Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (CN 19.05.2024) – Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần

Bài đọc 1: Cv 2,1-11

Ai nấy đều được đầy tràn ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê ; nào là những người từ Rô-ma đến đây ; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo ; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa !”

Đáp ca: Tv 103,1ab và 24ac.29bc-30.31 và 34 (Đ. x. c.30) 

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

1abChúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi !
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !
24acCông trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

29bcNgài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay,
mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

31Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại,
công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.

Đ.Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới,
và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.

Bài đọc 2: 1 Cr 12,3b-7.12-13 

Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

3b Thưa anh em, không ai có thể nói rằng : “Đức Giê-su là Chúa”, nếu người ấy không ở trong Thần Khí.

4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.

12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. 13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Ca tiếp liên

Muôn lạy Chúa Thánh Thần,
xin ngự đến trần gian,
tự trời cao gửi xuống
nguồn ánh sáng toả lan.

Lạy Cha kẻ bần hàn,
Đấng tặng ban ân điển
và soi dẫn nhân tâm,
cúi xin Ngài ngự đến !

Đấng ủi an tuyệt diệu
thượng khách của tâm hồn,
ôi ngọt ngào êm dịu
dòng suối mát chảy tuôn !

Khi vất vả lao công,
Ngài là nơi an nghỉ,
gió mát đuổi cơn nồng,
tay hiền lau giọt lệ.

Hỡi hào quang linh diệu,
xin chiếu giãi ánh hồng
vào tâm hồn tín hữu
cho rực rỡ trinh trong.

Không thần lực phù trì
kẻ phàm nhân cát bụi,
thật chẳng có điều chi
mà không là tội lỗi.

Hết những gì nhơ bẩn,
xin rửa cho sạch trong,
tưới gội nơi khô cạn,
chữa lành mọi vết thương.

Cứng cỏi uốn cho mềm,
lạnh lùng xin sưởi ấm,
những đường nẻo sai lầm
sửa sang cho ngay thẳng.

Những ai hằng tin tưởng
trông cậy Chúa vững vàng,
dám xin Ngài rộng lượng
bảy ơn thánh tặng ban.

Nguyện xin Chúa thưởng công
cuộc đời dày đức độ,
ban niềm vui muôn thuở
sau giờ phút lâm chung.

A-men. Ha-lê-lui-a.

Tung hô Tin Mừng:x. 1 Cr 5,7b-8a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng:Ga 20,19-23

Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

THẾ GIỚI VÀ GIÁO HỘI ĐANG RẤT CẦN CHÚA THÁNH THẦN

40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp liền sau đó, lời cầu nguyện sau đây vang lên một cách tha thiết không chỉ một lần trong một ngày mà cả thẩy chín ngày nhiều lần:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra!
Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;
Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!
Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,
là khách trọ hiền lương của tâm hồn,
là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.
Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,
là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.
Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,
xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Hỏi: Giáo hội xin Ngài đến để làm gì ?

Thưa: Để xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời. (Ca tiếp liên)

Những lời ca tiếp liên được đọc hay hát lên liên tục như thế cho thấy được thế giới con người ở mọi nơi mọi thời, kể cả Giáo hội hôm nay đang rất cần Chúa Thánh Thần.

Sống trong một thế giới sự ác vẫn lan tràn, chiến tranh giữa các nước vẫn đang xảy ra, lòng nghi kỵ giữa các dân tộc vẫn không thuyên giảm, sự dối trá vẫn còn ngự trị khắp nơi. Ngay chính trong Giáo hội, sự rạn nứt chia rẽ vẫn chực chờ đâu đó, sự mất lòng tin giữa một số các vị chủ chăn và giáo dân đang dần nảy sinh bởi nhiều nguyên nhân như về luân lý, cai quản, hay chính trị. Nhiều tín hữu cũng chỉ mải miết kiếm tìm của cải vật chất thay vì tìm kiếm Chúa; trong tay họ thay vì quyển Kinh Thánh và chuỗi tràng hạt Mân côi là iPhone, iPad. Họ chỉ lắng nghe tiếng gọi của vật chất, của bạc tiền thay vì lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của nhau, v.v… 

Người ta đặt câu hỏi: Phải chăng Chúa Thánh Thần đã vắng bóng trên mặt đất nên giờ đây Ngài im hơi lặng tiếng, không còn hoạt động trong Giáo hội, không còn hướng dẫn con người, không còn ưa thích ngự trong lòng người tín hữu là đền thờ của Ngài, không còn muốn canh tân Giáo hội Chúa Ki-tô và bộ mặt trái đất này nữa? v.v… 

Hay, phải chăng con người lãng tai, điếc lác hay cố tình bưng tai bịt mắt mà không còn nghe thấy Chúa Thánh Thần nói với họ, không còn có thể lắng nghe tiếng nói của nhau? 

Thực tế ngày hôm nay trên thế giới có quá nhiều bất hòa, trong Giáo hội, những người tin vào Thiên đang sống trong bối cảnh có quá nhiều chia rẽ. Tiếng kêu gọi sống chung, hòa bình trên trái đất vang lên hàng ngày trên mọi thông tin đại chúng. Nhưng chiến tranh vũ trang và tôn giáo vẫn chưa ngừng nghỉ, không những thế ngày một gia tăng với qui mô rộng lớn và hiện đại dẫn đến tàn ác hơn.

Tất cả chúng ta, những người được kêu gọi kết nối nhưng lại thấy mình bị rạn nứt trong tương quan với nhau, bị mê hoặc bởi sự thờ ơ và bị áp bức bởi sự cô đơn. Chiến tranh và xung đột xảy ra quá nhiều, thật không thể tưởng tượng được sự ác mà con người gây ra cho đồng loại! Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã thốt lên giữa Đền thờ Thánh Phê-rô như tiếng chuông rung rung vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh 2/4/2021 rằng: “Tình huynh đệ được xây dựng từ chúng ta… Tình huynh đệ đại đồng bắt đầu với tình huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo… và tình huynh đệ này đang bị thương tổn! Chiếc áo chùng của Chúa Ki-tô đã bị xé thành những mảnh do những chia rẽ giữa các Giáo Hội Ki-tô, nhưng điều không kém trầm trọng hơn, đó là mỗi mảnh áo của Chúa thường bị xé thành những mảnh khác nữa… “.

Quả thật, kẻ thúc đẩy sự thù địch của chúng ta là Ác Thần “kẻ chia rẽ”. Vâng, đi trước và vượt trên sự dữ cũng như sự đổ vỡ của chúng ta, có một ác thần “lừa dối cả trái đất” (Ap. 12.9). Hắn ưa thích đối kháng, bất công, vu khống, đó là niềm vui của hắn. Và, đối mặt với sự xấu xa của sự bất hòa, thì những nỗ lực của chúng ta để xây dựng sự hòa hợp là không đủ.

Như thế, ở cao điểm của Lễ Vượt Qua, cao điểm của ơn cứu độ, Chúa Giê-su trút hơi thở, nghĩa là đã tuôn đổ Thần Khí tốt lành của Người trên thế giới thụ tạo để kháng cự thần dữ. Thần Khí tốt lành ấy là Chúa Thánh Thần, Đấng chống lại tinh thần chia rẽ vì Ngài là sự hài hòa, là Thần Khí hiệp nhất vốn đem lại bình an. Ngài mang đến cho thế giới sự hài hòa; do đó Ngài “điều khiển dòng thời gian và canh tân bộ mặt trái đất” (Gaudium et spes, 26; Tv 104,30). Ngay từ ban đầu, và mọi lúc, Ngài đã làm cho các thực tại được tạo dựng chuyển từ hỗn độn sang trật tự, từ phân tán sang liên kết, từ rối ren sang hài hòa. Đây là phong cách của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do, trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta tha thiết kêu cầu Ngài xuống trên thế giới của chúng ta, trong cuộc sống chúng ta và trước mọi chia rẽ! Phải khẳng định rằng, thế giới và Giáo hội hôm nay đang cần đến Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết.

Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến. Xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau.” Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

HOẠT ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chấm dứt chu kỳ mùa phục sinh, phụng vụ  tiếp nối mùa thường niên phần II.  Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đánh dấu giai đoạn thành hình Giáo Hội.  Từ nay Giáo hội sinh hoạt và phát triển dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Nói như thế không có nghĩa là sau khi Đức Giêsu về trời rồi, Chúa Thánh Thần mới hoạt động.  Thần học dạy về hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha tạo dựng – Chúa Con cứu độ – Chúa Thánh Thần thánh hóa, lối nói dễ gây ngộ nhận rằng khi ngôi này làm việc thì ngôi kia nghỉ ngơi, không phải như thế, thử tìm hiểu về Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần là Ngôi Thứ Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa xuất hiện một cách nhiệm lạ từ Cha và Con (nhiệm xuất), tuy nhiên đừng hiểu lầm rằng Chúa Cha và Chúa Con sinh ra Thánh Thần.  Ba Ngôi đồng bản thể như nhau, đồng hiện hữu cùng một trật trong thời gian và đồng quyền năng như nhau.  Ngay từ trang đầu tiên Kinh Thánh đã nói đến sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần.

Nhưng điều gì làm cho Ba Ngôi khác biệt nhau và không lẫn lộn nhau, điều làm cho Ba Ngôi phân biệt nhau đó là mối tương quan, mối tương quan khác nhau làm cho ngôi nầy khác ngôi kia: Cha sinh ra Con và Con được Cha sinh ra, chứ không phải Con sinh ra Cha, Thánh Thần nhiệm xuất bởi Cha và Con, Thánh Thần không phải là con của Chúa Cha và của Chúa Con, Chúa Thánh Thần không làm phát sinh ra Cha và Con.  Một hình ảnh dễ hiểu về mầu nhiệm cao cả nầy: Cha và Con yêu nhau thì xuất hiện Thánh Thần, Thánh Thần là tình yêu bởi Cha và Con.

Trong công trình Sáng Tạo mở đầu sách Sáng Thế viết: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước(St 1, 1-2).   Thánh Thần của Chúa xuất hiện trong buổi đầu tạo dựng và làm cho vũ trụ hiện hữu theo lệnh của Chúa Cha.  Thánh Thần là sự linh họat của chính Thiên Chúa.  Ngài thổi hơi sự sống đổi mới mặt địa cầu.  Người ta có thể nhận thấy hiệu năng của Thánh Thần, trong tạo dựng, trong tác sinh, nhưng không nhìn thấy Thánh Thần bao giờ.  Mọi công trình sáng tạo và hoạt động của Thiên Chúa đều được thực hiện dưới tác động của Thánh Thần.  Thánh Thần là năng lực hoạt động xuất hiện dưới nhiều biểu tượng không định hình rõ rệt như: hơi thở, gió, khí, lửa, dầu, nước, nguồn suối, ngón tay của Thiên Chúa, chim bồ câu.

Các biểu tượng trên không hoàn toàn chính xác để diễn tả bản chất của Chúa Thánh Thần, vì Thiên Chúa thì vô hình vô dạng, các biểu tượng nầy chỉ nói lên hiệu năng khác nhau của Thánh Thần mà thôi.  Chúng ta thấy hiệu năng của gió đi qua khi thấy lá cây lay động, nhưng chúng ta không bắt được gió và không biết gió từ đâu đến và đi đâu, cũng thế Chúa Thánh Thần không thuộc trật tự vật chất.

Chúa Thánh Thần có tên gọi là Đấng An Ủi, Thần Chân Lý, Đấng Bảo Trợ.  Sức mạnh của Thánh Thần không chỉ bên ngoài mà còn nơi nội tâm nữa, nội lực Thánh Thần biến các tông đồ từ nhút nhát trở thành can đảm làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.  Thánh Thần như tài sản trao tay trước khi từ giả mà Đức Giêsu để lại cho các môn đệ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.  Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Bài Tin Mừng. Ga 20,19-23), nghĩa là nhận lấy sức mạnh huyền bí uyển chuyển vô hình vô dạng có khả năng thâm nhập vào vũ trụ bao la và đi sâu vào tâm trí con người, đó là sức sống linh hoạt và phong phú của Thiên Chúa.

Trong công trình Cứu Chuộc, vào thời cuối cùng, mầu nhiệm nhập thể được thực hiện dưới sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Đức Trinh Nữ thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần”.  Mầu nhiệm cứu chuộc được Đức Giêsu thực hiện dưới sức năng động của Thánh Thần: “Thánh Thần đẩy Đức Giêsu vào sa mạc chịu cám dỗ”.  Mọi họat động của Đức Giêsu đều được Thánh Thần tác động.  Nhất là sau khi về trời, Người sai Thánh Thần xuống với các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần, sự kiện lịch sử được sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại.

Biến cố Thánh Thần hiện xuống là cuộc tạo dựng mới, làm cho Giáo Hội non trẻ nhút nhát được vững mạnh, bạo dạn đứng ra rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đức Giêsu sống lại bằng đời sống huynh đệ hợp nhất của mình: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà…  và Thánh Thần đổ xuống như lưỡi lửa xuất hiện tản ra đậu xuống trên từng người một … họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (x. Bài Đọc 1. Cv 2, 1-11).  Cho đến hôm nay chúng ta đang sống trong thời đại Chúa Thánh Thần, nghĩa là mọi sinh họat trong Giáo Hội đều ở dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.  Thiếu vắng Chúa Thánh Thần Giáo hội chỉ là cơ cấu tổ chức trần thế, chẳng khác gì xác ướp Ai-cập.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến hướng dẫn Giáo Hội và làm cho Giáo Hội được phát triển, xin hướng dẫn tâm hồn con luôn biết vâng theo Thánh Thần thúc đẩy. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh, chính xứ Đức An, Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

CON NGƯỜI CỦA THÁNH THẦN

Biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được ghi lại trong Tân Ước cho chúng ta thấy được sự hoạt động vô cùng sâu rộng của Ngài trên đời sống Giáo Hội và từng người Kitô hữu. Kinh nghiệm cá nhân của mỗi người về tác động của Chúa Thánh Thần vẫn luôn được nhấn mạnh, đặc biệt là trong Phong Trào Ngũ Tuần.

Kitô hữu là con người của Thánh Thần, nhưng đó là một tiến trình rộng mở suốt đời. Trong tiến trình này luôn có những cám dỗ bên trong và lôi kéo bên ngoài khiến ta lạc bước, dễ suy thoái và trở lại với kiểu “sống tự nhiên không có Thần Khí” (Gd 1,19). Cần kiểm tâm và phân định lại từng ngày để xem mình có phải là con người của Thánh Thần hay không? Con người của Thánh Thần có những đặc điểm sau:

1- Là con người tự do (x. 2Cr 3, 17). Nhờ để cho Thánh Thần hướng dẫn (x.Gl 5,18), ta được giải thoát khỏi chính mình, trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. Tự do vì không còn bị chế ngự bởi các đam mê của xác thịt (x.Gl 5,16); không còn nô lệ tội lỗi, không còn bị ràng buộc bởi những chuyện phù phiếm và lối sống trần tục, để sống“công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

2- Là người có não trạng thiêng liêng (x. Rm 8,5; 1Cr 10,15). Người của Thánh Thần thường nghĩ đến những thực tại thần thiêng (x. Cl 3,1-4): thích những điều thuộc về Thiên Chúa, ham mê đọc Thánh Kinh để đào luyện bản thân, biết lắng nghe Lời, đón nhận Lời và thực thi Lời, vì người ấy đã trưởng thành trong Đức Kitô (x. Dt 5,13-14). Nhờ vậy, người của Thánh Thần luôn đặt trọng tâm là tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết (x. Mt 6,33), tìm mọi cách loan báo Đức Kitô (x.1Cr 9,16), nên mọi thứ khác thành phụ thuộc.

3- Là người nhiệt tình dấn thân phục vụ (1Cr 12,4-11). Phục vụ là thái độ nền tảng của con người thuộc về Thánh Thần, Đấng tự hiến cho sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Con, cũng như kết hợp mọi người trong Thiên Chúa. Phục vụ cũng là một lựa chọn cơ bản để sống cho Thiên Chúa và tha nhân như Đức Kitô, Đấng trao ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta (x. Mt 20,28). Sự phục vụ trong Thánh Thần chủ yếu là xây dựng nhiệm thể Đức Kitô (x.Ep 4,12), tất cả đều phải nhằm vào việc xây dựng Hội Thánh (x.1Cr 14,26), không như những hình thức phục vụ khác của thế gian (x.Mt 20,24-28). Sự phục vụ theo Thánh Thần là:

– Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất: người của Thánh Thần luôn cảnh giác tối đa trước những hành vi và lời nói của mình cũng như của tha nhân, để tránh sự phân rẽ hay phân hóa trong nội bộ Hội Thánh. Mọi tranh chấp, bất hòa, chia rẽ đều do sự xúi giục của ma quỉ mà ra. Vì thế người của Thánh Thần luôn “theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.” (Rm 14,19).

– Phục vụ vô vị lợi vì lòng mến: Thánh Thần là ngôi vị biểu lộ sự tự hiến. Ngài luôn thúc giục ta phục vụ vì lòng mến, không đòi hỏi, không chờ đợi đáp trả, không lo sợ thiệt thòi, không khép lại trước một vô ơn, không chán nản trước một lãnh đạm,“vui lòng phục vụ như thể phục vụ Chúa chứ không phải người ta” (Ep 6,7).

  – Phục vụ khiêm tốn và âm thầm: Thánh Thần được ví như chiều sâu của Thiên Chúa, nên không chấp nhận việc phô trương bề mặt, không bày tỏ bản thân qua những việc tốt lành. Ngài luôn ẩn mặt mà vẫn hoạt động nơi mỗi người cách âm thầm, nhẹ nhàng, không áp đặt. Vì thế, chúng ta phải tránh kiểu phục vụ như kẻ cả, mà luôn nhận mình “là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

– Phục vụ trong tinh thần từ bỏ: từ bỏ là điều kiện tiên quyết của người môn đệ Đức Kitô, để thực hiện thánh ý Thiên Chúa (x.Mc 10,45). Không thể phục vụ theo cảm tính hay sở thích cá nhân, vì như vậy là phục vụ cách tùy tiện và ngẫu hứng. Phục vụ trong tinh thần từ bỏ cũng là phục vụ trong sự nghèo khó như Chúa Giêsu (Lc 9, 58): chọn sự thất thế chứ không chọn quyền thế; chọn sự coi thường chứ không chọn sự nổi tiếng… để Thiên Chúa được nhận biết và yêu mến.

  1. Là người mang hoa trái của Thánh Thần (Gl 5, 22-23)

Như nhựa sống trong thân cây mang lại hoa trái đúng mùa, Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn Kitô hữu cũng mang đến những mùa gặt thiêng liêng với nhiều hoa trái thánh thiện là:“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”.

Mỗi ngày sống, mỗi biến cố, chúng ta cần đặt mình lại trong Chúa Thánh Thần, là Đấng đang hiện diện trong tâm hồn ta; là Đấng đang điều khiển Giáo Hội và canh tân đời sống nhân loại; là Đấng đang làm nên trời mới đất mới, đang điều hướng con người và vũ trụ qui tụ về nguồn sống vĩnh hằng là chính Đức Kitô, cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Thánh Thần!
Đấng phù trợ cho đời sống chúng con,
Ngài nâng đỡ khi con thấy lo âu,
Ngài ủi an khi con thấy buồn sầu,
Ngài cứu giúp khi gặp cảnh bể dâu.

Chính Ngài là tình yêu hằng tuôn đổ,
cho con người sự sống mới đẹp tươi,
cho thế giới muôn loài được tái tạo,
ban muôn vàn ân phúc của trời cao.

Cho con biết buông mình theo ân sủng,
biết sống và hành động trong tình yêu:
yêu điều tốt đẹp ghét điều xấu xa.
quyết vượt qua những gì còn tăm tối,
khai đường và mở lối để vươn lên,
dám làm nên cuộc cách mạng đời mình.

Cho con đưa tình yêu vào cuộc sống,
và biết đưa cuộc sống vào tình yêu,
để từng giây phút con yêu,
làm nên cuộc đời con sống,
vì con biết rằng, Thiên Chúa Hằng Sống
cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu.

Xin thương đến nhân loại chúng con,
và ban cho một lễ Hiện Xuống mới,
một biến cố ân sủng hóa toàn cầu,
để mọi người được liên kết với nhau,
để thuận hòa an vui tràn khắp chốn,
để yêu thương hợp nhất khắp muôn nơi.

Xin biến đổi chúng con nên tông đồ,
để loan truyền danh thánh Đức Ki-tô,
là tình yêu trong cội nguồn chân thật,
là Mùa Xuân cứu độ cho thế trần. Amen.

Lm Thái Nguyên

WGPKT(17/05/2024) KONTUM