Ý Lực Sống 39: “Miếng Khi Đói, Gói Khi No”

Hình ảnh minh họa

1. Một miếng là vừa đủ trong miệng để có thể nhai và để có thể nuốt được. Vậy một miếng ở đây có nghĩa là rất ít. Khi đói một miếng cũng rất cần, bằng cả một gói khi no, người no thì không cần. Một gói cũng không phải là lớn lắm đâu, có thể mang được, khỏi cần khiêng. Câu nói này người xưa muốn dạy chúng ta là hãy giúp đỡ những kẻ đói ăn dù một miếng thôi cũng là rất cần thiết.

2. Lâu lắm rồi, ngồi giải tội, người cuối cùng là một em bé gái người Thượng, người Kinh toàn dành đi trước. Toà giải tội rung rinh . . . Mình tưởng em bị sốt rét. Sau đó mình thấy em bé 11 tuổi chỉ mặc mỗi cái áo mỏng tanh ! Mình hiểu ngay. Sao con không mặc áo ấm ? Người Thượng áo ấm thì được gọi là áo lạnh vì khi trời lạnh thì mới phải mặc nó . Em bảo nhà con chỉ có một cái “lạnh” thôi. Mẹ con đau nên để mẹ con mặc. Mẹ con đâu ? Mẹ con ở nhà ! Làng này cách nhà thờ khoảng gần 5 cây số và hôm đó em đi bộ. Đi xưng tội mừng lễ Noel. Nghĩ thương em bé rất dễ mến vì đôi mắt sáng và linh lợi. Tôi bèn tìm cho em một áo măng tô nhỏ rất vừa trong số quần áo cho kẻ nghèo. Em mặc và thấy em mừng rỡ thật sự . Noel năm đó rất lạnh. Tự nhiên thấy em cởi áo và xếp lại. Sao con không mặc mà về ? Con đem về cho mẹ con xem trước ! Tuỳ ý con. Em nhanh nhẹn ra về. Nhưng có điều này tôi muốn kể vì tôi rất ngỡ ngàng và cũng cảm động và cũng là một bài học cho tôi về người nghèo. Nhà xứ tôi có hàng rào cao và dày, ở ngoài nhìn vào thì không thấy gì, nhưng ở trong nhà tôi thì nhìn thấy em rất rõ : Khuôn viên nhà xứ không còn ai vì trưa rồi, tôi thấy em nhìn qua nhìn lại, không thấy người nào, em mặc áo vào và ngắm nghía trước sau, rồi em bỗng nhảy cà tưng cà tưng hai tay múa may như chim con vỗ cánh ! Vui lắm ! Nhưng nước mắt tôi lưng tròng. . . Rồi em cởi áo xếp lại và đi như chạy ! Một miếng khi đói, một gói khi no là như vậy. Từ ngày đó tôi là “chúa” ăn xin đồ cũ, cho tới bây giờ vẫn vậy.

3. Một chuyện nữa : Tôi là người hay mua giúp các sản phẩm nông nghiệp của người Thượng và bán giùm cho họ, vì tôi có xe : Mì lát, chuối, măng le . . . Con buôn người Kinh cân gian và mua ép giá. Tôi cũng chuyên mua các nhu yếu phẩm đem tới tận làng khi các cha hay các nữ tu yêu cầu : Cá khô, mắm ruốc, xì dầu, muối . . Hôm đó trên xe tôi có các thầy dòng Chúa Cứu Thế xin theo xe cho biết làng người Thượng. Cũng là gần lễ Noel. Tới làng thì cha sở đi giải tội chỗ làng khác , các sơ người Thượng cũng đi rẫy. Hai em bé trai khoảng chín mười tuổi giữ nhà ! Mình giao các thứ mặt hàng mua giùm. Có một giỏ cà xé cá khô phân mỗi bịch là nửa ký. Thấy hai em nhìn cá quá chăm chú. Mình biết các em thích. Các thầy đã lên xe cả rồi. Hồi đó xe tải còn ngồi phía sau được. Mình nhảy lên xe lấy hai túm cá khô. Chui cha ! Vui lắm ! Mỗi em một túm. Con đem về cho mẹ được không cha ? Được, Được ! Vội vàng lên xe. Xe chạy . Các thầy bảo: Tức quá chừng. Thấy cha và các em vui quá. Các em mừng quá ! Muốn chụp một pô kỷ niệm mà không kịp. Cha xuống Kỳ Đồng Saigon mà cho một em nửa ký cá khô làm quà Noel thì cha sẽ bị liệt kê vào loại hâm hâm nhé. Còn ở đây thì cả một niềm vui. Một miếng khi đói một gói khi no là như vậy đó. Cảm ơn các thầy đã so sánh cho mình thấy.

Bài học:

* Có những thứ mình không cần mà người khác lại rất cần.

* Có những thứ mình dư nhưng người khác lại rất thiếu.

* Có những thứ con mình chê, mà con nhà nghèo lại thèm.

Xin Chúa cho chúng con luôn biết nghĩ tới người nghèo. AMEN

Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Gp Kon Tum
WGPKT(04/05/2022) KONTUM