Đại Chủng Viện Huế Thực Hiện Chương Trình Phân Loại Rác Thải

Xã hội càng phát triển thì vấn đề môi sinh càng trở nên thách đố. Thực tế cho thấy, những trận ngập lụt, mưa bão, sạt lở đang diễn ra liên tiếp tại dải đất miền Trung những ngày gần đây cũng như các đợt hạn hán, thiên tai không ngừng xảy ra ở những nơi khác nhau trên thế giới chính là những “dấu chỉ” để chúng ta nhìn nhận lại thái độ và cách thức của mình đối với môi trường sống xung quanh, và đồng thời ý thức hơn điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong thông điệp Laudato Si’: “Tất cả đều liên kết với nhau” (số 91), và “không có hai cuộc khủng hoảng tách rời nhau, một về môi sinh và một về xã hội, nhưng chỉ một cuộc khủng hoảng duy nhất và phức tạp về môi sinh xã hội” (số 138). Vì “tiếng kêu của  trái đất và tiếng kêu của người nghèo chỉ là một”.

Cách riêng, đối với người Kitô hữu, trách nhiệm bảo vệ môi trường phát xuất từ nền tảng Thánh Kinh, vì Thiên Chúa tạo thành vũ trụ cách tốt đẹp và Ngài trao công trình tạo dựng ấy cho con người cai quản (x. St 1,4.10.12.18.21.25). Đặc biệt, trong Thông điệp Laudato Si’, số 13, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Thách đố khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là huy động toàn thế gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm một sự phát triển bền vững và hỗ tương, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi…Tại sao người ta có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương lai tốt đẹp mà không nghĩ đến sự khủng hoảng môi trường…” Từ đó, Đức Thánh Cha khẳng định cần đến sự « hoán cải sinh thái », suy nghĩ về nếp sống của chúng ta và nơi những gì xung quanh chúng ta, qua đó hoa trái của cuộc gặp gỡ của người Kitô hữu với Chúa Giêsu Kitô « trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh » (số 217). Đặc biệt Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Tôi hy vọng rằng các chủng viện và các nhà đào tạo sẽ giáo dục một đời sống giản dị đầy trách nhiệm, chiêm niệm với lòng biết ơn thế giới Thiên Chúa ban tặng, quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và bảo vệ môi trường » (số 214).

Vì thế, để góp phần thực thi ý muốn của Thiên Chúa cũng như hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha, Đại Chủng viện Huế đã triển khai và thực hiện chương trình phân loại rác thải cách“toàn diện, cụ thể và triệt để”, phù hợp với định hướng đào tạo người ứng sinh linh mục có đời sống nhân bản toàn diệnhướng đến « nền sinh thái toàn diện » vốn « cũng được thực hiện từ những cử chỉ đơn sơ hằng ngày, qua đó chúng ta phá vỡ lôgíc bạo lực, bóc lột, ích kỷ… » (số 230).

Chương trình được đề ra không nhằm phủ nhận những cố gắng và nỗ lực phân loại rác của Chủng viện trong quá khứ, nhưng phát triển dựa trên nền tảng kết quả đã được nhằm gặt hái được những thành quả tốt đẹp hơn. Quả thật, đã từ lâu, Đại Chủng viện Huế thực hiện việc phân loại rác, nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, cách thức thực hiện chưa thật sự hệ thống, cụ thể và rõ ràng. Để khắc phục những tồn tại này, bắt đầu từ năm nay, việc phân loại rác tại Đại Chủng viện được thống nhất và quy định rõ ràng hết sức có thể. Để thuận tiện hơn trong việc xử lý rác thải và mang lại những giá trị thiết thực, tất cả các dãy lầu và địa điểm thu gom rác trong Chủng viện đều được sắp xếp 6 thùng khác nhau tương ứng với 6 loại rác cơ bản: loại 1: Rác hữu cơ (bã cafê, bã trà, thức ăn thừa, lá cây…); loại 2: Rác tái chế (Túi Nilon…); loại 3: Rác nguy hại (Pin, vi mạch điện tử…); loại 4: Rác thuỷ tinh, gốm sứ các loại; loại 5: các loại chai, vỏ nhựa; loại 6: giấy, bìa carton, vỏ hộp…

Người xưa thường nói “vạn sự khởi đầu nan” quả không sai. Khi mới bắt đầu thực hiện việc phân loại rác theo mô hình mới, quý Thầy cũng gặp rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Có người cầm rác trên tay mà đắn đo, suy nghĩ không biết nên bỏ vào thùng nào. Có người do thói quen hoặc vô ý mà bỏ rác sai quy định… Vì thế, quý Cha trong Ban Giám đốc phải liên tục có những buổi ngoại khoá toàn Chủng viện hoặc góp ý theo từng lớp, từng cá nhân…Nhờ vậy, sau một thời gian đúc rút kinh nghiệm, nỗ lực và cố gắng của tất cả các thành viên trong gia đình Đại Chủng viện, quá trình phân loại rác đã được thực hiện hết sức nghiêm túc và khoa học.

Thiết tưởng rằng, việc bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ hệ tại ở việc phân loại rác, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau nữa, chẳng hạn như « tránh dùng chất dẻo và giấy, giảm tiêu thụ nước, phân chia rác thải, chỉ nấu ăn những gì chúng ta có thể ăn cách vừa phải, đối xử cách quan tâm đến các sinh vật khác, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay chia sẻ cùng chuyến xe với nhiều người, trồng cây, tắt những đèn điện không cần thiết » (số 211)… Dầu vậy, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng mọi mục tiêu hay thành quả dù to lớn đến đâu đều phải khởi đi từ những hành động nhỏ nhất. Ước mong rằng những cố gắng trong việc phân loại rác tại Đại Chủng viện Huế nhen nhóm nơi quý thầy và những người xung quanh ý thức “chúng ta cần đến nhau, chúng ta có trách nhiệm đối với người khác và thế giới” (số 229), ý thức về công bằng và bác ái, và đồng thời khơi lên ngọn lửa yêu mến và quyết tâm bảo vệ ngôi nhà chung mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, và như thế dần dần hình thành một “tư cách công dân sinh thái” qua việc phát triển được những thói quen bảo vệ môi trường (số 210).

 Giuse Nguyễn Duy Thế – Lớp Thần Học I
Nguồn: xuanbichvietnam.net
WGPKT(20/10/2022) KONTUM