Trường Học Thánh Phaolô – Thư 2 Thêxalônica

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

 

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

 

Đọc thêm:

Nhập Đề – Thư 1 Thêxalônica

 

 

THƯ  2 THÊXALÔNICA

 

Thư 2 Thêxalônica rất sát với Thư 1 Thêxalônica.  Do đó, bạn đừng lấy làm lạ khi thấy có những chỗ lặp lại; khi dạy một điều gì thật không vô ích phải lặp lại.  Những lời nguyện trong Thư 2 Thêxalônica xem ra quen thuộc với những đoạn mà chúng ta đã đọc.  Điều nhận xét thứ hai là những bản văn kinh nguyện nầy có phần khó hơn một chút.  Tôi sẽ cố gắng dịch lại những đoạn nầy trong ngôn ngữ bình thường cho chúng ta để móc nối chúng với những đoạn khác trong Tân Ước.   Không phải là lập lại công thức của thánh Phaolô mà là tìm ra những thái độ của ngài trong kinh nguyện nầy.

Trước hết hãy đọc những đoạn kinh nguyện nầy và tập chú vào những từ chìa khóa; những hạn từ nầy có âm vang xuyên suốt Kinh thánh.   Trong tư tưởng thánh Phaolô lấy lại những đoạn nầy căn cứ vào quá trình đào tạo và huấn luyện mà ngài đã nhận từ sư phụ Gamalien và điều nầy cho phép ngài sử dụng lại những bản văn Cựu Ước trong bối cảnh Kitô giáo.

“Hỡi anh em, chúng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa luôn luôn cho anh em – và thế là phải lắm, bởi chưng lòng tin của anh em lớn mạnh, và lòng mến dẫy tràn nơi mỗi một người trong anh em hết thảy đối với nhau, khiến chính chúng tôi cũng được hãnh diện vì anh em trước mặt các hội thánh của Thiên Chúa, vì sự kiên nhẫn và đức tin của anh em giữa tất cả những cấm cách bắt bớ và gian truân anh em phải chịu: dấu tỏ tường về sự phán xét công minh của Thiên Chúa, để anh em được xét là xứng đáng đối với Nước Thiên Chúa, vì đó mà cả anh em nữa đang phải khốn khó (Nhấn mạnh về những đau khổ của cộng đoàn).    Quả là công minh nơi Thiên Chúa là những kẻ gây gian truân cho anh em lại có gian truân báo đền, và cho anh em, những kẻ phải gian truân, được phúc thanh nhàn với chúng tôi vào thời mặc khải tự trời của Chúa Giêsu với các thiên thần của quyền năng Ngài, dùng ngọn lửa hỏa hào đoán phạt những kẻ không biết Thiên Chúa, và không vâng phục Tin mừng của Chúa chúng ta, Đức Giêsu.  Những kẻ ấy sẽ bị án hư đi đời đời, xa mặt Chúa và xa cách vinh quang quyền lực của Ngài, khi Ngài đến để được hiển vinh giữa các thánh của Ngài và được thán phục trong các kẻ tin hết thảy – vì chưng anh em đã tin vào chứng của chúng tôi – : (đó là điều sẽ xảy ra) trong Ngày ấy! 

Vì thế, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em luôn, xin Thiên Chúa chúng ta khấng làm cho anh em được xứng đáng với thiên triệu, và lấy quyền năng làm cho viên thành ý chí ngay lành và công việc của lòng tin, ngỏ hầu danh Chúa chúng ta, Đức Giêsu được hiển vinh nơi anh em, và anh em nơi Ngài, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta, và Chúa Giêsu Kitô” (2 Tx 1, 3-12).  Lời kinh tạ ơn tỏa lan trong lời khẩn nguyện, cầu xin.

Xa hơn một chút, ở chương 2, chúng ta gặp thấy một lời kinh nguyện mới:

Còn chúng tôi, hỡi anh em, những kẻ được Chúa yêu mến, chúng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa luôn cho anh em, vì từ đầu Thiên Chúa đã chọn anh em để được ơn cứu rỗi, nhờ sự thánh hoá của Thần khí, và lòng tin vào sự thật. (Chúng ta đã gặp câu tương tự như thế ở 1 Thêxalônica).  Vì thế, Người đã kêu gọi anh em nhờ Tin Mừng chúng tôi giảng, để được chiếm lĩnh phúc vinh quang của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô.  Ấy vậy, hỡi anh em, hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống anh em đã thụ giáo với chúng tôi, hoặc nhờ lời nói, hay bằng thư từ.  Nguyện xin Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, và Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng đã yêu mến ta và đã ban cho ta niềm an ủi hằng có và mối hy vọng tốt lành bởi ơn Người, làm cho lòng anh em được phấn khởi và kiên vững trong mọi việc làm và lời lành” (2 Tx 2, 13-17).  Và thánh Phaolô mời những người đối thoại cầu nguyện cho ngài: “Kỳ dư, hỡi anh em, hãy cầu nguyện cho chúng tôi, ngõ hầu Lời Chúa xuôi chạy, và được rạng vinh, cũng một thể như nơi anh em: xin cho chúng tôi thoát khỏi người gian kẻ dữ” (2 Tx 3, 1-2).  Xa hơn một chút: “Nguyện xin Chúa hướng lòng anh em vào trong đức mến của Thiên Chúa, và sự kiên nhẫn của Đức Kitô!” (2 Tx 3, 5).

Hãy lấy lại lời kinh thứ nhất: “Hỡi anh em, chúng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa luôn luôn cho anh em – và thế là phải lắm, bởi chưng lòng tin của anh em lớn mạnh, và lòng mến dẫy tràn nơi mỗi một người trong anh em hết thảy đối với nhau, khiến chính chúng tôi cũng được hãnh diện vì anh em trước mặt các hội thánh của Thiên Chúa, vì sự kiên nhẫn và đức tin của anh em giữa tất cả những cấm cách bắt bớ và gian truân anh em phải chịu”.  Điều độc đáo trong lời kinh nầy là gì?  Kiểu nói : “Và thế là phải lắm”.  Ở câu 6 : “Quả là công minh”.  Điều đó làm cho lời kinh của ngài thêm long trọng, thêm phụng vụ.  Trong Thánh Lễ, khi đọc kinh tiền tụng, chúng ta lấy lại công thức nầy: “Chúng con cảm tạ Cha, mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng, công bình và hữu ích cho phần rỗi chúng con”.  “Thật là chính đáng” qui chiếu về một văn thể kinh nguyện của cộng đoàn Kitô hữu thời đó.  Bạn tìm thấy trạng từ “luôn luôn”.  Lại một lần nữa, đây là vấn đề đức tin: “Đức tin của anh em lớn mạnh”;  “và lòng mến dẫy tràn nơi mỗi một người trong anh em hết thảy đối với nhau”; và sự kiên trung trong gian truân nghĩa là hy vọng : “sự kiên nhẫn và đức tin của anh em giữa tất cả những cấm cách bắt bớ và gian truân anh em phải chịu”. Chúng ta gặp được bộ ba nhân đức căn bản và thật lý thú khi nhận thấy rằng điều nầy không phải là sáng kiến của các Công đồng nhưng là lời tuyên xưng đức tin, đức cậy và đức mến đi ngược lên đến những kinh nguyện xa xưa nhất của Giáo Hội.

Có một sự nhấn mạnh khác về thái độ đức tin, đức cậy và đức mến: đề cao sự triến triển.  Thánh Phaolô nhận thấy, trong cộng đoàn mà ngài nhớ đến và cầu nguyện cho, có sự chuyển động về đức tin, có những cố gắng: đức tin nầy phát triển, lan rộng ra.  Đó cũng là đức mến tăng trưởng và một sự kiên nhẫn được thử thách bởi những cuộc tàn sát, những gian truân rất hiện thực và do đó đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu đựng (nhân đức của thời gian): cần phải trải qua thời gian, cần phải kiên nhẫn.  Người ta nhận ra qua hành động tạ ơn căn bản trong kinh nguyện của ngài, thánh Phaolô ý thức rằng cộng đoàn phải tiến bộ:  các cộng đoàn đang trên đường tiến bộ, họ chưa đạt đến đỉnh cao.  Vì vậy cho nên, sự ghi nhận về thực tại tiến bộ nầy sẽ kích thích ngài nài xin Đức Chúa làm cho đức tin của họ được lớn lên, tình yêu của họ được khẳng định và đức mến của họ được vững vàng hơn.  Thánh Phaolô nhấn mạnh về tình yêu huynh đệ:“lòng mến dẫy tràn nơi mỗi một người trong anh em hết thảy đối với nhau”, như chỉ về tình yêu kép đối với Thiên Chúa và đối với anh em, ngay trong một hành động.  Cho nên thánh Phaolô có thể dùng một từ ngữ không có trong Thư 1 Têxalônica: “ khiến chính chúng tôi cũng được hãnh diện vì anh em”.  Sự đề cao nầy có dị nghĩa: Thánh Phaolô hãnh diện vì mọi sự bình yên.  Tuy nhiên trong bối cảnh tạ ơn chúng ta chắc rằng điều đó nói đến sự “hãnh diện thánh thiện” bởi vì ngài trao trả lại cho Đức Chúa: qua hành động tạ ơn bằng kinh nguyện của ngài, thánh Phaolô qui về Đức Chúa căn nguyên, nguồn mạch của sự tiến bộ nầy.  Thật vậy có khoảng cách thời gian giữa Thư 1 và 2 Têxalônica và người hiểu rằng thánh Phaolô có khả năng nhận định sự vật và nhìn thấy, về khía cạnh thời gian, có một tiến bộ khả dĩ.

Chúng ta thấy xuất hiện một sự đề cao khác mạnh hơn nhiều: “những cấm cách bắt bớ và gian truân anh em phải chịu”.  Ngay từ buổi đầu rao giảng cho các tín hữu Têxalônica đã có sự bắt bớ dù chỉ mới từng phần trong cộng đoàn.  Dường như ở đây thánh Phaolô nhận định và đã biết qua những liên lạc viên cho ngài hay, rằng cuộc sống của các Kitô hữu không xuôi chảy gì.  Các môn đệ ở Têxalônica gặp khó khăn và lâm cảnh gian truân.  Đọc được tình huống nầy trong trong kinh nguyện của ngài cho phép ngài nói: “Những dấu tỏ tường về sự phán xét công minh của Thiên Chúa”.  Người ta thấy xuất hiện ở đây từ ngữ “dấu chỉ”.  Thánh Phaolô cho phép mình chú giải về tình huống nầy: ngài nhận thấy một dấu chỉ điều mà ngàigọi : “Phán xét của Thiên Chúa”.  Ngài nói tiếp: “Để anh em được xét là xứng đáng đối với Nước Thiên Chúa, vì đó mà cả anh em nữa đang phải khốn khó” .  Làm thế nào chúng ta có thể diễn tả điều đó qua một giọng văn khác quen thuộc với chúng ta?  Tôi mời các bạn tham chiếu các Mối Phúc Thật: “Phúc cho các ngươi khi người ta sỉ mạ các ngươi, và bắt bớ, đặt điều nói xấu đủ điều về các ngươi một cách lếu láo vì cớ Ta.  Hãy vui sướng và hân hoan, vì phần thưởng các ngươi lớn thật ở trên trời: vì cũng như thế, chúng đã bắt bớ các tiên tri, tiền bối của các ngươi” (Mt 5, 11-12).

Như thế “phán xét của Thiên Chúa” được thi hành trong ánh sáng của Thiên Chúa, sự phán xét nầy cho phép nhận thức đau khổ và bách hại vì Chúa Kitô như một mối Phúc.  Đối với thánh Phaolô đó là điều Đức Giêsu lặp lại nhiều lần trong các bài giảng: hạnh phúc cho ai, bước theo Người, chấp nhận con đường thập giá, bởi vì bên kia con đường thập giá, bách hại và ngay cả chết chóc, xuất hiện mối hy vọng của Vương quốc, của sự sống lại và sự sống, của con đường dẫn vào Nước Trời.  Và khi chúng ta nhìn những sự việc nầy, chúng ta phê phán chúng theo cách nhìn của Thiên Chúa, trong ánh sáng của ngài, chúng ta biết rằng con đường trần gian mà tất cả chúng ta kinh qua, gồm có những giai đoạn khổ nạn và đau thương, con đường ấy mang một ý nghĩa.  Không phải phán xét của Thiên Chúa một cách chung chung mà thôi đâu, nhưng ánh sáng Phục sinh chiếu giải một ý nghĩa trên mọi tình huống nhân sinh của chúng ta để qua đó chúng ta dấn thân bước theo Chúa Kitô về Nước Trời, về sự sống lại và về sự sống.

Tiếp đến là một đoạn dùng từ ngữ mà tôi có thể nói là khải huyền, và đôi khi nó làm chúng ta nản lòng: “Quả là công minh nơi Thiên Chúa là những kẻ gây gian truân cho anh em lại có gian truân báo đền” (lời kết án những ai đàn áp người Kitô hữu), được phúc thanh nhàn với chúng tôi ( sự nghỉ ngơi trong Thiên Chúa) vào thời mặc khải tự trời của Chúa Giêsu với các thiên thần của quyền năng Ngài”.  Sau hành động tạ ơn đem chúng ta về với quá khứ, chúng ta được phóng về tương lai, một tương lai có ý nghĩa; cuối cùng cần phải biết mình đi về đâu, đi với ai, tiến lên với người nào.  Đi về nơi an nghĩ đời đời.  Thư Do thái, trích lại lời Cựu Ước, cho thấy tiến trình đi về nơi an nghỉ của Thiên Chúa (x. Dt 4, 7 – 5, 10).

Một kiểu diễn tả quan trọng khác: “Mặc khải tự trời của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.  Chúng ta có thể hiểu từ ngữ “mặc khải” là “khải huyền” hay đúng hơn “khải huyền” là “mặc khải”.  Sách Khải huyền bắt đầu bằng những từ : “Khải huyền của Đức Giêsu Kitô”, “Mặc khải của Đức Giêsu Kitô” .  Khải huyền là mặc khải về mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô trong lịch sử của Giáo Hội, trong lịch sử của các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, là những cộng đoàn bị bách hại.  Tác giả sách Khải huyền không có mục đích gì hơn là cho họ thấy rằng qua những thử thách họ gánh họ, những thử thách đó dẫn đến Con Chiên hướng về đồng cỏ vĩnh hằng.  Chúng ta vững tin rằng lời kinh nguyện của chúng ta đặt chúng ta trước sự hiện diện của Đức Giêsu, Ánh sáng soi chiếu đường chúng ta đi.  Kinh nguyện của chúng ta cho phép chúng ta nói rằng: “Tôi biết tôi đi đâu.  Chúa Kitô là nguồn gốc, từ nơi Ngài tôi rút ra được nguồn sức sống thâm sâu, chính Chúa Kitô là An-pha và Ô-mê-ga (x. Kh 22, 13), hướng về Ngài tôi tiến bước, chính Ngài đi về phía tôi”.  Thật vậy sách Khải huyền kết thúc bằng lời kinh: “Đức Chúa đến.  Vâng, xin Chúa Giêsu ngự đến!”  Điều nầy làm thành kinh nguyện của người tông đồ đứng trong lịch sử; một lịch sử có ý nghĩa, một lịch sử mang nặng mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và sống, luôn luôn sống động và mang chúng ta theo cùng với Người trong vinh quang của người.

Sau đó thánh Phalô nói đến những người không theo Chúa Kitô: “Những kẻ ấy sẽ bị án hư đi đời đời, xa mặt Chúa và xa cách vinh quang quyền lực của Ngài”.  Án phạt dành cho họ là xa mặt Đức Giêsu, đối với những kẻ ở trong ánh sáng của Đức Chúa, những người gần gũi Chúa Giêsu “Khi Ngài ngự đến trong ngày đó”, họ sẽ được vinh hiển và Chúa Kitô sẽ được vinh hiển “nơi con người của các thánh”.  Ngài sẽ được chiêm ngưỡng nơi bản thân của những kẻ kiên vững.  Chúa Kitô sẽ được chiêm ngưỡng trong Giáo Hội của ngài, Giáo Hội nầy sẽ phải trải qua thời gian và Ngài sẽ đón nhận và trình diện với Cha; (chúng ta sẽ gặp lại điều nầy trong các Thư Côrintô).  Trong kinh tiền tụng ngày lễ Các Thánh Nam Nữ có một cách diễn tả vinh danh Đức Giêsu nơi các thánh, Đức Chúa được chiêm ngưỡng nơi bản thân của các tín hữu.  Cần đọc những bản văn của sách Khải huyền, mô tả những cuộc rước kiệu vĩ đại của những người hằng sống chung quanh ngai toà Con Chiên.

Sau khi đã gợi lại phần kết thúc tuyệt hảo được hứa ban cho những ai bị bách hại, họ đã theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để tìm gặp Người trong sự sống lại và vinh quang trên trời, tiếp đó là lời nguyện cầu xin: “Chúng tôi phải tạ ơn Thiên Chúa luôn cho anh em, vì từ đầu Thiên Chúa đã chọn anh em để được ơn cứu rỗi”.  Ngay từ ban đầu sự quan tâm của Thiên Chúa nghiêng về phía con cái của người và Người kêu gọi họ đến với Người.  Hãy nghĩ tới tất cả các ơn gọi trong Cựu Ước và Tân Ước.  Đó là mầu nhiệm của ơn gọi từ nơi Thiên Chúa, Đấng đối thoại với toàn thể nhân loại và với từng người trong chúng ta.  Người không ngừng vang lên lời mời gọi để chúng ta bước theo Người, đi về phía Người: “Các bạn hãy tỏ ra xứng đáng với ơn thiên triệu”.  Kinh nguyện cho phép ở lại cách nhạy cảm với ơn gọi nầy, với lời của Thiên Chúa và với lời mời gọi đặc biệt mà Người dành cho mỗi người trong chúng ta.  Chúng ta được yêu mến và được kêu gọi vì chính chúng ta và vì một ơn gọi đặc biệt trong dân của Thiên Chúa; Thiên Chúa không yêu thương chúng ta một cách tổng quát, Người yêu từng người.  Với từng người Người ngỏ lời kêu gọi: “Vì thế, chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em luôn, xin Thiên Chúa chúng ta khấng làm cho anh em được xứng đáng với thiên triệu, và lấy quyền năng làm cho viên thành ý chí ngay lành và công việc của lòng tin”.  Thánh Phaolô ca tụng các tín hữu Têxalônica về đức tin sống động của họ, ngài tạ ơn Thiên Chúa và đồng thời cầu nguyện để cho đức tin đó được sống động luôn mãi ngày một hơn: tính sống động của đức tin không bao giờ đạt đếm đỉnh điểm của nó.

Và một kiểu nói khác: “Xin Chúa làm cho viên thành ý chi ngay lành của anh em”.  Từ ngữ viên thành nầy, Đức Giêsu đã thốt ra trên thập giá khi kết thúc sứ mạng của người.  Chúng ta đang ở trong pha tiến bộ nó phải đi đến hồi kết thúc, như Đức Giêsu đã sống cuộc đời trần thế để có thể nói, khi trút hơi thở cuối cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”; mọi việc đã làm, đã thực hiện và vì vậy cho nên Ta có thể được Cha đón nhận.  “Viên thành ý chí ngay lành”, chúng ta đang ở trong pha ao ước và, bao lâu còn ao ước, bấy lâu chưa hoàn tất.  Chúng ta hãy cầu xin Chúa trợ giúp chúng ta sống cái ao ước nầy tròn đầy hết sức.  Sự ao ước nấy sẽ gặp được sự hoàn tất và sẽ không còn là ao ước một khi chúng ta bắt gặp Chúa vào thời điểm khải huyền của ngài, thời mặc khải cuối cùng.  “Cho nên danh của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô sẽ hiển  vinh nơi anh em, và anh em nơi Ngài”.  Viễn cảnh vinh quang, thứ vinh quang mà Đức Giêsu biết đến và Người muốn chia sẻ, chính là sự tôn vinh, sự hoàn tất mà chúng ta được kêu gọi đến chia sẻ.  Danh của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô sẽ được vinh hiển nơi bạn nếu bạn theo Người trên con đường có khi là con đường bách hại: “Ngài sẽ được vinh hiển nơi anh em và anh em nơi Ngài, nhờ ân huệ của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô”.  Mọi sự là ân huệ; từ ngữ ân huệ lại xuất hiện ở cuối kinh nguyện trong khi nó đã xuất hiện ngay từ đầu của kinh nguyện nầy như để ghi nhận sự quan trọng, nhấn mạnh mọi sự là ân huệ.  “Chính vì thế Danh Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô được vinh hiển nơi anh em và anh em nơi Ngài thể theo lượng ân sủng của Thiên Chúa và của Chúa chúng ta”.

Có những kinh nguyện khác mà các bạn sẽ đọc thấy.  Tôi sẽ chỉ cho các bạn một kinh nguyện: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải  tạ ơn Thiên Chúa luôn cho anh em …” (2Tx 2, 13).

Đúng là một điệp khúc.  Tiếp đó ngài nói tương tự như thế: “Người đã kêu gọi anh em nhờ Tin mừng chúng tôi giảng, để được chiếm lĩnh phúc vinh quang của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô”.  Loan báo Tin mừng có mục đích cho phép chúng ta tiếp đón, nhận lãnh vinh quang của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô.  “Nguyện xin Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, và Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng yêu mến ta và đã ban cho ta niềm an ủi hằng có và mối hy vọng tốt lành bởi ơn Người, làm cho lòng anh em được phấn khởi và kiên vững trong mọi việc làm và lời lành” (2 Tx 2, 16-17).  Trong những kinh nguyện tiếp theo chúng ta có cơ hội trở lại những đề tài an ủi và vững mạnh: an ủi quay về các thử thách và vững mạnh, trở nên mỗi ngày một vững vàng hơn, khẳng định trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Đức Chúa đi vào trong cuộc sống chúng ta, trong lịch sử chúng ta, Đức Chúa đi vào trong toàn vẹn tính của mầu nhiệm Con Thiên Chúa, trong toàn vẹn tính về mầu nhiệm con người, Con Thiên Chúa, Người đã chấp nhận vượt qua thế gian nầy đến với Cha bằng sống cuộc khổ nạn và cái chết nhân loại. 

 

WGPKT(28/02/2023) KONTUM