Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường
– Học Viện Ngôi Lời
Thập giá, khổ hình ô nhục nhất dành cho những nô lệ phạm trọng tội, nỗi khiếp sợ cho dân chúng thời bấy giờ, đã trở nên cách thế mà Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Con người được mời gọi nhìn lên thập giá và tin vào, “Đấng mà họ đã đâm thâu” (x.Ga 19,37) để được cứu độ. Thật vậy, con người được cứu độ nhờ thập giá. Thế nhưng, trong cuộc sống, con người cũng có thể vấp ngã bởi chính thập giá?
1. Thập giá, niềm hy vọng cứu độ
“Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa… chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,18.23) và “Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ ấy để cứu những người tin” (xc.21), là những lời lẽ sắc bén mà thánh Phaolô quả quyết về thập giá Đức Kitô, “niềm hy vọng duy nhất”. Bởi lẽ, thập giá chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24).
Dĩ nhiên, chúng ta cần xác tín rằng con người được cứu độ chẳng phải nhờ hai thanh gỗ trơ trọi, vô tri vô giác kia nhưng hệ tại nơi Đấng treo mình trên đó, “Đấng mà họ đã đâm thâu” (x.Ga 19,37). Chính Đức Giêsu đã củng cố niềm tin đó của chúng ta: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Thập giá trở nên cách thế Thiên Chúa dùng để cứu độ những ai ngước nhìn lên Đấng đang treo mình trên đó, “như ông Môsê đã giương con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (x.Ga 3,14-15).
2. Vác thập giá mình mà theo Thầy
“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27), Đức Giêsu đã quả quyết như vậy. Điều đó có nghĩa là người môn đệ Đức Giêsu phải gắn đời mình với thập giá hay nói cách khác thập giá không thể vắng bóng nơi cuộc đời của người môn đệ. Dĩ nhiên, thập giá mà Đức Giêsu muốn người môn đệ vác lấy không phải là hai thanh gỗ trơ trọi, vô tri vô giác nhưng là chính những đau khổ, khó khăn, thử thách trong cuộc sống; là việc đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong ý hướng này, “vác thập giá mình” mang một chiều kích cá nhân, nghĩa là mỗi người không đón nhận thánh ý Thiên Chúa thay người khác, nhưng là mang lấy vào nơi chính mình.
Đức Giêsu, Đấng đã mời gọi các môn đệ, cũng đã “vác thập giá mình” mỗi ngày trong hành trình dương thế. Ngài đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Thậm chí, thánh ý của Thiên Chúa còn trở nên nguồn sống của Đức Giêsu: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đức Giêsu đã vui lòng “vác thập giá mình”, vì điều đó làm thánh ý Thiên Chúa Cha được tỏ lộ. Thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu độ. Và để thánh ý Chúa Cha được thực thi, Đức Giêsu đã vâng lời chịu chết và chết trên cây thập giá. Dĩ nhiên, việc “vác thập giá mình” không miễn trừ Đức Giêsu khỏi những đau khổ và sợ hãi vì chính thập giá. Những giây phút trong vườn Giêtsêmani là những minh chứng sống động.
Quả vậy, nhìn về những cử chỉ trong cơn hấp hối, chúng ta bắt gặp hình ảnh một Đức Giêsu đang trong nỗi thống khổ chết người: Ngài sấp mình xuống đất, đổ những giọt mồ hôi máu (Lc 22,44). Từ miệng Ngài thốt ra lời cầu khẩn: “Abba ! Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con” (Mc 14,36). Lời cầu nguyện “mãnh liệt” của Đức Giêsu trước cái chết đang đến gần. Thư gửi tín hữu Dothái làm sáng rõ nỗi thống khổ mà Đức Giêsu đang gánh chịu, khi viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết…” (Dt 5,7). Điều đó diễn tả những đau đớn thể lý mà Đức Giêsu đang phải chịu. Thế nhưng, sức nặng của “thập giá” không chỉ dừng lại ở bề ngoài nhưng còn là cả những gánh nặng nơi tâm hồn Ngài, điều mà dân chúng đã chẳng thấy.
Đức Giêsu đang một mình đối mặt với một sự đau khổ quá sức sắp xảy đến cho Ngài, “giờ của Con Người”. “Giờ” Ngài mong muốn, “giờ” mà Chúa Cha được tôn vinh nhưng “giờ” ấy cũng thật đáng sợ. Rồi đây, Đức Giêsu sẽ “vác lấy thập giá mình”: sự phản bội, những lời chứng gian, những tủi hổ và cả những lời kết án đầy bất công. Nỗi đau đớn còn sâu sắc hơn: Ngài phải chịu đựng gánh nặng của tất cả sự dữ và xấu xa trên thế giới dù Ngài đã không làm sự dữ đó: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể” (1Pr 2,24), “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21).[1]
Thế nhưng, Đức Giêsu đã “vác lấy thập giá mình” và bước đi trong đường lối của Thiên Chúa, hầu ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Và, người môn đệ của Đức Giêsu cũng được mời gọi phải vác lấy thập giá mình mà theo thầy.
3. Trốn chạy khỏi thập giá trở nên cớ vấp ngã
Dẫu biết rằng “vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu” mang lại ơn cứu độ, điều mà chúng ta hằng khát mong, nhưng, lắm lúc, thập giá ấy đã chẳng dễ dàng để vác. Đón nhận thánh ý Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải “cởi bỏ những tự mãn nơi bản thân” và để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình. Đối diện với Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra sự thật trần trụi về mình, sự thật rằng chúng ta là những kẻ có tội, một sự thật không dễ để chấp nhận. Những điều đó khiến con người sợ hãi. Do đó, lắm người đã “trốn chạy khỏi thập giá” như một lẽ thường! Thế nhưng, trốn chạy khỏi thập giá lại trở nên cớ vấp phạm cho người môn đệ. Câu chuyện của thánh Phêrô giúp làm sáng tỏ mệnh đề này.
Trở lại với câu chuyện trong Tin Mừng Matthêu chương 16, trước những lời loan báo của Đức Giêsu, trước viễn cảnh có thể xảy ra đối với Thầy mình về “sự thất bại” và cái chết trên thập giá, Phêrô đã buông lời khuyên ngăn: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (xc.22). Phêrô tin vào Đức Giêsu, muốn theo Chúa, nhưng thật khó lòng để chấp nhận một vinh quang bằng việc vác thập giá và chịu chết trên cây thập giá. Vì đó là “điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (x.1Cr 1,23). Đức Giêsu đã lập tức kéo Phêrô ra khỏi cám dỗ: “Satan, lui lại đàng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23). Thật rõ ràng với tư tưởng của Đức Giêsu, trốn chạy khỏi thập giá là trốn chạy khỏi thánh ý Chúa Cha, khỏi sứ vụ mà Cha đã giao phó cho Ngài. Do đó, việc trốn chạy khỏi thập giá là “cớ vấp phạm”[2].
Thánh Phêrô lẫn các môn đệ đã muốn Đức Giêsu “trốn chạy khỏi thập giá” vì tư tưởng họ còn theo thế gian. Suốt hành trình tiến về Giêrusalem, Đức Giêsu đã loan báo mầu nhiệm phục sinh và chiến thắng vinh quang của Ngài (Mt 16,21). Nhưng các môn đệ không hiểu những lời của Đức Giêsu, tâm trí của các ông còn theo thế gian. Và hệ lụy là các ông nghĩ về một chiến thắng quá trần tục, và vì thế các ông không hiểu ngôn ngữ của thập giá. Và rồi Phêrô đã vấp ngã vì tư tưởng “trốn chạy khỏi thập giá” dù trước đó chẳng lâu, Đức Giêsu vừa cất lời khen ngợi ông.
Đây cũng là điều xảy đến cho tất cả chúng ta. Trong lúc “bình yên”, chúng ta nhiệt thành, hăng say tiến bước theo Đức Giêsu, chúng ta xác quyết niềm hy vọng nơi Người; nhưng khi đối diện với thập giá, chúng ta trốn chạy, rời xa thập giá. Tức thì, chúng ta vấp ngã vì đã trốn chạy khỏi thánh ý Thiên Chúa để theo những “chọn lựa thế gian”.
Trong những khoảnh khắc ấy, Đức Maria, một người môn đệ của Đức Giêsu theo nghĩa như được trình bày trong Tin Mừng Luca (Lc 2,19.51), trở nên mẫu gương cho chúng ta. Chẳng ai nhìn thấy thập giá mà Mẹ vác lấy, nhưng nó cũng nặng lắm! “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35). Suốt hành trình Đức Giêsu chịu khổ nạn, Mẹ đã “vác lấp thập giá mình”, dõi bước theo con của Mẹ. Mẹ đã không trốn chạy thập giá, không chối từ thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã chọn “đứng gần kề thập giá” (Ga 19,25). “Như thế Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Người đã đứng ở đó, đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của con với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (Lumen Gentium, số 38).
Tóm lại
“Vác thập giá mình mà đi theo” (Lc 14,27) là con đường của người môn đệ Đức Giêsu. “Vác lấy thập giá mình” là một đòi buộc và cũng là con đường dẫn lối người môn đệ đạt tới ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Dẫu rằng, thập giá ấy lắm lúc khiến người môn đệ sợ hãi và muốn trốn chạy. Thế nhưng, Đức Giêsu đã làm sáng tỏ cho chúng ta rằng “trốn chạy khỏi thập giá” là cớ vấp ngã và đó không phải là chọn lựa của người môn đệ Đức Giêsu khi đứng trước thánh ý Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã chẳng trốn chạy thập giá, dù thập giá mà Ngài vác lấy thật nặng nề xiết bao. Hơn nữa, nhờ “vác thập giá mình”, người môn đệ được dự phần vào chương trình cứu độ nhân loại của Đức Giêsu. Đó quả là niềm vinh dự cho chúng ta.
Dĩ nhiên, đứng trước thập giá cuộc đời, mỗi người có chọn lựa cho riêng mình. Liệu chúng ta có đủ can đảm để “vác lấy thập giá mình” mà theo Đức Giêsu hay chúng ta sẽ “trốn chạy khỏi thập giá”?
Nguồn: ngoiloivn.net
Chú thích:
[1] https://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoi/tinhtamgiaotrieu/01VuonGietsenami.htm
[2] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-08/dtc-0830-tron-chay-khoi-thap-gia-la-co-vap-pham0.html