Vượt Qua Mặc Cảm Tội Lỗi Đến Với Chúa Giêsu (14.3.2020 – Thứ Bảy Tuần 2 MC)

Lời Chúa: Lc 15, 1-3.11-32
     Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:
     “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.” Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Và họ bắt đầu ăn mừng.

     Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.” Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Suy nim:

Làm thế nào bạn có thể yêu một người quay lưng lại với bạn và vẫn tha thứ cho họ tận trái tim?

     Các ngôn sứ nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài (Mi-ca 7:18). Thiên Chúa gọi chúng ta trở lại với Ngài – hết lần này đến lần khác. Câu chuyện của Chúa Giêsu về người cha và hai người con trai (đôi khi được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng) là câu chuyện ngụ ngôn dài nhất trong Tin mừng.

Tình Yêu Nguyên Vẹn, Lòng Thương Xót và Sự Ăn Năn Đúng Lúc

     Điểm chính hoặc trọng tâm của câu chuyện là gì? Đó có phải là sự tương phản giữa người con trai ngoan ngoãn và người con trai không vâng lời không, hay là giữa sự tiếp đón quảng đại của người cha dành cho người con phung phí và sự tiếp đón lạnh lùng của người con trai cả?

     Chúa Giêsu đối chiếu tình yêu thương xót của người cha với phản ứng có phần gay gắt của người con trai cả đối với người em tội lỗi của anh ấy và với bữa tiệc xa hoa mà người cha của anh dành cho người con trai biết ăn năn của ông ấy. Trong khi người con trai tội lỗi đã lãng phí tiền bạc của cha anh ta, nhưng người cha vẫn nuôi dưỡng tình yêu nguyên vẹn cho con trai ông.

Sự Ăn Năn và Tha Thứ Dẫn Đến Sự Phục Hồi

     Người con trai khi bước ra khỏi nhà đã học được nhiều điều cho bản thân. Và anh nhận ra rằng cha anh đã cho anh tình yêu mà anh chưa đáp trả. Anh vẫn chưa tìm hiểu về chiều sâu tình yêu của cha anh dành cho anh. Sự nhục nhã sâu sắc của anh ta khi thấy mình bị buộc phải chăn heo và suy nghĩ về tất cả những gì anh ta đã đánh mất, điều đó dẫn đến sự ăn năn và quyết định nhận lỗi của mình trước người cha. Trong khi anh ta hy vọng được hòa giải với cha mình, thì anh ta đã không thể tưởng tượng được sự phục hồi hoàn toàn của mối quan hệ. Người cha không cần nói những lời tha thứ cho con trai ông; hành động của người cha nói to hơn và rõ ràng hơn! Chiếc áo choàng đẹp, chiếc nhẫn và bữa tiệc linh đình tượng trưng cho cuộc sống mới – thuần khiết, xứng đáng và vui tươi – của bất cứ ai trở về với Chúa.

 Sự Thiếu Tha Thứ và Khinh Miệt Dẫn Đến Sự Cô Lập và Chia Rẽ

     Người con hoang đàng không thể trở lại tình trang vô tội, nhưng anh được chào đón và phục hồi vị trí như một người con trai. Sự thay đổi mạnh mẽ của người con trai hoang đàng từ đau buồn và tội lỗi sang được tha thứ và phục hồi thể hiện bằng ngôn ngữ- hình ảnh của sự phục sinh từ cõi chết, tái sinh bước vào cuộc sống mới từ cái chết tinh thần. Dụ ngôn cũng làm tương phản lòng thương xót và sự đối nghịch của lòng thương xót – sự không tha thứ. Người cha là người đã bị xúc phạm, nhưng đã tha thứ. Nhưng người con trai cả, là người đã không bị xúc phạm, nhưng đã không tha thứ. Sự không tha thứ của người con trai cả biến thành sự khinh miệt và kiêu căng. Và sự oán giận của anh ta dẫn đến sự cô lập, chia rẽ và tách rời anh ta ra khỏi cộng đồng những người tội lỗi được tha thứ.

     Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu đưa ra một bức tranh sống động về Thiên Chúa và đặc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa thực sự nhân từ hơn chúng ta nghĩ. Ngài không mất hy vọng hay bỏ cuộc khi chúng ta lạc lối. Thiên Chúa vui mừng trong việc tìm kiếm lại được những gì đã mất và chào đón chúng ta trở về nhà. Bạn có biết niềm vui của sự ăn năn và sự phục hồi lại mối tương quan như là con cái của Thiên Chúa Cha  không?

     “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa hoặc ỷ lại vào lòng thương xót mà Ngài đã bày tỏ cho con. Xin hãy lấp đầy con bằng tình yêu của sự biến đổi để con có thể thương xót như Chúa hằng xót thương.”

Vượt Qua Mặc Cảm Tội Lỗi Đến với Chúa Giêsu

      “Ai sánh được như Ngài, Ngài xóa bỏ tội ác và tha thứ tội lỗi cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài?” – Mk 7:18

     Cảm giác tội lỗi là bản đối chiếu tinh thần với nỗi đau thể xác. Cả hai nỗi đau và cảm giác tội lỗi đều phải được chấm dứt càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất để ngăn chặn cảm giác tội lỗi là ăn năn và tin rằng Chúa giẫm lên tội lỗi của chúng ta, ném  “xuống đáy biển tất cả tội lỗi của chúng ta” (Mi-ca 7:19), và xoá bỏ tội lỗi của chúng ta “như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.”(Tv 103: 12).

     Nếu chúng ta không tiếp tục vượt qua “mặc cảm tội lỗi” về với thiên Chúa, chúng ta có thể cố gắng kìm nén hoặc từ chối cảm giác tội lỗi của mình. Sự tự lừa dối này dẫn đến những hậu quả thảm khốc khác nhau như ghét bản thân, giận dữ, nghiện ngập, và các con đường tự hủy diệt khác, thậm chí có khả năng tự tử.

     Khi một số người từ chối ăn năn và cũng thấy thân phận con người không thể đối phó với cảm giác tội lỗi như thế nào, họ quyết định ngăn chặn mọi tội lỗi ngay lúc bắt đầu. Họ làm điều này bằng cách giết chết lương tâm của họ và từ bỏ khả năng phân biệt đúng sai.

     Những người này sống trong một viễn cảnh của địa ngục nơi họ nguỵ tạo không có tốt hay xấu, đúng hay sai. Sự ngẫu nhiên của bạo lực và những bất công vô nghĩa làm ngừng cuộc sống của những người này. Họ không chỉ làm giảm giá trị của họ mà còn gây thiệt hại cho cuộc sống của những người khác.

     Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu trong tâm tình tạ ơn và ăn năn sám hối. “Ngài là của lễ đền tội chúng ta, và không chỉ cho tội lỗi của chúng ta, mà còn cho cả nhân loại” (1 Ga 2: 2).

Cầu nguyện: Lạy cha, xin cho con đi xưng tội cách thường xuyên và vui vẻ. Xin làm cho con trở thành sứ giả hòa giải (2 Cr5:18).

Xác tín: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng và vui vẻ! Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”- Lc 15:32

Tác giả: Don Schwager

Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Trần Quốc Bảo

Giáo Phận Kontum

WGPKT(13/03/2020) KONTUM