3 Khái Niệm Tiếng Hy Lạp Giúp Hiểu Rõ Hơn Về Đức Tin Của Bạn

 Shutterstock

Ba từ ngữ này – metanoia, kerygma, và anamnesis – tượng trưng cho những sợi chỉ đan xen trong tấm thảm đức tin Kitô giáo.

Các sách Tin Mừng ban đầu được viết bằng tiếng Hy Lạp. Khi đọc những văn bản cổ xưa mang tính nền tảng này, chúng ta không chỉ tìm thấy những câu chuyện mà còn tìm thấy những khái niệm sâu sắc, được thể hiện bằng một ngôn ngữ phong phú và nhiều sắc thái – một ngôn ngữ đã định hình nên một truyền thống triết học, thần thoại, thần học, chính trị và thậm chí cả kinh tế vững chắc xung quanh khu vực Địa Trung Hải. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá ba từ ngữ tiếng Hy Lạp bộc lộ những chiều kích sâu xa hơn về kinh nghiệm của người Công giáo là: metanoiakerygma và anamnesis.

Metanoia: Một sự biến đổi của con tim

Thuật ngữ metanoia thường được dịch là “sám hối” hay “hoán cải”, nhưng điều này có phần không chính xác. Thuật ngữ này mang một ý nghĩa phức tạp hơn. Đó không chỉ là vấn đề về sám hối, mà là một sự biến đổi hoàn toàn cách thức suy nghĩ và cung cách sống của chúng taMetanoia không chỉ là việc tỏ ra hối tiếc về một quyết định sai lầm trong quá khứ: Đó là một cuộc biến chuyển đến tận cùng về các giá trị và sự ưu tiên của chúng ta.

Hãy hình dung đến hình ảnh một chiếc la bàn đã được định hướng lại hoàn toàn. Metanoia chính là như thế. Chúng ta quay lưng lại với sự ích kỷ và tội lỗi để hướng về Thiên Chúa và sống một cuộc đời lấy Chúa Kitô làm trung tâm.

Dụ ngôn Người con hoang đàng (x. Lc 15:11-32) là một ví dụ hoàn hảo về những gì mà metanoia đòi hỏi. Việc biểu lộ lòng hối hận ban đầu của người con (“Con đã lỗi phạm…”) chỉ là bước đầu tiên trong quá trình biến đổi của cậu ấy. Cuộc metanoia đích thực của cậu được chứng minh bằng quyết định trở về nhà, đón nhận tình yêu của cha mình và sống theo cách phù hợp với sự nhận thức mới được định hình lại nơi cậu.

Kerygma: Chia sẻ Tin Mừng

Kerygma đề cập đến thông điệp cốt lõi của Phúc Âm, thường được gọi là “Tin Mừng”. Lời công bố rằng Thiên Chúa, trong một hành động yêu thương bao la, đã sai Con của Người, Chúa Giêsu Kitô, đến cứu chuộc nhân loại chính là bản chất của kerygma. Lời công bố này bao gồm những lời dạy của Chúa Giêsu, cái chết và sự phục sinh của Người cũng như lời hứa về cuộc sống mới.

Người Công giáo được mời gọi tham gia tích cực vào kerygma. Họ chia sẻ Tin Mừng qua lời nói và hành động để mời gọi người khác cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đây không chỉ là việc mời gọi một người bạn đến tham dự Thánh lễ: Đó là việc sống một cuộc đời phản ánh lòng thương cảm của Chúa Kitô.

Anamnesis: Tái hiện lễ hy sinh

Nói một cách chính xác, anamnesis có nghĩa là “tưởng niệm” hoặc “làm nhớ lại”. Nhưng trong bối cảnh thần học, nó đề cập đến cách chúng ta tưởng nhớ và dự phần vào các biến cố cứu độ trong cuộc đời Chúa Giêsu – đặc biệt là Bữa Tiệc Ly. Chúa Thánh Thần ban tặng cho chúng ta khả năng để nhận thức về việc Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, và qua anamnesis, chúng ta ý thức, cảm nhận và thông phần vào những hiệu quả lâu dài từ lễ hy sinh của Chúa Kitô.

Ba từ này – metanoiakerygma, và anamnesis – tượng trưng cho những sợi chỉ đan xen trong tấm thảm đức tin của chúng taMetanoia tiêu biểu về một thời điểm mang tính quyết định, kerygma là thông điệp mà chúng ta phổ biến và anamnesis là cách chúng ta liên tục cảm nghiệm ân sủng của Thiên Chúa – đặc biệt là qua các Bí tích. Bằng cách nắm bắt những khái niệm này, tất cả chúng ta đều có thể làm phong phú thêm cuộc hành trình thiêng liêng cho riêng mình cũng như làm triển nở đức tin của mình trong một thế giới rộng lớn hơn.


Tác giả: Daniel Esparza – Nguồn: Aleteia (01/6/2024)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

Nguồn: giaophanvinhlong.net