Ts. Trần Mỹ Duyệt
Thánh Giuse là một vị thánh cao cả và vỹ đại nhất trong Giáo Hội Công Giáo. Hình ảnh của ngài luôn gắn liền với hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại. Tuy nhiên, sự cao cả và vỹ đại của Ngài không được những tài liệu, sách báo do con người ghi chép, nhưng tiềm ẩn trong Thánh Kinh Tân và Cựu Ước.
Theo những tài liệu mang tính cách truy tìm và tham khảo, Thánh Giuse là người Do Thái thuộc thế kỷ I. Người mà theo Phúc Âm tường thuật, thuộc hoàng tộc Vua Đavít, đã kết hôn với Đức Trinh Nữ Maria, ái nữ của Thánh Gioakim thuộc chi tộc Judah, cũng thuộc dòng tộc Đavít, và Thánh Anna thuộc chi tộc Levi. Tiến Sỹ Joshua Schachterle, giáo sự Kinh Thánh, trong bài viết tựa đề “Mary and Joseph: Ages, Marriage, and Travel to Bethlehem” đã cho rằng, Đức Maria kết hôn với Thánh Giuse ở giữa tuổi 14 và 19, trong khi đó Thánh Giuse vào khoảng 20 tuổi. [1] Cũng theo Thánh Kinh, Thánh Giuse đồng thời là nghĩa phụ – cha đồng trinh – của Chúa Giêsu. Ngài được tôn kính trong Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương, Giáo Hội Chính Thống Oriental (Hiệp thông với các giáo hội Kitô Giáo Đông Phương), Anglicanism (Kitô Giáo truyền thống phát xuất từ Cuộc Cải Cách tại Anh thế kỷ 16), và Lutheranism (Ngành Tin Lành chính, theo thần học của Martin Luther, thế kỷ 16).
Thánh Giuse sinh tại Bethlehem, năm 30 BC.
Qua đời năm 20 AD tại Nazareth. Hưởng dương 49 tuổi. [2]
Ngài là bổn mạng của các người cha, các công nhân thợ thuyền, đặc biệt các người thợ mộc, che chở những người mẹ hiếm muộn, và các trẻ em chưa sinh. Theo Thánh Têrêsa Avila, Thánh Giuse còn là đấng bầu cử cho những ai trong cơn hấp hối được ơn chết lành. Do lòng yêu mến mà Ngài đã được qua đời trong vòng tay của Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu. Ngài còn là một vị rất thần thánh trên Thiên Đàng, Thánh nữ đã xác tín rằng: “Không có điều gì tôi xin với Thánh Giuse mà không được ban cho”.
Để biết rõ hơn về Thánh Giuse, thân thế cũng như vai trò của Ngài, một cách đặc biệt trong nhà Nazareth, theo linh mục Michael Hall, chỉ có thể được tìm thấy qua Tân và Cựu Ước.
Trước hết, Thánh Marcô nhắc đến Chúa Giêsu như là “con bác phó mộc”, nhưng không nêu rõ tên của bác phó mộc là ai? Theo suy đoán, có lẽ vì Thánh Ký muốn nói đến Chúa Giêsu như một người đã trưởng thành. Tuy nhiên, có hai nơi đã nhắc rõ ràng Chúa Giêsu là con của Thánh Giuse. Đó là Phúc Âm Luca 3:23-38, và Phúc Âm Gioan 1:45.
Biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, Thánh Giuse đã được biết đến ở hai trình thuật của Thánh Mátthêu và Luca. Riêng Phúc Âm Luca, những gì mà Thánh ký ghi lại được cho là chính Đức Maria đã kể lại. Còn Thánh Mátthêu có ý giới thiệu Thánh Giuse như là miêu duệ của Abraham và của Đavít dựa theo trong Cựu Ước. Ở phần kết thúc về gia phả của Chúa Giêsu, thánh ký đã viết: “và Giacóp cha của Giuse, chồng của bà Maria, người sinh ra Chúa Giêsu, Đấng được gọi là Cứu Thế” (Mátthêu 1:16).
Hình ảnh của Thánh Giuse cũng thấy xuất hiện trong biến cố Truyền Tin do Thánh Luca kể – Tổng Thần Gabriel nói với Đức Maria là bà sẽ làm mẹ Con Thiên Chúa. Dầu vậy tên của Thánh Giuse đã được nhắc đến ở Tin Mừng của Mátthêu: Khi mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse, trước khi về cùng nhau, bà đã thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Thánh Giuse định tâm ly dị bà, vì ông là người công chính. Và Thiên Chúa đã can thiệp trong một giấc mơ, cho ông biết về xuất xứ của bào thai. Nhờ biến cố này, qua việc Thánh Giuse đặt tên cho trẻ Giêsu mà vai trò làm cha của ngài đối với Chúa Giêsu đã được Thánh Kinh ghi nhận (x. Mt 1:18-21). Như vậy, Thánh Giuse đã làm trọn lời tiên tri khi đặt tên cho Đấng Messiah, và cho Ngài một tình trạng hợp luật: con của Giuse thuộc dòng tộc Đavít.
Trong gia đình Nazareth, theo Thánh Mátthêu, Thánh Giuse đã lo lắng, bảo vệ gia đình của mình – và nó cho chúng ta một gương mẫu trọn hảo về vai trò làm chồng cũng như làm cha – của những người đàn ông. Điển hình là khi được thiên thần báo mộng, ngài đã đem gia đình mình trốn qua Ai Cập, và, khi thời gian viên mãn, đem họ trở lại Nazareth, ở đó trẻ Giêsu đã lớn lên.
Thánh Luca mặc dù không nói gì về những giấc mơ của Thánh Giuse, nhưng ông cũng kể một cách rõ ràng về cuộc sống của Thánh Gia. Ở hai chương đầu của Phúc Âm, Luca đã đưa chúng ta đi qua những gì mà Kinh Mân Côi gọi là “Mầu Nhiệm Vui”, trong đó, Maria được giới thiệu “đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng họ Đavít”. Vâng nghe tiếng Thiên Chúa trong Phúc Âm của Mátthêu, ngài cũng vâng giữ lề luật – cả tôn giáo lẫn dân sự. Khi lệnh truyền kiểm tra dân số của hoàng đế đến, ngài đã đem vợ mình đang có thai về nơi sinh trưởng – thành Bethlehem – để ghi danh.
Tiếp đến, trong chương 2, cả Thánh Giuse và Đức Maria đã vâng giữ Torah – Luật Cựu Ước. Các ngài đi đền thờ Giêrusalem sau khi sinh Chúa Giêsu, để “thanh tẩy”, và để dâng lễ vật được chỉ định cho những con trai đầu lòng. Rồi hàng năm, theo luật, các ngài đã nhiều lần từ Nazareth lên Giêrusalem dự Lễ Vượt Qua. Một trong những Lễ Vượt Qua ấy đã ghi lại ấn tượng đối với các ngài, đó là năm trẻ Giêsu lên 12 tuổi sau lễ, đã tự ý tách mình khỏi cha mẹ để đàm đạo với các bậc thầy luật sỹ trong đền thờ. Nhưng cũng chính do biến cố này, một lần nữa, khi tìm thấy Ngài, Đức Maria đã xác nhận và làm rõ hơn vai trò làm cha của Thánh Giuse: “Cha con và mẹ đã đau khổ tìm con”. Tuy nhiên, Ngài đã trả lời bằng một câu nghe như đắng lòng đối với Thánh Giuse: “Ông bà không biết rằng tôi phải ở lại trong nhà Cha tôi sao?” (Luca 2:49). [3]
Đối với Thánh Augustine, Thánh Giuse và Đức Maria biết Chúa Giêsu là con của các ngài, nhưng các ngài phải nhận rằng Chúa Giêsu không phải là người con một cách độc quyền của các ngài. Con của các ngài cũng là Con Đời Đời của Thiên Chúa và vì vậy, cũng đã tạo dựng nên cha mẹ của mình. Chúa Giêsu là con của các ngài trong thời gian, và các ngài cũng là cha mẹ của Ngài trong thời gian.
Trong bài giảng 51, 30, Thánh Augustine tiếp tục giải thích: Thánh Giuse là cha của Chúa Giêsu không phải do những việc làm của thân xác, nhưng do những việc làm của tình yêu. Điều quan trọng nhất để trở thành một người cha là tình yêu. Đó cũng là lý do con cái nhận ra người cha thật của mình: không chỉ bằng tương quan thể lý, nhưng còn bằng tình yêu!
Thánh Giuse trở thành người cha của Chúa Giêsu ngoài sự kết hợp của hành động vợ chồng, nhưng ngài vẫn ở trong gia phả của Chúa Giêsu, bởi vì “sự cảo cả tinh tuyền của ngài, khẳng định chức làm cha của ngài”. Chức năng làm cha của Thánh Giuse không chỉ do thể xác, nhưng do sự trinh khiết của ngài. Ngài là “cha đồng trinh” của Chúa Giêsu. Khi Thánh Giuse lần đầu tiên nghe rằng Maria mang thai, ngài đã phản ứng như mọi người đàn ông khác phản ứng. Ngài đã bị chinh phục và tìm cách từ bỏ Maria một cách kín đáo. Nhưng trong giấc ngủ, khi nghe thiên thần cắt nghĩa rằng bào thai trong lòng Maria là do phép Chúa Thánh Thần, ngài đã với chủ ý trong sạch nhất đón nhận Maria làm vợ và Giêsu làm con của mình.
Thánh Giuse là người chồng và là người cha đồng trinh. Việc làm của Chúa Thánh Thần, theo Thánh Augustine, cũng đã bao trùm trên Giuse và Maria vì cả hai đều công chính. Chúa Thánh Thần ngự trên sự công chính của cả hai và ban cho họ người Con. Mặc dù Đức Maria sinh hạ, nhưng người con là thuộc cả hai. Trên thực tế, thiên thần đã truyền cho cả hai phải đặt tên cho con trẻ, và điều này đã ban quyền làm cha mẹ cho họ trên Giêsu. Vì thế, nếu quyền làm cha của Thánh Giuse trên Chúa Giêsu bị từ chối, điều đó sẽ ngăn cản Đức Maria thay thế chồng để nói: “Cha con và mẹ đã đau khổ tìm con” (Luca 2:48), khi tìm thấy Chúa Giêsu trong đền thờ. [4]
Cha Michael Hall căn cứ vào trích đoạn Phúc Âm của Thánh Luca thêm: Dĩ nhiên, Giêsu trở về Nazareth với ông bà và vâng lời cha mẹ là Maria và Giuse, “Thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Luca 2:5). Nhưng sự hiểu biết về nguồn gốc chính của Chúa Giêsu theo Phúc Âm Thánh Gioan, ở đó từ “cha” được dùng trên 100 lần. Chỉ có 2 lần chỉ về Giuse.
Khi viết về “gia phả” của Chúa Giêsu, bắt đầu với Giuse và tiếp tục lui về “Seth, con Adam, con Thiên Chúa”, ở đó bao gồm Vua Đavít và Abraham, Thánh Sử Luca xem như muốn giới thiệu vị trí của Chúa Giêsu như một con người hoàn toàn. Ngài chia sẻ, qua Thánh Giuse, rằng căn tính mà chúng ta tất cả đều có là con Thiên Chúa.
Đối với phần đông chúng ta, Giuse đã có một vị trí giữa các Tổ Phụ Cựu Ước – Abraham, Isaac và Jacob. Chúng ta có thể quen với câu truyện của ngài, nhưng có lẽ chúng ta không quen với sự thật là Giuse của Cựu Ước đã là một mẫu hình đặc biệt giữa những người Do Thái ở thế kỷ đầu. Trong Sách Huấn Ca viết vào ít thế kỷ trước khi Chúa Giáng Trần, đã đề cao ngài giữa những vị anh hùng cao cả: “Trong số những người đã sinh ra trên đời, chẳng có ai sánh được như ông Giuse: với anh em, ông là người lãnh đạo, với dân tộc, ông là người nâng đỡ. Hài cốt của ông được quý trọng, được giữ gìn” (Huấn Ca 49:15). Và đó cũng là hình ảnh của Thánh Giuse sau này trong Tân Ước.
Trong Tân Ước, 11 chương của Thư gửi người Do Thái đã viết về đức tin và với những đặc tính của Cựu Ước, những người đứng vững với nhân đức. Ở đó, Thánh Giuse cũng được nhắc đến. Nhưng một trong những trang Cựu Ước quan trọng nhất được dùng để miêu tả câu truyện chúng ta đọc về Giuse là lời chúc phúc mà Giacóp đã cho 12 người con, trước khi qua đời. Những lời của Cựu Ước cũng mô phỏng những gì mà Giuse Tân Ước xứng đáng lãnh nhận:
Giu-se là cây sai quả, cây sai quả bên suối; các cành nó vượt qua tường.
Những người bắn cung đã khiêu khích, đã bắn tên và tấn công nó.
Nhưng cây cung của nó vẫn vững vàng, và những cánh tay của nó vẫn lanh lẹ, nhờ tay Đấng Vạn Năng của Gia-cóp, nhờ danh Vị Mục Tử, Tảng đá của Ít-ra-en.
Xin Thiên Chúa của cha con phù trợ con, Xin Thiên Chúa toàn năng chúc phúc cho con! Phúc lành của trời ở trên cao, phúc lành của vực thẳm ở phía dưới, phúc lành của nhũ hoa và tử cung!
Phúc lành của cha con trổi vượt, hơn cả phúc lành của núi non vạn đại, và ước nguyện của gò nổng thiên thu. Ước chi những phúc lành ấy xuống trên đầu Giu-se, trên đỉnh đầu người được thánh hiến giữa anh em mình. (Sáng Thế Ký 9:22-26) [5]
Sau cùng Thánh Kinh không nói gì về ngày, và giờ cũng như cái chết của Thánh Giuse, nhưng truyền thống tin rằng Thánh Giuse đã qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng cứu chuộc của Ngài. Thánh nhân an nghỉ trong vòng tay của Chúa Giêsu và Đức Maria. Ngài được cho là bổn mạng của những người hấp hối mong ơn chết lành. Vì thế, khi chúng ta cầu cho mình, cho ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, con nuôi, con đỡ đầu, hoặc cho những ai xin chứng ta cầu nguyện, cũng như chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho họ, xin Thánh Giuse giúp được ơn chết lành.
Và hằng ngày hãy sốt sắng cầu xin ngài:
Kính chào Đấng Gìn giữ Chúa Cứu Thế,
Bạn trăm năm của Đức Nữ Trinh Maria.
Chúa đã trao Con Một của Chúa cho ngài;
Mẹ Maria đã tin tưởng nơi ngài;
Chúa Kitô đã lớn lên cùng với ngài.
Lạy thánh Giuse diễm phúc,
xin cũng hãy tỏ ra ngài là cha của chúng con
và hướng dẫn chúng con đi trên đường đời.
Xin chuyển cầu cho chúng con ơn sủng, lòng thương xót, và can đảm,
Và xin bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen. [6]
Nguồn: daminhtamhiep.net
_____________
Tài liệu tham khảo:
1.https://www.google.com/
2.St. Joseph. Wikipedia
3.https://www.godwhospeaks.uk/
4.http://isa.augustinians.net/
5.Bản dịch Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, 1998.
6.Tông Thư Patris Code, Năm Thánh Giuse từ 1 tháng 1, 2000 đến 8 tháng 12, 2021 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Năm Thánh kỷ niệm 150 năm Giáo Hội Hoàn Vũ đã nhận Thánh Giuse là Bổn Mạng.