Chúa Nhật VIII Thường Niên, Năm B (CN 26.05.2024) – Chúa Ba Ngôi – Nhân Danh Cha Và Con Và Thánh Thần

Bài đọc 1: Đnl 4,32-34.39-40

Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, và ngoài Người ra không có thần nào khác.

Bài trích sách Đệ nhị luật.

32 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất ; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia : có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng ? 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không ? 34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không ?

39 “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này : trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. 40 Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em ; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em.”

Đáp ca: Tv 32,4-5.6 và 9.18-19.20 và 22 (Đ. c.12b)

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

6Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời,
một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú.9Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện,
Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Hạnh phúc thay dân nào
Chúa chọn làm gia nghiệp.

Bài đọc 2: Rm 8,14-17

Anh em đã lãnh nhận Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : Áp-ba ! Cha ơi !

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

14 Thưa anh em, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” 16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.

Tung hô Tin Mừng: x. Kh 1,8

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 28,16-20

Anh em hãy làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Ki-tô hữu là tác phẩm kỳ diệu của Chúa Ba Ngôi

Chúng ta vừa cùng với Giáo hội Hoàn vũ cử hành những mầu nhiệm căn bản của đức tin Ki-tô giáo: đó là cuộc khổ nạn và phục sinh vinh quang của Đức Giê-su; sự lên trời vinh hiển của Người; Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Giáo hội. Hôm nay, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Thiên Chúa, trong vinh quang viên mãn của Ngài. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, nhưng không đơn độc. Giáo hội Ki-tô tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần.

Trong cuộc đời dương thế, Đức Giê-su nói về Chúa Cha là Đấng Sáng tạo và là cội nguồn của sự thánh thiện. Người nói về Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ xuất phát từ nơi Chúa Cha. Đấng ấy sẽ ở cùng các môn đệ, để tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng mà Đức Giê-su đã khai mở. Trong những lần tranh luận với người Do Thái, Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha, và Người là Con Một của Chúa Cha. Tâm tình “Cha-Con” được diễn tả đặc biệt thân tình trong lời cầu nguyện của Chúa Giê-su với Chúa Cha mà thánh Gio-an đã ghi lại (x. Ga 17). Dựa vào những chứng cứ trong Tin Mừng, Giáo hội Ki-tô ngay từ thuở ban đầu đã khẳng định: Đức Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian; Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện trong vũ trụ và đặc biệt trong Giáo hội do Đức Giê-su đã thành lập. Mặc dù có nhiều trào lưu khẳng định ngược lại (những bè rối ở thế kỷ II và thế kỷ III), tín điều Chúa Ba Ngôi đã được khẳng định bởi các Công đồng. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi đã được công đồng La-tê-ra-nô (năm 1339) tuyên tín như sau: “Chúng tôi tin cách vững vàng và tuyên xưng cách đơn sơ rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa chân thật, vĩnh cửu vô hạn và bất biến, vô phương hiểu thấu, toàn năng và khôn tả, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi vị, nhưng chỉ có một yếu tính, một bản thể hoặc một bản tính toàn đơn nhất”.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như sau: “Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh là mầu nhiệm trung tâm của Đức tin và đời sống Ki-tô hữu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy, khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (số 261).

Như chúng ta thấy trong Phụng vụ, khi cộng đoàn Giáo hội dâng lời cầu nguyện, là Giáo hội cầu nguyện với CHÚA CHA, nhờ công nghiệp của CHÚA GIÊ-SU, trong sự hiệp nhất của CHÚA THÁNH THẦN. Như thế, lời cầu nguyện của cộng đoàn tín hữu quy hướng trực tiếp về Chúa Cha. Tuy vậy, vì con người bất xứng, nếu tự mình thì lời cầu nguyện không có giá trị, nên phải cậy nhờ công nghiệp của Đức Giê-su, tức là cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Người, để xứng đáng dâng lên Chúa Cha những ước nguyện. Và, những ước nguyện ấy được thân thưa trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần, tức là với ơn soi sáng phù trợ của Ngôi Ba Thiên Chúa.

Không chỉ trong Phụng vụ, mà trọn vẹn đời sống của người Ki-tô hữu đều được chìm ngập trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ vậy, chúng ta được chia sẻ sức sống thần linh với Đấng Tối Cao.

Đâu là mối tương quan giữa mầu nhiệm Ba Ngôi với cá nhân người tín hữu? Mỗi chúng ta, tuy nhỏ bé, nhưng là tác phẩm của Chúa Ba Ngôi. Giáo lý truyền thống dạy chúng ta: con người được Chúa Cha tạo dựng; được Chúa Con cứu chuộc và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Mỗi chúng ta đều là tác phẩm của Thiên Chúa, là hình ảnh sống động của Ngài. Chúa Ba Ngôi hiện diện trong tâm hồn người tín hữu từ khi được Thanh tẩy. Chúa Ba Ngôi cũng là đích điểm cuộc đời chúng ta, vì hạnh phúc thiên đàng chính là được chiêm ngưỡng Chúa Ba Ngôi trong hạnh phúc trường tồn.

Khi mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy nhận ra quyền năng cao cả của Đấng chúng ta tôn thờ (Bài đọc I). Hơn nữa, Ki-tô hữu còn là con Thiên Chúa và là đồng thừa kế với Đức Ki-tô, nhờ mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giê-su và nhờ Thánh Thần hướng dẫn (Bài đọc II). Đức Giê-su Phục sinh đã trao các môn đệ và chúng ta hôm nay sứ mạng làm chứng cho tình yêu của Chúa Ba Ngôi, bằng cách sống tốt lành thánh thiện và nhiệt tâm loan báo sứ điệp yêu thương của Đức Giê-su, Đấng luôn hiện diện giữa chúng ta.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

MỘT CHÚA BA NGÔI

 Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là tín điều quan trọng trong đức tin Kitô giáo,  cao siêu và khó hiểu, bởi vì nhân lọai không biết gì về Thiên Chúa ngoài những gì Đức Giêsu Kitô mặc khải cho.  Truyền thuyết kể rằng: Có lần thánh Âu-tinh, một đầu óc vĩ đại uyên thâm về triết lý và thần học, đã bỏ công sức suy nghĩ thấu đáo về tín điều nầy, đang tư duy khi đi bách bộ trên bãi biển, thì ngài thấy một trẻ em đào một lỗ đáo trên bãi cát, rồi lấy chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ đáo đó. Thánh nhân lấy làm lạ, dừng chân hỏi em bé đó tại sao làm việc vô lý như vậy, em bé đó trả lời: việc tôi đang làm thì hợp lý hơn điều ngài đang suy nghĩ.  Nói xong em biến đi.

Em bé đó là một thiên thần muốn nhắn gửi sứ điệp cho vị thánh tiến sĩ thiên thần biết sự cao siêu mầu nhiệm của tín điều Một Chúa Ba Ngôi.  Đầu óc con người không tài nào suy thấu.  Chúng ta cũng không tham vọng quán triệt tín điều này, chỉ biết rằng Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa tình yêu năng động trong trong sáng tạo, nhân lành trong cứu độ nhân lọai, Thiên Chúa không cô đơn trong tháp ngà của mình, nhưng là một Thiên Chúa có tương quan liên vị giữa các ngôi Cha, Con và Thánh Thần.

Công thức ba ngôi này được chúng ta nhắc lại mỗi khi bắt đầu mọi việc thờ phượng: “Nhơn danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Công thức này được chính Đức Giêsu Kitô dạy cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.  Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Bài Tin Mừng. Mt 28, 16-20).

Nhiều lần trong cuộc sống Đức Giêsu nói về Cha, nói về Thánh Thần.  Người khẳng định sự đồng nhất giữa Người và Cha “Cha và Thầy là một”.  Có môn đệ muốn Đức Giêsu tỏ cho thấy Cha một lần để khỏi thắc mắc, Người đã trả lời: Philípphê ơi! Thầy ở với anh bao nhiêu lâu rồi mà anh còn hỏi như thế.  Ai thấy Thầy là thấy Cha.  Lời nầy cho thấy có sự đồng nhất và khác biệt nơi các ngôi.  Thật vậy có sự đồng nhất về bản thể thần linh, về đồng hiện hữu trong thời gian và về đồng quyền năng giữa Cha, Con và Thánh Thần; tuy nhiên cũng có sự khác biệt giữa Cha và Con, giữa Con và Thánh Thần.  Cái làm cho các ngôi khác biệt nhau đó là mối tương quan: Cha sinh ra Con, Con được Cha sinh ra chứ không thể nói ngược lại là Con sinh ra Cha, Thánh thần nhiệm xuất từ Cha và Con chứ không phải Thánh Thần sinh ra từ Cha và Con.

Cha, Con và Thánh Thần là một tổ hợp tình yêu đầy năng động, sức năng động này chảy tràn sang trong sáng tạo muôn vật và nhân lọai, mục đích là mời gọi con người tham dự vào sự sống thần linh. Thánh Môsê đã vạch cho dân Ítraen thấy mối tương quan kỳ diệu nầy giữa Thiên Chúa và dân Do thái: “Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe?  Hoặc có thần nào đã ra công chọn lấy cho mình một dân tộc … đã làm các dấu lạ điềm thiêng… đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền như  Đức Chúa đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (x. Bài Đọc 1. Đnl 4, 32-34.39-40).

Như thế Thiên Chúa không xa cách con người nhưng gần gũi tiếp cận nâng đỡ con người trong cơn hoạn nạn, Người nói với con người, tuyển chọn và yêu thương con người, Người can thiệp để giải cứu con người.  Người không phải là quan tòa nghiêm minh chỉ biết trừng phạt khi con người sai phạm.  Nhưng Người sai Thần Khí của Người tới hướng dẫn những ai là con cái Thiên Chúa .  “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’”(x. Bài Đọc 2. Rm 8,14-17).

Người Kitô hữu có mối tương quan với Thiên Chúa, được làm con của Cha, làm em của Đức Giêsu và được Thánh Thần hướng dẫn.  Người Kitô hữu không bao giờ cô độc vì có mối quan hệ với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Một khi lãnh nhận Thần Khí, Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nghĩa là được sống trong tương quan cha con, anh em với Thiên Chúa.  Mối liên hệ này cần phải làm cho lan rộng khắp nơi, tức là đưa muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giêsu bằng phép Rửa tội.  Đó là lệnh truyền của Đức Giêsu truyền lại trước khi về trời, và cũng là sự thúc bách của Tin Mừng.  Lệnh truyền nầy cho đến hôm nay được Giáo Hội quan tâm thi hành bằng các công trình truyền giáo trên khắp thế giới. 

Lạy Chúa Ba Ngôi, con thật sự hạnh phúc được sống trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Xin Chúa làm cho muôn dân biết nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa thật và mọi người là anh em. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, Chính xứ Đức An, Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

THIÊN CHÚA BA NGÔI

Suy niệm

Từ ngữ “Chúa Ba Ngôi” (Trinitas) không có trong Kinh Thánh, nhưng là chân lý mà Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu và tiếng phán từ trời, là ba hình ảnh tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi (Mt 3,16-17).

Thánh Phaolô gửi lời chào các tín hữu trong Chúa Ba Ngôi: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em (2Cr 13,13). Còn thánh Luca trong sách Công vụ và trong Phúc Âm, đã nhìn nhận lịch sử cứu độ mang chiều kích Chúa Ba Ngôi: Cựu Ước là thời của Chúa Cha, Tân Ước là thời của Chúa Con, và hiện nay là thời của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Tín Kính, chúng ta cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Nhưng Chúa Cha ở đâu, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm thâm sâu, vừa đơn nhất vừa đa dạng.

Hằng ngày ta rất gần gũi với dấu thánh giá trên mình: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, nhưng xem ra lại xa lạ khi cảm nhận. Những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú, cũng như những từ ngữ “ngôi vị” và “bản tính” rất cần thiết để minh định tín điều, nhưng lại rất trừu tượng và khó khăn cho sự gặp gỡ với một Thiên Chúa sống động. Thiên Chúa đúng là Đấng siêu việt, Đấng “ở trên” nhưng đồng thời cũng là Đấng “ở với” và “ở trong” con người cũng như lịch sử.

Thiên Chúa là Đấng “ở trên”, vì là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tm 6,16). Thiên Chúa “ở trên” vũ trụ và nhân loại vì “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa. Những khám phá khoa học ngày nay càng làm cho ta thấy tính bất khả đáo đạt về Thiên Chúa. Trái đất của chúng ta đây mới chỉ là một thành phần của dải ngân hà, đã là điều quá vĩ đại, thế mà nó còn nằm trong hằng tỷ dải ngân hà. Quả thật, vũ trụ như vô cùng vô tận. Nếu thế, Thiên Chúa còn vô biên vô ngần đến mức nào, vì Ngài là nền tảng cho mọi hiện hữu.

Thiên Chúa còn là Đấng “ở với” con người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Ngay từ Cựu ước, khi sai ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là:“Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều như thế (Xh 3,12; Lc 1,28). Lời hứa “ở với” đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel: Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta (Mt 1,23). Ngài không chỉ hiện diện với con người, mà còn chia sẻ phận người trong mọi tình trạng, kể cả đau thương và chết trong khổ nhục. Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Ngoài ra, Thiên Chúa còn “ở trong” con người. Tin Mừng Gioan tràn ngập cụm từ “ở trong”:“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… ” (15,9-10); Chúa Giêsu đã xin Cha cho một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với các môn đệ. Đó là Thần Khí Sự Thật… “Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17). Ngoài ra, Giáo Hội còn cho chúng ta biết: lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ” (GS, số 16).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không gì khác hơn là mầu nhiệm tình yêu: là một trong nhau và trong đời sống mỗi người chúng ta. Khi sai chúng ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Ngài muốn ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những nơi tối tăm và ngục tù. Ngài muốn ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng lòng nhân từ và tha thứ. Ta hãy cảm nhận và sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong chính gia đình mình, trong cộng đoàn mình, trong Giáo xứ mình. Với niềm cảm mến thâm sâu, ta cũng hãy tuyên xưng và loan truyền tình Chúa Ba Ngôi cho hết mọi tâm hồn.

Cầu nguyện

Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con!
Nhìn vào vũ trụ muôn loài,
chúng con nhận biết chính Ngài làm nên,
nhưng Ngài là Đấng siêu nhiên,
vô tiền vô hậu vô biên vô cùng,
xem ra cũng rất mông lung,
chúng con cảm thấy mịt mùng xa xôi.

Cũng nhờ Con Chúa xuống đời,
cho con được biết Chúa Trời Ba Ngôi,
Chúa Cha sáng tạo đất trời,
Chúa Con xuống thế cứu đời lầm than,
Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần,
chính Ngài thánh hóa bản thân mỗi người.

Tuy là mầu nhiệm cao vời,
nhưng là Thiên Chúa sáng ngời tình yêu,
vì Ngài cư ngụ trong con,
để con biết sống vẹn tròn yêu thương.

Giêsu nhân ái khôn lường,
chính là hình ảnh tỏ tường của Cha,
để con không cảm thấy xa,
mà là gần gũi thiết tha trong lòng.

Cho con luôn sống cậy trông,
để lòng con mãi hiệp thông với Ngài,
cho con đừng sống bề ngoài,
nhưng là trong Chúa hôm mai từng ngày.

Xin cho con quyết từ nay,
lòng tin cậy mến hằng ngày bên Cha,
Dưới tác động của Ngôi Ba,
để con luôn dám đi ra khỏi mình,
một đời gieo rắc an bình,
sáng lên trần thế bóng hình Giêsu. Amen.

Lm. Thái Nguyên

WGPKT(23/05/2024) KONTUM