ta không thể nào mang và vác được để rồi ta lại xin Chúa thêm ơn và thêm sức cho chúng ta. Và, tự lòng chúng ta sẽ không thể yêu thánh giá được nếu như ta không cảm nhận được tình Chúa thương ta. Như vậy, ta hãy nhìn lên thánh giá để ta thấy có “một người” chết vì yêu ta để ta can đảm chết và yêu như “người ấy” đã yêu ta. Có như vậy, sống như vậy thì mới là người môn đệ chân chính của Thầy Giêsu được.

NGƯỜI GIỒNG TRÔM

WGPKT(06/04/2020) KONTUM