Ngày 04/05: Chân Phước Gioan Martinô Moye

Chân phước Gioan Martinô Moye, Tông đồ truyền giáo,
Đấng sáng lập Dòng Chúa Quan Phòng
Ảnh: santodelgiorno.it

I. Giai đoạn đầu đời.

Cậu bé Jean-Martin MOYË sinh ngày 27.01.1730 tại  làng Cutting, địa phận Metz, nước Pháp (Làng Cutting nằm trong thành phố Dieuze, thuộc quyền tự trị của Công tước Lorraine, một phần của Đế chế La Mã cổ đại, nay thuộc Vùng Moselle miền đông bắc nước Pháp). Cha cậu  là Jean MOYË sinh ngày 12.10.1698. Ông làm nghề trồng tỉa và phụ trách trạm bưu điện tại địa phương. Và mẹ là Anne-Catherine DEMANGE sinh ngày 21.06.1702. Cậu được rửa tội ngày 28.1.1730. Cha đỡ đầu là Gioan DEMANGE, và mẹ đỡ đầu là Marie MOYË.

 Cậu là người con thứ sáu trong gia đình có 13 người con. Cha mẹ cậu rất đạo đức, do đó gia đình có ba người con đi tu : con cả Jean-Jacques, chỉ sau hai năm vào Chủng viện thì anh đã qua đời ở tuổi 24. Người thứ hai cũng đi tu chính là Jean Martin MOYË, vào chủng viện Metz lúc 21 tuổi. Người thứ ba là Jean-Pierre, người con thứ 11, qua đời năm 1784 khi đang làm cha sở họ đạo Lindre-Basse. Ngoài ra, cũng có năm người anh họ và hai người cháu trai làm linh mục.

Jean-Martin MOYË sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức thánh thiện, và được giáo dục rất tốt. Cậu được thừa hưởng những đức tính tốt và gương mẫu từ cha mẹ. Đặc biệt cậu được giáo dục từ người anh cả Jean-Jacques, một chủng sinh, người đã dạy cậu cho đến khi qua đời vào năm 1744. Jean-Martin MOYË đã hoàn thành việc huấn luyện tại trường Pont-à-Mousson của các Cha Dòng Tên, sau đó cậu theo học triết học tại Trường Cao đẳng Jesuit ở Strasbourg. Vào mùa thu năm 1751, cậu gia nhập Đại Chủng viện địa phương Saint-Simon ở Metz.

II. Cuộc đời linh mục

Cha Jean-Martin Moye được thụ phong linh mục ngày 9 tháng 3 năm 1754 bởi Đức Cha  Louis-Joseph de MONTMORENCY-LAVAL, Giám mục Giáo phận Metz. Sau khi thụ phong, ngài được vua Stanislas LESZCZYNSKI, công tước cuối cùng của xứ Lorraine, cho nhận khoản thu nhập từ nhà nguyện St. Andrew ở nghĩa trang Dieuze. Thu nhập này cho phép cha có một văn phòng đại diện cho ba giáo xứ khác nhau ở Metz, một trong số đó có Giáo xứ Sainte-Croix. Sau đó, cha đã đảm nhiệm một số nhiệm vụ khác như là một phần của sứ mạng như : phụ trách giải tội cho các chủng sinh của Đại chủng viện Saint-Simon.

Giáo xứ mở rộng vượt ra cả vùng ngoại ô của thành phố, cha J.M.MOYË đã quan tâm chăm sóc tinh thần cho giáo dân, nhất là những người sống trong vùng nông thôn hẻo lánh. Qua việc phục vụ này, cha đã nhìn thấy được nhu cầu giáo dục cho các em gái trong vùng, những con người thiếu điều kiện để được đến trường học. Tình yêu và sự chăm sóc dành cho trẻ em nghèo đã thôi thúc cha hình thành một dự án để khắc phục tình trạng này : gửi các thiếu nữ tình nguyện đến các địa điểm nghèo trong các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Tình nguyện viên đầu tiên là một thiếu nữ thuộc giai cấp công nhân, Marguerite LECOMTE. Cô là người đầu tiên được cha gửi đến làng Saint-Hubert vào ngày 14 tháng 1 năm 1762. Nhiều thiếu nữ tình nguyện được tiếp tục gửi đến những làng quê nghèo nàn khác.  Dòng Chúa Quan Phòng được khai sinh từ đó .

III. Cuộc đời truyền giáo

Trong thời gian thi hành chức vụ linh mục ở giáo xứ, cha J.M.MOYË có hai bước phát triển quan trọng trong cuộc đời của cha : cha làm quen với một linh mục địa phương là Cha  Antoine RAULIN, người phụ trách việc phát triển giáo dục trong vùng. Cùng với linh mục này cha chú tâm đến việc đào tạo các trẻ em nghèo, thiếu thốn trong khắp vùng. Cha đi tìm và rửa tội cho các trẻ em sơ sinh.

Công việc đang tiến triển tốt thì cha cảm thấy Chúa mời cha trở thành nhà TRUYỀN GIÁO, nghĩa là “được sai đi” đến nơi xa xôi để làm cho người ta biết Chúa Kitô. Vào tháng 10.1769, cha gia nhập Chủng viện Hội Truyền Giáo Nước Ngoài ở Paris. Cha rời Pháp để sang Trung Hoa ngày 30.12.1771. Cha tới tỉnh Tứ Xuyên ngày 28.03.1773. Suốt khoảng thời gian 10 năm  làm việc truyền giáo tại Trung Hoa, cha thường xuyên bị gián đoạn bởi sự bắt bớ và tù tội. Điều này đã cho cha thấy sự cần thiết của việc truyển giáo do chính người bản địa. Vì vậy, vào năm 1782 cha thành lập “Hội Trinh Nữ Trung Hoa”. Nhóm này sống theo đường hướng của chị em Chúa Quan Phòng mà cha đã thành lập trước đây tại Pháp. Sứ mệnh của nhóm là chăm sóc, thăm viếng bệnh nhân và dạy giáo lý cho các phụ nữ và trẻ em tại nhà của họ. 

IV. Bút tích

Trong những năm tháng mục vụ ở các họ đạo, cha J.M.MOYË cho xuất bản một số tài liệu, với sự hợp tác của cha  Louis Jobal de Pagny (1737-1766), mong muốn cung cấp cho giáo dân của giáo xứ những phương tiện để đào sâu đời sống thiêng liêng của họ. Đầu tiên, năm 1762 là một cuốn sách nhỏ có tựa đề “Du soin extrème qu’on doit avoir du Baptême des enfants” ( Cách rửa tội cho các hài nhi trong một số trường hợp nguy tử). Đó là sự phát triển của quyển “Abrégé de l’Embryologie sacrée” (sách giản yếu về khoa Phôi học thiêng liêng), một tác phẩm của một nhà thần học luân lý đạo đức là Francesco Cangiamiglia, được xuất bản lần đầu tiên ở Sicily vào năm 1745 với sự chấp nhận của Giáo Hội, và mới đây được xuất bản ở Paris.

Sau cái chết bất ngờ của cha Jobal, cha J.M.MOYË đã cho ra đời một cuốn sách mỏng, nhỏ có tựa đề “Recueil de diverses pratiques de piété” (Bộ sưu tập các hành vi đạo đức khác nhau).

Vào những năm 1771-1784, thời gian ở Trung Hoa, cha đã viết tổng cộng 13 bức thư gồm những lời dạy bảo, thăm hỏi, động viên, khuyến khích, an ủi các con của cha lúc cha ở phương xa.

Những năm kế tiếp 1784-1787, cha viết Các Điều Khuyên Nhủ cho các nữ tu là con cái của cha.

Năm 1785 cha viết “lịch sử các nữ tu đáng thương của Chúa Quan Phòng.”

Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy tất cả các di bút cha để lại cho con cái người trong quyển sách Hướng Dẫn mà mỗi nữ tu Chúa Quan Phòng đều có bên mình.

V. Sự chống đối

Một số người trong thành phố, nhất là những người có thẩm quyền thời đó, cả những người thân và bạn bè của cha, phản đối cha vì dự án gửi các thiếu nữ đến nông thôn nghèo, hẻo lánh để giáo dục cho trẻ em mà không có lương bổng, và những bài viết của cha. Cha bị chỉ trích vì thiếu thận trọng khi gửi những phụ nữ trẻ tuổi đến sống trong những ngôi làng tách biệt ở nông thôn. Cha còn bị chỉ trích về tính nghiêm khắc trong việc đối xử với những giáo dân, cũng như đưa ra những chỉ trích không công bằng đối với cả giáo sĩ và nữ hộ sinh trong các bài viết về Bí Tích Rửa Tội. Những chỉ trích này đã ảnh hưởng mạnh đến Giám Mục Montmorency-Laval nên ngài cũng phản đối cha J.M.MOYË và cha Jobal. Do đó, vào tháng 5 năm 1762, Giám mục đã ra lệnh cho cha J.M.MOYË tạm ngưng việc tiếp tục đưa các thiếu nữ đến thôn quê ; còn những người đã đến ở nông thôn rồi thì lại bị bỏ rơi trong hoàn cảnh của họ. Giám mục chuyển cha từ Metz về làm việc tại Dieuze. Vì đây là vùng quê của mình, cha J.M.MOYË đã không xem đó là một hình phạt, nhưng cha chỉ lo lắng về tương lai của các thiếu nữ của mình, những người đang được gọi là “các chị em nghèo.”

Cha J.M.MOYË lại bị cáo buộc về sự cứng rắn cực độ trong việc đối xử với những người trong giáo xứ, như những người đến để xưng tội. Cha bị chỉ trích về việc phản đối các lễ hội truyền thống được tổ chức trong năm bởi những người nông dân. Lần này Đức Giám mục đã phản ứng dữ dội hơn, trong Tuần Thánh của năm 1767, thời kỳ thiêng liêng nhất của Giáo Hội, cha J.M.MOYË đã bị đình chỉ chức vụ của mình. Trong suốt năm năm rưỡi, cho đến năm 1768, cha được chuyển từ giáo xứ này đến giáo xứ khác, làm phụ tá cho các linh mục ở đó. Cuối cùng, Bề trên của Chủng viện ở Saint-Dié cho vào ở tạm, Chủng viện này độc lập với các Giám mục địa phương ; ở đây cha giúp điều hành một Tiểu Chủng viện.

VI. Kết thúc

Do nhiệt tình truyền giáo mà cha kiệt sức và đau ốm. Từ Trung Hoa, cha J.M.MOYË trở về Pháp năm 1784. Cha tiếp tục đồng hành cùng con cái mình và loan báo Tin Mừng trong vùng Lorraine và Alsace. Do cuộc Cách mạng Pháp, vào năm 1791 cha phải đi lưu vong cùng với các Nữ tu, đến thành Trèves. Sau khi quân đội Pháp chiếm thành phố, cơn sốt thương hàn nổ ra, cùng với sự giúp đỡ của các nữ tu, cha đã hy sinh phục vụ trong bệnh viện. Sau đó cha bị lây nhiễm nặng và qua đời ngày 4.5.1793.

Lễ an táng của Cha được cử hành ngày 06.05.1793, và cha được chôn cất trong nghĩa trang của giáo xứ Saint-Laurent ở Trèves, thuộc nước Đức. Tuy nhiên, nghĩa trang đã được biến thành trại lính vào năm 1803. Tất cả các ngôi mộ bị san bằng. Chẳng có dấu vết nào về hài cốt và ngôi mộ của cha J.M.MOYË. Ngày nay, nơi mà cha được chôn cất là một quảng trường công cộng. Một tấm bia được dựng lên để ghi sơ lược về cuộc đời và công việc của cha.

Cha được Giáo hội Công giáo phong chân phước vào ngày 21.11.1954 do Đức Giáo Hoàng Pio XII.

 

Nguồn: providenceportieux.com/

WGPKT(03/05/2023) KONTUM