Ngày 26/05: Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan – Thánh Mátthêu Nguyễn Văn Phượng, Tử Đạo

Thánh

GIOAN ĐOẠN TRINH HOAN

Linh mục (1798 – 1861)

Ngày tử đạo: 26 tháng 5

Anh chị em hãy theo gương tôi, như chính tôi đã theo Đức Kitô, hãy sống trong bình an của Ngài và cầu nguyện cho tôi.

Thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan[1] chào đời năm 1798 tại ngôi làng thuộc họ Kim Long, Phú Xuân, Giáo phận Huế. Hai vị song thân là những giáo dân đạo hạnh, sống bằng nghề canh tơ dệt lụa.

Chú Hoan tư chất thông minh, hiếu học, được người cậu là cha Kiệt nhận làm học trò, nuôi nấng, dạy dỗ, truyền thụ tiếng Latinh rồi được gởi theo học Chủng viện Penang. Sau khi mãn khóa, thầy Gioan trở về nước giúp việc Đức cha Taberd – Từ trong việc phiên dịch sách báo đạo. Thầy được Đức cha Etienne Cuenot – Thể truyền chức linh mục năm 1836 tại Sài Gòn.

Trong hai mươi sáu năm làm linh mục, cha Gioan Hoan đã lãnh nhận nhiều nhiệm sở theo ý Bề trên. Cha nhiệt tình hoạt động nhưng lại điềm tĩnh thận trọng và yêu thương mọi người.

Tối ngày 03-01-1861, quan quân phục kích bắt cha Hoan. Khi đó, cha đang nấp trong một ổ rơm. Quan ra lệnh bắt và đánh đập một người giáo dân và tra tấn để hỏi về chỗ ấn náu của đạo trưởng. Trước cảnh hành hạ dã man, không đành tâm, cha Hoan đã từ ổ rơm bước ra nộp mình. Binh lính reo hò đắc thắng, bắt trói hai cha và một vài chức việc, giải về công đường Đồng Hới và nhốt vào ngục tối. Lúc này cha đã 63 tuổi.

Trong chốn lao tù, cha Hoan nhiều lần bị tra tấn, bị ép bước qua thập giá, tiết lộ nơi ẩn trốn của Đức cha và các thừa sai, nhưng cha vẫn luôn khoan dung trong ngôn từ. Chính cử chỉ từ tâm theo gương Chúa Kitô đã khơi dậy lòng trắc ẩn của quân canh. Vì thế, họ không nỡ cấm cản sự thăm viếng, mang Mình Thánh Chúa, tiếp tế nhu yếu phẩm của các nữ tu và giáo dân.

Cha Hoan đã dùng lời Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, để nhắn nhủ khi các tín hữu đến chào từ biệt: “Anh chị em hãy theo gương tôi, như chính tôi đã theo Đức Kitô, hãy sống trong bình an của Ngài và cầu nguyện cho tôi”.

Rạng sáng ngày 26-5-1861, dưới thời vua Tự Đức, cha bị áp giải ra pháp trường với án lệnh: “Tội phạm tên Hoan, nghề nghiệp đạo trưởng, truyền bá tà đạo trong dân, bị xử chém đầu”.

Linh mục Gioan Ðoạn Trinh Hoan được tuyên phong chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHD

[1] Theo kết quả nghiên cứu của Tổng giáo phận Huế, trên bia mộ của cha Thánh Hoan ghi cha họ Đoạn, chứ không phải họ Đoàn.

 

Thánh

MATTHÊU NGUYỄN VĂN PHƯỢNG (ĐẮC)

Trùm họ – Lương y (1808 – 1861)

Ngày tử đạo: 26 tháng 5

Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo! Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng.

Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng sinh năm 1808 tại làng Kẻ Lái, Lý Nhơn, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ là cai đội Nguyễn Văn Bường. Tên gọi của ông là Đắc, Phượng là tên con cả[1]. Mồ côi song thân từ bé, lúc 12 tuổi, chú Phượng gắng sức học nghề thuốc với thầy Nhu, một thầy đông y người lương.

Năm 15 tuổi, cậu Phượng tận tụy theo giúp cha Nguyễn Thời Điểm. Cảm mến tấm lòng đạo đức và đức tính cần mẫn, cha Điểm lo cho cậu Phượng kết hôn với cô Vốn, con ông đội Khiêm, một gia đình đạo đức thuộc họ Sáo Bùn. Ông Phượng dọn về chung sống với gia đình nhạc gia và hành nghề lương y. Vợ ông buôn tần bán tảo. Được 8 người con, gia đình ông sống đầm ấm thuận hòa, ân cần giáo dục con cái, sốt mến sống đạo.

Không chỉ chăm lo cho gia đạo, ông Phượng còn viếng thăm, an ủi, giúp đỡ những người đau ốm, rước cha xức dầu và mang Mình Thánh Chúa như “của ăn đàng” cho các tín hữu hấp hối. Ông Phượng được các cha tín nhiệm, cắt đặt làm trùm họ Sáo Bùn để sớm hôm kinh nguyện, dạy giáo lý cho dự tòng hay rửa tội cho trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Trong thời kỳ cấm cách, ông trùm Phượng can đảm đón cha Đoạn Trinh Hoan về trú ngụ vào tháng Giêng năm 1861, khi cha về ban các bí tích cho giáo dân họ Sáo Bùn.

Do có người chỉ điểm để lãnh thưởng, quan quân xông đến vây xét nhà ông trùm Phượng. Khi nghe có tiếng động, cha Hoan thoát thân ra ngoài. Quan bắt ông Phượng quỳ gối giữa nhà để tra khảo chỗ ẩn trốn của linh mục, nhưng ông một mực thinh lặng. Binh lính lục soát thì tìm thấy sách nguyện, đồ lễ và đồ thờ phượng. Quan hạ lệnh trừng trị ông Phượng 40 roi và cậu Thắng, con trai út ông Phượng, 80 roi để tra khảo chỗ giấu của cải, rồi giải ông  về công đường tỉnh Quảng Bình.

Bị giam hơn 4 tháng trong lao tù Đồng Hới, với 4 lần chịu tra khảo, dụ dỗ bỏ đạo, đạp ảnh Thánh Giá, mỗi lần tra khảo bị đánh 30 roi, nhưng ông Phượng vẫn một lòng sắt son. Quan lục sự đem lòng thương con gái ông trùm nên hứa giúp ông được tha nếu gả con gái, ông thưa: “Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo! Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng”. Sau đó, quan lên án ông trùm Phượng can tội giấu linh mục và gửi án vào kinh.

Ngày 26-5-1861, ông trùm Nguyễn Văn Phượng bị đưa đi xử trảm tại pháp trường Cửa Thành Quảng Bình. Ông thinh lặng quỳ xuống, mắt hướng về cha Hoan để lãnh nhận Bí tích Giải tội. Thi hài ông trùm Nguyễn Văn Phượng được giáo dân rước về an táng tại họ Mỹ Hương. Hiện nay, hài cốt của ngài vẫn còn được lưu giữ tại dòng Carmelo, Tổng giáo phận Huế.

Ông trùm Matthêu Nguyễn Văn Phượng được tôn phong chân phước ngày 02-5-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.

 

Trích sách “Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Biên soạn: 
Hội đồng Giám mục Việt Nam
WHD

[1] Chi tiết này dựa trên tài liệu góp ý chỉnh sửa của Tổng giáo phận Huế.