Đức Tin Bén Rễ Trong Chúa & Hoà Điệu Với Đời Sống Hằng Ngày (phần 1)

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 25: ĐỨC TIN BÉN RỄ TRONG CHÚA & HOÀ ĐIỆU VỚI ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY (PHẦN 1)

Câu hỏi: Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?

Trả lời:

Dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới

Mở cánh cửa cuộc đời, là người trẻ Công Giáo, bạn thấy thế giới đang phát triển như thế nào? Một dòng sông ô hợp đang chảy giữa lòng thế giới. Mọi nơi, từ các chỗ nghèo đến các mảnh đất văn minh đều có mặt của thế giới công nghệ. Smartphone, Iphone, đồng hồ thông minh đeo tay từ từ trở thành vật dụng quen thuộc của cuộc sống. Các trang mạng Google, Youtube, Facebook… tạo nên một lối sống vừa ảo vừa thật, vừa hữu ích nhưng cũng vừa hiểm nguy với rất nhiều người. Trò chơi của con nít và giới trẻ là ngồi “làm bạn tri kỷ” với tablet, với điện thoại, không còn là bánh bi hay chơi các trò ngoài đường phố. Rồi thời 5G và trí tuệ thông minh nhân tạo – Artificial intelligence (AI) hứa hẹn một cuộc cách mạng phát triển đến chóng mặt. Nhưng sự phát triển của AI ẩn chứa sự nguy hiểm rất lớn. Trong tiến trình phát triển của cuộc cách mạng của trí tuệ nhân tạo ngày càng cao, con người chỉ là một thụ tạo bất toàn và những gì bất toàn thì cần phải loại bỏ. Đó chính là điểm đến rất tiêu cực. Vì thế, có nhiều hậu quả rất xấu và đầy nguy hiểm có thể đến với chúng ta như thất nghiệp, chiến tranh, sự huỷ diệt nhân loại…

Kế bên làn sóng công nghệ, còn gặp một làn sóng ô hợp với các ý thức hệ, các lối sống hiện đại chối từ và làm ngơ Thiên Chúa. Đó là kiểu sống theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa duy lợi, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy thế tục, chủ nghĩa tương đối. Rồi còn có một lối sống được gọi là “linh đạo không có Thiên Chúa” hay là “vô thần Kitô giáo” chấp nhận sự vô biên, vĩnh cửu, tuyệt đối, mầu nhiệm, tình yêu, nhưng lại chối từ Thiên Chúa. Những người theo kiểu sống này tự xưng: “Tôi là người Tâm linh không Tôn giáo – I’m a Spiritual But Not Religious (SBNR). Rồi còn xu hướng loại trừ Thiên Chúa, chế giễu Thiên Chúa, chế giễu Đức Tin và chế giễu tất cả những người tin tưởng vào Thiên Chúa. Tiến sĩ Mark Gray, Georgetown University, nhận định rằng: “Một trong những lý do là sự phân tách giữa đức tin và giáo dục, khi mà người trẻ có thể đi lễ chỉ một lần mỗi tuần, nhưng cả tuần còn lại để nghe người ta bêu riếu rằng đức tin là ngớ ngẩn”.

Trong dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới, còn nổi lên các đợt sóng di dân ở khắp mọi nơi, rồi chiến tranh vẫn nóng bỏng ở nơi này và nơi khác, khủng bố vẫn lên tiếng, rồi còn cơn đại dịch Covid 19 “bá chủ” địa cầu làm cho toàn thể nhân loại và mọi lãnh vực của cuộc sống bị xáo trộn.

Trong dòng sông ô hợp đang chảy của thế giới hiện đại này, là người trẻ Công Giáo, bạn nên gìn giữ, phát triển và thăng tiến đời sống Đức Tin như thế nào? Hay nói khác đi, như một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Bạn và tôi phải làm gì để củng cố Đức Tin của mình trong cuộc sống đang phát triển ngày nay?”

Để cùng bạn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta chú ý đến điều đầu tiên thật quan trọng và tuyệt vời mà Thiên Chúa nói với từng người trong chúng ta.

1. Trước mắt Cha, con thật là quý giá

Tình yêu Thiên Chúa làm nên phẩm giá cao quý. Tình yêu Thiên Chúa đưa lại sức sống tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. “Bạn là người con được Thiên Chúa yêu thương. Đơn giản là vậy!” Đó là lời của một người trẻ nói với người trẻ khác. “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Đó là lời Thiên Chúa nói với từng người chúng ta. Mỗi người thật quý giá, mỗi người không phân biệt màu da, học vấn, địa vị, hoàn cảnh đều được Thiên Chúa yêu thương và trân trọng. Ở lại trong chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta còn được nhắc nhớ rằng: Thiên Chúa còn tỏ ra như một người yêu thiết tha đến mức hoạ hình người mình yêu trên lòng bàn tay để có thể luôn nhìn thấy khuôn mặt người ấy trước mặt: “Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,16). Trong mọi hoàn cảnh Thiên Chúa đều nhìn đến chúng ta và yêu thương chúng ta mà không chờ đợi và đòi hỏi chúng ta điều gì cả.

Đó là tình yêu say mê và vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu này đưa lại một năng động vui tươi, thanh khiết, và làm cho đời người thật đẹp. Có nhà thần học nói rằng: “Không phải vì tôi đẹp trai hay đẹp gái mà Thiên Chúa yêu thương tôi, mà vì Thiên Chúa yêu thương tôi nên tôi trở nên người đẹp trai và người đẹp gái”. Trong cái đẹp Thiên Chúa tình yêu ban tặng, chúng ta bước vào vào đời, và dù mạnh khoẻ hay yếu đau, dù sống trong hạnh phúc hay khổ đau, dù thành đạt hay đang phải vật lộn với thất bại trong cuộc sống, dù bị người khác chế giễu về niềm tin vào Thiên Chúa hay tìm thấy niềm vui trong niềm tin, dù người ta nói ngả nói nghiêng thế nào về tình yêu Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương chúng ta. Vì thế đừng bao giờ quên lời Chúa nói: “Trước mắt Cha, con thật là quý giá”. Vì vậy, vẫn tiếp tục dễ thương và nói với nhau rằng: “Bạn là người con được Thiên Chúa yêu thương. Đơn giản là vậy!” Tuy nhiên, để cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho mỗi người cách riêng biệt, chúng ta nên dành thời gian đi vào tĩnh lặng để cầu nguyện và sống gần bên Chúa, cụ thể qua các cuộc tĩnh tâm Linh Thao.

Ngoài ra, tình yêu Thiên Chúa còn được biểu lộ rõ rệt qua chính món quà cao quý nhất, là Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Một của Ngài là Chúa Giêsu  cho chúng ta.

2. Đức Tin bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô

Khi nhận bí tích Rửa Tội chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên thân xác và được đón nhận chiếc áo trắng như là được mặc lấy chính Chúa Giêsu  Kitô. Từ đó Chúa “đồng hành” với người tín hữu, dù người đó có ý thức hay không. “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời…” Đó là ít lời về Chúa Giêsu  Kitô trong kinh Tin Kính mà mỗi người Công Giáo đều thuộc nằm lòng. Đã đủ chưa lời tuyên xưng thuộc lòng, nhưng trí hiểu và trái tim chưa “chạm tới” Chúa Giêsu  hay chưa được Chúa Giêsu  chạm tới? Đã đủ chưa khi dung mạo Chúa Giêsu  vẫn còn lờ mờ đối với một bạn trẻ Công Giáo? “Vậy như anh em đã nhận Đức Kitô Giêsu làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu ” (Cl 2,6–7).

Thánh Phaolô viết những lời trên cho các Kitô hữu ở Cô–lô–sê, khi họ bị đe dọa vì ảnh hưởng của một số xu hướng văn hóa thời đó, làm cho các tín hữu xa lìa Thiên Chúa và Tin Mừng. Trong bối cảnh xã hội hôm nay, thiết nghĩ lời này của thánh nhân cũng rất giá trị. Giữa một xã hội với nhiều ý thức hệ và khuynh hướng sống xa lìa Thiên Chúa, lạ lẫm với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chú tâm sống kết hiệp với Chúa Giêsu  với ba điều: bén rễ, xây dựng và củng cố.

Bén rễ” gợi lên hình ảnh một cây và gốc rễ nuôi dưỡng cây. Chúng ta như là một thân cây nhỏ đang vươn lên và chúng ta đang bén rễ vào đâu vậy? Gốc rễ thân cây cuộc đời chúng ta có là chính Chúa Giêsu không? Nếu “thân cây cuộc đời” chúng ta được bén rễ trên chính Chúa Giêsu, thì chúng ta sẽ vươn lên và phát triển vững vàng, và chính Chúa Giêsu  sẽ nuôi dưỡng và thêm sức cho chúng ta đứng vững trước vô thần và tục hoá, ích kỷ và duy lợi, thờ ơ và chối từ Thiên Chúa… Thật vậy, nếu không có gốc rễ, thì cây sẽ bị gió cuốn đi và tàn lụi. Nếu không có Chúa Giêsu  ở bên, thì cuộc sống của người Kitô hữu sẽ thật khô khan và sẽ khó đứng vững được khi gặp thử thách gian nan. “Bén rễ” trên Chúa Giêsu  cũng còn là gặp gỡ và sống thân mật với Ngài trong cầu nguyện và trong cả ngày sống. Đức Tin của người Công Giáo mang sắc thái nào? Một trong những sắc thái nền tảng là tin và gặp gỡ Chúa Giêsu  cách riêng tư, cũng như sống mối tương quan rất thân mật và thật gần gũi với Ngài. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu  sẽ mang lại cho cuộc sống chúng ta một năng động mới.

Hơn nữa, khi sống nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa, chúng ta xây dựng đời mình giữa dòng sông ô hợp của cuộc sống, chúng ta không đánh mất bản thân và căn tính của mình, ngược lại chúng ta vẫn luôn được tinh thần của Chúa Giêsu, của chính Lời Chúa thấm đậm và làm cho khởi sắc. Khi Chúa Giêsu càng lớn lên trong tôi, thì không chỉ “cái tôi” của tôi nhỏ lại, mà các thứ dơ bẩn và cả những ý thức hệ cùng tất cả những khuynh hướng tiêu cực đến từ thế giới hiện đại cũng sẽ nhỏ lại. Khi chúng ta ý thức sống bén rễ và xây dựng đời mình trên nền tảng là Chúa Giêsu, là chúng ta để Chúa cuốn hút mình bao nhiêu có thể.

Chúa cuốn hút mình qua Lời Chúa để rồi mỗi ngày khi Lời Chúa càng thấm vào mình, thì lời con người của mình sẽ nhỏ lại, cũng như tất cả các âm thanh bên ngoài vọng đến cũng sẽ tự động nhỏ lại, để rồi từ từ toàn bộ con người mình sẽ được hoà điệu với chính Chúa và tinh thần sống của Chúa. Được Chúa cuốn hút qua cầu nguyện và cuộc sống thân mật gần gũi với Chúa, được Chúa cuốn hút qua bí tích Thánh Thể, bí tích Hoà Giải như là những món quà giúp chúng ta có thể bén rễ, xây dựng và củng cố đời sống Đức Tin tốt hơn nữa.

Thật vậy, khi cuộc đời chúng ta càng được “lập trình” trên nền tảng là chính Chúa Giêsu, thì chắc chắn cuộc sống Đức Tin của chúng ta sẽ được củng cố. Có Chúa ở bên cạnh, chúng ta có thể can đảm đương đầu với những khó khăn, những vấn đề cũng như những thất vọng và thất bại trong cuộc sống. Khi cuộc đời chúng ta có được những kinh nghiệm riêng tư về Chúa Giêsu, nghĩa là được “chạm đến Chúa” cũng như “được Chúa chạm đến” qua cầu nguyện và qua đời sống kết hiệp với Chúa, thì cây Đức Tin của chúng ta sẽ vững vàng trước mọi làn gió nguy hại đến từ bên ngoài.

Ngày nay đối với nhiều người, con đường dẫn đến Chúa Giêsu thật là khó khăn. Vì thế, là người Công Giáo chúng ta hãy để Chúa dẫn lối, để Chúa yêu thương, để Chúa cuốn hút và xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết bén rễ, xây dựng và củng cố Đức Tin trên nền tảng là chính Chúa, cũng như trong bầu khí của Hội Thánh, một cộng đoàn Đức Tin, trong đó chúng ta không bao giờ lẻ loi một mình.

3. Người Công Giáo không bao giờ sống lẻ loi một mình

“Chúng ta không phải là những tín hữu lẻ loi, nhưng, nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên phần tử của một đại gia đình, và chính đức tin được Giáo Hội tuyên xưng, mang lại một sự bảo đảm cho đức tin của chúng ta”. Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ tương hợp với lời trong Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo:

“Như thế, mỗi tín hữu như một mắt xích trong một sợi dây dài gồm các tín hữu. Tôi không thể tin mà không được nâng đỡ bằng đức tin của người khác, và nhờ đức tin của tôi, tôi góp phần nâng đỡ đức tin của tha nhân.” (số 166).

Cách đây 28 năm, khi bước chân qua Đức, tôi gặp biết bao nhiêu khó khăn: Tiếng tăm thì chữ được chữ mất, văn hoá thì lạ lẫm, khí hậu thì lạnh cóng và theo đó là bầu khí sống cũng lạnh lùng biết bao. Cám ơn Chúa về Đức Tin mà Cha Mẹ đã trao ban, là một người trẻ Công Giáo, tôi lần mò đi tìm nhà thờ Công Giáo. Vẫn còn nhớ lại khoảnh khắc vui mừng xiết bao: Tìm được nhà thờ Công Giáo, bước vào và được tham dự Thánh Lễ ở đất khách quê người với tiếng nói lạ lẫm chẳng hiểu chữ nào, nhưng lòng tôi lại được sưởi ấm và thật ấm dưới cái lạnh của mùa đông, vì nơi đây trong ngôi nhà thờ Công Giáo, tôi tìm được mình, tìm được nghi thức cử hành Phụng Vụ mà mình đã quen biết từ thuở ấu thơ, tìm được “nhà của mình” là Giáo Hội.

Vài tháng sau, học được vài câu tiếng Đức, hiểu được vài lời của thứ tiếng khó này, mạnh dạn xin được tham dự vào nhóm chia sẻ Lời Chúa của Giáo Xứ. Cha xứ đón nhận tôi vui vẻ. Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa về câu truyện thánh Phêrô xin Chúa cho được đi trên nước với Chúa, tôi được đánh động và cảm nhận mình như thánh Phêrô đang đi “trên nước”, nghĩa là đang tập đi những bước đầu tiên ở đất khách quê người. Nhưng giữa chừng gió bão là các khó khăn trong cuộc sống đã lấy mất ánh nhìn của tôi. Đánh mất ánh mắt nhìn đến Chúa là lúc từ từ chìm xuống. Giây phút này với lời kêu xin đơn hèn và bất lực của tôi, Chúa đã nắm lấy tay tôi, và không chỉ Chúa mà cả nhóm chia sẻ Lời Chúa cùng cha xứ, và rồi sau đó biết bao nhiêu người cùng anh em trong nhà Dòng đã nắm lấy tay tôi. Để rồi tiếp đến chặng đường Đức Tin của tôi được mở ra trên hành trình Đức Tin của Cộng Đoàn, của Giáo Hội.

Người Công Giáo không bao giờ sống lẻ loi một mình còn có nghĩa là chúng ta luôn có cảm thức với người nghèo khổ, có lòng thương xót với người bất hạnh. Củng cố Đức Tin cũng có nghĩa là sống Đức Tin thật sống động. Sống Đức Tin cụ thể là ra khỏi chính mình để đến với anh chị em khác, đặc biệt với người nghèo khổ. Vẫn nhớ đến thời thiếu niên và trẻ trung, nhà trường không có chương trình xã hội gì, thì các linh mục trong xứ luôn cố gắng đưa người trẻ chúng tôi đi đến những vùng thật nghèo, tìm đến những gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, và còn mời các bác sĩ Công Giáo về vùng khó khăn để khám bệnh miễn phí cho những người nghèo khổ.

Như Chúa Giêsu ngày xưa, hôm nay chúng ta cần tiếp tục chú ý và yêu thương người nghèo khổ. Cụ thể, là người trẻ đang lớn lên và phát triển, cảm thức về người nghèo khổ luôn là điều rất quan trọng trong việc gìn giữ, thăng tiến và củng cố đời sống Đức Tin. Rolheiser viết như sau: “Bạn đừng quên người nghèo. Khi bạn chạm vào người nghèo, bạn đã chạm vào Chúa và, như Chúa Giêsu nói, vào ngày phán xét, chúng ta sẽ bị phán xét qua cách chúng ta phục vụ người nghèo. Bạn hãy tặng cho mình món quà của lòng vị tha, biết rằng, như Chúa Giêsu đã nói, không phải những người cứ nói ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ là người đó lên thiên đàng, nhưng là những người phục vụ người khác. Trong hành trình tìm kiếm của bạn, bạn cần nhận thư giới thiệu của người nghèo”.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế S.J.
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2020)
WHĐ (19.10.2021)
WGPKT(19/10/2021) KONTUM

——————–

Xem thêm những bài trước:
Bài 1: Nhận Định Ơn Gọi Cho Cuộc Đời

Bài 2: Sao Lại Kỳ Thị Người Tu Xuất 

Bài 3: Đừng Cám Dỗ Nhau Nhé

Bài 4: Vấn Đề Rước Mình Và Máu Thánh Chúa

Bài 5: Vượt Qua Khủng Hoảng

Bài 6: Hiện Tượng Bóng Ma

Bài 7: Nhanh Từ Từ Thôi

Bài 8: Gieo Suy Nghĩ Tốt

Bài 9: Vấn Đề ” Theo Đạo Rồi Mới Cho Cưới”

Bài 10: Bền Đỗ Trong Ơn Gọi Gia Đình

Bài 11: Truyền Giáo Cho Người Trẻ Ngoại Đạo

Bài 12: Thờ Kính Ông Bà Tổ Tiên

Bài 13: Vấn Đề Truyền Giáo

Bài 14: Đức Tin Kiến Tạo Hòa Bình Và Công Bằng Xã Hội

Bài 15: Áo Giáp Chống Nạn

Bài 16: Tương Thân Tương Ái

Bài 17: Nghiệp Quả Từ Góc Nhìn Cửa Đức Tin Công Giáo

Bài 18: Kế Hoạch Của Thiên Chúa Trong Đời Ta

Bài 19: Cảm Nghiệm Về Thiên Chúa

Bài 20: Những Ngày Lễ Truyền Tin Của Cuộc Đời

Bài 21: Một Đời Để Sống

Bài 22: Để Tin Vào Thiên Chúa Vô Hình

Bài 23: Khoa Học Và Đức Tin: Tưởng Thù Hóa Ra Bạn

Bài 24: Giống Nhau Không?

Bài 25: Đức Tin Bén Rễ Trong Chúa & Hoà Điệu Với Đời Sống Hằng Ngày (phần 1)