Nước Hằng Sống (15.03.2020 – Chúa Nhật III MC – Năm A)

Phải chăng bạn sẽ làm một điều tốt đẹp cho một người lạnh nhạt với bạn hoặc đối xử với bạn như một kẻ thù không?

     Chúa Giêsu đã làm điều đó và còn hơn thế nữa! Ngài đã đối xử với người Sa-ma-ri, là những người không đội trời chung với người Do Thái, với lòng nhân hậu và sự tôn trọng. Người Sa-ma-ri là những người sống ở khu vực giữa Galilê và Judea của Israel, và người Do Thái sống trong phần đất còn lại của Israel đã được chia cắt từ hàng thế kỷ. Họ không có giao thiệp với nhau, tránh tất cả các giao tiếp xã hội, thậm chí cả việc trao đổi mua bán, và kết hôn. Nếu họ đối mặt nhau trên đường đi thì không lạ gì, nếu họ thể hiện sự thù ghét nhau ra mặt.

     Khi Chúa Giêsu quyết định đi qua Sa-ma-ri, Ngài dừng lại tại giếng Gia-cóp vì đã giữa trưa và Ngài vừa mệt mỏi vì cuộc hành trình vừa cảm thấy khát nước. Giếng Gia-cóp cách thành gần đó ít nhất 2,4 kilomét, gọi là thành Sychar. Không dễ dàng để lấy nước từ giếng này vì nó  sâu hơn 30 mét. Chúa Giêsu lại không có dây cũng không có thùng để lấy nước.

     Khi một người phụ nữ Sa-ma-ri xuất hiện tại bờ giếng, cả hai đều bất ngờ. Tại sao một người phụ nữ Sa-ma-ri lại đi 2,4 kilomét trong cái nóng giữa trưa để lấy nước tại một giếng nước ở vùng hẻo lánh hơn là lấy nước trong vùng địa phương của chị? Chị là một người bị ruồng bỏ và không được hoan nghênh giữa những người cùng làng của chị. Chúa Giêsu sau đó đã làm một điều mà không người Người Do Thái đàng hoàng nào nghĩ sẽ dám làm điều đó.

     Ngài tìm đến với chị ấy, do đó Ngài đã mạo hiểm nghi thức về sự ô uế và bị khinh miệt từ người Do Thái đồng bào của Ngài. Ngài cũng đã làm một điều mà không có một giáo sĩ Do Thái nghiêm ngặt nào dám làm ở nơi công cộng mà không thiệt hại cho danh tiếng của mình. Ngài đối xử với phụ nữ như Ngài sẽ đối xử với bạn bè của Ngài – Ngài chào chị và nói chuyện rất lâu với chị ấy.

     Việc Chúa Giêsu chủ động chào hỏi người phụ nữ là sự phỉ báng cho cả người Do Thái và người Sa-ma-ri vì chị là người phụ nữ ngoại tình và cũng là người tội lỗi công khai. Không một Người Do Thái hoặc người Samari đứng đắn nào dám nghĩ sẽ bị nhìn thấy với một người phụ nữ như vậy, một mình nói chuyện với chị ấy?

     Chúa Giêsu đã phá vỡ những rào cản của định kiến, thù ghét, và truyền thống để mang lại tin vui của sự bình an và hòa giải cho người Do Thái, người Sa-ma-ri, và dân ngoại như nhau. Ngài đã chứng minh tính phổ quát của Tin Mừng trong cả lời nói và việc làm.

     Không một ai bị tước khỏi tình yêu của Thiên Chúa và tin mừng của ơn cứu rỗi. Chỉ có một điều có thể giữ chúng ta xa Thiên Chúa và tình yêu cứu chuộc – là sự kiêu ngạo bướng bỉnh và sự cố ý chống đối của chúng ta.

Chúa Giêsu trao đổi gì với người phụ nữ Samari về nguồn nước?

     Nước trong đất khô cằn thì lại khan hiếm. Người ta có thể sống mà không có thức ăn trong vài ngày, nhưng không thể không có nước. Nước là nguồn của sự sống và sự phát triển cho tất cả các sinh vật. Khi mưa đến trong sa mạc, thì nước biến các khu đất hoang thành một cánh đồng màu mỡ.

     Chúa Giêsu nói về một loại nước hằng sống, vô tận, tươi mát, tinh khiết. Nguồn nước tươi mát từ một dòng suối vô tận thường được liên tưởng tới nước trong một hồ hoặc bể chứa nước.

     Khi người Do Thái phàn nàn về tình trạng thiếu nước trong nơi hoang địa, Thiên Chúa đã dạy Mô-sê đánh vào một tảng đá và một dòng suối nước trong lành chảy vọt ra (Xh 17: 6). Mặc dù người Do Thái không tin Thiên Chúa đã chăm sóc họ trong nơi hoang địa, dầu vậy, Thiên Chúa vẫn ban cho họ mạch nước dồi dào thông qua sự can thiệp của người tôi tớ Chúa là Mô-sê.

     Hình ảnh của “nước hằng sống” được sử dụng xuyên suốt Kinh Thánh như một biểu tượng của sự khôn ngoan của Thiên Chúa, một sự khôn ngoan truyền tải sự sống và ơn lành cho tất cả những ai đón nhận nó. “Giáo huấn của người khôn ngoan là nguồn mạch sự sống” (Châm ngôn 13:14). “Nước Hằng Sống” cũng là một biểu tượng đối với người Do Thái về sự khao khát Thiên Chúa của một tâm hồn.

     Mạch nước mà Chúa Giêsu nói là biểu tường của Chúa Thánh Thần và công việc Ngài canh tân và duy trì chúng ta theo hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta, một sự sống mới xuất phát từ Thiên Chúa. Sự sống mà Chúa Thánh Thần ban cho  chúng ta làm cho chúng ta thành một “thụ tạo mới” trong Chúa Giêsu Kitô (2 Cr 5:17). Bạn có khao khát Thiên Chúa sự sống của Chúa Thánh Thần trong bạn không?

     Hippolytus (170-236 AD), một tác giả Kitô Giáo tiên khởi và là nhà thần học gia sống ở Rôma, giải thích về tầm quan trọng của công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta:

     “Đó là nước của Chúa Thánh Thần: mạch nước làm mới lại địa đàng, làm phong phú mặt đất, ban sự sống cho các sinh vật. Đó là nước rửa tội của Đức Kitô, đó là sự sống của chúng ta Nếu bạn sống với đức tin nhờ mạch nước canh tân này bạn từ bỏ Satan là kẻ thù của bạn và bạn tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa của bạn. Bạn không còn là nô lệ mà trở thành một nghĩa tử. Bạn tiến đến với sự sáng như mặt trời và chiếu sáng rực rỡ với công lý. Bạn tiến lên như một người con của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô.” (Từ một bài giảng, về lễ Hiển Dung)

     Thánh Basil Cả (330-379 AD), một thầy dạy tuyệt vời của Kitô Giáo tiên khởi và là giám mục Hy Lạp Caesarea, cũng nói tương tự:

     “Chúa Thánh Thần khôi phục lại địa đàng cho chúng ta và con đường lên trời và nghĩa tử như con cái Thiên Chúa; Ngài làm thấm nhuần niềm tin rằng chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha và Ngài ban cho chúng ta ân sủng của Đức Kitô để trở thành con cái của ánh sáng và tận hưởng vinh quang vĩnh cửu. Nói cách khác, Ngài ban sự viên mãn của ơn lành trong thế hệ này và thế hệ tương lai; chúng ta có thể chiêm ngưỡng ngay bây giờ sự phản chiếu của niềm tin của điều đã hứa về một ngày nào đó chúng ta sẽ tận hưởng niềm vui. Nếu đây là sự thưởng nếm trước thì thực tế sẽ là gì? Nếu đây là những thành quả đầu tiên, thì những gì sẽ được gặt hái? “(Trích Khảo Luận, Chúa Thánh Thần)

      “Lạy Chúa Giêsu, tâm hồn con khao khát Chúa. Xin lấp đầy trong con Thánh Thần của Ngài để con có thể luôn tìm thấy niềm vui trong sự hiện diện của Ngài và cảm nghiệm niềm vui của việc làm theo thánh ý Ngài.”

Lòng Thương Xót Của Chúa Giêsu Dành Cho Những Người Bị Kinh Miệt

      “Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta.”- Romans 5: 8 người phụ nữ Samari đến giếng Giacóp cũng vào khoảng giữa trưa sau khi tất cả dân làng khác đã đến lấy nước giếng (xem Ga 4: 6). Chị có thể cố gắng để tránh những người xem thường chị. Chị có thể thậm chí xem thường bản thân và trong sự giận ghét bản thân mình chị đã không muốn bị nhìn thấy ở nơi công cộng.

     Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã ở giếng – chờ đợi ở đó một mình Ngài để trao ban những mặc khải tuyệt vời cho một nhân vật mà không ai nghĩ đến. Ngài đã nói chuyện với chị về món quà của nước hằng sống (Ga 4:10) trở thành trong chị “… một nguồn nước nước mang lại sự sống đời đời” (Ga 4:14).

     Sau khi bắt đầu mặc khải với người phụ nữ về Chúa Thánh Thần và Phép Rửa, Chúa Giêsu đã nói với chị ấy rằng Ngài là Đấng Mê-si-a (Ga 4:26). Người phụ nữ Sa-ma-ri sau đó trở thành một nhà truyền giáo thực sự, khi chị đã làm cho nhiều người dân làng của chị tin vào Chúa Giêsu (Ga 4:39). Chúa Giêsu, trong tình thương của Ngài, đã chọn người phụ nữ bị khinh miệt này để nhận những mặc khải vĩ đại nhất. Chúa Giêsu làm cho chị ấy thành nhân chứng của Ngài và ban ân sủng cho việc truyền giáo của chị. Thiên Chúa “chọn những kẻ thấp hèn và bị khinh miệt nhất trên thế gian, họ là những người không có gì cả” (1 Cr 1:28).

     Nếu cuộc sống của bạn giống như vậy, thì hầu như không ai tôn trọng bạn, nếu bạn đã hủy hoại cuộc sống của bạn, bạn vẫn có thể có “một tương lai tràn đầy hy vọng” (Gr 29:11), vì Chúa Giêsu “giàu lòng thương xót” (Ep 2: 4). Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con.

Cầu nguyện: Lạy Cha, trong Mùa Chay này xin cho con đi vào sự xâu thẩm của trái tim thương xót của Chúa Giêsu (xem Mt 11:29).

Xác tín: “Họ nói với người phụ nữ: ‘không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian’” (Ga 4:42)

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(14/03/2020) KONTUM