Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm B (CN 25.02.2024) – Hãy Vâng Nghe Lời Người

Bài đọc 1: St 22,1-2.9a.10-13.15-18

Tổ phụ Áp-ra-ham dâng lễ tế.

Bài trích sách Sáng thế.

1 Hồi đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông : “Áp-ra-ham !” Ông thưa : “Dạ, con đây !” 2 Người phán : “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

9a Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó. 10 Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.

11 Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông : “Áp-ra-ham ! Áp-ra-ham !” Ông thưa : “Dạ, con đây !” 12 Người nói : “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó ! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa : đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc !” 13 Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

15 Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa 16 và nói : “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề : bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, 17 nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. 18 Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.”

Đáp ca: Tv 115,10 và 15.16-17.18-19 (Đ. Tv 114,9)

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

10Tôi đã tin cả khi mình đã nói :
“Ôi nhục nhã ê chề !”15Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người.

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

16Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ,
tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài,
xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.17Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn,
và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

18Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người,19tại khuôn viên đền Chúa, giữa lòng ngươi,
hỡi Giê-ru-sa-lem !

Đ.Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời
trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Bài đọc 2: Rm 8,31b-34

Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

31b Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? 34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?

Tung hô Tin Mừng: 

Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng : Đây là Con yêu dấu, làm vui thoả lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.

Tin Mừng: Mc 9,2-10

Đây là Con Ta yêu dấu.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

2 Khi ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Trong nguyên ngữ, “Hy lễ” được giải thích là “Phẩm vật của con người dâng lên thần thánh để biểu lộ lòng tôn kính, cảm tạ, xin ơn và đền tội”. Trong Cựu ước, “Hy lễ” là những phẩm vật được dâng lên Thiên Chúa. Ví dụ: A-ben dâng lên Thiên Chúa của đầu mùa trong sách Sáng thế chương 4, câu 4 (Trích dẫn Từ điển Công giáo, Tr 449).

Khi nói đến “Hy lễ”, là nói đến sự chết. Khi dâng con cừu, con chiên, là người ta giết các con vật đó để dâng tiến thần linh, hay dâng tiến Thiên Chúa trong Cựu ước. Nói cách khác, qua hy lễ, con người dâng chính sự sống mình cho thần linh, nhưng vì con người không thể dâng chính mạng sống mình, nên người ta “mượn” sự sống của động vật được coi là tinh sạch để dâng thay.

Trong trình thuật về việc ông Áp-ra-ham dâng tiến I-sa-ac là con trai duy nhất (Bài đọc I), ông đã làm theo lệnh truyền của Chúa. Đức Chúa muốn thử thách sự vâng lời của ông. Ông đã hoàn toàn vâng theo ý Chúa, chấp nhận sát tế con trai duy nhất làm hy tế dâng kính Ngài.

Mùa Chay cũng được gọi là Mùa Thương khó. Giáo Hội kính nhớ cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Các hình thức đạo đức bình dân như ngắm sự thương khó Chúa Giê-su và ngắm đàng thánh giá giúp chúng ta sống lại những ngày cuối cùng của Chúa trên trần gian. Ngay từ thế kỷ đầu, Ki-tô giáo đã nhận ra và khẳng định tính hy lễ trong cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Vì thế, Hy lễ đích thực và duy nhất chính là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã hiến mình trên Thánh giá để xóa tội trần gian (x. Dt 10,11-14). Hy lễ này hoàn thiện và thay thế mọi hy lễ xưa, và vẫn còn tái diễn mỗi ngày nơi Thánh lễ (Trích Từ điển Công giáo, Tr 499).

Việc ông Áp-ra-ham đưa con mình lên núi với ý định sát tế dâng lên Thiên Chúa, dưới lăng kính Ki-tô giáo, được suy tư như hình bóng về việc Đức Giê-su chịu chết trên đồi Can-vê. Như cậu bé I-sa-ac âm thầm vác bó củi lên núi, Chúa Giê-su mang thập giá trên vai từng bước leo lên Núi Sọ. Trên cây thập giá, Chúa Giê-su vừa là Tư tế, vừa là Của lễ. Với hy tế thập giá, của lễ dâng lên Thiên Chúa không còn là máu bò máu chiên hay những vật phẩm trần tục khác, mà là chính Con Thiên Chúa. Thánh Phao-lô sau này suy tư: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Bài đọc II).

Đức Giê-su dâng cuộc đời mình làm hy tế vì yêu mến và vì trung thành với Chúa Cha. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao của Hy tế này. Tuy vậy, trọn vẹn cuộc sống trần gian của Đức Giê-su đều mang giá trị hy tế. Bởi lẽ Người làm mọi sự đều tuân theo ý Chúa Cha, mà hy lễ cao cả nhất là vâng phục và thi hành ý của Chúa Cha. Tác giả thư gửi giáo dân Híp-ri đã viết: “Đức Ki-tô đã nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó là chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: ‘Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới” (Dt 10,8-9). Trình thuật Chúa biến đổi hình dạng trên núi cao, vừa báo trước cuộc khổ nạn của Người, vừa khẳng định với ba môn đệ về sứ mạng Thiên sai mà Chúa Cha trao phó cho Đức Giê-su. Chúng ta chú ý chi tiết “trên núi”. Chi tiết này giúp ta liên tưởng đến việc ông Áp-ra-ham đưa con mình lên núi với ý định sát tế hiến dâng cho Thiên Chúa.

Nhiều người đặt câu hỏi: vậy ngày nay có còn hy lễ dâng lên Thiên Chúa không? Thưa, ngày nay, không còn hy lễ theo cách thức thời Cựu ước, tức là không dâng lên Thiên Chúa chiên bò hay các phẩm vật trần gian. Hy lễ của Đức Giê-su được gọi là “Hy lễ mới”. Trên cây thập giá năm xưa, Chúa Giê-su đã dâng hiến chính bản thân Người, làm hy lễ xá tội cho toàn thể nhân loại. Tác giả thư Híp-ri viết: “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,10). Trong Thánh thi chầu Mình Thánh (Tantum ergo), chúng ta hát: “Phụng vụ xưa phải được thay, này đây nghi lễ mới…”

Mùa Chay là mùa canh tân đổi mới cuộc đời. Những thực hành truyền thống của Mùa Chay là cầu nguyện, chay tịnh, chia sẻ giúp chúng ta góp phần mình vào hy tế của Đức Giê-su. Hơn nữa, hy lễ mà Ki-tô hữu hôm nay cũng như ở mọi thời đại dâng lên Thiên Chúa chính là con người và đời sống của mình, kết hợp với hy lễ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô đã mời gọi tín hữu Rô-ma: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Nhờ Bí tích Thanh tẩy, mỗi chúng ta đều có chức Tư tế (chức Tư tế cộng đồng), để dâng lên Chúa chính bản thân mình cùng với những thành công, thất bại trong cuộc đời.

Ngày hôm nay, đối với Ki-tô hữu, lễ toàn thiêu cũng như các hy lễ của Cựu ước không tồn tại nữa. Tuy vậy, mỗi lần dâng thánh lễ, là hy lễ của Đức Giê-su năm xưa lại trở thành hiện tại với chúng ta. Đức Giê-su tự hiến trên bàn thờ, qua tay của vị linh mục chủ lễ, cũng một thể thức như xưa Người đã dâng mình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay giúp chúng ta góp phần vào hy lễ của Chúa, đem lại sự an bình nội tâm cho bản thân và góp phần mang lại niềm vui cho đồng loại.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

TỎA SÁNG TRÊN NÚI 

Mùa Chay dọn lòng chúng ta lên núi Canvê gặp gỡ Đức Giêsu tử nạn.  Người chịu đóng đinh vào thập giá theo bản án viết trên đầu Người (INRI : Giêsu Nadarét Vua Do thái).  Cái chết của Người không phải là bất đắc kỳ tử, hay tai nạn đột xuất ngẫu nhiên xảy ra, nhưng là cái chết có ý thức, có chuẩn bị, được báo trước quan hình ảnh Ixaác.  Cái chết này được Đức Giêsu đón nhận trong ao ước thực hiện ý của Cha mà những tuần tiếp theo, nhất là trong Tuần Thánh, chúng ta sẽ thấy rõ nét hơn, ý muốn này được thực hiện cách cao thượng, tự hiến vì vâng lời Cha và vì yêu thương nhân loại và để cứu chuộc nhân loại.

Cái chết của Chúa Giêsu đầy đau khổ và ô nhục xét theo nhãn quan nhân loại.  Đề phòng trước một cuộc khủng hoảng xảy ra nơi các môn đệ và để không làm môn đệ thất vọng vì con đường khổ nạn mà Chúa sắp bước vào.  Đức Giêsu chọn ba môn đệ trung tín để họ có bổn phận làm nhân chứng củng cố đức tin cho các anh em khác.  Người đưa họ lên núi cao, cho họ thấy vinh quang phục sinh, cho họ được tiền hưởng, tiền cảm nghiệm vinh quang chiến thắng của Người.  Ánh sáng hôm đó tỏa rạng trên núi Tabore là ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh sau nầy.

Cuộc hiến tế của Ixaác mà Bài Đọc 1 hôm trình thuật, xảy ra qua trên một ngọn núi, cho thấy một cách lờ mờ hình ảnh của Đức Giêsu tự hiến tế sau này trên một ngọn núi khác, trên núi Sọ. Thiên Chúa thử lòng ông Ápraham, lệnh cho ông hiến tế Ixaác, là người con độc nhất, người con của lời hứa, người con của niềm hy vọng: “Hãy đem con của ngươi, đưa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (x. Bài Đọc 1. St 22,1-2.9a.10-13.15-18).  Thiên Chúa đã kịp thời can thiệp để lưỡi gươm của Ápraham không rơi xuống cổ của Ixaác, Người đã tha cho Ixaác mà không tha cho con mình là Đức Giêsu!  Cho thấy ơn cứu chuộc được mua bằng máu châu báu của Con Thiên Chúa, cho thấy tội lỗi thật năng nề.

Cả hai cái chết đều để lại một sứ điệp: con đường vinh quang là con đường từ bỏ hoàn toàn, hiến thân hoàn toàn, tự hủy ra không hoàn toàn, để Thiên Chúa có thể lấp đầy chỗ trống nơi chúng ta.  Con đường này Ápraham đã kinh qua khi từ bỏ quê cha đất tổ, ra đi theo lời mời gọi của Thiên Chúa.  Một sự từ bỏ đứt ruột, một sự nhổ rễ tận căn, ra đi mà không biết mình đi về đâu.  Tương tự như thế trong mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Hãy đem con một yêu dấu của ngươi …làm lễ tòan thiêu”.  Ông Ápraham thưa với Thiên Chúa: “Dạ, con đây”.  Đầy can đảm ông lên núi hiến tế con.  Vì vâng lời tuyệt đối, Ápraham trở thành cha của những kẻ tin, cha một dòng tộc đông như sao trời.

2.000 năm sau, một người con độc nhất khác xuất từ dòng dõi Ápraham, Đức Giêsu là Con yêu dấu của Cha đã biến hình chói lọi trên đỉnh núi Tabore trước ba môn đệ thân tín, có đám mây bao phủ (x. Bài Tin Mừng. Mc 9,2-10).  Tất cả những yếu tố này, diễn tả sự hiện diện và vinh quang của Cha.  Hiện diện trong cuộc thần hiển này có cả hai nhân chứng Cựu Ước, ông Môsê và ông Êlia, đại diện cho Luật và Tiên tri, tất cả hướng về Đức Giêsu như trung tâm ơn cứu chuộc, và tán đồng chương trình cứu độ sắp thực hiện mà lúc này chưa tiện để nói ra: “Không được kể cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại” (c. 9) .

Không được kể…” là vì sợ thiên hạ nhận lầm Đức Giêsu là vị cứu tinh trần thế.  Qua hiến tế Ixaác, Kinh thánh ám tàng nói về Đức Giêsu, và báo trước con đường khổ nạn và phục sinh của Người.  Cũng như Ápraham, Đức Giêsu cũng trải qua thử thách, chứ không dùng thần quyền của mình để mê hoặc dân chúng bằng phép lạ.  Và cũng như Ápraham, Đức Giêsu lột bỏ tất cả, chấp nhận nghèo hèn, tự hủy ra không, không dựa cậy vào bất cứ thế lực nào ngoài Lời của Thiên Chúa.

Nơi sông Giođan Người thật sự liên đới với thân phận tội lỗi của nhân loại khi cùng xếp hàng và bước xuống nước, nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả.  Bước lên khỏi nước, trời xé ra và có lời của Cha giới thiệu : “Này là con Ta yêu dấu”; lời đó được lặp lại hôm nay trên đỉnh núi thánh: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (c. 7).  Việc “Trời xé ra” khai thông sự liên hệ giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người nhờ trung gian duy nhất là Chúa Giêsu Kitô.  Lời giới thiệu được công bố vào thời điểm khởi đầu cuộc rao giảng công khai, và vào thời điểm khởi đầu đi lên Giêrusalem chịu khổ nạn, như lời bảo chứng cho chúng ta: sự chiến thắng khải hoàn chung cuộc của Đức Giêsu. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết  lắng nghe lời chúa và quyết tâm theo Người, cho dù gặp phải những cam go thử thách trong cuộc sống thường nhật, vì Chúa đã hứa ở với Hội thánh cho đến tận thế. Amen

—————————-

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

HIỂN DUNG

Suy niệm
Bài đọc thứ nhất (St 15,5-12.17-18) kể lại việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với tổ phụ Abraham. Giao ước ấy là nền tảng của sự biến đổi thân phận loài người, từ trong tội lệ được nâng lên làm dân thánh của Thiên Chúa. Đến bài đọc thứ hai, thánh Phaolô còn cho các tín hữu biết rằng: “Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người.” (Pl 3,17 – 4,1).
Đức Kitô là mẫu mực của việc biến đổi đời sống con người chúng ta. Thế nhưng Phụng vụ Lời Chúa tuần thứ nhất Mùa Chay lại dẫn chúng ta vào sa mạc, để chứng kiến Đức Giêsu chịu cám dỗ. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện nhân tính của Ngài: một con người yếu đuối, mỏng giòn, chịu đói khát, chịu thử thách, chịu cám dỗ như mọi người.
Chúa Nhật tuần thứ hai này, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng Đức Giêsu hiển dung trên núi cao. Ở đó, ta thấy Chúa thể hiện thiên tính của Ngài: sáng láng, rực rỡ, vinh hiển. Đức Giêsu vẫn là một, không hề phân chia trong bản tính, và luôn hiệp nhất trong Ngôi vị, Ngài thật sự là Thiên Chúa và cũng thật sự là con người, nên sự hiện diện của Ngài vô cùng sinh động và phong phú cho đời sống nhân loại.
Trong cuộc hiển dung này, có ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu đưa lên núi Tabo là Phêrô, Gioan và Giacôbê. Ngài muốn cho họ chứng kiến đôi chút sự rạng ngời vinh hiển trong tự căn tính của Ngài là Con Thiên Chúa, để củng cố niềm tin cho họ, trước khi họ chứng kiến Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo khai trừ, bị mọi người ruồng rẫy, và xem ra như bị Chúa Cha như bỏ rơi trong cuộc khổ hình trên núi Sọ.
Trong khi Đức Giêsu hiển dung còn có sự xuất hiện của Môsê: người đón nhận lề luật từ Thiên Chúa; và Elia: người đứng hàng đầu trong số các ngôn sứ của Thiên Chúa. Đàm đạo với hai vị này, Đức Giêsu muốn cho thấy nơi bản thân Ngài đã hoàn tất mọi lời hứa về Đấng Mêsia, trong tính cách là Con Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc loài người. Với ý nghĩa đó, Ngài là Môsê mới vừa là Êlia mới, mở ra một trang sử mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trước thị kiến đầy kinh ngạc này, Phêrô nói lên cảm xúc đầy hoan lạc mà ông và các bạn đang tận hưởng, bằng cách xin Thầy cho dựng ba lều để ở lại luôn trên núi. Thực ra, ông không biết mình nói gì, vì các ông kinh hoàng. Tiếp theo là một đám mây bao phủ, nói lên sự xuất hiện của Thiên Chúa với việc trao ban một sứ điệp quan trọng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Lời này lặp lại lời của biến cố phép rửa của Chúa Giêsu, với một chút thay đổi, nhằm khích lệ các môn đệ hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào Thầy mình. Tuy nhiên trọng điểm của trình thuật này xem ra hệ tại nơi các từ ngữ sau: “Hãy vâng nghe Lời Người”. Chắc chắn lời này nhắm tới điều mà Đức Giêsu mới nói với họ trước đó về sự thương khó và sự phục sinh của Ngài. Ngài sẽ nhận lãnh vinh quang bên kia sự nhục hình và cái chết, thì liệu họ có giữ được niềm hy vọng, và có dám tiếp tục bước theo Ngài trên con đường thập giá không?
Cũng như Phêrô, Giacôbê và Gioan, mỗi người chúng ta cũng được Chúa dẫn riêng ra một cách nào đó để Ngài biểu lộ chính mình cho ta. Nhưng nhiều khi ta muốn tránh né, chỉ muốn lao đầu vào công việc để
thể hiện chính mình. Nhất là giới trẻ với tính khí sôi động, chỉ muốn chạy theo cuộc sống để tìm lợi lộc, danh giá; tìm đến những thú vui bên ngoài, và không ngần ngại ngồi lê với bạn bè, với ly trà chén rượu suốt đêm thâu, nhưng ngồi lại với Chúa một chút thì đã thấy quá lâu. Quen với lối sống ồn ào và bon chen ở đời, nên ta không còn khả năng để sống cái thinh lặng nội tâm, hầu nhận ra sự hiện diện của
Chúa đang chờ đợi mình. Chúa vẫn luôn có một dự định cho mỗi người, có điều gì đó sâu xa để trao ban, để củng cố đức tin và gia tăng
đức mến cho ta. Chỉ khi có giờ cận kề bên Chúa, ta mới cảm nhận tình thương mến của Ngài, mới vững vàng hơn trước những lôi kéo của thế tục, mới vững tâm hơn trước những nghi nan, mới vững lòng hơn trước những đêm tối cuộc đời, mới vững mạnh hơn trước những đau thương và thử thách.
Đức Giêsu vẫn đưa ta vào từng biến cố quan trọng, nhưng rồi cũng giống như Phêrô, ta chẳng hiểu gì. Tuy nhiên, với tình yêu sâu thẳm, Ngài vẫn tiếp tục khai mở tâm hồn ta. Nếu ta biết “lắng nghe Lời Ngài” bằng cả trái tim mình, biết chấp nhận đi vào con đường hẹp của Ngài, ta sẽ được biến đổi từ “cái tôi bên ngoài” thành “cái tôi sâu thẳm” của mình, là chính mình trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ với sự biến đổi hôm nay trong ơn thánh, mới hứa hẹn cho ta một cuộc biến đổi mai ngày trong vinh quang Nước Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ,
trước biến cố đau thương và tử nạn,
bằng cách Chúa hiển dung thật sáng láng.
Con tin rằng trong cuộc sống hôm nay,
Chúa cũng chuẩn bị cho con như vậy,
để vượt qua những gian nan thử thách,
bằng ủi an và nâng đỡ hằng ngày.
Nhưng đòi con phải can đảm đi ra,
ra khỏi mình ra khỏi những tiện nghi,
ra khỏi ù lì và ươn lười bất động,
để sống điều mà Chúa vẫn ước mong.
Xem ra con vẫn còn những tối tăm,
vẫn còn phải lần mò trong rối rắm,
nên không thể tránh được những sai lầm,
chỉ khi con biết lặng trầm bên Chúa,
biết lắng nghe Lời Chúa tận thâm tâm,
đời sống con mới thâm trầm tỏa sáng.
Chỉ có Chúa mới chiếu sáng đời con,
khi con biết đi vào con đường hẹp,
là cách sống thật đẹp ý Chúa Cha,
cũng là con đường Chúa đã đi qua,
để con tiếp bước thành người môn đệ,
và đem lại những ân huệ cho đời.

Chúa là điểm hẹn cho con từng ngày,
để con gặp gỡ vui mừng hăng say,
xin cho con sẵn sàng nên nhân chứng,
dám dấn thân trong sứ mạng Tin Mừng,
cho thế giới và lòng người đổi mới,
để Nước Trời được lan tỏa khắp nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(23/02/2024) KONTUM