Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm B (CN 24.12.2023) – Sinh Một Con Trai

Bài đọc 1: 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16

Vương quyền của Đa-vít sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Chúa.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

1 Khi vua Đa-vít được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, 2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.” 3 Ông Na-than thưa với vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài.”

4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :

5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? 8b Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. 9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi ; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. 10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, 11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

Đáp ca: Tv 88,2-3.4-5.27 và 29 (Đ. x. c.2a)

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

2Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.3Vâng con nói : “Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời.”

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

4Xưa Chúa phán : “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,5rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.”

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

27Người sẽ thưa với Ta : “Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ !”29Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.

Đ.Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng.

Bài đọc 2: Rm 16,25-27

Mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nay được biểu lộ.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

25 Thưa anh em, vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa 26 nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. 27 Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.

Tung hô Tin Mừng: Lc 1,38

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 1,26-38

Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐỨC CHÚA Ở VỚI NGƯƠI

 

Một lời sấm cho hai nhân vật sống cách xa nhau mười thế kỷ từ vua Đavít đến  Đức Maria, được phụng vụ hôm nay liên kết lại trong một mầu nhiệm.  Cả hai nhân vật này tiến lên trong cùng một con đường đức hạnh, cùng hy vọng một ơn Cứu độ, và cùng lãnh nhận một lời sấm giống nhau được phán ra cho nhà Đavít và Đức Maria. 

Lời sấm phán thế nầy: “Đức Chúa ở cùng ngươi” gặp được nơi câu 3 trong Bài Đọc 1 ( 2S 7, 1-5.8b-12.14.16) và nơi câu 28 trong Bài Tin Mừng (Lc 1, 26-38).  Trong Bài Đọc 1, tiên tri Nathan mặc khải cho Đavít sự bảo trợ của Thiên Chúa : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Thiên Chúa ở với ngài” (c.3), ông cũng cho biết kế họach của Thiên Chúa xuyên qua các thế hệ con cháu, khẳng định Người là Chúa của lịch sử : “Chính Ta cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngòai đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta, là Ítraen.  Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với người” (câu 8b). 

Đức Maria là phụ nữ Do thái sùng đạo chắc chắn biết đọan Kinh thánh này và Mẹ đã sống nội tâm đọan Kinh thánh đó trong đức tin và đức cậy trông.  Đức Maria thấm nhuần Lời Chúa, đầy tràn ân sủng, trước khi đầy tràn Thiên Chúa “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (câu 28).  Thật vậy Đức Maria xác tín lời hứa ban Đấng cứu độ, Mẹ đã suy niệm và sống niềm cậy trông nầy trong tâm tưởng, chính vì thế Mẹ đã cưu mang Chúa trong tâm hồn trước khi cứu mang Chúa nơi cung lòng Mẹ.  Mẹ là tín nữ lắng nghe, cầu nguyện và sống lời Chúa (x.Tông Thư Marialis cultus 2.2. 1974).

Thánh vương Đavít mơ ước có ngôi nhà xứng đáng để đặt Hòm Bia, hầu có thể đảm bảo cho sự bền lâu của vương quốc, ông muốn xây cho Thiên Chúa một ngôi nhà xứng đáng (x. Bài Đọc 1).  Hòm Bia nầy  chứa đựng hai phiến đá ghi khắc Mười giới răn mà Chúa đã ban cho ông Môsê. Hòm Bia là báu vật mang lại phúc ấm cho toàn dân, cho nên đi đâu dân Do thái cũng mang theo mình ngay cả khi xung trận. 

Hòm bia là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người.  Vua Đavít có ý tưởng xây nhà cho Thiên Chúa là một lối suy nghĩ tốt lành và đạo đức, nhưng cũng là một cám dỗ muốn quản lý Thiên Chúa theo ý mình, nếu không nói đó là muốn định cư Thiên Chúa hay độc quyền Thiên Chúa.  Qua miệng ngôn sứ Nathan, Đavít biết được rằng Thiên Chúa sẽ tạo lập cho ông một dân tộc, “một nhà”, tức là một triều đại, ý tưởng nầy khác xa với suy nghĩ của ông.  Tư tưởng của Thiên Chúa cách xa suy nghĩ của phàm nhân như trời cao hơn đất là thế đó.

Khi sứ thần Gáprien vào nhà trinh nữ Maria, sứ thần đã dùng chính lời của Nathan đã nói với Đavít mà chào Đức Maria: “Đức Chúa ở cùng bà” (câu 28), dĩ nhiên lời chào này có hiệu năng và hiện thực hơn nhiều so với lời sấm phán ra với nhà Đavít, vì Thiên Chúa khởi sự thực hiện việc nhập thể nơi bản thân của Đức Maria.  

Đức Mẹ được ví như là Hòm bia Giao Ước Mới, một Hòm bia nhân loại di động cưu mang Chúa cứu thế, nơi Mẹ sẽ ký kết bản hiệp ước giữa Thiên Chúa và Nhân lọai, tức là thiên tính kết hợp với nhân tính, và nhân tính được nâng cấp tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.  Thiên Chúa làm người và ở với nhân loại.   Khi nhận lời truyền tin của thiên thần Đức Maria cũng có phần lo âu giống như Đavít, là muốn định cư Thiên Chúa theo quan niệm nhân lọai:  “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ? ” (câu 34).  “Đừng sợ, Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”.  Câu trả lời cho thấy Thiên Chúa không nằm trong quy luật sinh vật học, con người không thể cầm tù Thiên Chúa trong quan niệm khoa học. 

Thánh Thần Sáng Tạo là Thánh Thần của buổi đầu tạo dựng.  Thánh Thần của mọi khởi đầu.  Cũng như đối với Đavít và hôm nay đối với Đức Maria, Thiên Chúa cho biết chính Người có sáng kiến cứu độ và Người hành động theo cách thế quyền năng của Người.  Người hành động theo tầm vóc Thiên Chúa và theo tầm vóc nhân lọai: Đức Maria thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.  Ôi thật nhiệm mầu!  Cách hành động của Thiên Chúa chỉ mình Người biết mà thôi:  Một bà già son sẻ như bà Isave đã thụ thai theo lẽ thường, và một thiếu nữ trẻ trung thụ thai bởi phép Chúa ThánhThần.  Phải nói được rằng cả hai đều thụ thai nhiệm lạ do tác động của Thánh Thần, cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trong thi hành ơn cứu chuộc.  Cả hai đều là dấu chỉ của sự sáng tạo mới.  Đó là bí mật mà thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma viết: “Bí mật được giữ kín tự ngàn xưa và nay được tỏ hiện ra nơi Đức Giêsu Kitô”, là ‘Đức Chúa ở với  ngươi(x. Bài Đọc 2. Rm 16, 25-27).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn ở với con người mà không cần lầu son gác tía, không cần nhà nào, cũng không cần cung điện nào ngòai tâm hồn con người.  Xin cho con ý thức điều đó để dọn lòng đón Chúa đến thăm trần gian lần 2020. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

XIN VÂNG

Suy niệm

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”. Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho cô Maria, như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không ép buộc, Ngài không đặt Maria trước một sự việc đã rồi. Ngài muốn hỏi ý và chờ cô đáp trả một cách tự do.
Khung cảnh truyền tin không phải nơi lộng lẫy uy nghiêm như trong đền đài vua chúa, mà lại diễn ra nơi một thôn quê nghèo nàn là Nagiarét: nơi chưa từng được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của sử gia Joshephus hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Một ngôi làng nhỏ bé và vô danh đến nỗi khi Nathanaen được Philipphê giới thiệu đến gặp Đức Giêsu ở đó, thì ông liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,45-46). Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn nơi chốn âm thầm đó để làm khởi điểm lịch sử cứu độ.
Cũng trong sự âm thầm và lặng lẽ ấy mà sứ thần đến gặp cô Maria và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28).“Ðấng đầy ân sủng” cho thấy cô Maria giống như một bình chứa đựng sự sủng ái của Thiên Chúa, và cũng chính là danh hiệu đẹp nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho cô Maria, để cho thấy cô là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được tràn ngập ân ban cao quý nhất, là sinh ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.
Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? Đúng là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị. Sứ thần đã nhận ra sự bối rối đó và giải thích thật cặn kẽ, là “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa…bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai,… được gọi là Con Ðấng Tối Cao… Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người…”

Nhưng đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, nên từ tốn đáp: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Trong khi Maria bối rối thì thiên sứ cho cô biết chương trình lớn lao của Thiên Chúa. Cô vẫn đồng trinh nhưng nhận được ân sủng và thụ thai siêu nhiên bởi Chúa Thánh Thần, nên Hài nhi sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Thật là một mạc khải to tát cho nhân loại: Thiên Chúa sẽ đi vào đời, ở giữa mọi người, sống như mọi người với tất cả thần tính và nhân tính của Ngài.
Những gì được báo tin vượt quá trí tưởng tượng và khả năng hiểu biết của trinh nữ Maria, và thiên sứ minh chứng ngay điều lạ lùng đã xảy ra cho Elisabét, người chị họ son sẻ đã già nua mà đã có thai sáu tháng, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Nhận ra thánh ý Thiên Chúa, Maria sấp mình thưa:“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Sau tiếng Xin Vâng, Ngôi Lời đã thành thai nhi và lớn lên trong cung lòng trinh nữ Maria. Quả là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương con người.
Đức Maria nói tiếng “Xin Vâng” không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn, không phải vì hiểu hết được việc Chúa làm. Có những biến cố sau này mà Mẹ chẳng hiểu chi, nhưng Mẹ “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ Xin Vâng vì tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thiếu nữ Sion, lẽ nào Mẹ lại không biết đến câu ca ngợi lòng từ bi Chúa: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa. Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.” (Đnl 32, 10). Trong cảm nhận đầy tràn ân sủng Chúa, Mẹ nhận mình là “nữ tỳ” của Chúa và “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi với tâm tình đó, Đức Maria đã xướng lên lời kinh ca ngợi thật tuyệt vời (x. Lc 1, 46-55).
Tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã đưa Con Thiên Chúa vào lòng thế giới để ơn cứu độ được lan tỏa khắp nơi. Nhờ những tiếng xin vâng của tôi hằng ngày, mà Đức Giêsu có chỗ trong lòng người hôm nay. Muốn vậy, tôi hãy sẵn sàng với Chúa qua mọi nỗi khó khăn và thử thách trong đời, như một cách cưu mang Chúa trong lòng, để Ngài sinh ra cho môi trường tôi đang sống, để Ngài lớn lên trong mọi việc tôi làm, và đem lại ân phúc cho những người tôi phục vụ.

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria!
Mẹ tuyệt vời khi thưa tiếng “Xin Vâng”,
để Con Thiên Chúa được xuống trần,
mang phận người để cứu độ muôn dân.
Mẹ xin vâng là cam kết dấn thân,
chịu rủi ro và bằng lòng đánh đổi.
nên Mẹ “xin Chúa cứ làm cho tôi”,
vì chỉ mong thực hiện ý Chúa thôi.
Tiếng xin vâng của Mẹ đầy mạo hiểm,
vì không thể tránh khỏi những phong ba,
nhưng nhờ tin Mẹ vượt qua tất cả,
trong niềm vui và ân phúc chan hòa.
Đời Mẹ là bài tình ca muôn thuở,
luôn vang hòa lời cảm tạ không ngơi,
cho dù bao mưa gió giữa cảnh đời,
Mẹ vẫn sống sáng ngời tình yêu mến.
Mẹ diễm phúc vì đã tin điều Chúa hứa,
Mẹ tuyệt vời vì đã theo ý Chúa làm,
xin đừng để con thể hiện ý mình,
nhưng xin vâng mọi điều theo ý Chúa.
Xin đón nhận con trong vòng tay Mẹ,
để khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin,
để nâng đỡ và kiện cường đức cậy,
để mở rộng và khơi sâu đức ái.
Xin dìu con trên nẻo đường thánh thiện,
biết âm thầm lặng lẽ sống hy sinh,

luôn trung trinh và từ bỏ chính mình,
để dâng hiến trọn một đời cho Chúa.
Xin đặt để con trong trái tim Mẹ,
biết ôm lấy Mẹ trong trái tim con,
mong ngày mai được trọn niềm mơ ước,
là vui vầy bên Mẹ cõi thiên đường. Amen.

WGPKT(21/12/2023) KONTUM