Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm C (CN 23.03.2025) – Nếu Không Sám Hối (Lc 13,1-9)

Bài đọc 1: Xh 3,1-8a.13-15

Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.

Bài trích sách Xuất hành.

1 Bấy giờ ông Mô-sê đang chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô, tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. 2 Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. 3 Ông tự bảo : “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được : vì sao bụi cây lại không cháy rụi ?” 4 Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : “Mô-sê ! Mô-sê !” Ông thưa : “Dạ, tôi đây !” 5 Người phán : “Chớ lại gần ! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.” 6 Người lại phán : “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp.” Ông Mô-sê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.

7 Đức Chúa phán : “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8a Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”

13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa : “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ : Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con : Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán : “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này : “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.” 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê : “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này : Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

Đáp ca: Tv 102,1-2.3-4.6-7.8 và 11 (Đ. c.8a)

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

1Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh !2Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

3Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.4Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

6Chúa phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,7mặc khải cho Mô-sê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,11Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Đ.Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.

Bài đọc 2: 1 Cr 10,1-6.10-12

Đời sống của dân Ít-ra-en với ông Mô-sê trong sa mạc đã được chép lại để răn dạy chúng ta.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

1 Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này : là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. 2 Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. 3 Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, 4 tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. 5 Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.

6 Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta. 10 Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách : họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. 11 Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. 12 Bởi vậy, ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.

Tung hô Tin Mừng: Mt 4,17
Chúa nói : anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.
Tin Mừng: Lc 13,1-9

Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Một nết xấu thường thấy trong mỗi người chúng ta, đó là sự xét đoán người khác. Trong đời sống hằng ngày, hầu như ai cũng có thói quen dễ dàng phán xét về một con người, một sự việc hoặc một hiện tượng, nhất là trong thời đại công nghệ bùng nổ thông tin hiện nay. Những “anh hùng bàn phím” luôn tham gia tranh luận trên các diễn đàn của nền tảng xã hội rất nhiệt tình, sẵn sàng ném đá và sỉ vả người khác dù không quen biết và cũng chẳng có thù oán nợ nần. Khi xét đoán, là ta đặt mình vào vị trí của một quan tòa, nhưng vị quan tòa duy nhất là Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới có quyền xét đoán. Chúng ta là người phàm còn nhiều khiếm khuyết, không thể chiếm vị trí của Đấng Tối cao. Lời Chúa trong Phụng vụ hôm nay muốn nói với chúng ta: đừng vội vàng xét đoán về một con người hay một sự việc, nhưng trái lại, luôn cảm thông với những nạn nhân và nhất là qua những biến cố đó mà nhìn lại chính mình.

Chúa Giê-su đã dạy trong Tin Mừng “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt7,1-2)Ở đây chúng ta học được một điều quan trọng, đó là khi chúng ta chiếm quyền của Chúa để làm quan tòa, thì chúng ta sẽ bị Chúa xét xử. Điều ấy cũng giống như chúng ta cố chấp không tha thứ cho người khác, thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta. Thánh Gia-cô-bê nói về việc xét đoán như sau: “Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn bạn là ai mà dám xét đoán người thân cận?” (Gc 4,12).

Sự kiện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết chết và sự kiện mười tám người bị đè do tháp Si-lô-ê đổ sập, dưới cái nhìn của những người đương thời, họ là những người tội lỗi và họ phải chết là thích đáng. Chúa Giê-su không đồng tình với quan niệm đó. Người phê phán lối nhìn kỳ thị và lệch lạc này. Nhân đó, Người kêu gọi những người đang chê cười các nạn nhân phải nhìn lại chính mình để sám hối ăn năn, bởi lẽ họ không thánh thiện gì hơn những nạn nhân bị coi là tội lỗi kia.

Thiên Chúa luôn nhân ái yêu thương. Ngài không nhìn con người theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng thấu tậm tân can. Thiên Chúa thấu hiểu nỗi đau của con người và ra tay cứu giúp họ. Bài đọc I đưa chúng ta về việc Chúa gọi ông Môi-sen và trao nhiệm vụ lãnh đạo giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ của người Ai-cập. Qua những lời được phán từ bụi gai, Chúa nói với ông Môi-sen: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than và bọn cai hành hạ. Ta sẽ xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật”. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Môi-sen qua bụi gai cháy bừng là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước tiến triển của mạc khải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa tự giới thiệu danh của Ngài cho con người. Nếu ông Môi-sen chẳng hiểu gì khi Thiên Chúa tự giới thiệu Ngài là  “Đấng Tự hữu”, thì ông lại dễ dàng nhận ra Thiên Chúa khi Ngài nhắc đến các tổ phụ, tức là Áp-ra-ham, I-sa-ác, và Gia-cóp. Mối tương quan này cho thấy Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành với lịch sử Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Danh Thiên Chúa được kêu cầu cho các thế hệ tương lai, chính là danh xưng gắn liền với các Tổ phụ của dân tộc thánh. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã làm cho nhân loại qua các tổ phụ đã tạo nên danh xưng của Ngài.

Sau này, Chúa Giê-su cũng không kết án bất kỳ ai. Trong trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội, Chúa cũng nói với các kỳ lão: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc mà ném đá chị này trước đi”. Khi mọi người lần lượt bỏ đi hết, Chúa nói với người phụ nữ: “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (x. Ga 8,1-11). Chúa Giê-su không kết án quá khứ của người phụ nữ, đồng thời mở ra cho chị một tương lai. Hôm nay Người cũng vẫn đang làm với chúng ta như thế, và dạy chúng ta sống nhân ái với nhau. Chúa không kết án chúng ta, chúng ta đừng kết án nhau.

Khi suy tư về những sự kiện trong quá khứ, cũng như khi chứng kiến những sự việc xảy đến trong hiện tại, thánh Phao-lô khuyên dạy chúng ta nhìn lại mình, đồng thời tìm ở đó những bài học bổ ích cho bản thân. Nhờ chuyên tâm rèn luyện và giữ mình, chúng ta không còn chiều theo những dụng vọng xấu xa, tránh những sai lầm của bản thân cũng như của người khác (Bài đọc II).

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu”. Lời Thánh vịnh 102 được hát lên nhiều lần trong Mùa Chay, như một lời mời gọi chúng ta hãy nhận ra lòng từ bi của Chúa để thành tâm mạnh dạn trở về. Ngài sẽ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, và chữa lành những bệnh tật của chúng ta. Tác giả Thánh vịnh cũng mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn nhân ái và cảm thông đối với tha nhân, vì chúng ta hết thảy đều là tội nhân trước mặt Chúa. Nguyện xin Chúa soi sáng, hướng dẫn và thêm sức, để chúng ta can đảm trở về với Ngài.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

THIÊN  CHÚA  HIỆN  HỮU

Cám dỗ cáo tội Thiên Chúa khi xảy ra tai ương hoạn nạn, con người trách móc Thiên Chúa quá xa cách, quá thinh lặng thờ ơ, thiếu quan tâm đến con người.  Xuyên suốt lịch sử nhân loại, chiến tranh, bệnh tật và thiên tai mù quáng liên tục hằn xuống trên nhân loại.  Tâm trí chúng ta không lý giải được căn nguyên tại sao sự Dữ xuất hiện, tại sao Cô-vít 19 xảy ra cho người lành và kẻ dữ, những sự kiện đó thường đưa đến hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa : ‘Giá như Chúa hiện hữu thì đâu có thế nầy!’ ‘Nếu có Chúa thì tại sao sự dữ xảy ra tồi tệ đến thế!’ ‘Nếu Chúa toàn năng sao Chúa không ngăn chặn thiên tai đó lại!

Phụng vụ Chúa nhật thứ ba mùa Chay kéo sự chú ý chúng ta về những hoạn nạn kiểu như vậy.  Bài đọc sách Xuất Hành gợi lên cảnh nô lệ cực nhọc của dân tộc Do thái tại đất Ai cập.  Còn bài Tin Mừng lại nói đến cảnh tàn sát của Philatô gây ra cho người Galilê ngay khi họ làm việc thờ phượng; và việc tháp Silôác đổ xuống đè chết 18 người tại Giêrusalem (x. Lc 13, 1-9).  Và ngày nay không thiếu gì những sự dữ liên tục đổ xuống chỗ này chỗ nọ, trước những sự kiện tang thương như thế con người  cảm thấy nhanh chóng làm quen với bất hạnh của tha nhân và có khi cảm thấy hả giận thốt lên ‘đáng kiếp’, ‘Chúa phạt đấy’, như thấy Chúa trả thù.  Thật ra Thiên Chúa luôn gần gũi con người trong mọi hoàn cảnh.

Trình thuật cuộc đào thoát của Môsê, ông mang tội chết vì giết người, ông chạy trốn nhà vua Ai-cập, tuy ông vốn có tính khí lãnh đạo, nhưng xem ra ông muốn an phận ẩn thân nơi quê vợ.  Ông cưới vợ và lập nghiệp, chăn chiên cho bố vợ, cho qua ngày đoạn tháng, đang khi đó đồng hương của ông đang kêu la dưới làn roi của cai tù Ai cập.  Nếu ông đã quên nỗi bất hạnh nầy của đồng bào, thì Đức Chúa nhắc nhớ ông tình liên đới qua biến cố bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi tại núi Khôrếp.  Thiên Chúa đã tự mặc khải mình như kẻ không chạy trốn trước cảnh khổ, như bụi gai không ngừng cháy, Người không ngớt yêu thương và đồng cảm với kẻ bị áp bức nô lệ và cưu mang kế hoạch giải phóng họ.  Người gọi Môsê cộng tác giải phóng dân.

Chính Đức Chúa khơi dậy nơi Môsê ý thức trách nhiệm và ý chí tự do: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ.  Phải, Ta biết các nỗi khổ của chúng” (Bài đọc 1. Xh 3, 7).  Và Chúa đã giao trách nhiệm cho Môsê giải phóng con cái Ítraen khỏi đất nô lệ.  Ông Môsê hỏi danh thánh Chúa là gì, Người nói: “Ta là Đấng Hiện Hữu”.  Đối với người Do thái tên là người, tên của một người gói ghém bản chất, chức năng và sứ mệnh của nhân vật đó.  Phẩm tính đầu tiên của Thiên Chúa là sự hiện hữu tất yếu của Người, nói đến Thiên Chúa là nói đến hiện hữu, Đấng tự mình mà có, Đấng tự hữu, Đấng hằng hữu.

Thiên Chúa của Kinh thánh luôn luôn là Thiên Chúa giải phóng, Người giải phóng dân khỏi nô lệ Ai cập, đây là biến cố nền tảng của đức tin nơi dân Do thái, họ biết đến Thiên Chúa giải phóng trước khi biết Người là Thiên Chúa sáng tạo.  Sách Xuất hành là đệ nhất trong Các Sách Thánh ghi lại biến cố nầy.  Biến cố  giải phóng sẽ không khép lại, không chấm dứt,  điều mà Thiên Chúa hôm qua đã làm, Người sẽ thực hiện hôm nay nữa, đó chính là bản chất sâu thẳm của Người.

Kinh nghiệm trong thường nhật cuộc sống, có khi chúng ta dễ dàng nhận ra sự can thiệp và phúc lành của Thiên Chúa ban cho, ngay cả khi chúng ta chưa mở miệng cầu xin.  Những câu nói dân gian như “người tính không bằng trời tính”, “hay không bằng hên”, “số được hưởng”, “Thiên hữu nhãn”(trời có mắt)”, “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, tất cả muốn nói có sự xếp đặt nào đó đến từ Ông Trời.

Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa sáng tạo, Thiên Chúa giải phóng. Thiên Chúa hôm qua toàn năng, mà hôm nay không còn toàn năng nữa, thì thiên chúa đó chưa thể được gọi là Thiên Chúa toàn năng.  Thiên Chúa hiện hữu, sáng tạo và giải phóng ngay trong hiện tại cuộc sống, Thiên Chúa đó mới thật sự là toàn năng.  Giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách nô lệ Ai-cập là dấu chỉ nói cho chúng ta biết Người là Đấng giải phóng nhân loại.  Sự toàn năng của Thiên Chúa không bị thời gian giới hạn.  Hôm qua, hôm nay và mãi mãi là toàn năng mới thật sự là Thiên Chúa toàn năng.

Hình ảnh bụi gai đang cháy, nói lên sự hiện hữu và quyền năng Thiên Chúa chiến đấu cho công lý, bảo vệ người vô tội, tố giác bất công, căn nguyên của tội lỗi thế gian.  Người không truy tìm thủ phạm của những biến cố bất hạnh mà con người mong muốn hiểu biết nguyên nhân để thỏa mãn tính hiếu kỳ, nhưng Người mời gọi họ thay đổi não trạng và nhận thấy trách nhiệm liên đới mà sám hối ăn năn : “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Bài Tin Mừng,c.5).

Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu tai nạn thương tâm trên đường phố, bao nhiêu bệnh nhân gặp nơi bệnh viện, nỗi bất hạnh đó có thể đã xảy ra cho con!  Con tạ ơn Chúa vì con còn đứng vững trên đôi chân, con tự cảnh giác : ai đứng vững, coi chừng kẻo ngã.  Xin giúp con vượt qua mùa Chay cùng với Thánh thần. Amen

Lm Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh (gx Đức An, Pleiku)

___________________________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

SÁM HỐI

Suy niệm

Cùng một biến cố, nhưng người ta lại có những cái nhìn khác nhau. Mỗi cái nhìn nói lên quan niệm và thực chất của tâm hồn mình. Người ta không thể nhìn cao hơn nếu tâm hồn còn quá thấp; không thể nhìn rộng hơn nếu tâm hồn còn quá hẹp; không thể nhìn ra sự thật khi tâm hồn còn gian dối; không thể nhìn ra Chúa nếu tâm hồn vắng bóng Ngài. Mọi cái nhìn đều phản ánh tình trạng nội tâm, nhưng điều ngặt nghèo là đứng trước mọi biến cố, người ta hay phóng chiếu tình trạng tiêu cực của tâm hồn mình lên người khác, khiến cho cuộc sống thêm oan khiên.

Cũng vậy, hôm nay Chúa Giêsu nói đến cái nhìn rất sai lạc của người Do Thái, khi họ giữ một cái quan niệm cứng nhắc về “ác giả ác báo”. Khi Philatô ra lệnh xử tử một số người nổi loạn, thì người Do Thái cho rằng những người đó đáng chết vì họ là những người tội lỗi. Khi tháp Silôe đổ xuống làm một số người chết, thì họ cũng nói đó là những người xấu xa đáng bị Chúa trừng phạt. Sự thật có phải vậy không? Đức Giêsu trả lời ngay:“Không phải thế, nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy”. Câu trả lời mạnh bạo cho ta ý thức đừng suy đoán về người khác một cách hàm hồ, mà hãy coi những tai nạn đó là tiếng nhắc nhở ta xét lại lương tâm của mình để sám hối.

Điều khiến ta khó xét lại bản thân là vì thấy mình nằm trong tình trạng an toàn, không bị gì hết. Đã an toàn nên có cảm tưởng mình không có tội, vì thấy mình không có tội nên chẳng cần sám hối. Thật ra, tình trạng an toàn đó nhiều khi là do sự chủ quan và ảo tưởng của mình. Cũng giống như dụ ngôn nói về cây vả sống trong tình trạng an toàn. Nó không cho trái độc, không làm hại cây cối xung quanh, không phá cảnh quang. Nhưng nó có tội là đã làm hại đất, sử dụng đất mầu mỡ mà không sinh trái. Tình trạng an toàn của ta coi chừng cũng giống như cây vả, lá cành sum suê nhưng lại không sinh trái.

Tự hào vì mình không làm điều gì xấu, nhưng đã không làm điều tốt, những điều có thể làm và phải làm mà đã không làm. Không tích cực làm điều tốt lành thì rõ ràng là tiếp sức cho sự dữ tung hoành. Quả thực,“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.” (Napoléon). Một Kitô hữu chỉ lo sống an phận hoặc chỉ lo bao bọc cho bản thân mình là một phản chứng. Sống không phải là lo tránh tội, mà là lo thể hiện tình yêu. Chính tình yêu không cho phép chúng ta sống cằn cỗi, khô khan, biến mình trở thành kẻ vô ích giữa cuộc đời. Thế giới cần những Kitô hữu dám dấn thân để sống cho tha nhân. Chúng ta được kêu gọi góp phần để xây dựng Nước Chúa ngay trong cuộc đời này, nên phải sinh hoa kết quả như Chúa mong đợi, vì Đức Kitô đến là để mọi người được sống và sống dồi dào, là sự sống của chính Chúa.

Sám hối, hoán cải, còn là biết đón nhận những săn sóc tế nhị của Chúa, là đừng lãng phí bao ơn lành Chúa ban. Sám hối không chỉ là nhận ra những lầm lỗi và thiếu sót của mình nhưng còn để thấy những cằn cỗi, khô khan, thờ ơ nguội lạnh, và vô tình của mình đối với những người xung quanh. Đang khi bao nhiêu người khác luôn phải cực nhọc lo việc chung, còn mình thì cứ sống ung dung hưởng thụ. Sống như thế sẽ làm thui chột mọi khả năng và trở nên gánh nặng cho người khác.

Dụ ngôn cây vả cho chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa là chủ vườn, Đấng kiên nhẫn trước tình trạng khô cằn của cây đời chúng ta. Quyết định chặt cây chỉ đến sau nhiều lần hụt hẫng, sau khi đã làm đủ cách để lay động trái tim ta. Đức Giêsu, người làm vườn cũng kiên nhẫn không kém: “xin ông để lại một năm nữa”. Ngài tiếp tục nuôi hy vọng dù rất mong manh, là để “vun xới bón phân, may ra sang năm có trái”. Nhưng rồi ta đừng quên lời cuối cùng: “Nếu không ông chủ cứ chặt nó đi”. Chúa kiên nhẫn, hy vọng, chăm bón, chờ đợi, nhưng đòi ta phải sớm hoán cải. Sự hoán cải đưa ta vào một cảnh giới mới.

Lịch sử đầy dẫy những thí dụ về những người nhờ được người khác kiên nhẫn cho thêm cơ hội nên về sau trở thành những vĩ nhân. Có nhiều người phát triển rất chậm và muộn màng, nhưng lại là những nhân tài. Những người như thế cần có ai đó tin tưởng họ, kiên nhẫn chờ đợi họ và tạo cơ hội cho họ. Nếu không, thì kho tàng tài năng của họ sẽ bị vùi dập và mai một đi. Chúa đã tạo thêm cho ta thêm cơ hội, thì ta cũng hãy tạo thêm cơ hội cho người khác. Cuộc sống ý nghĩa biết bao khi biết sống cho mình mà lại vừa lo sống cho người khác. Cuộc sống ta cao đẹp khi làm cho người khác cùng lên cao với mình.

Cầu nguyện  

Lạy Chúa Giêsu!
Sám hối thật là điều không dễ dàng,
khi tính cách của con chưa khiêm tốn,
khi thấy mình vẫn được sống an toàn,
chẳng có gì phải sợ sệt lo toan.

Con thấy bao người gặp cảnh tai ương,
con cho là hậu quả của tình trường,
phần con vẫn được luôn sung sướng,
nên nghĩ mình tội lỗi chẳng hề vương.

Đúng là con chủ quan và ảo tưởng,
vì đã không suy xét lại cho tường,
cũng giống như cây vả ở trong vườn,
cành lá thật xanh tươi nhưng không trái,
và như vậy chỉ làm hại đất đai,
phải chặt đi chứ để lại làm gì.

Con cũng nghĩ mình không làm gì tội,
nên chẳng cần phải sám hối ăn năn,
nhưng tội đâu chỉ là làm điều xấu,
mà còn là điều tốt đã không làm,
nên tiếp tay cho sự dữ lan tràn,
khiến bao người phải chịu kiếp lầm than.

Sống đâu phải chỉ là lo tránh tội,
mà phải lo thể hiện được tình yêu,
thiếu tình yêu nên khô cằn suy yếu,
đó là điều mà Chúa phải buồn nhiều,
xin cho con hằng ngày biết hoán cải,
để luôn làm tươi mới lại đời mình. Amen.

Lm. Thái Nguyên

______________________________

Suy niệm 4: Lm. Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13:5).

Quý ông bà và anh chị em thân mến,
Giáo Hội đang đi vào giai đoạn giữa Mùa Chay, Mùa mời gọi chúng ta sống tinh thần sám hối và thay đổi bản thân để có đủ nội lực cùng đi với Chúa lên đồi Canvê và cùng hưởng vinh quang với Người. Vì thế, đoạn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tinh thần sám hối và cho thấy lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta khi Chúa Giê-su kể dụ ngôn Cây Vả Không Sinh Trái. Tại sao chúng ta khó sống tinh thần sám hối?
Tôi nghĩ không khó tìm câu trả lời nếu chúng ta suy niệm dụ ngôn Cây Vả Không Sinh Trái của Thầy Giê-su, đó chính là sự thiếu kiên nhẫn nơi con người chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không dám đối diện với con người thật của mình, bởi vì theo bản tính con người tự nhiên, chúng ta dễ nhìn thấy những khiếm khuyết của người khác hơn. Vâng, đối diện với chính mình là thách đố khá lớn trong đời sống nội tâm của con người. Một khi dám đối diện với bản thân mình – với con người thật của mình, chúng ta mới mong có sự thay đổi nơi bản thân, một sự thay đổi tích cực, một thay đổi giúp chúng ta càng ngày càng gần gũi Chúa hơn. Thay đổi chính mình, một sự thay đổi tốt hơn bằng hành động cụ thể là hành động sám hối đích thực. Sám hối không chỉ đơn thuần là nhận ra tội lỗi và xưng thú tội lỗi nơi Toà Hoà Giải là kết thúc, nhưng còn cần phải thay đổi lối sống tốt hơn, để Lời Chúa đụng chạm và dẫn dắt đời mình bước đi theo con đường của Ngài.
Cầu nguyện và đời sống cầu nguyện là những giây phút giúp chúng ta đối diện với chính mình để nhận ra con người thật của mình và tha thiết xin Chúa ban ơn trợ giúp để sống tinh thần sám hối. Giữa một xã hội ồn ào và bon chen, lo toan và hỗn tạp, thật khó để đi vào sa mạc, cầu nguyện với Chúa. Tuy nhiên, không phải mọi người đều thất bại trên hành trình bước đi trong sa mạc. Bởi lẽ tôi vẫn thấy có nhiều người, nhiều tâm hồn cầu nguyện mỗi ngày, cũng như khát khao được gặp Chúa khi tham gia các kỳ tĩnh tâm ngắn ngày và dài ngày, dù phải tạm ngưng các công việc và các cuộc vui chơi như hình ảnh sống động về Chúa Giê-su mà thánh Phao-lô kinh nghiệm: “Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình…” (Dt 12:2).

Chúng ta hãy xin Chúa giúp tâm trí chúng ta có thêm kiên nhẫn, thêm quyết tâm, thêm nhiệt huyết để sống tinh thần sám hối và năng tìm gặp Chúa trong đời sống mỗi ngày, nhờ đó chúng ta trở nên thanh thoát hơn và có khả năng đón nhận mọi khiếm khuyết của bản thân và của người khác trong ánh sáng của Lời Chúa.

Chúc quý vị cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse Đỗ Cao Bằng, SJ (Gp Kon Tum)

WGPKT(21/03/2025) KONTUM