Tại Ngaoundal, miền trung của Camerun, các nữ tu Dòng Thánh Jeanne Antide Thouret điều hành một trung tâm đào tạo phụ nữ và hai phòng khám. Sơ Claudine Boloum chia sẻ: “Kể từ khi chúng tôi đến đây, hoàn cảnh sống của phụ nữ đã được cải thiện”.
Chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sớm hoặc chạy trốn khỏi đường phố. Hầu như tất cả các cô gái đến trung tâm đào tạo phụ nữ ở Ngaoundal, vùng Adamaoua, miền trung Camerun đều có hoàn cảnh như vậy. Chính tại ngôi làng này, các Nữ tu Bác ái Thánh Jeanne Antida Thouret, hiện diện ở quốc gia Châu Phi này từ năm 1987, đã bắt đầu dự án nhằm hỗ trợ những người trẻ này, những người mới 12 tuổi đã phải đối mặt với nguy cơ hôn nhân do cha mẹ áp đặt, hoặc là rơi vào mạng lưới mại dâm. Sơ Claudine Boloum phản ứng với xác tín: “Nhưng một khi bạn đã giúp họ độc lập thì rất khó để gài bẫy họ”. Sơ Ciadiana đã ở Camerun được bốn năm; sơ giải thích rằng “trường học mở rộng tầm nhìn của những cô gái này và họ bắt đầu suy tư”, vào lúc mà ở nhà họ không còn có thể tổ chức hôn lễ sớm trước tuổi cho họ nữa; hơn nữa , một khi đã tự lập thì khó có thể khiến họ rơi vào con đường mại dâm.
Các nhóm du mục
Đến trung tâm của dòng của các nữ tu hầu hết là các thiếu nữ Hồi giáo thuộc sắc tộc Foulbé hoặc Mbororo, những người du mục “làm việc và sống với động vật, những thứ là ưu tiên hàng đầu của họ”. Trong những nhóm này “phụ nữ không được coi trọng, đàn ông có nhiều vợ, họ không có việc làm và thậm chí họ thường không thể nuôi con cái”. Trong những năm qua, các nữ tu đã cố gắng hỗ trợ các gia đình và đã có một số tiến bộ. Sơ Claudine cho biết: “Bây giờ phụ nữ cũng muốn làm việc, họ hiểu rằng họ có thể lãnh trách nhiệm và đã bắt đầu gửi con gái của họ đến trường học”. Những người trẻ này được dạy cắt may, cũng như kế toán, và sau đó, khi kết thúc khóa đào tạo, họ sẽ có thể diễn đạt bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Ina và Nadia
Một trong những ví dụ về các cô gái trẻ can đảm này là Ina, đã lập gia đình, quyết định học tập để có thể ra khỏi nhà và sau đó đi làm, một mục tiêu mà cô sẽ chỉ đạt được cách tự nhiên khi có sự đồng ý của chồng và cha mẹ. Câu chuyện của Nadia, một thiếu nữ đến từ Ngaoundéré, một nơi rất xa trường học, thì lại khác. Sơ Claudine kể: “Cha mẹ cô không có đủ điều kiện để gửi cô đến một trường học bình thường và khi nghe tin về trường của chúng tôi, cô đã quyết định đăng ký học may và cô đã làm ra tiền”. Sau khi học xong, cô sẽ có thể trở về nhà và thực hiện ước mơ của mình, mở cửa tiệm nhỏ của riêng mình. Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu ai đó tặng cho cô một chiếc máy may; đó là điều mà các Nữ tu Bác ái làm khi giúp đỡ những người trẻ thuộc các gia đình rất nghèo.
Thách đố về nạn phù thủy
Cũng trong khu vực này, các Nữ tu Bác ái Thánh Jeanne Antida Thouret đã thành lập hai phòng khám, “Pietro Pecora” và “Santa Agostina”, được giao cho các y tá. Tại đây, các trường hợp sốt rét nhẹ hơn được điều trị và tại đây vắc-xin được tiêm cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Sơ Claudine giải thích: “Lý do có hai phòng khám xuất phát từ việc nhiều người không tin vào y học hiện đại. Trước khi đến đây, họ đến gặp các thầy phù thủy, những người chữa bệnh bằng ‘thuốc cổ truyền’ và do đó bằng lá cây, chỉ đến khi nhận ra người bệnh có nguy cơ tử vong thì họ mới quyết định đưa người bệnh đến bệnh viện”, tuy nhiên bệnh viện cách làng năm cây số. Vì vậy, hai phòng khám ở giữa người dân cho đến nay đã giúp cứu sống nhiều người. Sốt rét, thương hàn, lao và suy dinh dưỡng là những bệnh mà hầu hết bệnh nhân mắc phải, nhiều người trong số họ là trẻ em. Sơ Claudine giải thích: “Các em chỉ uống sữa chưa khử khuẩn và bị bệnh lao và không được ăn đủ dinh dưỡng”.
Vấn đề thuốc men
Nestor Sadoli, y tá và quản lý trung tâm giải thích: “Tại Pietro Pecora chúng tôi có chương trình tiêm chủng, chúng tôi giải quyết vấn đề y tế trước khi sinh, sinh nở, chúng tôi có phòng thí nghiệm phân tích và chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ tiêm chủng ở các làng. Chúng tôi có những trường hợp mắc bệnh sốt rét, kiết lỵ, suy dinh dưỡng, sốt thương hàn và đôi khi là tăng huyết áp và tiểu đường nơi người già.” Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là tìm được thuốc.
Vai trò của “Nhóm Ấn Độ”
Một cái giếng, một trung tâm đào tạo, hai phòng khám, việc mua thuốc và không có sự hỗ trợ dù Nhà nước đã hứa hẹn nhiều năm qua. Sơ Claudine kết luận: “Vật liệu, máy may cho trường học, tất cả đều nhờ vào khoản tài trợ hàng năm của ‘Nhóm Ấn Độ’, một tổ chức phi lợi nhuận do tu sĩ Dòng Tên Mario Pesce thành lập, nhằm giúp chúng tôi mang lại cho các thiếu nữ một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Francesca Sabatinelli – Ngaoundal