Ý Lực Sống 43: Bởi Tôi Yêu Cuộc Đời Nên Tôi Cũng Yêu Cả Cái Chết (Tagore)

1. Ngược đời : Tagore người Ấn Độ (1861-1941), nhà tư tưởng lớn của thế giới, nhà thơ bậc nhất Ấn Độ, người Á đông đầu tiên nhận giải thưởng Nobel (văn học) 1913, tác giả bài quốc ca Ấn Độ . . . Lý do vì sao mà lại yêu cái chết ! Nghe giải thích: Nếu bạn yêu cuộc sống mình thì bạn hãy yêu cái chết của mình, vì cái chết là cánh cửa mở ra để bạn bước vào cuộc sống đích thực của mình.

Thánh Phanxico Át-xi-di gọi thân mật cái chết là “Chị” khi Ngài gần chết. Chị mình là người rất gần gũi và luôn thương yêu mình :

“Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác”(Bài ca Mặt Trời).

Ai cũng “sợ” chết, ai cũng muốn tránh nói đến cái chết thì làm sao mà “yêu” cái chết ? Vậy là ngược đời quá đi chứ ?

Sợ thì sợ nhưng không ai tránh được. Nghĩa là trước sau gì cũng phải chết. Tâm lý học dạy : Đàng nào thì cũng phải gặp, thôi thì cho dù không thích cũng nên làm quen trước để khi gặp nhau thì bắt tay nhau sẽ cảm thấy vui hơn. Vậy nên hãy làm quen với cái chết của chính mình và khi chết mình sẽ gặp người quen chứ không phải gặp kẻ lạ.

Hồi còn bé, ở Bình Định, các người già còn sắm quan tài cho mình để trong nhà sẵn, khi chưa cần tới thì có thể để lúa, để gạo hoặc để gì cũng được. Người già thấy hòm sẵn cho mình thì yên tâm hơn. Có một linh mục cao tuổi cũng sắm cho mình một cái quan tài như ý, rồi chính ngài làm phép hòm trước mặt giáo dân, xong rồi ngài vào nằm thử trong hòm ! Nghe nói giáo dân phải đỡ ngài ra ! Thấy vậy cũng có người khóc cũng có người cười. Thiệt là tiếu lâm hết chỗ nói luôn.

2. Để chấp nhận được tư tưởng của Tagore thì phải xác tín hai điều này :

* Thứ nhất là tin có sự sống khác sau khi mình chết.

Chúa Giêsu là nói rõ ràng nhất: Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ. Thầy đi trước để dọn chỗ cho chúng con, để Thầy ở đâu chúng con cũng ở đó với Thầy. Lạy Cha chúng con ở trên trời, vậy nhà Cha Thầy cũng ở trên trời. Thánh Phaolo quả quyết quê hương chúng ta là ở trên trời. Chỉ có Kito giáo quả quyết con người sau này sẽ sống lại. Sẽ có một trời mới đất mới và con người mới đã được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng giá máu của Người. Chúa dựng con người có hồn và có xác, tội lỗi đã làm hư đi, cho nên khi Chúa cứu con người thì cũng cứu cả hồn và cả xác. Con người sống lại là con người mới vì được cứu chuộc.

Các tôn giáo đều tin có sự sống sau khi chết.

Các nhà khoa học cũng xác nhận có một dạng sống nào đó sau khi con người chết. Nhiều bác sĩ nổi tiếng đã nêu bằng chứng về điều này. Sau khi nghiên cứu nhiều người chết lâm sàng, TS Roberth cho rằng có những bằng chứng về sự tồn tại của sự sống sau cái chết khá thuyết phục. Mở gu gồ ra sẽ thấy đầy dẫy những bài viết về vấn đề này.

Người Việt mình, khi chưa có tôn giáo nào dạy, chưa có nhà khoa học nào chứng minh này nọ, thì đã xác định có sự sống sau khi chết. Thú vị nhất là trong tiếng Việt con người chết thì có từ đặc biệt mà không dùng cho con vật. Con người chết là : Qua đời, Qui tiên, Từ Trần, Tạ thế, Ra đi, Khuất bóng . . . Qua đời là “bước-từ-đời-này-sang-đời-khác”. Không ai lại nói con bò nó vừa qua đời bao giờ. Con loài vật chết là hết. Các thứ tiếng khác hình như không phân biệt như vậy. Tiếng Anh “to die” là chết, con người cũng “die” con bò cũng “die” như nhau thôi.

Hãy khẳng định : con người là có sự sống sau khi chết và chỉ Con Người thôi, con loài vật không có.

* Thứ hai là tin có luật Nhân Quả .

Trong ngày phán xét, Chúa Giêsu nói với những người TỐT : Hãy vào hưởng hạnh phúc ngàn đời dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi cho ăn . . . Rồi Người nói với những kẻ XẤU : Cút ra khỏi mặt Ta mà vào lửa đời đời dành sẵn cho các ngươi, vì xưa Ta đói các ngươi đã không cho ăn. . .

Các tôn giáo đều tin có luật nhân quả.

Người Việt mình thì ở hiền gặp lành, ở hung (ác) gặp dữ, ác giả ác báo !

Có một người bố già viết thư cho con cháu như một di chúc : Luật Nhân Quả là một luật của trời đất, không sai được.

Các bậc cha mẹ muốn con cái mình sống lương thiện thì hãy dạy luật nhân quả. Sao ta hay lo cho con thành công mà không dạy cho con sống đạo đức ?

3. Sắp bước vào Tuần Thánh, cả Giáo Hội kỷ niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc loài người. Như hạt lúa mì có thối đi có chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt. Hạt lúa mì mang tên GIÊSU đã chết đi cho ta được sống.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chết đi cho tội của mình để nảy sinh nhiều bông hạt cho sự sống đời đời. Amen

Linh Mục Phêrô Nguyễn Vân Đông – Gp Kon Tum
WGPKT(25/05/2022) KONTUM