Truyện Ngắn: Mùa Hoa Tím

TGPSG —  Ngày con chào đời, cây hoa bằng lăng tím trước cổng nở rộ và cả núi đồi cũng tím ngắt màu hoa bằng lăng nữa…

– Từ nay đi học rồi, tên của con là Cẩm Nhung, không phải là Chích Bông nữa. Nếu cô giáo gọi Cẩm Nhung con phải dạ, nhớ chưa? Tên Chích Bông chỉ gọi ở nhà thôi! Bây giờ lớn rồi, đi học phải nhớ đúng tên của mình nhé!

– Dạ, nhưng tên Cẩm Nhung có nghĩa gì vậy ba?

Ba mỉm cười giải thích:

– Cẩm là màu tím, Nhung là… mềm mại dịu dàng, có nghĩa là bông hoa tím dịu dàng của Ba Má đấy!

 Má chen vào:

– Ngày con chào đời, cây hoa bằng lăng tím trước cổng nở rộ và cả núi đồi cũng tím ngắt màu hoa bằng lăng nữa.

Cẩm Nhung khẽ chớp mắt. Không biết cô bé có hiểu hết những gì ba má giải thích hay không, nhưng từ hôm đó trở đi, không ai gọi cô bé là Chích Bông nữa, mà gọi là Cẩm Nhung. Đứa bé 5 tuổi nay phải ra khỏi nhà để đến trường, ra khỏi mái ấm để đến một cánh cửa mới mở ra trước mắt, dẫn nó đi vào một thế giới rộng lớn qua cánh cửa trường học này.

***

Cơn mưa đầu mùa cuốn theo mùi đất đỏ quyện trong gió làm phôi pha cả một quá khứ xa xôi. Một bóng hình thân thương mờ mờ hiện lên trong tâm trí Cẩm Nhung.

Ngày ấy cũng mưa trắng xóa cả một vùng đồi núi.

– Ba ơi! Tỉnh lại đi Ba.

Người đàn ông run lên trong cơn sốt và co giật, toàn thân quằn quại trong căn bệnh phong đòn gánh. Đó là cơn co giật lần thứ năm rồi.

Cẩm Nhung chỉ biết hôm đó Ba đi rừng về bị một vết thương khá sâu ở chân vì Ba dẫm phải miểng bom ở bìa rừng khi đi làm về. Vì nhà xa bệnh viện nên Ba đã tự băng bó lại cho vết thương tự lành. Nhưng không ngờ sau đó mấy hôm, Ba bị lên cơn sốt hoài và lên cơn co giật nữa, nên Má quyết định đưa Ba lên bệnh viện tỉnh để khám.

Bác sĩ cho biết Ba nhiễm vi khuẩn uốn ván do dẫm phải miểng đạn và đến bệnh viện quá trễ, không còn cách cứu chữa, cho uống thuốc cầm chừng thôi, và người ta cho Ba về. Nước mắt Má ướt đẫm con đường trở về nhà. Những cơn co giật của Ba nhiều hơn. Má không đi rẫy nữa, ở nhà chăm Ba. Mỗi lần lên cơn co giật, người Ba lạnh buốt, nhưng mồ hôi thì chảy nhiều hơn, mắt trợn lên sùi bọt mép và toàn thân Ba gồng cứng lên. Nhìn thấy Ba như vậy, Cẩm Nhung rất đau lòng và thương Ba vô kể. Cẩm Nhung cùng với Má chăm Ba trong những ngày Ba trở bệnh nặng hơn.

Ngày Ba qua đời, đồi núi như để tang Ba. Khắp con đường từ nhà thờ ra nghĩa trang, hoa bằng lăng tím ngắt cả một khoảng trời đưa tiễn Ba.

Ba ra đi để lại một niềm thương nhớ vì từ hôm ấy trở đi không còn mùi khói thuốc lào khét khét, chẳng còn tiếng cười giòn của Ba, và tiếng nói khàn khàn ấm áp của Ba nữa. Tang tóc bao trùm căn nhà bé nhỏ giữa núi đồi này. Má đã ôm chị em Cẩm Nhung mà khóc nức nở. Từ đây Má vừa là Má vừa là Ba của chị em Cẩm Nhung; đôi vai Má gánh vác cả gia đình này. Cũng từ đây, Cẩm Nhung thấy mình lớn hơn trong trọng trách đối với gia đình và thầm hứa với Ba sẽ chăm sóc Má và em trai thay Ba.

***

Con đường mòn từ nhà đến trường – mà Cẩm Nhung đi hằng ngày – hôm nay như ngắn lại vì cô bé cảm nhận rằng có Ba đang cùng đi, đang dõi mắt nhìn Cẩm Nhung. Vì thế, dù vừa trải qua biến cố tang tóc, Cẩm Nhung vẫn giữ được phong độ của một lớp trưởng gương mẫu.

Tuy nhiên, những suy nghĩ miên man về sự ra đi của Ba đã khiến Cẩm Nhung muốn giúp đỡ Má nhiều hơn. Một mình Má làm rẫy, lo tiền ăn học cho hai chị em Cẩm Nhung thật vất vả. Gánh nặng trên vai Má, Cẩm Nhung muốn chia sẻ: Hay mình nghỉ học để Má bớt lo lắng về học phí; mình sẽ xuống rẫy giúp Má chăm rẫy cà phê. Suy nghĩ ấy đã đeo đuổi Cẩm Nhung cả tháng trời từ khi Ba mất, nhưng lại không dám nói với Má…

Hôm nay Cẩm Nhung lấy hết can đảm sau giờ kinh tối nói chuyện với Má.

– Má à, con muốn nghỉ học, phụ má làm rẫy!

Choàng tay ôm đứa con gái vào lòng, Má thổn thức:

– Ba Má đã không được học hành vì thời cuộc, thì con phải học để có tương lai. Ước vọng của Ba trước khi mất là các con phải được học hành tử tế. Má vất vả một chút không sao.

– Con thấy Má vất vả quá, con, c…o…n… – Tiếng của Cẩm Nhung như nghẹn lại không thể nói gì được nữa.

Trong ánh đèn leo lét của ngôi nhà gỗ ấm áp tình thương này, có một ước mơ đang lớn lên trong trái tim người mẹ, có một khát khao lớn cho tương lai của Cẩm Nhung, có một khoảng trời rộng lớn phía trước cho một gia đình Công Giáo có Chúa ở giữa…

***

Sân trường rải rác những cánh hoa bằng lăng tím dưới chân người đi.

– Này, lớp trưởng có dự định thi vào trường đại học nào chưa? – Tiếng Khoa hỏi dồn.

– Ừ, thì có, mình dự định thi vào ngành Điều Dưỡng, – Tiếng Cẩm Nhung đáp lại.

Suy nghĩ một chút, Khoa nói:

– Nghề đó vất vả lắm đó nghen, mà không có tương lai lắm đâu. Cẩm Nhung học giỏi mà, thi ngành kinh tế hay ngân hàng cũng được lắm!

– Mình muốn học ngành này để có thể chăm sóc những người nghèo không được quan tâm, như Ba mình đã mất vì không đến bệnh viện kịp, – Đôi mắt Cẩm Nhung đẫm lệ.

Tiếng của Khoa nhỏ lại:

– Mình xin lỗi đã nhắc lại nỗi đau của bạn.

Đôi mắt Cẩm Nhung có cái gì đó hút mất hồn Khoa, làm trái tim Khoa như đóng băng trước Cẩm Nhung. Phải chăng những rung động của cái tuổi học trò đơn sơ là đây!

Dưới sân trường hôm ấy nắng như dịu lại để đôi bạn nói chuyện với nhau về những ước mơ của mình. Và rồi những buổi tan trường, Khoa luôn tìm cách đi bên, trò chuyện với Cẩm Nhung.

Chiều nay tan trường, mưa to quá. Dưới mái hiên của sân trường, từng cánh hoa bằng lăng rơi lã chã. Chốc chốc, cơn gió tung những cánh hoa tím lên cao rồi hất chúng rơi xuống đầy mặt đất, như trò chơi của gió và cây, khéo đẩy đưa đôi bạn đến gần nhau hơn.

– Áo mưa nè Cẩm Nhung, về thôi!

– Nhưng cho mình mượn áo mưa rồi, Khoa lấy đâu áo mưa để về?

Khoa khẽ nháy mắt:

– Là con trai mà sợ mưa thì đâu còn là con trai nữa!

Dưới cơn mưa ấy, đôi bạn trở về nhà, có thêm một chút lâng lâng ngây ngô của tuổi học trò, một chút gì đó của tình yêu chớm nở.

Ngày bước chân vào đại học, Cẩm Nhung và Khoa phải chia tay nhau để đi tiếp con đường học vấn. Khoa vào ngành kỹ sư điện, Cẩm Nhung vào cánh cửa ngành Điều dưỡng. Những liên lạc của đôi bạn qua điện thoại thưa dần, dành chỗ cho đèn sách.

Và rồi thời gian cứ trôi đi chẳng chờ ai, cho đến ngày Cẩm Nhung tốt nghiệp, khoác trên mình chiếc áo blu trắng như thiên thần, cầm trong tay chiếc đèn sáng, đứng giữa 150 sinh viên khoa Điều Dưỡng, cùng tuyên hứa ‘Lời thề Florence Nightingale (the Florence Nightingale Pledge)’:

“Tôi long trọng tuyên thệ trước các Đấng Tối Cao và sự hiện diện của người trong buổi lễ này, sẽ sống trong sạch và thực hành nghề nghiệp một cách trung thực.

Tôi sẽ từ chối những gì có thể gây hại cho người khác và sẽ không cho bất kỳ loại thuốc có hại nào.

Tôi sẽ dùng mọi năng lực của mình để duy trì và phát triển những chuẩn mực nghề nghiệp và sẽ giữ kín tất cả những bí mật riêng tư của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Với lòng trung thành, tôi sẽ nỗ lực để giúp các thầy thuốc thực hiện công việc và sẽ cống hiến bản thân vì sức khỏe của những người mà tôi chăm sóc.”

Cẩm Nhung tốt nghiệp đại học trong bộ áo trắng tinh, nhẹ nhàng và thanh khiết trong nghề nghiệp mà Cẩm Nhung đang làm. Vì là sinh viên xuất sắc của trường nên Cẩm Nhung dễ dàng xin được việc ngay khi ra trường.

Nhưng công việc tại bệnh viện không đơn giản như Cẩm Nhung nghĩ. Vất vả với công việc trực đêm: khi các bệnh nhân ngủ cũng là lúc Cẩm Nhung phải thức để đúng giờ tiêm thuốc và thao tác y khoa cho bệnh nhân. Những vết thương, máu và dịch tiết là mối nguy hại cho sức khỏe của chính mình. Đương đầu với những nguy hiểm và những va chạm xã hội của nghề nghiệp đôi lúc khiến Cẩm Nhung rất mệt mỏi: không ít lần bị la mắng, có khi còn bị dọa đánh, bị dọa kiện ra tòa khi người nhà bệnh nhân thấy người thân không thể cứu được, cho rằng nhân viên y tế chăm sóc không tốt…

***

Tiếng xe cứu thương vang lên khắp bệnh viện. Người ta chuyển xuống một bệnh nhân nam bị điện giật. Các y tá và bác sĩ hối hả cấp cứu cho anh. Cẩm Nhung nhanh chóng tiêm thuốc theo y lệnh. Những ống thuốc cấp cứu liên tục được tiêm. Các bác sĩ ra sức ép tim và bóp bóng thở, nhưng dường như bệnh nhân không có cơ may thoát khỏi tử thần. Bất chợt đôi mắt của bệnh nhân choàng mở và nhìn thẳng vào ánh mắt của Cẩm Nhung. Như có một luồng điện chạy khắp châu thân, Cẩm Nhung giật mình, run rẩy thốt lên: “Khoa!”

Mọi ánh nhìn của phòng cấp cứu lập tức hướng về phía Cẩm Nhung và người bệnh đang được cấp cứu. Nhưng rồi đôi mắt bệnh nhân lại từ từ nhắm nghiền lại, và không còn mở ra được nữa. Nhịp tim của anh cũng dừng lại. Mọi người bước ra khỏi phòng cấp cứu. Bác sĩ trưởng khoa lắc đầu trước những người thân của bệnh nhân: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không thể cứu được.” Những tiếng khóc bắt đầu thổn thức. Cẩm Nhung cũng không cầm được nước mắt khi lần giở hồ sơ và biết chính xác bệnh nhân bị điện giật mới qua đời là Khoa, người bạn thời đi học của mình. Cẩm Nhung đau đớn trong lòng, khóc thành tiếng, nhưng không thể làm được gì nữa cho người bạn một thời của mình.

***

Chiều nay tan ca trực, trên đường về, Cẩm Nhung đi ngang qua một nhà thờ. Có một sức hút nào đó giữ Cẩm Nhung lại. Dừng xe bước vào sân nhà thờ, Cẩm Nhung thấy lòng mình thanh thản hơn. Khẽ đẩy cánh cửa nhà thờ, Cẩm Nhung trông thấy một nữ tu cũng đang mặc chiếc áo blu trắng quỳ ở cuối nhà thờ. Cẩm Nhung không thể rời mắt khỏi người nữ tu nhỏ bé này, sao chị nữ tu ấy lại có khuôn mặt bình an và thanh thản đến thế nhỉ, và dường như đang phát sáng dưới cây Thánh giá mà chị đang nhìn lên cầu nguyện…

***

Hôm nay, Cẩm Nhung vẫn khoác trên mình chiếc áo blu màu trắng, đang nhẫn nại cúi xuống trên những bệnh nhân tại một bệnh viện xa xôi nhỏ bé. Những công việc ấy bây giờ đã là niềm vui thanh khiết, cho dù vẫn khó nhọc và đầy bất trắc. Sứ vụ của chị nữ tu – mang tên loài hoa tím Cẩm Nhung – đang âm thầm tỏa hương giữa những đau khổ của các bệnh nhân. Đôi tay của chị nối dài thêm đôi tay của Chúa để phục vụ những người bệnh. Những người này có khuôn mặt giống như như Ba chị trước đây phải đau đớn vì bệnh tật, có thân thể như Mẹ chị đang lom khom với tuổi già, có ánh mắt thảng thốt giống như Khoa đang nhìn chị… Và với tất cả con tim tha thiết, chị đang dịu dàng chăm sóc họ trong ánh nhìn yêu thương của Chúa…

Nữ tu Maria Hồng Hà CMR. (TGPSG – NSTM 42)
WGPKT(16/03/2021) KONTUM