Trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Bỉ, ngài đã đối diện với những chất vấn khác nhau. Nhưng rõ ràng ngài đến để trả lời cho những chất vấn đó, và nhất là để mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người, đặc biệt là Giáo hội Bỉ.
Giáo hội là ai ? Người nữ là ai ?
Trong lá thư của các sinh viên, một nữ sinh viên đã khẳng định rằng quan điểm của Giáo hội về phụ nữ dường như không tương hợp với sự phát triển toàn diện. “Nữ giới phần lớn vắng mặt trong Laudato si’,” sinh viên này cho biết, bị ấn tượng bởi sự vắng mặt đề cập đến phụ nữ trong bản văn cũng như trong các tài liệu tham khảo thần học dành riêng cho nam giới. Thay cho câu trả lời, Đức Phanxicô đề cập đến vấn đề người nữ là ai và Giáo hội là ai trong buổi nói chuyện với sinh viên của Đại học Công giáo Louvain, chiều 28/9/2024 :
“Giáo hội là dân Thiên Chúa, không phải là một công ty đa quốc gia. Người nữ, trong dân Thiên Chúa, là con gái, là người chị, là người mẹ. Giống như cha, cha là con trai, là người anh, là người cha. Đây là những mối quan hệ thể hiện con người chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa, người nam và người nữ cùng nhau chứ không tách rời!”
Như cảnh giác cái nhìn sai lệch về người nữ của ý thức hệ lý thuyết về giống đang thịnh hành, Đức Phanxicô nhấn mạnh hình ảnh và phẩm giá người nữ trong kế hoạch tạo dựng ban đầu của Thiên Chúa, trong sự khác biệt với người nam, nhưng không phải là đối thủ, mà là sự bổ túc lẫn nhau. Ngài nói tiếp trong bài diễn văn : “Những gì làm nên đặc điểm của người nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay ý thức hệ, cũng như chính phẩm giá được đảm bảo không phải bởi những luật lệ viết trên giấy, mà bởi một luật nguyên thủy được viết trong trái tim chúng ta. Phẩm giá là một sự thiện hảo vô giá, một phẩm chất nguyên thủy, mà không có luật lệ nào của con người có thể ban phát hay lấy đi”. Chính từ “phẩm giá chung và chia sẻ này, nền văn hóa Kitô giáo luôn xây dựng lại, trong những bối cảnh khác nhau, sứ mạng và cuộc sống của người nam và người nữ, cũng như sự hiện diện hỗ tương của họ dành cho nhau, trong sự hiệp thông. Không phải người này chống lại người kia, đây là não trạng nữ quyền hay nam quyền, và cũng không phải trong những đòi hỏi đối lập, nhưng người nam vì người nữ và người nữ vì người nam, cùng nhau”.
Tiếp đó, Đức Thánh Cha nhắc lại tiếng “xin vâng” của Đức Maria, một lời “ở trung tâm của biến cố cứu độ”. Ngài cho rằng người nữ là “sự đón tiếp phong nhiêu, sự chăm sóc, sự tận tụy cần cho sự sống”, và đó là “lý do tại sao phụ nữ quan trọng hơn đàn ông”. Nhưng Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh ngay : “Thật tệ khi người nữ muốn trở thành người nam: không, họ là người nữ…”. Vì thế, Đức Phanxicô yêu cầu mở rộng tầm mắt để nhìn thấy “nhiều tấm gương yêu thương hằng ngày, từ tình bạn đến công việc, từ học tập đến trách nhiệm xã hội và Giáo hội; từ cuộc sống hôn nhân đến thiên chức làm mẹ, đến sự đồng trinh vì Nước Thiên Chúa và vì sự phục vụ”. Sau đó, ngài lặp đi lặp lại rằng “Giáo hội là nữ, không phải là nam, mà là nữ”.
Phản ứng của trường đại học UCLouvain
Theo nhật báo La Croix, trong một thông cáo báo chí được công bố ngay sau khi kết thúc bài phát biểu – ở phần cuối bài phát biểu, Đức Thánh Cha đã được hoan nghênh rất nồng nhiệt – trường đại học UCLouvain lại bày tỏ “sự không hiểu và không đồng tình với quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô về lập trường được Đức Giáo hoàng Phanxicô diễn tả liên quan đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và trong xã hội”, đặc biệt phê bình việc mô tả phụ nữ như là “sự đón tiếp phong nhiêu, sự chăm sóc, sự tận tụy cần cho sự sống”. Thông cáo báo chí này lấy làm tiếc “các lập trường bảo thủ”, kêu gọi Giáo hội “đi theo con đường” hòa nhập.
Trong vấn đề này, người ta coi Đức Thánh Cha là người bảo thủ, theo chủ thuyết bản chất (essentialisme). Tuy nhiên, những gì ngài nói ở đây đều thuộc về giáo huấn truyền thống của Giáo hội.
Phong cách Kafka
Ngay cả trước khi Giáo hoàng đến, một thông cáo báo chí của khoa thần học đã cảnh báo: “Vai trò của thần học với tư cách là một khoa học và kỷ luật không phải là một người nói tiếng bụng của Giáo hội”. Giọng điệu đã được cho biết. Trong một căn phòng có đồ gỗ sáng màu tại KU Leuven, Đức Phanxicô trước tiên nghe bài phát biểu của hiệu trưởng trường đại học xứ Flamand, ông Luc Sels, người nói bằng tiếng Hà Lan (Đức Phanxicô có một bản dịch trên giấy mà ông lướt mắt qua không hề đeo kính).
“Tại sao chúng ta dung thứ sự khác biệt lớn lao này giữa nam và người nữ, trong một Giáo hội trên thực tế thường được phụ nữ nâng đỡ?” Ông hiệu trưởng hỏi và đồng thời mô tả trường đại học của ông là “đối tác mang tính phê bình” của Giáo hội. “Liệu Giáo hội có giành được thẩm quyền đạo đức ở đất nước chúng con không nếu Giáo hội không bàn về vấn đề đa dạng giới tính một cách căng thẳng như vậy và nếu, như trường đại học đang làm, Giáo hội tỏ ra cởi mở hơn đối với cộng đồng LGBTQ+?” , ông tiếp tục nói, trước khi cho Đức Thánh Cha xem một đoạn phim tài liệu cảnh báo về tình hình ở Gaza.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã không nói về phụ nữ vào ngày hôm đó, nhưng đã kêu gọi, như ngài đã làm ở Louvain-la-Neuve, không đặt mọi thứ trên cùng một bình diện, và đồng thời trích lời Franz Kafka: “Tôi tin rằng bạn không bận tâm về sự thật chỉ vì nó quá khó”( Racconti, Milan 1990).
Trước khi rời Leuven, Đức Phanxicô đã viết trong sổ lưu bút của trường đại học: “Các bạn đừng quên, thực tại lớn hơn ý tưởng. Tổng thể lớn hơn các bộ phận. Hiệp nhất lớn hơn xung đột. Thời gian lớn hơn không gian.”
Đặc biệt, trả lời cho phóng viên Annachiara Valle, báo Famiglia Cristiana, trên chuyến bay trở về Rôma ngày 29/9, khi phóng viên hỏi : « Con đọc được một thông cáo báo chí đã được công bố, trong đó, con đọc thấy, “Trường Đại học lấy làm tiếc về những quan điểm bảo thủ mà Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ về vai trò của phụ nữ trong xã hội”. Họ cho rằng sẽ hơi hạn chế nếu chỉ nói về phụ nữ trong các vấn đề làm mẹ, sinh sản, chăm sóc; mà trên thực tế, điều đó có chút phân biệt đối xử vì vai trò đó cũng thuộc về nam giới… », Đức Thánh Cha trả lời cách mạnh mẽ : « Trước hết, tuyên bố này đã được đưa ra vào lúc tôi phát biểu. Nó đã được thực hiện trước và điều này là không có đạo đức. Tôi luôn nói về phẩm giá của người nữ và tôi đã nói một điều mà tôi không thể nói về đàn ông: Giáo hội là “nữ”, là hiền thê của Chúa Giêsu. Nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ, đó không phải là nhân bản, đó không phải là Kitô giáo. Người nữ có sức mạnh riêng của mình. Thật vậy, người nữ – tôi luôn nói như vậy – quan trọng hơn người nam, bởi vì Giáo hội là nữ, Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu. Nếu điều này có vẻ bảo thủ đối với những quý bà này, thì tôi là Carlo Gardell (ca sĩ tango nổi tiếng người Argentina, ghi chú của biên tập viên), bởi vì… tôi không hiểu… Tôi nhận thấy rằng có một tâm trí đờ đẫn không muốn nghe về điều này…. Chủ nghĩa nữ quyền cường điệu muốn phụ nữ trở thành nam giới sẽ không có tác dụng. Một bên là chủ nghĩa nam giới sai lầm, và bên kia là chủ nghĩa nữ quyền cũng không ổn… ».
Về sự sống con người
Cũng chiều thứ Bảy 28/9, Đức Giáo hoàng đã đến Brussels để viếng mộ vua Baudouin, người có thể được phong chân phước. Vào ngày thế giới về quyền phá thai, Đức Phanxicô đặc biệt ca ngợi việc thoái vị trong 36 giờ của nhà vua vào năm 1990 để phản đối việc hợp pháp hóa việc phá thai ở Bỉ – vì “không ký một đạo luật giết người”. Người ta còn có thể đọc trong ghi chú được đăng trên mạng Telegram rằng Đức Thánh Cha kêu gọi “người Bỉ hãy quay về với nhà vua vào thời điểm này khi luật hình sự đang được biên soạn”. Những lời của Đức Thánh Cha đã gây ra một sự phản đối nhỏ ở đất nước tục hóa này, từ phía những người bảo vệ quyền phá thai. “Phản đối nó là đặt phụ nữ vào tình thế nguy hiểm cho sức khỏe của họ,” Hội Hành động Thế tục, một cơ quan đại diện của chủ nghĩa thế tục cho nhà nước Bỉ, nơi tài trợ cho tổ chức này, đã phản ứng như thế.
Vào cuối thánh lễ kết thúc chuyến tông du lần thứ 46 tới Bỉ hôm 29/9/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố bắt đầu tiến trình phong chân phước cho quốc vương Bỉ. Ngài nói : “Khi tôi trở về Rôma, tôi sẽ bắt đầu tiến trình phong chân phước cho Vua Baudouin: xin cho tấm gương của nhà vua như là một người đầy lòng tin soi sáng những người cai trị”.
Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ với 6000 bạn trẻ trong đêm canh thức, từ giữa sân khấu, Đức Thánh Cha đã chỉ vào một đứa trẻ trên tay mẹ nó và nói: “Các con có thấy đứa bé đó không? Nó là người lớn nhất trong số các con, bởi vì Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng người lớn nhất là người đã trở thành một trẻ nhỏ”. Những tràng pháo tay vang lên, lần này hướng về đứa trẻ, và Đức Thánh Cha.
Đặc biệt trên chuyến bay trở về Rôma từ Bỉ, trả lời cho Valérie Dupont, đài RTBF, ngài tiếp tục tuyên bố: “Chúng ta đừng quên nói điều này: phá thai là giết người…. Bạn giết chết một con người. Và những bác sĩ làm việc này – cho phép tôi nói – là những người giết thuê. Họ là những người giết thuê. Và về điểm này chúng ta không thể tranh cãi. Chúng ta đang giết chết một mạng sống con người. Và phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống. Các phương pháp ngừa thai là một điều khác. Không được nhầm lẫn. Bây giờ tôi chỉ nói về việc phá thai. Và điều đó không thể tranh cãi được. Hãy tha thứ cho tôi, nhưng đó là sự thật.“
Vấn đề lạm dụng
Trong buổi gặp gỡ với chính quyền dân sự, nhà Vua và Thủ tướng nước Bỉ, cả hai đều chất vấn Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề lạm dụng trẻ vị thành niên trong Giáo hội cũng như vấn đề nhận con nuôi ép buộc nơi các cơ sở tôn giáo. Những vấn đề mà Đức Thánh Cha đã lường trước được trong chuyến tông du này, nơi không chỉ có một xã hội rất tục hóa, nhưng cũng là nơi, thuộc vùng nói tiếng Flamand, có nhiều thần học gia bất đồng chính kiến, thuộc trào lưu luân lý mới, một thời nổi lên chống lại thông điệp Veritatis splendor của Đức Gioan-Phaolô II. Trước những chất vấn về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, Đức Thánh Cha thẳng thắn nhìn nhận sự việc: “Trong sự chung sống lâu năm giữa sự thánh thiện và tội lỗi, giữa bóng tối và ánh sáng, Giáo hội thể hiện một sự tận tụy huy hoàng, đôi khi xuất hiện sự phản chứng đau đớn. Tôi đang nghĩ đến những sự kiện bi thảm về việc lạm dụng trẻ vị thành niên.” Ngài tuyên bố : “Giáo hội phải xấu hổ và cầu xin sự tha thứ. Giáo hội phải cố gắng giải quyết vấn đề này với sự khiêm nhường Kitô giáo và làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng điều này không còn xảy ra nữa”. Đức Thánh Cha nói tiếp : “Có người nói với tôi: “Thưa Đức Thánh Cha, hãy nghĩ xem, theo số liệu thống kê, phần lớn các vụ lạm dụng xảy ra trong gia đình, khu phố hoặc trong giới thể thao, ở trường học””. Và ngài trả lời : “Chỉ cần một vụ lạm dụng cũng đủ xấu hổ rồi!”
Trong bài giảng thánh lễ kết thúc chuyến tông du, Đức Thánh Cha cũng kêu gọi đừng che giấu các vụ lạm dụng, điều này khơi dậy tràng pháo tay lớn của cộng đoàn hiện diện. Ngài nói: “Tôi yêu cầu mọi người: đừng che đậy sự lạm dụng. Tôi yêu cầu các giám mục: đừng che đậy sự lạm dụng. Kết án những kẻ lạm dụng và giúp họ khỏi bệnh lạm dụng này“. Trước đó, ngài nhấn mạnh: “Trong Giáo hội, có chỗ cho mọi người, nhưng mọi người đều sẽ bị xét xử“. “Kẻ lạm dụng phải bị xét xử: dù là giáo dân, linh mục hay giám mục, họ đều sẽ bị xét xử!” Trước đó, vào ngày 27/9, tại tòa khâm sứ ở Bruxelles, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ 17 nạn nhân bị lạm dụng của hàng giáo sĩ Bỉ.
Sự hiện diện mang lại niềm vui và hy vọng
Trong buổi gặp gỡ với các thành phần của Giáo hội Bỉ, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh đến việc “Phúc âm hóa, niềm vui và lòng thương xót”. Điều này cũng được một số linh mục, nữ tu và giáo dân bày tỏ. Đối với cha Dirk Van der Linden , cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô, “thế giới nhỏ” này, là một sự “thưởng nếm trước Nước Trời”. Nữ tu Catherine, tu sĩ dòng Đức Mẹ Lên Trời, cho biết nhiều niềm vui xung quanh mình, nơi các cộng đoàn Kitô hữu, trong các trường học, các phong trào giới trẻ, và mọi người biết ơn về chuyến tông du này. Cha Christophe Malizou, giáo phận Namur, nói về việc cần tìm lại được hy vọng, phần nào đã mất đi do vấn đề ấu dâm gây ra. Cha Laurent Mathelot, thần học gia dòng Đa Minh, người đồng hành với các nạn nhân bị lạm dụng, cho biết sự hiện diện và những lời của Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người. Chủng sinh Gabriel Mercier hy vọng rằng những bài phát biểu của Đức Thánh Cha giúp mình trở về với Giáo hội, khơi dậy những cuộc hoán cải. Olivier Caillet, 44 tuổi, một cư dân Brussels đến cùng vợ và một trong những con trai của họ, cho biết: “Điều đặc biệt khiến tôi cảm động về Đức Thánh Cha Phanxicô (…) là ngài truyền tải mọi loại giá trị. Ngài hơi giống vị Giáo hoàng của những điều ngạc nhiên, ngài ở bên cạnh những người có hoàn cảnh khó khăn. Và về vấn đề di cư, ngài mở ra những khả năng, ngài cố gắng thay đổi lương tâm của người dân để người ta không đóng cửa biên giới như những rào cản”.
Và cả nhà Vua Bỉ: “Thật vui mừng được chào đón ngài ở đây giữa chúng tôi, gần ba mươi năm sau chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II“. Nhưng nhất là Đức cha Luc Terlinden, Tổng Giám mục giáo phận Bruxelles, trong bài cảm ơn sau thánh lễ bế mạc chuyến tông du của Đức Thánh Cha, đã diễn tả “niềm vui bao la” và “lòng biết ơn” về chuyến viếng thăm này, điều này đã khơi dậy một làn sóng vỗ tay hoan hô dài nơi tất cả mọi người đang diện diện tại sân vận động. Ngài nói tiếp: “Đức Thánh Cha đến đây với tư cách là một mục tử, một người anh và một người bạn…của nước Bỉ và cư dân của nó. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến khơi lại ngọn lửa của niềm hy vọng này vốn đến với chúng con từ Chúa Giêsu….Cộng đoàn chúng con và các mục tử của họ, đặc biệt là giới trẻ rất đông trong sận vận động này, trong tâm hồn chúng con, chúng con sẽ loan báo niềm vui của Tin Mừng như Đức Thánh Cha đã khích lệ chúng con”.
Niềm vui này càng thiêng liêng hơn nữa khi Đức Thánh Cha, trong thánh lễ kết thúc chuyến tông du Bỉ vào Chúa Nhật 29/9/2024, sẽ phong chân phước cho nữ tu Anne de Jésus, dòng Cát Minh, người sống cùng thời với thánh Gioan Thánh Giá và Mẹ thánh Têrêsa Avila.
Như Xavier Sartre, đặc phái viên của Vatican News tại Bỉ, cho thấy, “Lễ kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công giáo Louvain vào năm tới là lý do chính cho chuyến tông du tới Bỉ. Trong ngôi đền tri thức này, nơi tranh luận và biện chứng được ưu tiên, Đức Thánh Cha đã có thể trải nghiệm điều đó, lắng nghe những ý kiến và phê bình đối với Giáo hội về các chủ đề như vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Một số người có thể thất vọng với câu trả lời của ngài, nhưng những tràng pháo tay nồng nhiệt vào cuối bài phát biểu của ngài trước Ku Leuven và UCL cho thấy Đức Thánh Cha được quý trọng ».
Phóng viên nhận định thêm : « Nếu chỉ phải giữ lại một điều trong chuyến tông du lần thứ 46 này, thì đó là sự ngạc nhiên và vui mừng của các Giám mục Bỉ, khi tin rằng sân vận động Vua Baudoin sẽ quá lớn để đón tiếp thánh lễ cuối cùng, nhưng ngược lại, đã nhận thấy rằng nó quá bé nhỏ. Đây là một dấu hiệu cho thấy bất chấp những vết thương, những hiểu lầm và những khó khăn hằng ngày, Giáo hội tại Bỉ vẫn có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc hành trình của mình với niềm hy vọng. Và để củng cố ấn tượng này tốt hơn, cuộc tông du bắt đầu dưới mưa, đã kết thúc dưới ánh nắng chói chang, một dấu hiệu khác của niềm hy vọng. »