Chúng ta đã quá quen thuộc với câu chuyện hai môn đệ trên đường Em-mau. Vì quá quen nên chúng ta cứ tưởng hai ông là nhân vật chính của câu chuyện. Thực ra, nhân vật chính phải là Đức Giê-su Phục sinh. Giờ đây, tôi mời các bạn cùng với tôi trở lại câu chuyện hai môn đệ trên đường trở về Em-mau được ghi lại trong Tin mừng theo thánh Lu-ca chương 24,13-35.
1. Chuyện Chúa Giê-su
Chúa Giê-su theo tôi hình dung thì Ngài phải là con người cực kỳ thông minh và hài hước. Ngài luôn hành động bất ngờ. Khi còn sinh thời, Ngài cũng đã nhiều lần khiến dân chúng phải ngạc nhiên. Các bài giảng của Ngài chắc chắn phải gây được tiếng cười và có sức lôi cuốn. Ngài giảng dạy người ta như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư. Ngài chữa bệnh trong ngày Sa-bát khiến giới lãnh đạo Do Thái cảm thấy như bị đe dọa. Ngài làm những điều vượt lên trên những tính toán thông thường của con người. Thông minh, hóm hỉnh, hài hước chắc chắn là những phẩm chất không thể thiếu trong con người Giê-su.
Hôm nay, Chúa Giê-su Phục sinh hiện ra đồng hành cùng với hai môn đệ. Câu chuyện giữa Chúa Giê-su và hai môn đệ mới thú vị làm sao. Chủ đề chính của câu chuyện liên quan đến nhân vật đang cùng trao đổi với họ. Tôi thấy Chúa Giê-su quả là một nhà tâm lý đại tài. Ngài đã biết khơi lên những nỗi niềm thao thức của người đối diện. Ngài kiên trì lắng nghe tâm tư của họ. Và rồi Ngài dùng Lời Chúa để giải thích cho họ. Khi đến gần làng hai ông định tới, Ngài vờ như muốn đi xa hơn. Tôi thích chi tiết này. Trong sâu thẳm tâm hồn, Chúa đã biết mình phải làm gì. Nhưng Chúa đã không bắt ép hai ông phải mời Ngài ở lại. Ngài để cho họ tự do. Hai môn đệ đã không để Chúa rời đi. Hai ông đã mời Ngài ở lại. Lời cầu xin của hai ông thật đẹp biết bao. “Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đây hẳn phải là một lời cầu nguyện tuyệt vời của chúng ta mỗi ngày. Xin Chúa ở lại với con. Xin Chúa đồng hành với con. Chúa đã đáp lại lời hai ông nài xin. Và trong lúc bẻ bánh, hai ông đã nhận ra Chúa. Đó là một khoảnh khắc của cuộc đời, khoảnh khắc thức tỉnh. Mắt hai ông mở ra và họ nhận ra Chúa. Lúc đó, họ mới sực nhớ là lòng họ đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích kinh thánh trên đường. Một trong hai môn đệ tên là Cleopas. Môn đệ còn lại không được nêu tên. Tôi rất thích cắt nghĩa của một ai đó rằng người môn đệ không được nêu tên ở đây là đại diện cho mỗi người chúng ta. Tuy chưa được giáp mặt Đấng Phục sinh, nhưng chúng ta đã có đại diện ở đó rồi.
2. Chuyện của tôi
Tháng 8 năm 2010, tôi được Bề trên sai về coi sóc Giáo xứ Đồng Chiêm. Có một kỷ niệm khiến tôi không bao giờ quên được. Một hôm, tôi có việc đi từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội về Đồng Chiêm. Tới thị trấn Tế Tiêu, cách xứ Đồng Chiêm khoảng 6 km, tôi thấy có một thanh niên đứng ở ven đường. Anh vẫy xe và xin tôi cho đi nhờ một đoạn đường. Tôi hỏi anh muốn về đâu. Anh trả lời tôi rằng cho cháu đi về xã An Phú. Tôi đồng ý ngay mà không cần đắn đo. Anh bước lên xe và câu chuyện giữa tôi với anh bắt đầu:
Tôi: Anh về thôn nào của xã An Phú?
Anh: Cháu về thôn Đồng Chiêm.
Tôi: Anh ở Đồng Chiêm thì chắc có theo Đạo chứ?
Anh: Dạ cháu có.
Tôi: Thế anh đã lập gia đình chưa?
Anh: Dạ cháu đã có vợ và ba con nhưng chưa tổ chức ăn cưới.
Tôi: Sao lại chưa tổ chức?
Anh: Vì cháu theo Đạo nên chưa có phép cưới thì không ai đi ăn cỗ nên chưa tổ chức được.
Tôi: Sao anh lại không làm phép cưới?
Anh: Tại cháu cưới gấp quá, vợ cháu bên lương không kịp học giáo lý nên cha không cho.
Tôi: Thế bây giờ ở Đồng chiêm, anh có biết cha nào đang coi sóc không?
Anh: Dạ có cha Hoà.
Tôi: Anh có nghe người dân nói ông cha ấy thế nào không?
Anh: Dạ cháu nghe nói cha cũng vui vẻ hiền lành và hòa đồng.
Câu chuyện đến đây thì cũng đã tới làng Đồng Chiêm. Tôi chở anh về tới tận nhà. Khi bước xuống xe, tôi mới phát hiện anh đi chân thấp chân cao. Anh cảm ơn tôi rồi vào nhà, còn tôi thì trở về nhà xứ Đồng chiêm.
Sau buổi gặp gỡ định mệnh ấy, tôi mới cho người điều tra thì được biết anh cũng bằng tuổi tôi. Sau đó, tôi tới thăm và giúp cho gia đình anh chị được học giáo lý để chuẩn bị lãnh bí tích. Ngày 13/5/2013, tôi đã rửa tội cho vợ và ba người con trai của anh, cũng như chứng hôn cho anh chị. Thời gian đó, vợ anh đang bị ung thư giai đoạn 2B phải phẫu thuật và hóa trị. Tạ ơn Chúa là sau đó chị đã được khoẻ mạnh. Năm 2017, anh chị đón thêm một cháu gái và năm 2023 thêm một cháu gái nữa. Như thế là gia đình anh chị được tổng cộng năm cháu, ba trai và hai gái. Cách đây vài ngày, tôi có điện thoại hỏi thăm, anh cho tôi biết là hiện anh chị đã chuyển vào Thanh Hóa làm ăn và sinh hoạt ở Giáo xứ Đa Phạn. Tôi mừng cho anh chị vì gia đình tuy không giàu có, nhưng vẫn nồng nàn tình yêu thương. Cháu lớn được anh cho ra thành phố học, năm nay chuẩn bị thi đại học. Tôi cầu nguyện cho anh chị và các cháu được mọi sự lành.
Viết tới đây, tôi nhớ lại cách anh giáo dục các con. Nhà anh không phải là nhà cao cửa rộng nhưng tôi thấy anh sắp xếp rất khoa học. Trong nhà có bàn thờ Chúa là trung tâm. Các con của anh đều có góc học tập riêng, rất ngăn nắp. Các cháu đều ngoan ngoãn lễ phép. Có thể nói đây là một gia đình đáng học tập.
3. Chuyện của bạn
Bạn thân mến, trên đây là câu chuyện của Chúa Giê-su Phục sinh và câu chuyện của tôi. Còn bạn, bây giờ đến lượt bạn. Bạn hãy kể cho tôi nghe câu chuyện bạn gặp trên đường đời. Nếu có một nét nào đó giống với câu chuyện của Giê-su và của tôi thì xin bạn đừng ngại chia sẻ cho mọi người.
Cuộc sống cho ta nhiều cơ hội gặp gỡ nhau trên đường đời. Hy vọng bạn sẽ là người đem lại niềm vui, an bình và hạnh phúc cho những người bạn gặp gỡ. Vẫn luôn còn đó những con người buồn bã thất vọng và khổ đau xung quanh ta, bạn và tôi được mời gọi đồng hành với họ, lắng nghe tâm sự của họ và hướng dẫn họ vượt qua thử thách để tới bến bờ bình an.