Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm B (CN 03.12.2023) – Hãy Tỉnh Thức

Bài đọc 1: Is 63,16b-17.19b ; 64,2b-7

Phải chi Chúa xé trời mà ngự xuống.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

6316bLạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha,
là Đấng cứu chuộc chúng con :
đó là danh Ngài từ muôn thuở.
17Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con
lạc xa đường lối Ngài ?
Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá,
chẳng còn biết kính sợ Ngài ?
Vì tình thương đối với tôi tớ
là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài,
xin Ngài mau trở lại.
19bPhải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan
642bNgài ngự xuống :
và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan !
3Người ta chưa nghe nói đến bao giờ,
tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy
có vị thần nào, ngoài Chúa ra,
đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình.
4Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui
và nhớ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy.
Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con,
nhưng khi mải đi theo các đường lối của Ngài,
chúng con sẽ được cứu thoát.
5Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế,
mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ.
Tất cả chúng con héo tàn như lá úa,
và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi.
6Không có ai cầu khẩn danh Chúa,
cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài,
vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến,
và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con.
7Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con ;
chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,
chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

Đáp ca: Tv 79,2ac và 3b.15-16.18-19 (Đ. c.4)

Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.

2acLạy Mục Tử nhà Ít-ra-en,
Ngài là Đấng ngự trên các thần hộ giá,3bxin khơi dậy uy dũng của Ngài,
đến cùng chúng con và thương cứu độ.

Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.

15Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,16bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.

Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.

18Xin giơ tay bênh vực Đấng đang ngồi bên hữu
là con người được Chúa ban sức mạnh.19Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.

Đ.Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời,
để chúng con được ơn cứu độ.

Bài đọc 2: 1 Cr 1,3-9

Chúng ta mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta mặc khải vinh quang của Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

3 Thưa anh em, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. 5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. 6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, 7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. 8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. 9 Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Tung hô Tin Mừng:Tv 84,8

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa

và ban ơn cứu độ cho chúng con. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 13,33-37

Anh em phải canh thức : anh em không biết khi nào chủ nhà đến.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. 34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. 35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. 36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. 37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức !”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TỈNH THỨC CHỜ CHÚA ĐẾN

Bước vào chu kỳ phụng vụ năm B, Giáo Hội liên tục nhắc nhủ con cái mình tỉnh thức mong chờ Chúa đến.  Đức Giêsu đã đến trong âm thầm và sẽ đến trong vinh quang mà Giáo hội hằng mong chờ, chúng ta ở giữ hai lần Chúa đến, như vậy có hai lần Chúa đến và một lần con người đến với Chúa trong sự cố cá nhân đầy đột xuất, ngày con người từ giả trần gian, “Khi Chúa thương gọi con về”.

Cả ba Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ nói đến các dụ ngôn các trinh nữ đốt đèn ra đón chàng rể đến bất thình lình; dụ ngôn các nén bạc và cuối cùng là cuộc phán xét chung cuộc vào lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ.  Vào đầu mùa Vọng năm B, Đức Giêsu nói cho các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến …  Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến” (x. Bài Tin Mừng.  Mc 13, 33-37). 

Cũng cần nhắc lại rằng đức tin Kitô giáo không phải là một ý thức hệ.  Ý thức hệ là một lý thuyết do ai đó đề xuất, nó là sản phẩn của trí tuệ nhân loại, trái lại đức tin Kitô giáo là kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Do thái được Thiên Chúa dẫn dắt và can thiệp qua những biến cố thăng trầm trong nhiều thế kỷ. Trong thời gian nầy Thiên Chúa tỏ cho con người biết về bản thể Thiên Chúa, về việc thờ phượng tôn vinh Người, nói được rằng đây là thời gian “sư phạm” nhằm huấn luyện một dân tộc, để nói cho muôn dân rõ ý định cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa.  

Thiên Chúa thật sự can thiệp vào trần gian, biến cố Giáng sinh xảy ra rất âm thầm tưởng chừng như không hiện hữu.  Và thật vậy có những ngày Thiên Chúa như xa vắng trần gian, Người để cho con người tự do tung hoành sống theo ý thích của mình, kể cả giết chết Con Thiên Chúa.  Thiên Chúa thinh lặng và vắng mặt, như ông chủ đi xa nhà lâu ngày, nhưng rồi thời gian có kỳ hạn, ông trở về đòi tính sổ các đầy tớ (x. Bài Tin Mừng).  Vì có nhân vật nào không chấm dứt đời mình bằng cái chết đâu, cái chết tất yếu phải xảy ra để hoàn tất đời con. Vấn đề là khi nào và cách nào cuộc đời chấm dứt.  Đó là một bí mật !  Nên cần phải tỉnh thức.

Tiên tri Isaia diễn tả tâm tình xa vắng mà dân Do thái cảm nghiệm được vào thời hồi hương từ Ba-ben trở về, dân Ítraen cảm thấy Thiên Chúa như vắng mặt, đó là lời than trách của con người ở mọi thế hệ và của thế hệ chúng ta hôm nay nữa: 
 “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài?   …  Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan Ngài …  tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ.  Tất cả chúng con héo tàn như lá úa và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi” (x. Bài Đọc 1. Is 63, 16b-17.19b;64,2b-7).
Chúng ta muốn chặn đứng tất cả các biến cố  “nhiễm uế”  gây đau khổ cho cuộc sống như thiên tai, hỏa hoạn, bão lụt, như dịch Ebola, như dịch Côvít 19, như chiến tranh Syria, Iran, thảm họa IS … nhưng chúng vẫn xảy ra, chính trong các hoàn cảnh bi thương đó chúng ta mong chờ Chúa đến.  Trong hoạn nạn con người cảm nhận sự cần thiết được Thiên Chúa cứu độ. 

Bài Tin Mừng bốn lần nói đến tỉnh thức vì chủ nhà đến không hẹn trước, có thể lúc ban chiều, nửa đêm, gà gáy hay ban mai.  Bốn thời điểm tương ứng với các sự kiện trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu: ban chiều, lúc Chúa hấp hối; nửa đêm lúc Chúa bị phản bội và bị bắt; gà gáy lúc bị Phêrô chối bỏ; ban mai lúc bị kết án tại tòa Philatô.  Vào những thời điểm đó, các tông đồ không đọc ra dấu chỉ thời triệu, họ cứ muốn ngủ, muốn chạy trốn khó khăn và khước từ đồng hành với Đức Giêsu.  Chúng ta được cảnh báo là phải tỉnh thức, tỉnh thức trong thi hành bổn phận, sống quang minh chính đại như giữa ban ngày.

Ngày nay có những cám dỗ làm con người mất cảnh giác: Cám dỗ của thuyết tương đối, là đánh đồng tôn giáo, nghĩa là cho rằng đạo nào cũng tốt như nhau, thần nào gia ân thì chạy chọt cúng vái; cám dỗ cân bằng thiện ích đổi lấy luân lý; cám dỗ muốn xếp hạng luân lý Kitô giáo ngang với công ước xã hội, cái gì có lợi cái đó tốt, cái gì khó khăn thì nhượng bộ gọi là hòa đồng, tự an ủi cho đó là bác ái mục vụ, chạy trốn kỷ luật để được tiếng là thương người bất chấp luật lệ. 

Người Kitô hữu được gọi làm người lính tuần canh phải luôn tỉnh thức, canh chừng và báo hiệu khi biến cố xảy ra.  Người tín hữu báo hiệu niềm hy vọng Chúa đến, đêm có dài thì hừng đông vẫn có lúc tỏ rạng. “Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người” (x. Bài Đọc 2. 1Cr 1, 3-9).  Kitô hữu là người sống niềm hy vọng và mang niềm hy vọng ‘Chúa đến’ cho trần gian, khi họ cử hành ngày Chúa Giáng sinh là họ nhắn gửi cho trần gian rằng Chúa sẽ đến một lần nữa trong vinh quang. 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nóng lòng mong đợi Chúa đến thăm trần gian, xin cho con biết luôn tỉnh thức, cầu nguyện, làm tròn bổn phận như người đầy tớ tốt luôn sẵn sàng chờ đón chủ trở lại. Amen

 

Lm Kontum Lu-y Nguyễn Quang Vinh giáo xứ Đức An

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

TỈNH THỨC

Suy niệm

Cuộc sống có nhiều điều chúng ta phải chờ đợi. Có những chờ đợi nặng nề, căng thẳng, và làm ta lo âu, sợ sệt, vì không biết sẽ ra sao, có những hệ quả như thế nào? Nhưng cũng có những cuộc đợi chờ đầy
thú vị và rất ý nghĩa trong đời, như đợi người yêu trở về từ nơi xa; như cha mẹ chờ con sớm đỗ đạt thành tài. Tuổi trẻ là tuổi của ước mơ và đợi chờ. Mơ ước càng cao càng phải phấn đấu; đợi càng lâu càng phải kiên trì. Sống là biết chờ đợi, và chờ đợi làm thành cuộc sống.
Mùa Vọng, mùa sống với tâm tình chờ đợi Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến và vẫn đang đến trong mọi nỗi vui buồn, trong mọi biến cố lớn nhỏ của đời sống ta. Nhưng ở đây, việc vô cùng hệ trọng là Chúa sẽ đến trong vinh quang mai ngày. Có lẽ ít ai ý thức về điều này, nhất là giới trẻ, vì thấy ngày giờ Chúa đến quá thiêng liêng, xa xăm, nên chỉ quan tâm những điều thiết thực và cấp bách mà mình đang mong đợi ngay trong cuộc sống này. Khi sống quá thực dụng, nên ta dễ đánh mất mục đích sống của đời mình, không biết mình đang sống cho ai vì ai? Đang đi đâu, về đâu? Chính vì vậy, mà Kitô hữu cần tỉnh thức, canh thức, để đón đợi giờ Chúa đến, vì Ngài đến bất thình lình.
Bổn phận người đầy tớ là phải tỉnh thức thâu đêm để chờ đợi chủ trở về. Chờ đợi không phải là ngồi khoanh tay bó gối một cách thụ động, vô hồn, nhưng là thái độ và tính cách của người đang thi hành sứ mạng được giao phó: sứ mạng là con cái Thiên Chúa, là môn đệ Đức Kitô. Để chu toàn sứ mạng này, thái độ cơ bản là đừng để mình bị ngủ mê trong những lo toan và bon chen danh lợi. Ngoài ra, cuộc sống vẫn đầy những thứ gây nghiện. Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay, nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, hay cần sa, mà còn là tiếng tăm danh giá, tiền bạc của cải và đam mê lạc thú. Những thứ đó dễ gây nghiện nặng nề và biến con người thành nô lệ cho chính mình.
Từ ngữ tỉnh thức được lặp lại 12 lần trong Tân Ước, tượng trưng cho con số thập toàn của 12 tháng trong năm, mời gọi ta hãy cảnh giác mình trong từng ngày, trong từng tư tưởng, lời nói, việc làm, để sống thiện hảo bằng tình yêu mến. Như vậy, tỉnh thức là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, là chính bổn phận của mình trong mọi tương quan. Mà tương quan trước tiên là mối liên hệ mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện, để từ đó ta có thể kín múc được sức sống thần linh, và đem lại sự an lành cho những người chung quanh mình hằng ngày.
Tâm trí ta thường lơ đãng, lo nghĩ về nhiều thứ, xác một nơi hồn một nẻo, nên tâm không yên, trí không ổn. Cứ mong cho mọi sự theo ý
mình, buồn lòng vì người này, khổ tâm vì người kia, chán nản vì điều nọ. Sống như vậy thì khó mà tỉnh thức, vì đã đánh mất tập trung vào hiện tại, khiến cho nguồn lực trong ta bị phân tán, năng lực bị phát tán. Những xáo trộn ngổn ngang sẽ kích hoạt trí tưởng tượng mạnh hơn, các sung năng sôi động hơn, tâm hệ bị lay chuyển nguy hại hơn, không còn khả năng cảm nếm hay nghe thấy điều gì khác hơn. Khổng Tử nói lên tình trạng đó như sau: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị” (tâm không yên thì có nhìn cũng không thấy, có nghe cũng không hiểu, có ăn cũng không biết mùi vị). Và như vậy ta không hề sống cuộc đời mình, và có thể đánh mất chính mình.
Hiện tại (present) là một món quà (present) Chúa ban tặng. Đức tin luôn ở thì hiện tại (Dt 11,1), vì Thiên Chúa là Đấng luôn ở trong hiện tại. Vì thế, “Đây là lúc thuận tiện, hôm nay là ngày cứu độ” (2Cr 6,2b). Nếu ta đón nhận toàn tâm, toàn ý, thì hiện tại mở ra cho ta chân trời mới, khả năng mới, sức sống mới. Hiện tại có thể là vui hay buồn, may hay rủi, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại… Những điều đó không quan trọng; quan trọng là nhận ra Chúa đang đến, đang có mặt. Hiện tại dù có cam go, khốn khó, ta vẫn cảm nhận nét bút kỳ diệu của Thiên Chúa trên những đường cong của cuộc đời. Nhờ đó ta không u mê trước mọi tình cảnh, nhưng sáng suốt trong mọi tình trạng.
“Có hai ngày trong năm ta không thể làm gì cả. Một là ngày hôm qua, hai là ngày mai. Hôm nay chính là ngày bạn hãy yêu, tin, làm, và chủ yếu là sống” (Đạt-lai Lạt-ma). Cuộc sống vật chất ngày càng cao và càng cung ứng cho ta nhiều thứ để hưởng thụ, càng dễ ru ngủ và đưa ta vào cơn mê mà không hay không biết. Là Kitô hữu, chúng ta luôn sống tỉnh thức: là giữ tâm hồn mình sạch tội, say mê phục vụ và sống cao độ tình yêu thương bác ái. Nhờ vậy, lòng trí chúng ta luôn bình an và hân hoan đợi chờ ngày Chúa đến, ngày hoàn tất những gì mà chúng ta đã tận lực sống cuộc đời mình cho Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa dạy con phải biết tỉnh thức luôn,
để nhận ra Chúa Đấng thường hay đến,
Đấng cao xa nhưng vẫn ở gần bên,
chính là điều mà con dễ hay quên.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới sáng suốt trong mọi tình thế,
biết xử khôn ngoan trong mọi tình trạng,
biết sống vững vàng trong mọi tình huống,
và biết linh động trong mọi tình hình.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới phát hiện ra Chúa trong đời,
qua mọi người và mọi lúc mọi nơi,
qua vui buồn và sướng khổ hôm nay,
qua đổi thay và biến chuyển từng ngày.
Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thoát sa lầy và cạm bẫy,
thoát cám dỗ trói buộc của thế gian,
thoát nguy nan và sự ác lan tràn,
để con sống vững vàng và trung tín.

Chỉ trong tỉnh thức,
con mới thật vui mừng bắt gặp Chúa,
đang âm thầm đến với cuộc đời con,
làm mới lại cuộc sống đã hao mòn,
để cho lòng tin mến con nên trọn.

Nhưng thực tế con lại dễ ngủ mê,
nhắm tương lai mà quên đi hiện tại
dễ lê thê với những chuyện trần thế,
theo đam mê đến quên mất nẻo về.
Chúa biết thân con nặng nề yếu đuối,
đừng để con lầm lũi trong mê muội,
nhưng tập trung vào Chúa Đấng sẽ tới,
Đấng lòng con khao khát mãi khôn vơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(29/11/2023) KONTUM