“Đừng để bản thân bị cuốn theo bởi nhu cầu được mọi người biết đến, được chấp thuận và khen ngợi. Những ai bị cuốn vào cơn lốc này sẽ phải trải qua sự lo lắng.”
Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, lễ Chúa Kitô Vua, Giáo hội cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới ở cấp địa phương.
Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô trong dịp này, với nhiều bạn trẻ. Cuối Thánh lễ, một số thanh niên Bồ Đào Nha đã trao các biểu tượng WYD (Ngày Giới trẻ Thế giới) cho phái đoàn đến từ Hàn Quốc là quốc gia châu Á chuẩn bị đăng cai Ngày Giới trẻ Thế giới tại Seoul vào năm 2027. WYD quốc tế gần đây nhất là ở Lisbon.
Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ suy tư về những thách đố của ngày nay bằng ba từ ngữ.
Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
___________________________________
Vào cuối năm phụng vụ, Giáo hội mừng đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Lễ mừng này mời gọi chúng ta hướng về Người, là Chúa, là nguồn mạch và là sự viên mãn của mọi sự (x. Cl 1:16-17), “vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7:14).
Khi chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô Vua, chúng ta thấy phấn chấn và xúc động. Nhưng, những gì chúng ta thấy xung quanh mình lại rất khác biệt, và sự tương phản này có thể khiến những câu hỏi đáng lo ngại nảy sinh trong lòng chúng ta. Chúng ta phải làm gì với rất nhiều cuộc chiến tranh, bạo lực đang diễn ra và các thiên tai? Các con thanh thiếu niên thân yêu, có thể nói được gì về rất nhiều vấn đề mà các con phải đối mặt khi hướng về tương lai: sự khan hiếm cơ hội việc làm, sự bấp bênh của tình trạng kinh tế, sự gia tăng bất bình đẳng làm phân cực xã hội của chúng ta? Tại sao tất cả những điều này lại xảy ra? Và làm cách nào chúng ta có thể tránh không bị ngợp? Chắc chắn đây là những câu hỏi đầy thách đố nhưng chúng lại là những câu hỏi quan trọng.
Hôm nay, khi Giáo hội cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới, dưới ánh sáng của Lời Chúa, cha khuyến khích các con hãy suy ngẫm về ba ý tưởng có thể giúp chúng ta can đảm đối mặt với những thách đố này. Ba ý tưởng đó là: buộc tội, chấp thuận và sự thật.
Trước hết là buộc tội. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bị cáo buộc (x. Ga 18:33-37). Người ta nói rằng Người đứng “ở trên bục làm chứng” tại tòa án. Philatô, một viên chức của Đế quốc La Mã, đang thẩm vấn Chúa Giêsu. Điều này có thể được hiểu như một hình ảnh tượng trưng cho tất cả các thế lực đã áp bức đầy bạo lực đối với các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Mặc dù cá nhân Philatô không quan tâm đến Chúa Giêsu, nhưng ông ta cũng biết rằng dân chúng đi theo Chúa, tin rằng Ngài là người hướng dẫn, là thầy dạy, là Đấng Mêsia. Viên tổng trấn không thể để bất kỳ sự xáo trộn hay bất ổn nào đe dọa đến “nền hòa bình cưỡng bức” của xứ sở của ông, vì vậy ông ta quyết định xoa dịu những kẻ thù hùng mạnh của vị tiên tri không có khả năng tự vệ này. Ông đưa Chúa Giêsu ra xét xử và đe dọa sẽ kết án tử hình Người. Chúa, Đấng luôn rao giảng công bình, lòng thương xót và sự tha thứ, không hề sợ hãi. Người không để mình bị dọa nạt; Người không nổi loạn. Chúa Giêsu trung thành với sự thật mà Người đã công bố, trung thành đến mức hy sinh mạng sống của Người.
Các con giới trẻ thân mến, có lẽ đôi khi các con cũng cảm thấy “bị buộc tội” vì theo Chúa Giêsu. Ở trường, hoặc ở giữa bạn bè và người thân quen, một số người có thể cố gắng làm cho các con nghĩ rằng lòng trung thành với Phúc Âm và các giá trị của Phúc Âm là một sai lầm, vì nó ngăn cản các con thuận theo đám đông và hòa mình vào đám đông. Đừng sợ những “lời lên án” của họ! Đừng lo lắng; sớm hay muộn, những lời chỉ trích của họ sẽ thất bại, những lời lên án của họ sẽ được chứng minh là sai, và những giá trị nông cạn của họ sẽ bị phơi bày bản chất thật của chúng: chúng là những ảo tưởng. Các bạn trẻ thân mến, hãy cẩn thận đừng để bị cuốn theo những ảo tưởng. Hãy trở nên cụ thể vì thực tại là cụ thể. Hãy cảnh giác với những ảo tưởng.
Như Chúa Kitô dạy chúng ta, những gì tồn tại luôn mãi thì hoàn toàn khác: công cuộc của tình yêu thương. Đó là điều sẽ tồn tại mãi mãi và làm cho cuộc sống tốt đẹp! Những điều khác sẽ phai nhạt. Tình yêu được cụ thể hóa trong các công việc. Vì vậy, cha nhắc lại: đừng sợ những “lời lên án” của thế gian. Hãy tiếp tục yêu thương! Nhưng yêu thương theo ánh sáng của Chúa; bằng cách hiến dâng cuộc sống của các con để giúp đỡ người khác.
Điều này đưa chúng ta đến điểm thứ hai: sự chấp thuận. Chúa Giêsu nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36). Chúa Giêsu muốn nói gì qua câu nói này? “Nước của tôi không thuộc về thế gian này”. Tại sao Chúa không có hành động gì để đảm bảo cho sự thành công của mình, để thu hút sự ủng hộ của giới chức có thẩm quyền, để tìm được sự chấp thuận cho chương trình của Người? Tại sao Chúa không làm điều đó? Làm sao Chúa có thể mong đợi thay đổi được mọi sự nếu Người bị “đánh bại”? Chúa Giêsu hành động theo cách này vì Người từ chối não trạng của quyền lực (x. Mc 10:42-45). Chúa Giêsu thoát khỏi não trạng đó!
Các con giới trẻ thân yêu, các con cũng hãy noi gương Ngài. Đừng để bản thân bị cuốn theo bởi nhu cầu được mọi người biết đến, được chấp thuận và khen ngợi. Những ai bị cuốn vào cơn lốc quay cuồng này sẽ phải trải qua sự lo lắng. Cuối cùng, chúng sẽ xô đẩy người ta rơi vào tình trạng ganh đua, gian xảo, chịu áp lực từ bạn bè và thỏa hiệp chỉ để có được một chút công nhận và hình ảnh. Hãy cẩn thận, phẩm giá của các con không phải để bán. Nó không phải để bán! Hãy cẩn thận.
Chúa yêu với chính con người của bạn, chứ không phải như vẻ bề ngoài của bạn. Trước mặt Ngài, sự ngây thơ trong những giấc mơ của các con còn đáng giá hơn sự thành công và danh tiếng, và sự chân thành trong những ý định của các con đáng giá hơn sự chấp thuận của thế gian. Đừng để mình bị lừa dối bởi những kẻ tìm cách dụ dỗ các con với những lời hứa viển vông, nhưng thật ra chỉ muốn thao túng các con và sử dụng các con cho mục đích riêng của họ. Hãy cẩn thận để không bị lợi dụng. Hãy cẩn thận để không bị ràng buộc. Hãy tự do, nhưng là tự do phù hợp với phẩm giá của các con. Đừng bằng lòng với việc trở thành “những ngôi sao trong một ngày” trên mạng xã hội hoặc trong bất kỳ bối cảnh nào khác! Cha nhớ có lần một cô gái muốn được chú ý, mặc dù cô ấy xinh đẹp nhưng cô trang điểm thật kỹ trước khi đi dự tiệc. Cha nghĩ, “sau trang điểm, còn lại là gì?” Đừng tô son trát phấn cho linh hồn và đừng tô son trát phấn cho trái tim của mình. Hãy là con người thật của mình: chân thành và trong sáng. Đừng trở thành “những ngôi sao trong một ngày” trên mạng xã hội hoặc trong bất kỳ bối cảnh nào khác. Các con được gọi để tỏa sáng trên bầu trời rộng lớn hơn.
Trên thiên đàng, tình yêu vô biên của Chúa Cha được phản chiếu qua nhiều ngọn đèn nhỏ. Tình yêu của Người được tỏ lộ nơi chúng ta qua tình cảm chung thủy giữa vợ chồng, niềm vui thơ ngây của trẻ em, sự hăng hái của những người trẻ, qua việc chăm sóc người già, lòng quảng đại của những người tận hiến, lòng bác ái đối với người nghèo và sự trung thực trong môi trường làm việc. Hãy nghĩ đến những điều làm cho các con mạnh mẽ. Những ngọn đèn nhỏ bé của: tình cảm chung thủy giữa vợ chồng – một điều đẹp vô cùng -; niềm vui thơ ngây của trẻ em – đây là một niềm vui rất đẹp!; sự hăng hái của những người trẻ – tất cả các con thân yêu, hãy hăng hái lên!; và việc chăm sóc người già. Cha hỏi các con: các con có chăm sóc người già không? Các con có đến thăm ông bà của mình không?
Hãy quảng đại trong cuộc sống của các con và bác ái với người nghèo, và trung thực trong công việc của các con. Đây là bầu trời đích thực nơi chúng ta tỏa sáng như những vì sao trên thế giới (x. Phil 2:15). Xin các con đừng nghe những kẻ dối trá! Chẳng có sự chấp thuận nào mà các con nhận được có thể giải thoát thế giới hoặc làm cho các con hạnh phúc. Chỉ có món quà yêu thương nhưng không mới có thể mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Điều giải thoát thế giới là món quà tình yêu nhưng không. Tình yêu không thể mua được, không thể bán được: tình yêu là sự nhưng không, nó là sự cho đi chính bản thân.
Điều này đưa chúng ta đến điểm thứ ba: sự thật. Chúa Kitô đã đến thế gian “để làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37), và Chúa đã thực hiện việc đó bằng cách dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em mình (x. Mt 22:34-40; 1Ga 4:6-7). Chỉ trong tình yêu, cuộc sống của chúng ta mới tìm thấy ánh sáng và ý nghĩa (x. 1 Ga 2:9-11). Bằng không, chúng ta vẫn là tù nhân của một lời sự dối trá lớn. Sự dối trá lớn đó là gì? Đó là thói tự mãn, cái “tôi” tự mãn (x. St 3:4-5). Kiểu ích kỷ này là gốc rễ của mọi bất công và bất hạnh. Đó là cái “tôi” tự thu mình lại – tôi, tôi, với tôi, luôn luôn là “tôi” – và nó không có khả năng nhìn thấy người khác hoặc nói chuyện với họ. Hãy cảnh giác với căn bệnh này của cái “tôi” tự thu mình lại.
Đức Kitô, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14:6), bằng cách trút bỏ mọi sự và chết trên thập giá để cứu rỗi chúng ta, dạy chúng ta rằng chỉ trong tình yêu, chúng ta mới có thể sống, lớn lên và phát triển trong phẩm giá trọn vẹn của mình (x. Ep 4:15-16). Chân phước Pier Giorgio Frassati — một thanh niên như các con — đã từng viết cho một người bạn rằng, nếu không có tình yêu, chúng ta không còn sống nữa, nhưng chúng ta chỉ vật vờ qua ngày (x. Thư gửi Isidoro Bonini, ngày 27 tháng 2 năm 1925). Chúng ta muốn sống, chứ không chỉ vật vờ qua ngày. Đó là lý do tại sao chúng ta phải nỗ lực làm chứng cho sự thật trong đức ái, yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta (x. Ga 15:12).
Thưa anh chị em, không phải như một số người nghĩ rằng các biến cố trên thế giới đã “vuột khỏi” sự kiểm soát của Thiên Chúa. Thật không đúng khi nói rằng lịch sử được viết bởi những kẻ áp bức, những bạo chúa và kẻ kiêu ngạo. Dù rằng nhiều sự dữ đang hành hạ chúng ta là tác phẩm của những người đã bị Ác Thần lừa phỉnh, nhưng cuối cùng mọi thứ đều phải chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Những kẻ áp bức người khác, những kẻ gây chiến, khuôn mặt của họ sẽ như thế nào khi đứng trước Chúa? “Tại sao ngươi lại châm ngòi cuộc chiến đó? Tại sao ngươi lại giết người?” Họ sẽ trả lời thế nào? Chúng ta hãy nghĩ về điều đó, và về chúng ta nữa. Chúng ta không châm ngòi chiến tranh và chúng ta không giết người, nhưng tôi đã phạm tội này hoặc tội kia. Khi Chúa nói với chúng ta, “Nhưng tại sao ngươi lại làm điều này? Tại sao ngươi lại bất công theo cách này? Tại sao ngươi lại tiêu tiền cho tính kiêu căng tự mãn của mình?” Chúa cũng sẽ hỏi chúng ta những điều đó. Chúa ban cho chúng ta tự do, nhưng Ngài không bỏ rơi chúng ta. Ngài sửa dạy chúng ta khi chúng ta vấp ngã, nhưng Ngài không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta muốn, Ngài sẽ đỡ chúng ta dậy để chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình trong niềm vui.
Cuối Thánh lễ này, các bạn trẻ Bồ Đào Nha sẽ trao cho các bạn trẻ Hàn Quốc những biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới: thánh giá và tượng Đức Mẹ Salus Populi Romani. Đây cũng là một dấu chỉ. Đây là lời mời gọi tất cả chúng ta hãy sống Tin Mừng và đem Tin Mừng đến mọi nơi trên thế giới, không dừng lại, không nản chí, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và không bao giờ ngừng hy vọng. Thật vậy, chủ đề của thông điệp cho lễ hôm nay là: “Những người cậy trông Đức Chúa sẽ chạy hoài mà không mỏi mệt” (x. Is 40:31). Các con giới trẻ Hàn Quốc sẽ đón nhận Thánh giá của Chúa chúng ta, Thánh giá của sự sống, dấu chỉ chiến thắng, nhưng các con không đơn độc: các con sẽ đón nhận Thánh Giá cùng với Mẹ của chúng ta. Chính Đức Maria luôn đồng hành với chúng ta trên hành trình hướng về Chúa Giêsu. Chính Đức Maria là người luôn ở bên Thánh giá của chúng ta để giúp chúng ta trong những lúc khó khăn, bởi vì Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ là một người mẹ. Hãy ghi nhớ Đức Maria trong tâm trí.
Chúng ta hãy chăm chú hướng mắt nhìn về Chúa Giêsu, về Thập giá của Người và về Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Theo cách này, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để tiến về phía trước ngay cả trong những khó khăn của chúng ta, không sợ bị buộc tội, không cần sự chấp thuận, dựa trên phẩm giá của chính mình, với sự an toàn của ơn cứu độ và được Mẹ Maria đồng hành. Không thỏa hiệp và không trang điểm tâm hồn. Phẩm giá của các con không cần trang điểm. Chúng ta hãy tiến về phía trước, vui sống vì tha nhân, yêu thương và làm chứng cho sự thật. Đừng đánh mất niềm vui của các con. Cảm ơn các con.