Có Thể Dang Tay Trong Khi Đọc Kinh Lạy Cha Trong Thánh Lễ Không?

Trong Thánh lễ, sau phần truyền phép, cộng đoàn nguyện Kinh Lạy Cha cùng với linh mục. Một số tín hữu có thói quen nguyện Kinh Lạy Chay bằng cách dang tay ra : đâu là ý nghĩa của cử chỉ này và Sách lễ nói gì về vấn đề này ?

Sách lễ, mà bản dịch (tiếng Pháp) mới có hiệu lực vào tháng 12/2021, được trình bày như một cuốn sách vừa chính xác vừa cởi mở. Để điều chỉnh các nghi thức của Thánh lễ, ngoài các bản văn do vị chủ tế và cộng đoàn tuyên đọc, Sách phụng vụ còn có các quy tắc chữ đỏ. Những chỉ dẫn này, mà danh xưng của nó nhắc nhớ màu đỏ, cho phép biết những gì mỗi người phải làm tùy theo hoàn cảnh.

Tuy nhiên, vì phụng vụ, giống như toàn bộ Mạc Khải, được thể hiện vai, nên có những vùng tối.  Hay nói đúng hơn, những thích nghi có thể có để các cử chỉ và lời nói trong Thánh lễ được hiểu bởi tất cả mọi người, ở một thời điểm và một nơi chốn nào đó. Do đó, nhiều công thức được đề nghị cho một số thời điểm trong Thánh lễ, những sự mềm dẻo được cho phép tùy theo nền văn hóa và các tín hữu mà linh mục có với mình. Và rồi, có những thời điểm mà không có gì được nói.

Đó là trường hợp đối với Kinh Lạy Cha, trong Thánh lễ. Sau Kinh nguyện Thánh Thể, được hoàn tất bởi vinh tụng ca (« Chính nhờ Người, với Người, và trong Người… »), cộng đoàn cùng với linh mục chủ tế nguyện Kinh Lạy Cha. Theo quy tắc chữ đỏ, nếu linh mục phải dang tay ra, thì không có gì được nói về việc dang tay của các tín hữu. Tuy nhiên, một số người cũng dang tay…

Mọi người đã chịu phép Rửa đều là một « tư tế »

Về mặt phụng vụ, dấu chỉ của việc linh mục mở rộng lòng bàn tay hướng lên trời là dấu chỉ của sự trung gian đi lên. Cử chỉ được sử dụng bởi vị chủ tế khi ngài thay mặt các tín hữu cầu nguyện với Thiên Chúa, tạo nên mối liên kết giữa đất và trời. Ngược lại, đặt tay, tức là mở rộng lòng bàn tay hướng xuống, là dấu chỉ của một sự trung gian đi xuống. Lúc đó, linh mục là người qua đó Thiên Chúa chúc lành cho dân Ngài.

Vì Sách lễ không nói, nên không có gì ngăn cản các tín hữu dang tay vào lúc đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh lễ. Qua đó, họ cho thấy rằng kinh nguyện mà họ đọc là một lời thưa lên với Chúa Cha, và mọi  người đã chịu phép Rửa đều là một « tư tế », tức là một trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Một chiều kích đã được nhấn mạnh một cách khác trước cuộc cải cách phụng vụ năm 1969 : trong Thánh lễ của thánh Piô V, chỉ một mình linh mục đọc Kinh Lạy Cha, và do đó chỉ một mình linh mục dang tay hướng lên trời. Ở đây, chức tư tế thừa tác được đặt lên trước, hơn là chức tư tế phép Rửa.

Tý Linh (theo Valdemar de Vaux, Aleteia)
Nguồn: xuanbichvietnam.net
WGPKT(18/08/2022) KONTUM