Trường Học Thánh Phaolô – Nhập Đề – Thư 1 Thêxalônica

TRƯỜNG HỌC

  THÁNH PHAOLÔ

Suy Niệm

Nguyên tác: “Un temps de prièrès à l’école de Saint Paul”

Lm  Fichelle, Lourdes 2005

  Lm Lu-Y Nguyễn Quang Vinh chuyển ng

Đọc thêm:

Thư 2 Thêxalônica

Thư  1 Côrintô

NHẬP ĐỀ

 

Phó dâng cho Thần khí của Chúa thời gian chúng ta cùng sống với nhau.  Chính Ngài gợi hứng cho tôi, chính Ngài gợi hứng cho kinh nguyện của chúng ta trong tuần tĩnh tâm nầy.  Chúng ta tín thác vào Ngài như Đức Trinh Nữ Maria đã tín thác.

Đề tựa cho tuần tĩnh tâm nầy: Một Thời Gian Cầu Nguyện Nơi Trường Học Của Thánh Phaolô Tông Đồ.

Cắt nghĩa chút ít về tiêu đề.  Cốt yếu của tuần tĩnh tâm là sống chuyên chăm trong kinh nguyện một  thời gian.  Ao ước sống vài ngày với Chúa. Thời kỳ chúng ta chấp nhận cầu nguyện với Đức Giêsu trên núi, đang khi biết rằng chính Ngài mặc khải cho chúng ta cách nầy hay cách khác như Ngài đã mặc khải cho ba môn đệ đi theo Ngài lúc Hiển Dung (Ngài đã mặc khải cho họ hay đúng hơn Cha của ngài mặc khải cho họ căn cước của Ngài).  Đây là thời gian chúng ta cố gắng trượt đi, có thể nói như thế, trong tương quan ba ngôi để khám phá ra “Mầu nhiệm” mà thánh Phaolô nói đến, Mầu nhiệm mà chúng ta tham dự trong Đức Giêsu.  Tuần tĩnh tâm là thời gian cầu nguyện, chúng ta cố gắng đổi mới lối cầu nguyện của chúng ta, điều chỉnh lại cách cầu nguyện trong khi quan tâm đến chính bản thân mình và cách đặc biệt về những gì chúng ta sống trong ơn gọi của chúng ta, về sứ mệnh của chúng ta trong Giáo Hội và, đối với ai khác trong sứ mệnh  của trợ tá cho Việc Tông Đồ.

Thật đúng lúc đặt mình dưới trường học của vị tông đồ, lắng nghe ngài, và khám phá tông đồ Phaolô dưới góc độ thường ít người để ý đến: như một người cầu nguyện, như một dang tay cầu nguyện. Thánh Phaolô là một nhà truyền giáo cầu nguyện.  Chúng ta cố gắng khám phá qua các Thư của ngài những thời gian cầu nguyện.  Thật vậy, các Thư của ngài đầy dẫy lời kinh nguyện, có thể lúc khởi đầu thư, có thể lúc kết thúc, có thể như đong đưa kinh nguyện tiếp nối trình thuật truyền giáo, rồi kinh nguyện, rồi lại đi vào một trình thuật truyền giáo khác . . . Một kiểu xen kẽ ăn khớp giữa công việc tông đồ của thánh Phaolô, ngài ở với dân chúng thời đó, và ngài ở với Đức Chúa, đó là điều thường xuyên xảy ra; kinh nguyện của ngài là thành phần của sứ mệnh  truyền giáo của ngài và sứ mệnh truyền giáo của ngài, một cách nào đó là một hình thức cầu nguyện.

Có một lối cầu nguyện thời tông đồ gây hứng thú cho những thừa tác viên kế vị các tông đồ, như các giám mục, linh mục, các thừa tác viên có chức thánh, nhưng cũng làm thích thú nơi những Kitô hữu hiệp thông với việc tông đồ của các giám mục, với việc tông đồ của Giáo Hội . Một nhà chú giải kinh thánh, ông Claude Tassin, ông vừa cho xuất bản một quyển sách khá hấp dẫn: “Thánh Phaolô, con người cầu nguyện”, ông nói : “Thánh Phaolô đã cầu nguyện từ lức khởi hành việc tông đồ và đã thi hành việc tông đồ khởi từ kinh nguyện của mình.  Từ đó, trong tư cách người anh cả, ngài soi sáng ‘người tông đồ’ (bất luận là nam hay nữ) . . . Nếu thánh Phaolô là người hướng đạo trong kinh nguyện và nếu người ta tìm kiếm lãnh vực gần gũi nhất trong kinh nghiệm riêng tư của ngài, chính nơi kinh nguyện tông đồ mà người ta phải tìm đến” (trang 123-124).

Tôi đề nghị với bạn tách riêng ra trong các Thư của thánh Phalô những lúc cầu nguyện, những câu mà, thay vì nói trực tiếp với người đối thoại, ngài ngỏ lời với Đức Chúa.  Huấn luyện viên đệ nhất về cầu nguyện là Chúa Giêsu Kitô.  Câu hỏi của các tông đồ: “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”, rút ra câu trả lời của Chúa Giêsu: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói . . .”. Một cách nào đó Đức Giêsu là đấng duy nhất khai tâm mọi đối thoại với Cha của ngài.  Tuy nhiên chúng ta cũng tín thác vào thánh Phaolô, trong địa vị đặc biệt tông đồ, ngài cũng có thể trở thành huấn luyện viên cho chúng ta trong kinh nguyện.  “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”.  Thánh Phaolô cũng có thể nói với chúng ta: “Khi anh chị em cầu nguyện hãy nói như tôi đã nói, như tôi đã cầu nguyện, bởi vì kinh nguyện của riêng tôi thì ăn khớp cách trong sáng, rõ rệt, vững mạnh với ý hướng mà Chúa Giêsu ban ra”.

Như thế chúng ta đọc Lời Chúa trong các Thư Phaolô.  Và bởi vì các lời cầu nguyện của thánh Phaolô khảm vào trong sách Tân Ước cho nên lời của ngài trở nên Lời của Thiên Chúa, dạy chúng ta cầu nguyện tốt hơn nữa.  Người ta có thể gặp những lời chỉ trích vì những kinh nguyện trong các Thư Phaolô là những kinh nguyện cổ được ghi dấu thời đại của ngài.  Đúng như thế, luôn luôn có một độ chênh lệch, ngay cả chênh lệch về từ vựng nữa.  Có những điều chỉnh phải kiện toàn, những bản dịch phải hoàn tất để sử dụng những từ ngữ cho phù hợp với chúng ta mà không phản bội lại ý tưởng thâm sâu của thánh Phaolô.  Phaolô là một con người và có văn bút cầu nguyện riêng, thuộc thể loại cầu nguyện nặng nam tính; cần phải để ý đến điều đó.  Một trong những xác tín sâu xa của tôi  là người ta không thể viết chính tả những hình thái cầu nguyện.  Mỗi người trong chúng ta có cách cầu nguyện riêng, bởi vì mỗi người là một hữu thể, cá vị , đặc loại, có tương quan riêng tư đối với Đức Chúa.  Khởi từ bản thân chúng ta là, sự gợi hứng cầu nguyện của những nhà cầu nguyện mới có thể đến với chúng ta.

Thật vậy, nếu có sự chênh lệch giữa từ ngữ thánh Phalô dùng và từ vựng chúng ta mong muốn sử dụng, chúng ta có thể tự nhủ, trong mọi hoàn cảnh, điều đòi hỏi nơi chúng ta không phải là sao chép y văn bản của Phaolô, nhưng là tìm kiếm, qua ngôn từ của ngài, những thái độ mà những từ ngữ nầy diễn tả; cho nên chúng ta có thể lấy những thái độ đó làm của mình.  Chúng ta có thể chuyển ngữ lại theo ngôn ngữ tông đồ của chúng ta ở thế kỷ XXI, điều mà vị tông đồ của thế kỷ thứ I đã cố gắng hình thành khởi từ kinh nghiệm tông đồ của ngài và từ giềng mối đặc thù ngài có với Chúa Giêsu Kitô duy nhất.  Thánh Phaolô đã táo bạo nói trong Thư I Côrintô: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô”.  Ngài mời gọi chúng ta bắt chước ngài và chúng ta biết rằng bắt chước không phải là sao y bản chính, hay phô-tô nguyên bản cách vật chất; có khả thể rút tỉa từ đó một gợi hứng cho kinh nguyện riêng tư  của chúng ta với sự trợ lực của Thần khí.  Chúng ta có bổn phận tái phát minh không ngừng kinh nguyện của chúng ta khi được gợi hứng từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và những gì thánh Phaolô giáo huấn chúng ta.

Chúng ta sẽ đọc lại những kinh nguyện của thánh Phaolô, bạn ghi nhớ và cố gắng kín múc gợi hứng từ đó, biết rằng chúng ta có việc giải quyết với kinh nguyện của một con người rất dấn thân trong Giáo Hội và trong thế giới vào thời đó, tóm lại, ngài là một tông đồ.  Tôi trích lại các Thư Phaolô theo thứ tự thời gian: Thư 1 Thêxalônica, cựu trào nhất trong sách Tân Ước, viết vào năm 50.  Bạn sẽ thấy văn bút kinh nguyện của thánh Phaolô ngày càng tiến bộ qua việc tông đồ của ngài, như để nói cho chúng ta biết là chúng ta không còn cầu nguyện vào năm 50 như năm 20, và vào năm 80 như năm 50 , điều đó là bình thường bởi vì chúng ta có những kinh nghiệm tích tụ lại: chúng ta gặp phải những khó khăn, những thử thách và chúng ta đã vượt lên một số  trở ngại với sự trợ lực của Đức Chúa.  Tôi cũng muốn lưu ý là tôi lựa chọn trong những kinh nguyện của thánh Phaolô.  Sẽ cùng đọc với nhau một số Thư theo thứ tự thời gian.  Trong tài liệu phát cho các bạn có những tham chiếu các Thư Phaolô cũng như những tham chiếu các bản văn Kinh thánh khác có thể soi sáng những đoạn chúng ta đọc.  Tôi ghi nhận một số Thánh vịnh.  Tôi khá ngạc nhiên, khi đọc những bản văn kinh nguyện của thánh Phaolô, nhận ra thánh Phaolô là con người có văn hoá thâm sâu về kinh thánh và đối với ngài cũng như đối với Đức Giêsu, những từ ngữ trên môi miệng ngài thường được vay mượn nơi các Thánh vịnh.  Điều đó cũng có thể cho bạn một cơ hội tái khám phá một số Thánh vịnh.

Tuần tĩnh tâm trước tiên là thời gian kinh nguyện cá nhân, chứ không phải là thời gian học tập về thần học.  Bà Madeleine Delbrel đưa ra một số lời khuyên có tính cách hài hước để thư giản tuần phòng: “Vào tuần tĩnh tâm, giấc ngủ là một hoạt động cần thiết, dù vậy mặc lòng cần phải có những hoạt động khác nữa . . .  Gió hiu hiu  của Chúa Thánh Linh  không nhất thiết lay động cây mimôsa . . .  Sự chia trí trở nên lời kinh khi người ta suy nghĩ đến chúng cùng với Thiên Chúa; chống lại chia trí, đôi khi chia trí nhiều hơn nữa.  Đối với những ai tìm kiếm Thiên Chúa như Môsê, thì  chiếc cầu thang có thể thế chỗ cho núi Sinai (núi của Thiên Chúa) . . .   Lạy Chúa tôi, nếu Chúa hiện diện khắp nơi, làm sao xảy ra con thường  đi lạc chỗ khác được!”

Để kết thúc, tôi có thể gợi lên cho các bạn mầu nhiệm Hiển Dung.   Bắt đầu tuần tĩnh tâm, một cách nào đó, là  thời gian sống với Đức Giêsu, chúng ta leo lên núi của Thiên Chúa.  Ở đó Đức Giêsu đã huấn luyện các tông đồ của ngài và Ngài huấn luyện chúng ta nữa, dường như vậy, trong những ngày ở trên núi của Thiên Chúa.  Điều đòi hỏi chúng ta, như đòi hỏi các tông đồ, đó là phân định trên gương mặt của con người Đức Giêsu sự rạng ngời của Đức Chúa, là chiêm niệm, ca tụng và ngay cả nói chuyện với Ngài.  Người ta có thể bắt đầu đối thoại khi biết thời cao điểm, chính là thời điểm chúng ta chiêm ngắm gương mặt của Đức Chúa, là lúc chúng ta lắng nghe lời từ Đám Mây, lời của Cha chỉ dẫn cho chúng ta căn cước, mầu nhiệm sâu thẳm về con người Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.

Chúng con đã từ giã những con đường đau khổ để thưởng thức sự nghỉ ngơi bên Ngài; Lạy Đức Chúa, Ngài biết rõ điều đó, chúng con tìm Cha, xin hãy dạy chúng con cầu nguyện” (Thánh thi ngày lễ Chúa Hiển Dung)

 

THƯ  1 THÊXALÔNICA

Cùng với các bạn tôi muốn khảo sát một trong những công thức kinh nguyện cổ xưa nhất trong Tân Ước: các Thư Thêxalônica là những văn kiện đầu tiên của Tân Ước, có từ năm 51; đó là những lời chứng về cuộc sống, những điều đã được nói ra 20 năm sau biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu; như thế các văn kiện nầy thật quý báu.  (Sẽ rất thú vị khi đọc lại sách Công Vụ Các Tông Đồ về việc rao giảng Tin Mừng cho người Thêxalônica trong cuộc hành trình thứ hai của thánh Phaolô và việc rao giảng Tin Mừng lần đầu cho người Macêđônia, x. Cv 17, 1-9).

Sau thành Philípphê, Thêxalônica là một trong những thành đầu tiên mà thánh Phaolô đặt chân đến.  Nơi đây thời gian đầu rao giảng Tin Mừng, thánh Phaolô trước hết ngỏ lời với người Do thái, họ từ chối ngài.  Một trong những thành viên của cộng đoàn bị bách hại.  Thánh Phaolô và các bạn của ngài phải rời khỏi thành.  Các ngài đã chẳng bao lâu biết đến tẩy chay, bách hại.  Khi thánh Phaolô viết các Thư Thêxalônica, ngài còn giữ trong tâm trí thời gian khá ngắn ngài ở với họ, nhanh chóng bị trục xuất như thế và ngài lo lắng muốn biết những hạt giống đầu tiên của Tin Mừng đã có thể thấm vào đất Thêxalônica và thấm vào cộng đoàn tín hữu được thiết lập thời đó hay không.  (Cần phải biết điều nầy vì trong các bản văn kinh nguyện của Thư 1 Thêxalônica, tình huống nầy còn rất mới mẻ trong tâm trí của thánh Phaolô).  Ích lợi của các kinh nguyện đầu tiên nầy liên hệ với những biến cố, những hoàn cảnh của cộng đoàn; trong ý đó các kinh nguyện nầy soi sáng kinh nguyện tông đồ của chúng ta trong tương quan với cộng đoàn chúng ta đang sống.

Chúng ta bắt đầu chú giải cách căn bản kinh nguyện thứ nhất, kinh nguyện ở phần đầu của Thư, sau phần địa chỉ.  Chúng ta sẽ đọc lại cả bản văn và rồi sau đó lấy lại hai kinh nguyện nhỏ nằm trong ba chương đầu của Thư 1 Thêxalônica.  Cần ghi nhận sự xen lẫn giữa các kinh nguyện và các trình thuật cụ thể, những nhắc nhớ về sứ vụ của ngài.  Đây là một trong những Thư minh bạch nhất.  Cần có thói quen đọc chậm rãi,  khi lắng nghe Lời Chúa.  Mỗi từ ngữ đều có giá trị, đều quan trọng cho phép chúng ta đi vào trong tâm tình cầu nguyện của thánh Phaolô.

Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa luôn luôn cho anh em hết thảy, nhớ đến anh em trong các kinh nguyện của chúng tôi, không hề ngớt, bởi nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, trước mặt Thiên Chúa và là Cha chúng ta.  Hỡi anh em, những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn, bởi vì Tin mừng chúng tôi loan báo không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi, nhưng một cách quyền năng, bằng Thánh thần và sự dồi dào mọi thứ.  Vả lại anh em biết: nơi anh em chúng tôi đã cư xử làm sao với anh em.  Và anh em đã noi gương chúng tôi và ( bắt chước) Chúa, đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian truân, trong sự hoan hỉ của Thánh thần, khiến anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ  tin trong vùng Makêđônia và Akhaia. Vì từ nơi anh em, Lời Chúa đã vang dội, chẳng những trong vùng Makêđônia và Akhaia mà thôi nhưng khắp mọi nơi việc anh em tin vào Thiên Chúa đã lan thấu khiến chúng tôi không cần phải nói gì nữa. Vì thế chúng tôi, chính họ đồn thổi: những là làm sao cho chúng tôi đã tin vào nơi anh em; làm sao anh em bỏ tà thần trở lại với Thiên Chúa, để làm tôi Thiên Chúa hằng sống và chân thật, và trông đợi con của ngài từ trời đến, Đấng người đã làm cho sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu, Đấng giải thoát ta khỏi cơn thịnh nộ hòng đến (1 Tx 1,2-10).

Ở chương hai, một kinh nguyện mới “Và vì thế, chúng tôi không ngớt tạ ơn Thiên Chúa, bởi chưng anh em đã chịu lấy Lời Thiên Chúa do tự chúng tôi rao giảng, thì anh em đã đón nhận lấy, không phải như lời của những người phàm, mà là -và đích thực là thế- như lời của Thiên Chúa; và lời ấy đã nên đắc lực với anh em là những kẻ tin.  Vì hỡi anh em, anh em đã noi gương các hội thánh của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu ở Giuđê, bởi vì cả anh em nữa, anh em đã phải chịu khổ sở vì cớ những người đồng hương, cũng một thể như họ đã phải chịu vì cớ những người  Do thái, những kẻ đã giết Chúa Giêsu và các tiên tri.  Họ đã bắt bớ chúng tôi; họ không làm đẹp lòng Thiên chúa, và đối địch với mọi người” (1 Tx 2.13-15).

Ở chương 3 lại một kinh nguyện mới nữa “Làm sao chúng tôi có thể tạ ơn Thiên Chúa cho cân xứng được vì anh em, trước mặt Thiên Chúa chúng ta.  Đêm ngày, chúng tôi càng da diết khẩn xin, để được gặp mặt anh em lại, và bồi bổ cho những gì còn thiếu sót nơi đức tin của anh em.  Xin chính Thiên Chúa và là Cha chúng ta cùng Chúa chúng ta, Đức Giêsu, san bằng đường lối cho chúng tôi tới cùng anh em.  Xin Chúa gia tăng và làm chan chứa nơi anh em lòng mến thương nhau và mọi người, như chúng tôi đối với anh em, khiến cho lòng anh em được vững vàng, vô phương trách cứ trong sự thánh thiện, trứơc mặt Thiên Chúa và là Cha chúng ta, vào thời quang lâm của Chúa chúng ta, Đức Giêsu, làm một cùng hết thảy các thánh của Ngài!” (1Th 3, 9-13).

Chắc hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên về sự lặp đi lặp lại động từ  “ tạ ơn”, cho thấy rõ kinh nguyện của thánh Phaolô lúc nầy. Trong cả ba kinh nguyện luôn trở lại lời tạ ơn.  Lời mời gọi nầy thật quan trọng vì điệp khúc mà chúng ta sẽ gặp thấy, với đôi chút thay đổi, trong tất cả các kinh nguyện của thánh Phaolô; như thể đó là ưu tư của vị tông đồ trong kinh nguyện của ngài, khi ngài ra trước tòa Chúa, trước tiên đây không phải là cầu nguyện cho người nhận thư, nhưng cầu nguyện vì họ và vì ngài đã sống với họ.  Chuyển động thứ nhất trong kinh nguyện của ngài là chuyển động biết ơn, lời đội ơn ngỏ với Đức Chúa.  Lời mời gọi đầu tiên nầy cũng thâm thúy cho chúng ta.

Tiếp đó một trạng từ thường hay trở lại mỗi lần tạ ơn; đó là việc của chúng ta, hiểu biết hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô và thời gian ngài cống hiến cho kinh nguyện.  Trạng từ nầy, trong kinh nguyện thứ nhất, là “liên tục”, trong kinh nguyện thứ hai: “không hề ngớt”, và trong kinh nguyện thứ ba là: “đêm ngày”; như thể thánh Phaolô là nhà chiêm niệm dành trọn thì giờ cho việc cầu nguyện, trong khi chúng ta biết rằng ngài di chuyển, nếu không phải khắp thế giới, thì ít là tới Tiểu Ắ, Hy lạp, ngài trải qua một thời gian dài rao giảng Lời của Thiên Chúa, khi ngài không bị cầm tù.  Thật lý thú ghi nhận sự nhấn mạnh nầy của vị tông đồ về hình thức cầu nguyện liên tục, như thể, ngay cả khi ngài thi hành việc tông đồ, thánh Phaolô đặt mình trong tư thế quy chiếu về một Chúa,  Đấng ban phát mọi ân huệ, như thể ngay cả thời gian dành cho việc hoạt động tông đồ cũng là đón nhận một hồng ân mà ngài hiệp thông.  Vì vậy cho nên, thánh Phalô không đặt tầm quan trọng vào đánh giá trước tiên các hành động, công viêc của mình, nhưng là thẩm định hồng ân lãnh nhận từ Cha trong Đức Giêsu Kitô mà ngài hiệp thông và vì thế ngài phải dâng lời tạ ơn.  Như thế thánh Phaolô sống trong bầu khí liên tục tạ ơn.  Mọi sự đều là ân huệ, ngay cả chính hành động của ngài.  “Chúng tôi liên tục tạ ơn Thiên Chúa cho tất cả anh em khi chúng tôi nhớ đến anh em trong kinh nguyện của chúng tôi”.

Trong kinh nguyện của ngài còn có sự hiện diện liên tục của những người ngài đã gặp gỡ và giảng dạy; ngài không giải thích có phải vì lo ra khi kinh nguyện của ngài được ở trước Đức Chúa bằng sự hiện diện của tất cả những người mà ngài đã gặp gỡ và có dịp lui tới.  Sự chia trí làm tôi nhớ lại một lời của Madeleine Delbrel.  Có sự chia trí và lo ra: sự lo ra có thể làm chúng ta xa Đức Chúa, nhưng cũng có hình thức lo ra hệ tại ở việc suy nghĩ đến chuyện khác hơn Đức Chúa và nghĩ đến họ trước mặt Đức Chúa.  Cũng thật thú vị cho các bạn khi đem đến trước Đức Chúa tất cả các Giáo Hội, và đặc biệt mối ưu tư của những ai cấu tạo nên cộng đoàn mà bạn đang sống.  Hành động liên tục tạ ơn cho những cộng đoàn mà thánh Phaolô đã đi qua.

Hành động tạ ơn được lập trên ký ức nầy.  Thật vậy, một từ ngữ quan trọng khác trong kinh nguyện của thánh Phaolô: “Nhớ đến anh em trong kinh nguyện”, – “Tôi còn giữ kỷ niệm”.  Hạn từ kinh thánh mà các tác giả tin mừng sẽ dùng đó là: “Làm nhớ đến”.  Một trong các vai trò của kinh nguyện nơi thánh tông đồ là khả thể chuyển biến thành hành động tạ ơn khi nhớ về anh em trong kinh nguyện.  Thánh Phaolô hồi tưởng lại, trước mặt Thiên Chúa, những tín hữu rất cụ thể mà ngài đã gặp gỡ.  Những ký ức đó và trình thuật về những gì ngài sống với họ sẽ chuyển thành hành động tạ ơn, khơi dậy và thúc đẩy hành động ta ơn, ngay cả khi ngài đã sống với họ, trong ánh sáng đức tin ngài nhận lấy điều đó làm nền tảng cho sự nhận biết Thiên Chúa.  Trong tiếng Pháp từ ngữ “reconnaissance” vừa có nghĩa nhận ra (tôi nhớ lại, tôi nhận ra người mà tôi đã sống với họ) và cũng có nghĩa cám ơn, tạ ơn.  Sử dụng các hạn từ nầy để cấu tạo nên kinh nguyện tông đồ của chúng ta, một kinh nguyện phải là kinh nguyện “nhận ra và tạ ơn”.

Đối với thánh Phaolô, kinh nguyện là hành vi đức tin cho phép biện phân những gì xảy ra trong cuộc sống, kể cả hành động của Đức Chúa, đến nỗi mà, khi nghĩ về những người đối thoại khi cầu nguyện, ngài cùng một lúc nghĩ đến Đấng đã hoạt động trong họ.  Làm như thế, ngài ghi danh mình trong làn điệu kinh nguyện của Cựu Ước và của Tân Ước.  Những bản văn kinh nguyện của Cựu Ước thường gợi lại quá khứ của Dân để họ đọc lại quá khứ trước nhan Đức Chúa và tạ ơn Người.  Đức Maria tự ghi danh mình trong bài Magnificat, trong cùng một chuyển động: nhớ lại những gì Thiên Chúa đã hoàn tất cho Itraen, ca tụng những điều kỳ diệu mà Đức Chúa đã hoàn thành.  Thái độ đó được sống trong kinh nguyện truyền thống của thánh Phaolô.

Không hề ngớt (trạng từ thường trở đi trở lại), bởi nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em”.  Ngài muốn nhớ lại theo cách những người đối thoại của ngài đã sống những tình huống và những biến cố ấy chứ không phải là những biến cố và những việc ngài đã kinh qua.  Thật thú vị để ghi nhận rằng trước hết đó là bộ ba tin, cậy, mến mà ngài nêu lên: đó là đời sống đức tin, đức cậy và đức mến; đời sống đức tin, đời sống thuộc linh của những kẻ đối thoại trở lại trong tâm trí của ngài, ngài nhắc nhớ lại trước Đức Chúa.  Đời sống thuộc linh (trong từ ngữ théologal, thuộc linh, có gốc là théos, nghĩa là Thiên Chúa ), chính là đời sống của Thiên Chúa nơi chúng ta mà ngài có thể nhận thấy.  Đối với mỗi nhân đức thuộc linh được nêu lên, đều có một tính từ đi theo: đức tin thì “sự nghiệp của lòng tin” (tin không phải chỉ là một thái độ, nhưng là một đức tin hành động), một đức mến “công lao của lòng mến” (một đức mến hoạt động), “sự kiên nhẫn của đức cậy trông” (một đức cậy trông kiên trì qua thời gian).

Thánh Phaolô nhớ lại, trong kinh nguyện của ngài, sự sống thần linh của người đối thoại, cái sống thần thần linh là sự sống hiện thực, đó là thực hành ra bên ngoài đức tin, đức cậy và đức mến.  “Chúng tôi, không hề ngớt, bởi nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, trước mặt Thiên Chúa và là Cha chúng ta.  Hỡi anh em, những kẻ được Thiên Chúa yêu mến, chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn”.  Đức tin, đức cậy, và đức mến đó được chính Đức Giêsu Kitô sống.  Thánh Phaolô biện phân sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi tâm điểm của cộng đoàn; nơi điều nầy cho thấy kinh nguyện của ngài đúng thật là kinh nguyện nối kết ngài với Chúa Giêsu: Đức Giêsu hoạt động, Người tiếp tục công trình của Người trong cộng đoàn Thêxalônica.  Và thánh Phaolô tạ ơn vì sự nghiệp nầy của Đức Giêsu Kitô.  Và, đột nhiên, có sự quy chiếu về Cha.

Ở trước nhan Thiên Chúa, Cha, là nền tảng và thái độ sâu thẳm của kinh nguyện, cho phép nhận biết các chi thể của cộng đoàn Thêxalônica như là “anh em được Thiên Chúa yêu mến”, được Thiên Chúa tuyển chọn.  Ngay từ ban đầu ( thánh Gioan sẽ cắt nghĩa nhiều hơn trong Thư thứ nhất của ngài), có tình yêu tiên khởi của Cha, Đấng đã “tuyển chọn” những tín hữu Thêxalônica.  Thánh Phaolô muốn người ta nhận biết rằng có một Đấng Khác đã yêu mến những con người nầy trước khi ngài đến để yêu mến họ.  Và thánh Phaolô nhìn nhận, giữa tất cả những người nam nữ nầy, có những con người được Thiên Chúa quan tâm, tuyển chọn, được Cha yêu mến trong Đức Giêsu Kitô, Người Con duy nhất, Đấng đối xử với họ như huynh đệ trước mặt Cha.  Tạ ơn vì tình yêu nầy của Cha được thể hiện qua Đức Giêsu Kitô, ngài là tình yêu đã sống giữa các cộng  đoàn.  Kinh nguyện là chuyển động làm người ta tập chú vào việc đó.  Ngoài kinh nguyện ra, người ta có thể quên đi tất cả và tự cho mình là kẻ làm nên mọi sự và phân phối tình yêu của mình.  Sâu xa hơn nữa, có Thiên Chúa tình yêu, có Đức Kitô hiến mạng sống để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

Sau khi danh Cha và Con, Thánh Thần được nại đến. “Bởi vì Tin mừng chúng tôi loan báo không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi, nhưng một cách quyền năng, bằng Thánh thần và sự dồi dào mọi thứ.  Vả lại anh em biết: nơi anh em chúng tôi đã cư xử làm sao với anh em”.  Sau khi nhìn nhận hành động của Thiên Chúa trong cộng đoàn, thánh Phaolô cảm thấy cần nói đến “Tin Mừng chúng tôi loan báo”, không là tin mừng của Phaolô, không phải là diễn văn nhân loại.  Tin Mừng thánh Phaolô loan báo là tin mừng mà sức mạnh Chúa Thánh Thần cho phép ngài vượt qua.

Ngài đã làm gì cho thiện ích của cộng đoàn?  Thánh Phaolô đã để cho sức mạnh của Thánh Thần ngày Lễ Ngũ Tuần hoạt động  trong ngài để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, loan báo Lời của Thiên Chúa.  Các bạn hãy nhớ lại từ ngữ Đức Giêsu đã dùng để loan báo cho các môn đệ Lễ Ngũ Tuần: “Ta sẽ sai sức mạnh của Thánh Thần đến với các con”.  ( Sức mạnh và Thánh Thần cũng là một từ, đó là sự năng động của Thần khí).  Sức năng động cư ngụ nơi các tác giả tin mừng là sức năng động của chính Thần khí; tất cả sách Công Vụ Tông Đồ biểu hiện điều đó: các tông đồ tuyên xưng rằng Thánh Thần và chúng tôi (các tông đồ) loan báo Lời của Thiên Chúa; vì vậy cho nên chúng tôi là  tác nhân thứ hai đối với tác nhân thứ nhất là Thánh Thần.  Trong thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Thế” Đức Gioan Phaolô II gọi Thánh Thần là người chủ cuối cùng của sứ vụ, đệ nhất chiến sĩ, đệ nhất diễn viên của sứ vụ.  Cầu nguyện, đối với người tông đồ, chính là ý thức rằng qua bản thân mình sức mạnh của Thần khí và công trình của Thiên Chúa có thể được hoàn thành.  Điều căn bản là kinh nguyện của người tông đồ lại đặt họ trước mầu nhiệm nầy, mầu nhiệm mà chính họ làm nơi cư ngụ của Thần khí.  Có sự nhận biết về sự hiện diện của Chúa trong cộng đoàn và sự nhìn nhận hành động của Đức Chúa trong các tông đồ.

Xin tiếp tục “ Và anh em đã noi gương chúng tôi và ( bắt chước) Chúa, đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian truân, trong sự hoan hỉ của Thánh thần”.  Đó cũng là một trong những chủ đề mà thánh Phaolô không ngớt lặp lại trong các Thư của ngài và điều đó được phác hoạ sơ qua ở đây.  Rao giảng tin mừng cho thành Thêxalônica không phải là không đổ mồ hôi, không gặp khó khăn.  Bởi vậy cho nên, thánh tông đồ lặp lại trong kinh nguyện của ngài, những gì đã sống ở đó là chính sự hiện diện của lễ Vưọt Qua của Đức Giêsu Kitô: cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh.  Cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô được tiếp tục qua điều ngài gọi là: bắt chước Đức Chúa.  Sự bắt chước không chỉ là khuôn đúc lại một mô mẫu xa xưa; nhưng chính Đức Chúa đến tiếp tục hành động của Người qua những kẻ thuộc về Người.  Điều đó đạt đến bản thân của những kẻ liên hệ.  Có Chúa Giêsu Kitô, có chúng tôi (các tông đồ) và có cả bạn nữa.  Một cách nào đó trong việc rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã sống một lần nữa cuộc tử nạn của Người qua các tương quan được nối kết giữa người  tông đồ và những người thuộc về ngài.  Người Đệ Nhất Tôi Tớ là Chúa Giêsu.  Người tông đồ giữ địa vị người tôi tớ đau khổ, và những kẻ được nghe rao giảng tin mừng tham dự vào sự đau khổ nầy của người tôi tớ.  Nhưng trong nỗi quẫn bách nầy (từ ngữ được lặp lại để chỉ cuộc khổ nạn của người tông đồ), cùng một lúc có “sự hoan hỉ của Thánh thần”.  Vì Thánh thần hoạt động ngay lúc người tông đồ bị bách hại và nơi những kẻ mà ngài rao giảng tin mừng nữa.  Như thế qua những biến động đau khổ và vui mầng nơi lần đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho thành Thêxalônica, mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu đang hoạt động trong các cộng đoàn.  Điều xảy ra là Đức Giêsu Kitô Vượt Qua.  Kinh nguyện của người tông đồ cho phép ngài gặp mặt công trình của chính Đức Giêsu qua những hoạt động rao giảng và lời phúc đáp của những kẻ ngài đã gặp gỡ.  Điều nầy giả thiết một phẩm chất nào đó trong cái nhìn, mà phẩm chất cầu nguyện cho phép có một cái nhìn xa hơn biến cố cụ thể, một cái nhìn biện phân công việc của Đức Chúa và cuộc Vượt Qua của Người trong các tương quan giữa người tông đồ và những kẻ mà ngài rao giảng.

Xin tiếp tục : “Khiến anh em đã nên mẫu mực cho mọi kẻ  tin trong vùng Makêđônia (Thêxalônica) và Akhaia (Miền Nam Hy lạp: Athena và Côrintô). Vì từ nơi anh em,  Lời Chúa đã vang dội, chẳng những trong vùng Makêđônia và Akhaia mà thôi nhưng khắp mọi nơi việc anh em tin vào Thiên Chúa đã lan thấu khiến chúng tôi không cần phải nói gì nữa. Vì thế chính họ đồn thổi về anh em”.  Một lời mời gọi đối với chúng ta là phải tìm kiếm trong hành vi đức tin, tức là kinh nguyện, một loại lây lan của lời nói, của chứng tá, một hình thức quảng bá đức tin được thực hiện không chỉ bằng hoạt động của các tông đồ, nhưng bằng sự chiếu tỏa của các cộng đoàn trở lại cùng Chúa.  Động từ “tường thuật” là một động từ quan trọng cả với chúng ta nữa: chính qua những trình thuật, chuyện kể, lịch sử do người ta tường thuật lại mà Lời của Thiên Chúa lan rộng và Đức Giêsu được biết đến.

Làm sao chúng ta biết về Đức Giêsu Kitô nếu không phải bằng các trình thuật Cựu Ước và Tân Ước ?  Tường thuật một chuyện thánh có thể là hình thức rao giảng tin mừng cổ truyền nhất và đồng thời, đối với chúng ta, là khẩn thiết hơn cả?  Có một cách truyền tụng, đúng như thế.  Nội dung rao giảng cho chúng ta là gì?  Đó chính là trình thuật về đời sống của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô, từ khi sinh ra đến cuộc thươngkhó, tử nạn và phục sinh.  Cái gì tiếp tục rao giảng cho chúng ta?  Chính là trình thuật “Công vụ các tông đồ”;  Hãy ý thức rằng không nhất thiết là mất thì giờ khi biết tường thuật đời sống chúng ta, điều gì xảy ra cho chúng ta và nơi các cộng đoàn của chúng ta.  Thánh Phaolô tóm tắt một cách hứng thú ở phần cuối kinh nguyện của ngài: “Vì thế chính họ đồn thổi: những là làm sao cho chúng tôi đã tin vào nơi anh em; làm sao anh em bỏ tà thần trở lại với Thiên Chúa . . .”  Từ bỏ và quay lại: tức là hoán cải.  Các bài trình thuật là các chuyện kể về sự trở lại với Thiên Chúa:  Quay về với Thiên Chúa bằng cách quay lưng lại với những gì không phải là Thiên Chúa, hoán cải “Để làm tôi Thiên Chúa hằng sống và chân thật”, hoán cải về với Đức Chúa để phục vụ.  Đó là nội dung của bài tường thuật, một lịch sử mà người ta kể lại bằng trí nhớ.  Khi nhớ và tường thuật lại người ta bị thúc đẩy làm hành động tạ ơn.  Điều truy tìm qua những biến cố, những tình huống, những gặp gỡ, chính là sự hiện diện hoạt động của Đức Chúa và nhìn thấy mỗi tiến trình đức tin không thể nào mà không sản sinh ra hành động tạ ơn. “Cảm tạ Đức Chúa về những điều thiện hảo Người làm”.

Lời cuối cùng: “Và trông đợi Con của ngài từ trời đến, Đấng người đã làm cho sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu, Đấng giải thoát ta khỏi cơn thịnh nộ hòng đến”.  Văn phong Thư  Thêxalônica mang tính khải huyền.  Như thánh Augustinô nói: có trí nhớ về quá khứ, người ta nhớ lại những sự việc đã kinh qua.  Có loại “trí nhớ về tương lai”:  điều đó có ý muốn nói rằng quá khứ nầy, qua hiện tại đang sống, dẫn chúng ta đi về Đấng đang đến, dẫn chúng ta đến gặp gỡ Người Con Phục sinh từ cõi chết mà chúng ta mong đợi.  Người hiện diện giữa chúng ta nhưng chúng ta tiếp tục chờ đợi Người trong niềm cậy trông.  Cho nên đức tin nhìn về quá khứ thì không thể tách rời khỏi cái nhìn về tương lai, làm sản sinh ra thái độ mong chờ nơi người Kitô hữu mà người ta gọi là đức cậy trông.

Đó là một vài chú giải về bản văn để các bạn có thể nắm bắt tất cả sự phong phú và thâm sâu của nó.  Nếu bạn  đọc lại hai kinh nguyện nhỏ trong Thư Thêxalônica bạn sẽ gặp được một âm điệu như thế; kinh nguyện cuối là kinh nguyện tạ ơn mở vào kinh nguyện chuyển cầu.

Mọi kinh nguyện tông đồ, nếu được gợi hứng từ kinh nguyện của thánh Phaolô, đều là kinh nguyện tạ ơn mang hai ý nghĩa: nhận-ra, nhìn-lại rồi nói lời tri ân.  Mọi kinh nguyện tông đồ có mục đích cho phép chúng ta nhận ra trong công việc đệ nhất tác nhân của hành động truyền giáo, dưới ánh sáng đức tin.  Ánh sáng biện phân điều đang xảy ra nơi thâm sâu, đồng loạt nơi các tông đồ và trong các cộng đoàn phát sinh.  Muốn được như thế cần phải có thời gian tưởng niệm lại.  Đây không phải là nối tiếc quá khứ; trái lại, là múc lấy trong quá khứ một đà lao  hướng về tương lai, nhìn nhận con đường của Chúa luôn luôn hoạt động và ngay nơi trung tâm công việc truyền giáo.  Và đường đi của Đức Chúa, chính là sự Vượt Qua của Đức Giêsu, sự vượt qua như thánh Phaolô đã sống và như người Thêxalônica đã sống trong hiện tại.  “Đức Chúa vượt qua”, giả thiết như là điều kiện của kinh nguyện nơi thánh tông đồ, một loại đọc lại quá khứ, đọc lại hành động của mình, một tưởng nhớ trong cái nhìn được thanh luyện và được soi sáng về điều đã sống, để có thể tường thuật lại không phải những gì hời hợt, nhưng là điều người ta đã sống với Đức Chúa và điều Đức Chúa đã sống trong chúng ta để làm chất liệu cho hành động  tạ ơn.  Công thức của thánh Luca được lặp lại hai lần: “Đức Maria gìn giữ những điều ấy trong lòng và suy đi nghĩ lại”.  Đức Maria, chính là người phụ nữ tưởng nhớ, tưởng nhờ để tạ ơn.  Thánh Phaolô không nói việc nầy một cách minh nhiên nhưng tôi tin rằng cũng một kiểu như thế.  Mọi kinh nguyện tông đồ, cách nầy hay cách khác là kinh nguyện “thánh thể”, kinh nguyện tạ ơn.  Cha Mollat nói: “Cầu nguyện là khám phá sự hiện diện và nhịp đập con tim của Thiên Chúa trong cái bình dị hằng ngày

Hãy nhớ Đức Chúa làm việc trong chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta.  Hãy cầu nguyện để chúng ta có thể luôn tưởng nhớ về những điều kỳ diệu của Ngài.

WGPKT(26/02/2023) KONTUM