Ngày 24/11: Thánh Pierre Dumoulin Borie (Cao) – Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa – Thánh Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm, Tử Đạo

1. THÁNH PIERRE DUMOULIN BORIE – CAO

Giám mục Hội Thừa Sai Paris (1808 – 1838)

Ngày tử đạo: 24 tháng 11 năm 1838

Phần riêng tôi, quan trên muốn làm gì thì làm nhưng xin cho một mình tôi chịu là đủ rồi.

Thánh Bori – Cao sinh ngày 20-02-1808 tại Pháp. Cha của Borie mất sớm. Mẹ cậu không nỡ xa con nhưng rồi cũng đón nhận Thánh Ý Chúa cho con tu học.

Sau khi thụ phong phó tế, vì sợ mẹ buồn, thầy Borie âm thầm thu xếp hành trang, để lại bức tâm thư từ giã gia đình cho thân mẫu cùng các em và bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Sau khi được thụ phong linh mục năm 1830, cha Borie trải qua chuyến hải trình 7 tháng đến vùng đất Nghệ An, thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Cha nhanh chóng hội nhập khí hậu, văn hóa, ngôn ngữ địa phương và lấy tên Việt là Cao.

Cha Cao hoạt động tông đồ trong hạt Bố Chính, với ước khoảng 20.000 giáo dân. Khi vua Minh Mạng ra lệnh cấm đạo năm 1833, cha Cao đã phải nhiều lần lẩn tránh.

Do bị đánh đòn đau đớn, một chủng sinh có tên là Khang đã khai ra chỗ cha ẩn nấp. Cha bị bắt tại Xóm Trà thuộc họ đạo Mỹ Hảo năm 1838. Trong chốn lao tù, cha Cao đối đáp lanh lợi và trả lời thay mỗi khi nhà quan thẩm vấn hai cha người Việt khác là cha Điểm và cha Khoa. Cha là nơi nương tựa tinh thần vững chắc của họ. 

Khi quan dụ dỗ đạp lên Thánh Giá, cha đáp: “Không thể được, một trăm lần không. Phần riêng tôi, quan trên muốn làm gì thì làm, nhưng xin cho một mình tôi chịu là đủ rồi”. Quân lính dùng nhiều cực hình hành hạ ngài. Trong chốn ngục tù tăm tối, cha Cao thường giữ giờ cầu nguyện chung với cha Điểm và cha Khoa.

Ngày 31-7-1838, cha được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài khi vừa tròn 30 tuổi nhưng chưa được tấn phong.

Ngày 18-11-1838, vua Minh Mạng phê án trảm quyết. Khi nhận án tử, Đức cha đã sấp mình xuống cám ơn quan vì được chết để minh chứng đức tin. Ngày 24-11-1838, Đức cha bị xử trảm tại pháp trường Đồng Hới. Năm 1842, xác ngài được cải táng và được đưa về tôn kính tại Nhà nguyện Hội Thừa Sai Paris.

Ðức giám mục Borie – Cao được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

2. THÁNH PHÊRÔ VŨ ĐĂNG KHOA

Linh mục (1790 – 1838)

Ngày tử đạo: 24 tháng 11 năm 1838

Tôi là đạo trưởng, là chủ chăn, làm sao tôi có thể chối Chúa, làm sao tôi có thể bỏ Chúa?

Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại làng Thuận Nghĩa, phủ Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cậu là con trai thứ ba trong gia đình, có tư chất thông minh, đức tính hiền lành, lại có lòng ước ao được sống đời dâng hiến.

Bước đầu, cậu được nhận vào giúp việc cho các linh mục. Kế đó, cậu  được gửi theo học tại Chủng viện Vĩnh Trị, sau chuyển về học Nhà tràng Hướng Phương. Cậu luôn giữ kỷ luật nhà trường, chăm chỉ học hành và tập sống các nhân đức. Học xong, thầy Khoa được cử đi giúp cho cha Nguyễn Đức Khiêm ở Hướng Phương.

Năm 1820, thầy Vũ Đăng Khoa chịu chức linh mục tại Chủng viện Vĩnh Trị. Trong suốt chín năm, cha Khoa đến giúp giáo dân các giáo xứ ở Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1829, Đức cha Harvard – Du bổ nhiệm cha làm chính xứ Kinh Nhuận, cũng là Cồn Dừa.

Cha Khoa hiền lành, hết lòng vì giáo dân, nhưng cũng rất thẳng thắn, được mọi người thương mến và kính phục. Hơn hai năm làm cha xứ, cha phải trốn tránh, ở nhờ nhà người dân. Cha lo lắng cho đoàn chiên, âm thầm đến phục vụ tại các giáo họ, đôi khi phải đi giúp trong đêm tối tăm mưa gió.

Có người tố cáo, cha Khoa bị chặn bắt tại Lễ Sơn ngày 02-7-1838 cùng hai chú Khang và Đức. Cha bị giải lên huyện, rồi từ huyện áp giải lên tỉnh Đồng Hới. Quan án tỉnh tra tấn cha Khoa nhiều lần, nhưng cha một mực giữ thinh lặng không chịu mở miệng khai báo.

Cuối cùng, chú Khang, vì khiếp sợ, không chịu nổi đòn roi nên đã chỉ nơi ẩn trốn của thừa sai Dumoulin Borie – Cao, cụ Điểm và thầy Tự ở ngoài huyện Bình Chính. Theo lời khai báo của chú Khang, ngày 02-8-1838, thừa sai Dumoulin Borie – Cao, cụ Điểm và thầy Tự bị bắt và bị giải về giam chung ngục Đồng Hới với cha Khoa.

Cha Khoa lãnh bản án xử giảo ngày 24-11-1838 tại pháp trường ngoài thành Đồng Hới, dưới đời vua Minh Mạng. Thi hài được rước về nhà thầy giảng Nguyên ở làng Mỹ Hương, Lệ Thủy rồi đưa về an táng tại Nhà chung Kẻ Gốm. Về sau, xác ngài được cung nghinh về Thuận Nghĩa.

Linh mục Phêrô Vũ Ðăng Khoa được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

3. THÁNH VINHSƠN NGUYỄN THẾ ĐIỂM

Linh mục (1761 – 1838)

Ngày tử đạo: 24 tháng 11 năm 1838

Xin quan thương tình, miễn chấp mà tha cho họ được về. Còn tôi, tôi xin nhận tất cả trách nhiệm.

Thánh Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại làng An Do Nam, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có ba người con. Thuở nhỏ cậu đi chăn trâu. Khi được nhận vào chủng viện, cậu được học tiếng Latinh, giúp việc cho thừa sai Jacques Longer – Gia, học triết học tại Chủng viện Kẻ Vĩnh và thụ phong linh mục thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Trong ba mươi năm, cha Điểm phục vụ tại các họ đạo Cồn Nâm (Đông Đưng), Lũ Đăng, Đan Sa và nhiều họ nhánh thuộc địa hạt Bố Chính.

Cha sống hiền lành, dâng lễ mỗi ngày, năng đọc kinh, lần hạt và nguyện ngắm. Dù tuổi đã cao, cha ăn chay mỗi tuần hai ngày. Cha dạy dỗ học trò, ra sức lo cho người lương được trở lại và sai các thầy giảng đi rửa tội cho trẻ em chưa có đạo.

Ngày 27-7-1838, khi nghe tin cha Khoa bị bắt, cha Điểm sai người đến hỏi các tín hữu ở làng An Bì có sẵn lòng cho ngài đến trú ẩn không, họ từ chối vì thấy trong làng không an toàn. Khi cha còn ở ngoài ruộng, gần làng Đan Sa, tỉnh Quảng Bình, chưa biết đi đâu thì bị bắt. Ngày 31-7-1838, thừa sai Borie – Cao và thầy Nguyễn Khắc Tự cũng bị bắt. Cả ba được điệu về công đường Đồng Hới.

Tại công đường, quan bắt cha cung khai. Khi đã 77 tuổi, vì khiếp đảm, cha khai ra vài gia đình đã từng cho cha trú ẩn. Khi cha Cao vào tù và cho biết lời khai ấy đã làm tổn hại một số giáo dân, cha Điểm tìm cách sửa lỗi và thưa lại với quan: “Vì tôi già cả, bởi nghe quan lớn nạt nộ ngăm đe, tôi khiếp, nên tôi làm cho nhiều tín  hữu bị liên can. Nay xin quan thương tình, miễn chấp, mà tha cho họ được về. Còn tôi, tôi xin nhận tất cả trách nhiệm”.

Sáng ngày 24-11-1838, tại pháp trường Đồng Hới, sau khi cầu nguyện, cha đã bị quân lính xử giảo. Thi hài của cha được chôn cất tại Đồng Hới, sau cải táng về họ đạo Hướng Phương.

Linh mục Vinhsơn Nguyễn Thế Ðiểm được nâng lên bậc chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHĐ