Chờ Đợi Văn Kiện Của Đức Thánh Cha Về Lòng Sùng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

Như chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo sáng thứ Tư ngày 5/6/2024, trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu, tháng 9 tới đây, ngài sẽ công bố một văn kiện để cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong thời đại ngày nay, với những hoàn cảnh đã thay đổi nhiều so với trước kia. Nhiều người nóng lòng chờ đợi: Đức Thánh Cha sẽ nói điều gì mới mẻ hơn về vấn đề này so với các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm?

 Bối cảnh vấn đề

 Như chính Đức Thánh Cha đã nêu lý do của việc soạn thảo văn kiện:

 “Chúng ta đang ở trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngày 27/12 năm ngoái (2023) là kỷ niệm đúng 350 năm Thánh Tâm Chúa được biểu lộ lần đầu tiên cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Một thời kỳ cử hành đã được khai mạc vào dịp đó và sẽ kết thúc vào ngày 27/6 năm tới (2025). Nhân dịp này, tôi vui mừng chuẩn bị văn kiện thu thập những suy tư quí giá của các văn bản huấn quyền trước đây và lịch sử lâu dài bắt đầu từ Kinh Thánh, để tái đề nghị với toàn thể Giáo Hội ngày nay, việc sùng mộ đầy vẻ đẹp thiêng liêng. Tôi tin rằng thật là điều rất tốt khi suy tư về nhiều khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa, có thể soi sáng hành trình đổi mới Giáo Hội; nhưng cũng để nói lên điều gì đó ý nghĩa cho một thế giới dường như đã đánh mất con tim. Tôi xin anh chị em đồng hành với tôi trong kinh nguyện, trong thời gian chuẩn bị, để công bố văn kiện này vào tháng 9 năm nay”.

 Việc sùng kính và đền tạ Thánh Tâm đã lỗi thời?

 Trước đó, đã có một Hội nghị ngày 1 đến 5/5 vừa qua (2024) ở Roma nhân dịp kỷ niệm 350 năm Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Margarita Maria Alacoque bên Pháp. Hội nghị xoay quanh vấn đề “Lời kêu gọi của Chúa Giêsu ‘hãy đền tạ’ có còn thời sự hay không? Hội nghị lặp lại lời kêu gọi dành chỗ cho việc đền tạ mà Chúa Giêsu đã đưa ra tại Paray-le-Monial và nêu rõ tính thời sự của mặc khải này trong bối cảnh hiện nay với khủng hoảng do nạn lạm dụng gây ra trong Giáo Hội.

 Khi tiếp các tham dự viên sáng ngày 4/5, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ Margarita Maria cổ võ thực hành những hành vi đền tạ vì những xúc phạm do tội lỗi của con người gây ra. Nếu những hành vi này an ủi Thánh Tâm Chúa, điều này có nghĩa là việc đền tạ cũng an ủi con tim của mỗi người bị thương tổn. Ước gì công việc của anh chị em tại Hội nghị này canh tân và đào sâu ý nghĩa của việc thực hành rất đẹp là đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc thực hành này ngày nay có phần bị quên lãng hoặc bị coi một cách sai trái là lỗi thời rồi. Và ước gì công việc của anh chị em tại Hội nghị cũng góp phần đề cao giá trị của chỗ đứng đúng đắn trong hành trình thống hối của mỗi tín hữu và của Giáo Hội”.

 Sau cùng, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cầu ngyện để dịp Năm Thánh của anh chị em kính Thánh Tâm Chúa Giêsu khơi dậy nơi bao nhiêu tín hữu hành hương lòng yêu mến biết ơn nồng nhiệt hơn đối với Chúa Giêsu và để Đền Thánh tại Paray-le-Monial ngày càng trở thành nơi an ủi và thương xót đối với mỗi người đang tìm kiếm an bình nội tâm”.

 Nhìn lại lịch sử

 Trong lịch sử Giáo Hội, từ hồi thế kỷ 11 và 12, người ta mới thấy xuất hiện việc sùng kính Thánh Tâm. Hình ảnh Vết Thương nơi Trái Tim Chúa biểu hiệu cho vết thương Tình Yêu. Nhiều vị thánh có công khơi lên lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa như thánh Anselmo, thánh Bernadino, thánh nữ Gertrude, thánh Bernardo, thánh Bonaventura.

 Nhưng việc đền tạ và tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu được đặc biệt đẩy mạnh với sứ mạng Chúa trao phó cho Thánh Nữ Margarita Alacoque ở Paray-le-Monial bên Pháp.

 Thánh nữ Magarita Alacoque

 Thực vậy, để truyền bá việc tôn thờ Trái Tim Chúa, Chúa đã dùng một nữ tu khiêm hạ ẩn kín trong tu viện là nữ tu Margarita Maria Alacoque người Pháp. Thánh nữ sinh năm 1647 và qua đời năm 1690. Chính Thánh nữ kể về gốc tích việc tôn thờ Trái Tim Chúa như sau:

 “Năm 1678, một hôm, lúc tôi đang chầu Mình Thánh Chúa trong tuần Tĩnh tâm với các chị em Dòng tại Paray-le Monial (Nước Pháp). Chúa Giêsu hiện ra cho tôi thấy Trái Tim Chúa bừng cháy ngọn lửa tình yêu nhân loại, rồi Người phán: “Cha muốn tỏ ra cho loài người biết Cha yêu thương họ dường nào. Trái Tim Cha là nguồn mạch mọi ơn cứu rỗi họ đời đời. Cha muốn chọn con để quảng bá lòng Tôn thờ Trái Tim Cha cho loài người. Con hèn yếu, nhưng Cha muốn chọn con để mọi người biết rằng việc này là của Cha chứ không phải của con. Con chỉ là dụng cụ hèn mọn Cha dùng”.

 Nghe những lời ấy, tôi rùng mình kinh khiếp, liền sấp mình kêu van Chúa chọn người tài giỏi xứng đáng hơn, tôi vừa kém đức lại là phận đàn bà yếu hèn sao làm nổi việc ấy. Nhưng Chúa Giêsu không nghe, Người phán rằng: “Cha chọn con, chỉ vì con thấy mình yếu đuối hèn hạ. Tự sức riêng con, con không làm gì được. Nhưng con hãy vững lòng, chớ sợ, Cha sẽ giúp sức cho con. Cha sẽ ban ơn dư dật cho con. Con không biết Cha hay dùng sức yếu mà phá đổ cường quyền ư? Cha thường dùng người yếu hèn để làm những công việc cao cả, vì người khiêm hèn chỉ cốt làm vinh danh Cha”.

 Tôi thưa lại: “Vậy lạy Chúa, xin ban cho con những ơn cần thiết để con có thể làm việc Chúa truyền dạy”. Chúa phán: “Chỉ có một sự rất cần là con phải khiêm nhường và tin thật rằng nếu không có Cha giúp, con chẳng làm gì được. Con hãy tin tưởng mạnh mẽ, Cha sẽ giúp con thành công trong việc Cha truyền”.

 Rồi Chúa mở trái tim cho tôi xem, tôi thấy lửa ở trái tim bốc ra lan tràn. Lúc ấy lòng tôi nóng ran như lửa, chịu chẳng được tôi phải kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con, con yếu hèn quá”. Chúa ngọt ngào an ủi tôi: “Con đừng sợ, Cha sẽ thêm sức cho con, con chỉ nên ghi lòng những mệnh lệnh của Cha. Đây là ơn trọng sau hết Cha ban cho các tội nhân. Ai từ chối sẽ phải hư mất đời đời, vì Cha chẳng còn ban ơn nào hơn được nữa”.

 Từ đấy, Chúa còn hiện ra nhiều lần dạy tôi những việc phải làm và những nhân đức phải giữ để tôn sùng Trái Tim Chúa. Tôi vâng giữ các điều Chúa truyền dạy, hết sức khuyên giục chị em cùng dòng và giáo dân tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu trong suốt đời tôi.

 Huấn quyền Hội Thánh

 Hầu hết các vị Giáo hoàng, từ Đức Innocente 12 hồi cuối thế kỷ 17 (1691-1700), đã tôn sùng và cổ võ cho việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa.

 Đặc biệt ngày 09/05/1928, Đức Giáo Hoàng Piô 11 đã ban hành Thông Điệp “Miserentissimus Redemptor” nói về sự cần thiết phải thực hành việc đền tạ Thánh Tâm. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh rằng việc đền tạ Thánh Tâm là bổn phận đòi hỏi mọi Kitô hữu phải thực hiện. Lòng sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ tôn giáo của chúng ta” (totius religionis summa), nếu được thực hiện “sẽ chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng hơn và kết thân với Người một cách quảng đại hơn”.

 Đức Giáo Hoàng Piô 12 công bố Thông Điệp “Haurietis Aquas” ngày 15/5/1956 về nền tảng đức tin và căn bản Thánh Kinh của lòng sùng kính Thánh Tâm, bản chất cũng như sự cần thiết và lợi ích lớn lao của lòng sùng kính này. Ngài cũng dạy rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tinh hoa và tổng hợp của tất cả mọi lòng sùng kính cần thiết và lành mạnh khác trong Giáo Hội như việc suy tôn Thánh Giá, việc tôn sùng Thánh Thể và lòng biệt kính Đức Mẹ.

 Trong Tông thư “Sự phong phú khôn dò của Chúa Kitô” (Investigabiled divitias Christi), ban hành hồi năm 1965 để kỷ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Thánh Phaolô 6 đã viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và đặc biệt cần thiết cho thời đại này”.

 Đức Phaolô 6 cũng như Đức Gioan 23, và Gioan Phaolô 2 đều là các vị giáo hoàng của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

 Tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết văn kiện của ngài đang được soạn thảo sẽ cô đọng “những suy tư quí giá của các văn bản huấn quyền trước đây và lịch sử lâu dài bắt đầu từ Kinh Thánh, để tái đề nghị với toàn thể Giáo Hội này ngay, việc sùng mộ đầy vẻ đẹp thiêng liêng”.

 

G. Trần Đức Anh, O.P.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt (09.06.2024)