Chúa Nhật X Thường Niên, Năm B (CN 09.06.2024) – Phạm Đến Thánh Thần

Bài đọc 1: St 3,9-15

Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà.

Bài trích sách Sáng thế.

9 Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?” 10 Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” 11 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” 12 Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” 13 Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” 14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn :

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
15Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Đáp ca: Tv 129,1-2.3-4.5-6a.6b-8 (Đ. x. c.7bc)

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

1Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,2muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

3Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng ?4Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

5Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.6aHồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

6bHơn lính canh mong đợi hừng đông,7trông cậy Chúa đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi Chúa luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.8Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.

Đ.Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.

Bài đọc 2: 2 Cr 4,13 – 5,1

Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

4 13 Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép : Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. 14 Quả thật, chúng tôi biết rằng : Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. 15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

16 Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. 17 Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. 18 Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.

5 1 Quả thật, chúng ta biết rằng : nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

Tung hô Tin Mừng: Ga 12,31b-32

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài ! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 3,20-35

Xa-tan đã tận số.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

20 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”

31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” 33 Nhưng Người đáp lại : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

TỘI LỖI VÀ ÂN SỦNG

Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử cứu độ nói riêng là một chuỗi liên tiếp những tội lỗi của con người và ân sủng của Thiên Chúa. Từ xa xưa, con người vẫn kiêu ngạo chống lại Chúa. Cũng từ xa xưa, Thiên Chúa luôn yêu thương tha thứ cho con người.

Tội lỗi của ông A-đam và bà E-và được thuật lại trong sách Sáng thế được gọi là tội Nguyên tổ, hay tội Tổ tông. Giáo huấn Ki-tô giáo dạy rằng: tội này như một bệnh di truyền cho mọi thế hệ nhân sinh. Con người sinh ra, bất luận thuộc nền văn hoá hay chủng tội nào, đều mắc hậu quả của tội này. Duy nhất một người không mắc phải, đó là Đức Trinh nữ Ma-ri-a thành Na-da-rét. Ki-tô giáo cũng tin rằng, do hậu quả của tội Nguyên tổ, mà thế gian sinh gai góc, đau khổ bạo lực tràn lan và con người phải vất vả sinh nhai. Đó chẳng phải đã được tuyên bố trong “bản án” của Thiên Chúa, sau khi luận tội con người phạm tội sao?

Thiên Chúa không bỏ rơi con người phải chìm ngập trong tội lỗi và sự chết vĩnh viễn. Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian. Thánh Phao-lô đã viết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Trong Bài đọc II, Thánh Phao-lô đã nói đến ơn cứu rỗi của người Ki-tô hữu: nhờ Đức Giê-su đã trỗi dậy từ cõi chết mà chúng ta được sống lại với Người. Hơn nữa, nếu Chúa Giê-su được ngự bên hữu Đức Chúa Cha thì chúng ta cũng sẽ được ở bên hữu của Chúa Giê-su. Đây là vinh dự lớn lao của người tín hữu. Giữa những thử thách gian truân của cuộc đời, thánh Phao-lô đã tuyên bố với niềm xác tín: “Chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới… một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta một khối vinh quang vô tận tuyệt vời”.

Nếu ông bà A-đam E-và ở đầu lịch sử đã muốn chối bỏ thân phận thụ tạo của mình, thì hôm nay, nhiều người vẫn đang tiếp tục chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có người ngạo mạn tuyên bố “Thiên Chúa đã chết, hoặc nếu Ngài hiện hữu, thì Ngài cũng bất lực trước sự dữ đang diễn ra mỗi ngày”. Thánh Mác-cô kể lại, một số bà con thân nhân của Chúa Giê-su cho rằng Người đã mất trí. Những kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống cho rằng Người bị quỷ ám. Suốt hai mươi thế kỷ qua, Lời Chân lý vẫn được rao giảng. Có nhiều người thành tâm đón nhận và họ tìm được niềm vui; trong khi đó có nhiều người khước từ với những lời vu khống xuyên tạc giáo huấn của Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không ngủ quên. Ngài lại càng không thể chết vì Ngài là Thiên Chúa bất tử. Ngài cũng là nguồn mạch và nguyên lý sự sống cho muôn loài. Thiên Chúa đã thể hiện tình thương vô bờ của Ngài qua việc sai Con Một là Đức Giê-su xuống trần gian, làm người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm của tình thương. Con Thiên Chúa đã sống thân phận con người để đồng hành và nâng đỡ con người trong hành trình cuộc sống đầy chông gai vất vả.

Không chỉ cứu độ con người khỏi tình trạng tội lỗi, quyền năng và ân sủng của Thiên Chúa còn nâng con người thấp hèn lên địa vị cao sang. Những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành sẽ trở nên thân tình nghĩa thiết của Chúa Giê-su, như Người đã tuyên bố: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”. Câu nói này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng sự thật là như thế. Trong những lời tâm sự với các môn đệ cuối bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su nói với các môn đệ; “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Ít khi chúng ta nghĩ Đức Giê-su gần gũi thân thiết với chúng ta như một người bạn. Khi gọi chúng ta là bạn hữu, Chúa muốn nhấn mạnh tới mối gắn bó thân tình giữa ta với Chúa. Nhờ sự gắn bó này, mà chúng ta được ở trong Người. Ai ở trong Người, Người sẽ sẻ chia cho họ niềm hạnh phúc và sức sống siêu nhiên.

“A-đam, ngươi đang ở đâu?”. Lời chất vấn của Chúa đã làm cho ông bà Nguyên tổ sợ hãi, vì họ vừa phạm tội. Hôm nay, Chúa vẫn đang hỏi chúng ta cùng một câu hỏi ấy. Tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tức là tìm xác định mối thân tình giữa tâm hồn ta với Chúa ở mức độ nào.

Hôm nay cũng là lễ Trọng thể kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu “mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết, để chúng ta được đầy tràn sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 318-19). Thánh Tâm Chúa Giê-su là kho tàng rộng, từ đó chúng ta đón nhận muôn vàn phúc lộc và ân sủng của Thiên Chúa. Nơi Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta được ơn tha tội, vì máu Chúa gột rửa chúng ta khỏi mọi tội lỗi.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su cũng là ngày xin ơn thánh hóa các Linh mục. Xin Anh Chị Em cầu nguyện cho các Linh mục của chúng ta được thánh thiện, xứng đáng là hiện thân của Chúa Giê-su giữa đời.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

—————————-

Suy niệm 2: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CUỘC CHIẾN KHÔNG NGƠI NGHỈ

Tiến bộ khoa học ngày nay với kỷ thuật số phát triển vượt bậc, thế giới a-còng @ xuất hiện, điện thoại thông minh lan tràn, khoảng cách địa lý được thu hẹp lại, càng sống trong tiện nghi, con người xem ra xa lạ với ý niệm: “cám dỗ”,  “tội lỗi”, “quỷ xa-tan”quỷ ám”.  Dường như con người tìm cách hợp lý hóa sự dữ, cho rằng tội lỗi là sự lạm dụng tự do, uống nhiều rượu quá thì xơ gan, quỷ ám chỉ là chấn thương tâm lý, là sự mất cân đối tâm sinh lý …

Xem ra xã hội hôm nay thu gọn ý niệm tội vào ý niệm công bằng, họ cho rằng ‘thành tội’ hay ‘không thành tội’ là do sự tố giác của ai khác, thâm lạm của công, rút ruột công trình mà không ai tố giác thì vô tội, như thế mặc nhiên nhận rằng ‘tha nhân’ thế chỗ cho ‘lương tâm’, cho thượng đế.  Dĩ nhiên không thể lẫn lộn ‘tha nhân’ và lương tâm được, lương tâm là tiếng nói bên kia bức màn, là thẩm phán nội giới có khả năng phê phán việc làm dù kín đáo, lương tâm còn được ví như dấu ấn in trên tâm hồn, dấu đó được sản xuất từ thiên quốc (Made in heaven) mà bất luận là người, ai cũng có lương tâm.

Đức thánh giáo hoàng Phaolô VI cảnh giác “Con người hôm nay mất đi cảm thức về tội lỗi”.  Quá duy khoa học kỷ thuật, con người thời  nay như xóa sổ ác thần, bỏ sót những cám dỗ của nó, tuy nhiên Sách thánh vẫn còn đó, cho chúng ta thấy một thực tại Xa-tan vẫn đeo bám, muốn khuynh đảo con người xa lìa Thiên Chúa.  Sách Sáng thế trả lời bằng trình bày hoạt cảnh sa ngã thuở đầu của A-đam và Evà như một lời khẳng định rằng có sự hiện diện của quỷ dữ xa-tan, có chước cám dỗ và có sa ngã chống lại ý Thiên Chúa.  Tiến trình phản bội nầy là bản mẫu cho mọi sa ngã xảy ra nơi con người.

Thật vậy nơi nội giới con người thường xảy ra tranh tụng giữa lành và dữ, giữa cố gắng hành thiện và sự buông xuôi theo dục vọng.  Con người sống sự gằng co o ép nơi thâm cung, chưa phạm tội thì nồng nhiệt cưu mang và ao ước thực hiện mưu hèn kế bẩn.  Khi trót sa ngã phạm tội con người cảm thấy ê chề và hổ thẹn trước Thiên Chúa, trước chính mình và trước xã hội. Lúc đó con người tìm cách chạy tội, trốn tránh Thiên Chúa và trốn tránh chính mình, như A-đam đã tâm sự: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn”.

Hậu quả của tội  là làm con người mất đoàn kết và đổ lỗi cho nhau, không dám đứng ra nhận trách nhiệm về việc mình làm.  A-đam đổ lỗi cho E-và : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”; Còn E-và thưa với Thiên Chúa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (Bài Đọc 1. St 3, 9-15).  Ađam quên đi rằng chính ông đã thốt lên khi lần đầu tiên nhìn thấy Evà, “nàng bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi”.  Tội lỗi đã phạm gây khủng hoảng nơi tâm hồn, làm xa lánh Thiên Chúa, gây tan vỡ tình thân, gieo khủng hoảng vào cuộc sống.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đến đúng lúc để thiết lập lại mối bất hòa giữa con người và Thiên Chúa. Bài tường thuật Đức Giêsu trừ quỷ trong ngôi nhà đông nghẹt người, làm đối phương của Người không chối cãi được, tuy nhiên vì sợ mất uy quyền, sợ mất ảnh hưởng trên dân chúng, họ bèn quay ra rêu rao xuyên tạc rằng: “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.  Đáng ra họ phải nhìn nhận điều nầy: Quỷ Xa-tan cầm đầu tội lỗi, tội lỗi sinh ra bệnh tật; chữa được bệnh tật, tức là trừ được tội, trừ được tội là chiến thắng được Quỷ Xa-tan.

Đức Giêsu dồn đối phương đến chân tường khi chất vấn : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? …  Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan tự chia rẽ, thì không thể tồn tại” (Bài Tin mừng. Mc. 3, 20-35).  Qua lời nầy Đức Giêsu minh định sứ mệnh của Người là chiến thắng tội lỗi, nối lại nhịp cầu đã gãy nơi vườn địa đàng, mà sách Sáng Thế tuyên  sấm: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (Bài Đọc 1).  Đức Giêsu minh chứng Người là Đấng Cứu Thế, bởi vì Người chiến thắng Xa-tan, chiến thắng tội lỗi.

Một cái nhìn thoáng về nhà sư Minh Tuệ, để thực hiện hạnh đầu đà, ông đã buông bỏ tất cả, đi bộ chân trần từ Bắc vô Nam, chỉ có cái lõi nồi cơm điện để khất thực, 3 áo và chỉ ăn một bữa trong ngày, không nhận cúng dường, ngủ ngồi cả năm nơi hoang vắng …Theo ý nhà sư là để vượt qua tham sân si.

Lạy Chúa Giê-su xin cho con biết nương tựa vào Lời Chúa để chiến đấu với ma quỷ, xin hãy đến cứu giúp con trong mọi cơn cám dỗ vì Chúa là sức mạnh của con. Amen

Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, Chính xứ Đức An, Pleiku

_______________________

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

GIA ĐÌNH CỦA CHÚA GIÊSU

Suy niệm

Theo Phúc Âm Máccô, sau khi chọn 12 Tông đồ trên đường rao giảng Tin Mừng, thì hôm nay Đức Giêsu và các ông “trở về nhà”. “Nhà” ở đây có lẽ là nhà của Phêrô vì khi đi rao giảng, Đức Giêsu thường xuyên lui tới và nghỉ ngơi ở đó (Mc 1, 29; 2,1). “Nhà” ở đây cũng có thể hiểu là hình ảnh của Giáo Hội. Hai lần Thánh Máccô ghi rằng, thân nhân của Đức Giêsu “ở ngoài” nhà. Kiểu nói “những kẻ ở ngoài” thông dụng trong thời Giáo Hội sơ khai, ám chỉ những người không phải là Kitô hữu (Tx 4,12; 1 Cr 5,12-13; Cl 4,5; Tm 3,7).

Những người thân thuộc đã nghe tin là Đức Giêsu làm việc quá sức, không còn giờ ăn uống, ngủ nghỉ, đàng khác còn gây thù hận với hàng lãnh đạo tôn giáo, và họ đang “tìm cách giết Ngài” (Mc 3,6) nên thân nhân muốn bắt Ngài đưa về quê,“vì họ nói rằng Ngài đã mất trí”. Đức Giêsu bị họ hàng nhận định cách nặng nề, thiếu hiểu biết, muốn ngăn cản sứ vụ của Ngài. Trong sự việc này có mặt Đức Maria là điều làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng qua đó, ta cũng thấy không phải chuyện gì xảy ra Đức Maria cũng hiểu được, dù ngay từ đầu đã được thiên thần truyền tin. Có lần thánh Luca cũng ghi nhận Đức Maria không hiểu được Đức Giêsu (Lc 2,50). Chỉ dần dần nhờ “lắng nghe Lời Chúa” và “suy niệm trong lòng” mà Mẹ lớn lên trong đức tin. Quyền làm Mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới để trở nên Mẹ Giáo Hội.

Sự kiện éo le chưa xong thì bồi thêm một sự kiện khác, là “các kinh sư từ Giêrusalem đến nói rằng Ngài bị quỷ vương Bêendêbun ám và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Lời cáo buộc này nhằm cố ý triệt hạ uy tín và ảnh hưởng của Đức Giêsu trước đoàn lũ dân chúng đang đi theo Ngài. Trong nước Do Thái thời Đức Giêsu, việc trừ quỷ khá phổ biến và được mọi người chấp nhận (Cv 19,13). Hơn nữa, các kinh sư là những người thông thạo Kinh Thánh, họ phải biết việc Êlia xưa đã dùng quyền năng Thiên Chúa mà diệt trừ những kẻ dựa vào quỷ Bêendêbun thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen (2V1,2-17).

Qua lời tố cáo của nhóm kinh sư, Đức Giêsu cho dân chúng thấy ngay luận điệu gian xảo của họ: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền… Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số”. Xatan chỉ bị diệt trừ khi ai đó có một sức mạnh lớn hơn. Đó là chính Đức Giêsu. Thế mà nhóm kinh sư dám dùng lời lẽ ngông cuồng xúc phạm đến Ngài. Và Ngài cho biết, mọi tội phạm thượng đều có thể tha thứ được, Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám”.

Theo thánh Máccô, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã nhận lãnh Thánh Thần khi chịu Phép Rửa trên sông Giođan, và với quyền năng của Thánh Thần, Ngài thi hành sứ mạng cứu độ (1,9-12). Khi nhóm kinh sư xuyên tạc và lật lọng việc trừ quỷ của Đức Giêsu là họ “phạm đến Thánh Thần”, cố chấp không đón nhận ơn cứu độ, nên không được tha thứ.

Tiếp nối sự việc trên, nhân có mẹ và anh em, Đức Giêsu nâng cao tầm nhìn cho các môn đệ: không phải những người ruột thịt là người thân đích thực của Chúa, mà là những người thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Không thể nói:“Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào Nước Trời” (Mt 7, 21). Chính Ngài từ trời xuống cũng là để làm theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 6,38), đến nỗi hy sinh mạng sống mình (Lc 22,42).

Những giáo huấn trên của Đức Giêsu đặt lại vấn đề đời sống của người Kitô hữu hôm nay. Khởi đi từ thực trạng dạy giáo lý tại Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã nhấn mạnh đến 4 cái thiếu: một là thiếu chiều sâu, bởi lo tập trung vào cái đầu thay vì con tim và đôi tay; hai là thiếu chiều cao, bởi chỉ chú trọng đến kiến thức thay vì tương giao và gặp gỡ; ba là thiếu chiều dài, bởi giới hạn vào việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích thay vì trưởng thành đức tin; bốn là thiếu chiều rộng, bởi giới hạn trong khuôn khổ của lớp học thay vì vươn ra ngoài xã hội.

Với nền giáo dục đức tin bất cập như thế, không lạ gì có nhiều giáo dân chẳng hiểu biết gì về Chúa, họ cũng không chịu học hỏi thêm Giáo lý, Thánh kinh, Công đồng… Nhiều người biện minh là không có thời giờ, nhưng thật ra là do lười biếng, không muốn hiểu biết Chúa hơn. Cũng vì nền tảng giáo lý yếu kém mà nhiều giáo dân sống đạo hời hợt, hình thức, không đi sâu vào mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu.

Mang danh là Kitô hữu mà không hiểu biết Chúa bao nhiêu. Đã “vô tri thì bất mộ”, không biết nên cũng chẳng yêu, càng không thao thức vươn lên cuộc sống mới như Chúa mong đợi. Quả là một tình trạng đức tin rất mông lung và đáng nghi ngờ, có thể đi tới những lầm lạc nếu không kịp thời chấn chỉnh. Và thật sự đã có những nhóm lạc giáo tại Việt Nam, lôi kéo được nhiều giáo dân, kể cả các linh mục và tu sĩ.

Cầu nguyện 

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa nêu lên một điều thật mới lạ,
để nối kết với tất cả người ta,
là những ai thi hành thánh ý Chúa,
mới trở nên thân thích họ hàng Ngài.

Chúa không coi thường gia đình ruột thịt,
nhưng cho thấy gia đình Ngài rộng lớn,
và vẫn còn tiếp tục trải dài hơn,
cho dù rất khác nhau về mọi mặt,
nhưng rồi lại có một mẫu số chung,
là cùng nhau thi hành thánh ý Chúa.

Lời Chúa nói còn có ý sâu xa,
trước tiên là muốn ngợi ca Mẹ mình,
vì chẳng ai theo ý Chúa cho bằng Mẹ,
là sẵn sàng thưa hai tiếng “xin vâng”,
cho dù. 
  bao gian lao lận đận,
chẳng màng gì đến sự sống bản thân.

Khờ khạo thay khi con theo ý mình,
mà chẳng quan tâm gì đến ý Chúa,
con hay dùng lý lẽ để phân bua,
hầu sống theo những gì mình ham thích.

Nếu như thế con đã mất liên hệ,
không còn được thuộc về gia đình Chúa,
sẽ trở nên một kẻ sống “ở ngoài”,
giữa cuộc đời không còn có ngày mai.

Lạy Chúa là nguồn suối của tình yêu,
xin cho con yêu mến Chúa thật nhiều,
để bù lấp những gì con đang thiếu,
dù đau khổ cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Xin cho con cứ làm theo Ý Chúa,
đừng biện minh hay che chắn cho mình,
đừng vòng quanh hay giả bộ làm thinh,
nhưng cho con sức mạnh để thi hành. Amen.

WGPKT(08/06/2024) KONTUM