Cha Thánh Giuse: Thánh Lặng

          Trong vườn hoa nhà Chúa, đủ sắc hoa khoe màu. Mỗi hoa mỗi vẻ, mỗi hoa mỗi màu và mỗi hoa mỗi hương để tô điểm thêm đẹp, thêm tươi.

          Hoa Phêrô thì bừng cháy và cuồng nhiệt, hoa Phaolô thì nhiệt tình bắt Chúa, hoa Augustino thì nửa đời “hoang dại”. Thế nhưng rồi, tất cả đều đi cùng một hướng và trên một con đường là con đường vâng phục và yêu thương. Mỗi người diễn tả tâm tình của mình theo cách, theo cảm của mình và chả ai giống ai.

          Giữa vườn hoa Thánh đó, ta lại bắt gặp một khuôn mặt, một con người hay là một tấm lòng lặng thánh. Con người ấy – Giuse ấy – dường như cả đời không nói cũng như Thánh Kinh không tìm được thấy chỗ nào ghi. Thế nhưng mà Giuse là người đã làm “nên chuyện”, đã góp phần của mình vào công trình cứu độ mà Thiên Chúa dọn ra cho nhân loại.

          Thuở ấy, nơi cái làng Nazareth nghèo xưa có một chàng trai (chắc là luống tuổi) tên là Giuse. Cũng yêu thương như bao nhiêu người khác yêu, cũng tính chuyện vợ chồng như bao nhiêu người khác tính. Thế nhưng rồi nghiệt ngã thay chỉ mới là đính hôn mà vợ lại có mang.

          Và, thử hỏi cũng như mỗi người trong chúng ta ở trong vị thế ấy, ta sẽ hành xử như thế nào ? “Bỏ thì thương mà vương thì tội” ! Có lẽ Giuse nghĩ như vậy và băn khoăn bối rối vô cùng. Đang khi bối rối thì thiên thần Chúa đến trong cơn mộng mị ngang qua lệnh truyền của Thiên Chúa.

          Khởi đi từ giấc mộng cho đến giấc ngủ ngàn thu, ta không hề nghe thấy một lời than thân trách phận của Giuse dẫu rằng đường đời Giuse có những lúc đi vào đêm tối của đời sống đức tin. Giữa những nổi trôi của cuộc đời ấy, Giuse lại cứ trầm lắng và lặng thầm vâng theo thánh ý của Thiên Chúa.

          Dưới con mắt của người đời, chắc có lẽ cũng lời ra tiếng vào hay là bị “ném đá” vì Giuse cứ mãi thinh lặng. Đơn giản là thời nào cũng thế, người ta vẫn ồn ào và náo nhiệt đặc biệt nhất là trước những cay đắng của cuộc đời. Không ít thì nhiều, không chậm thì chóng, cỡ nào người ta cũng nguyền rủa một vị Thiên Chúa mà đã cam lòng đưa đẩy người ta đến tận cùng nổi đau của phận người. Thế nhưng rồi, hoa quả của thinh lặng thánh của Giuse đã mang lại cho Giuse một con người thánh và là đấng công chính.

          Ngày nay vẫn thế, ta thấy giữa những nổi trôi của cuộc đời. Bao nhiêu con người tất bật và bôn ba với cuộc sống. Hở khi nào cuộc sống khó khăn là họ lại tìm đến Chúa và than thân trách phận. Những khi họ giàu to sung sướng có mấy ai nhớ đến Chúa. Chỉ khi rơi vào cảnh ngặt nghèo là họ lại tìm đến nài van khẩn khấn. Nghĩ cách nào đó cũng tội cho Chúa vì Chúa như là nơi để họ tìm đến khi vất vả gian nan còn khi giàu sang phú quý chả thấy mặt mũi họ đâu.

          Không chỉ những người gian nan khốn khó náo động mà cả những người hễ có một chút là lại càng náo động khoe khoang. Ra đường, ta không khó để bắt gặp những vị “thánh nổ” ngay bên cạnh ta.

          Trên những chuyến xe Grab, tôi bắt gặp được tâm tình chia sẻ của những anh tài xế nghèo đối diện với những “thánh nổ”. Khi lên xe, họ gợi những câu chuyện xem ra họ là những con người giàu có nhưng khi bước xuống xe là họ chi ly đến từng đồng.

          “Thánh nổ” ngày nay ta có thể thấy trên mọi nẻo đường đời. Chỉ cần ngồi đâu đó ở quán bia hay quán cóc vệ đường ta cũng đều nghe “thánh nổ”. Có những chuyện họ không hề biết hay cũng chả dính dáng gì đến họ nhưng khi họ nói xem như là họ biết rất rõ đến mức độ chính xác mười mươi.

          Một Đức Cha ở trong miền Nam ra Bắc dạy học, được một Chủng Sinh chở đi quanh quanh. Khi vào quán nước, Chủng Sinh không quên dặn Đức Cha : “Đức Cha cứ vào đây uống nước. Cứ im lặng nghe họ nói nhé ! Đừng nói gì hết ! Nghe họ nổ sướng tai lắm”.

          Câu chuyện với thầy Chủng Sinh đó được Đức Cha kể lại mà trên xe chả ai nhịn cười được. Đơn giản là ra đường ta gặp “thánh nổ” nhiều quá !

          Đời vẫn thế và người vẫn vậy : người biết thì không nói và người nói thì không biết.

          Thật may mắn cho tôi cũng như là bài học cho chính bản thân khi gặp và có thể nói là thân với những người học cao hiểu rộng. Cả ngày trên xe với họ, họ chả nói chả rằng một chút gì về học vị hay kiến thức họ đang mang. Cách ăn mặc thì bình dân như bao nhiêu người khác. Họ chả cần phải cầu kỳ hay khoe mẽ. Đơn giản là trong lòng họ đã đầy ắp những trải nghiệm của cuộc sống cũng như vốn Thánh Kinh đủ để họ đã chạm đến Chúa và không cần ai khác nữa.

          Thế đó ! Giữa một thế giới ảo, một thế giới ồn ào và náo nhiệt thì lặng lại là điều quý giá và trân trọng. Thế nhưng rồi mấy ai còn cảm thức về sự thinh lặng trong tâm hồn.

          Và rồi, mẫu gương của thánh lặng Giuse phải chăng là mẫu gương tuyệt vời khôn ví cho mọi thời, mọi lúc và mọi nơi. Đôi khi vô tình hay cố ý để rồi ta nói nhiều quá, ta lắm lời quá, ta khoe khoang về ta nhiều quá để rồi Thiên Chúa không có đến một góc nhỏ trong lòng của chúng ta.

          Tất cả những gì chúng ta đang có và ngay cả mạng sống của ta đều là do Chúa và bởi Chúa. Thế nhưng rồi tiếc thay ta cứ tưởng là của ta nên rồi ta tự hào tự đắc. Nên chăng ta nhìn lại cuộc đời và nhất là nhìn lại sự thinh lặng thánh chất chứa trong con người và cuộc sống của Cha Thánh Giuse để phần nào ta học đòi bắt chước.

          Cần và cần lắm sự lặng thinh thánh trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu của chúng ta để chúng ta khám phá ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống của đời người :

Lặng.. để nghe tiếng sóng, sóng xô , xô trong lòng ta
Lặng ……để nghe tiếng gió, gió cuốn cơn đau ngày sau
Lặng …..để nghe nước mắt, hắt hiu trên đôi bờ mi xanh
Đời sao vắng tanh cho trái tim xanh tàn nhanh.

Nhìn, nhìn lên thánh giá, Chúa đang dang tay lặng im
Từ… từ trên thánh giá, Chúa có nghe con nài van!
Vì … vì sao Chúa hỡi ? cứ như… như vô tình không nghe
Lòng con sắt se ôm nỗi đau riêng Ngài ơi (Lm. Trần Tuấn)

          Nhìn lên Thánh Giá và nhìn lên Thánh Cả Giuse, ta xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh lặng Giuse cho ta biết lặng để :

..để ta thấy Chúa, bước đi song song cùng ta…

để ta thấy Chúa đớn đau hơn ta khổ đau
….để ta thấy Chúa sớt chia bao vui buồn không tên
Ngài luôn ở bên, con có hay đâu ngài ơi.

NGƯỜI GIỒNG TRÔM

WGPKT(14/03/2020) KONTUM