Chúa Nhật XIV Thường Niên, Năm A – (CN 09.07.2023)

Bài đọc 1: Dcr 9,9-10

Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi : khiêm tốn ngồi trên lưng lừa.

Bài trích sách ngôn sứ Da-ca-ri-a.

9 Đức Chúa phán như sau :

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ !
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò !
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi :
Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,
khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,
một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
10Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem ;
cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy,
và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân.
Người thống trị từ biển này qua biển nọ,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.”

Đáp ca: Tv 144,1-2.8-9.10-11.13cd-14 (Đ. x. c.1) 

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

1Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.2Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

8Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.9Chúa nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

10Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,11nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

13cdChúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.14Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.

Đ.Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
xin chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Bài đọc 2: Rm 8,9.11-13

Nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

9 Thưa anh em, anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô. 11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.

12 Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. 13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết ; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.

Tung hô Tin Mừng: x. Mt 11,25

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 11,25-30

Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1:Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐIỀU BÍ MẬT

 

Đức Vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa” (x. Bài Đọc 1. Dc 9,9-10) đó là tin vui mà tiên tri Dacaria loan báo cho tòan thể dân Ítraen vào thời đại mới, thế giới mới.  Đã xuất hiện một vị Cứu tinh kỳ lạ có nguồn gốc nghèo hèn, hiền hậu có tâm hồn khiêm hạ.  Một ông vua như thế chưa bao giờ thiên hạ được nghe nói tới!  Thường thì người ta quan niệm cứ hoành tráng chiến thắng trên bề mặt xã hội là thành công và ơn cứu độ là do thành công nhân loại đem lại.  Người ta thường dễ dàng đồng hóa quyền bính thế gian, thế lực chính trị với  ơn cứu độ từ Thiên Chúa mà đến.  Hoàn toàn không phải như vậy !

Còn thánh Phaolô, ngài nhắc lại cho tín hữu Rôma là họ “không bị tính xác thịt chi phối nữa”, tức là sức mạnh của thế gian, nhưng họ sống dưới sự chi phối của sức mạnh Thần khí (x. Bài Đọc 2. Rm 8,9.11-13).  Như thế Thần khí chi phối và hướng dẫn từ bên trong và hướng dẫn con người đến những chiến thắng khác với chiến thắng của sức mạnh quyền lực và trần thế theo quan niệm dân gian.  Thần khí có khả năng biến “gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, biến chiến trường thành nguồn suối bình an cho mọi dân tộc.  Tiên tri Dacaria ý thức được điều đó khi loan báo cho dân thành Giêrusalem vị Vua đang  đến, không giống các vị vua trần thế khác, bằng cử chỉ rất biểu tượng, Ngài “khiếm tốn ngồi trên lưng lừa, “một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (x. Bài Đọc 1), con vật hiền lành mang nặng, dùng để chuyên chở đồ vật.  Ngài đến bẻ gãy sức mạnh địa ngục liên minh với quyền lực, Ngài là Vua tòan năng nhờ khiêm nhu và tình yêu.  Lời sách Xuất hành vọng lại : “Ngài đã quăng chìm đáy biển ngựa xe chiến mã và kỵ binh”, lời đáp ca sau bài đọc thứ 3 đêm canh thức phục sinh (Xh 15, 1b), đây là lời cao rao Thiên Chúa chiến thắng của dân Do thái sau khi vượt qua khỏi biển Đỏ, và họ nhìn thấy chôn vùi xác quân thù Ai-cập trong lòng biển thẳm sâu.

Tư tưởng ‘nhược thắng cường’ hòan tòan xa lạ với quan niệm thời bấy giờ và cũng xa lạ với hôm nay, làm sao có thể xảy ra ơn cứu độ từ nơi con tim hèn yếu, nơi thất bại ê chề và nghèo hèn, nhất là khi phải kinh qua sự chết.  Đây không phải là tư tưởng của nhân lọai mà là của Thiên Chúa, tư tưởng nầy được ví như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa cũng  cách xa tư tưởng loài người bấy nhiêu.  Đức Giêsu đã có một lần khải hoàn vào Giêrusalem ngồi trên lưng lừa mẹ, Người làm thế không phải mỵ dân, nhưng cử chỉ của Người mang tính tiên tri biểu tượng để mặc khải giá trị mới của một thế giới mới do chính Người lãnh đạo mà tiên tri Dacaria đã loan báo, cũng như các mối phúc thật đã minh nhiên nói đến: Phúc thay ai nghèo khổ, phúc thay ai hiền lành, bị bách hại, phúc thay ai yếu thế …

Khác với quan niệm của hạng trí thức và thông tuệ, Đức Giêsu lên tiếng ca ngợi ơn mặc khải mà Thiên Chúa dành cho những kẻ bé mọn: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (x. Bài Tin Mừng Mt 11, 25-30).  Một tôn giáo mới ra đời, một quan niệm đạo đức mới hình thành, làm đảo lộn bậc thang giá trị xã hội.  Đó là điều bí mật mà chỉ những ai được Cha kêu gọi mới hiểu mà thôi.   Bí mật này là lời mời gọi con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa, đối thọai với Thiên Chúa, sống làm con Thiên Chúa, và sống sự sống của Thiên Chúa, đi về với Thiên Chúa, đó là bí mật của “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai” tôi trở thành Thiên Chúa.  Chính Đức Giêsu Con Thiên Chúa sẽ dạy cho chúng ta về Cha vì không ai biết Chúa Cha, trừ người Con, như thế Đức Giêsu bảo mật chân lý về Cha và mặc khải cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, hạnh phúc cho kẻ bé mọn được biết ý định của Cha, xin Chúa hãy tiếp tục mặc khải cho nhiều người bé mọn biết đón nhận ý định bí mật của Thiên Chúa, để danh Chúa ngày được lan rộng. Amen

______________________________

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng ghi lại lời nguyện của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha, trong tâm tình vui mừng và cảm tạ, vì Cha đã đặc biệt yêu thương những người bé mọn, đơn sơ, và mạc khải cho họ những điều sâu nhiệm. Tiếp đến, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để tìm sự nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Chỉ nơi Chúa, chúng ta mới tìm lại sức mạnh, an vui và thanh thản cho tâm hồn mình. Nhưng để được như vậy, Chúa muốn chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài, nghĩa là sống theo luật lệ và giáo huấn của Ngài. “Ách” và “gánh” này sẽ êm ái và nhẹ nhàng hơn, khi chúng ta biết học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường, là những đức tính của lòng yêu mến sâu xa.
Hiền lành. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Praus: có nghĩa là lòng từ bi, bác ái, bao gồm thái độ hiền hoà, dịu dàng và bao dung đối với mọi người. Điều này trái ngược với tính thô bạo cứng cỏi, cũng không yếu nhược hay nhát đảm. Chúa Giêsu hiền lành nhưng không im lặng trước sự dữ. Ngài đã từng lên án gắt gao thói giả hình của nhóm biệt phái, đã xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, dám vì công lý mà chịu thiệt thân, không oán hận, còn xin Chúa Cha thứ tha cho họ. Sự hiền lành của Chúa Giêsu còn là sự cảm thông sâu xa với người tội lỗi. Ngài đến gặp gỡ, đối thoại và đồng bàn với họ. Ngài mở cho họ một con đường để tiến tới sự sống mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, hay như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp. Dụ ngôn người Cha nhân hậu còn nói lên tấm lòng hiền lành bằng sự bao dung của Ngài.
Khiêm nhường. Thánh Matthêu dùng từ Hy lạp là Tapeinos. Chữ này có nghĩa là chấp nhận “đứng thấp”, “ở dưới”. Căn bản của khiêm
nhường là biết mình như thế nào thì sống như thế ấy, không tự ti cũng không tự tôn, không tỏ ra hơn cái mình “là”. Người khiêm nhường luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận, học hỏi và thay đổi, không bao giờ sợ bị tổn thương hay mất mát. Các bậc chân nhân là những người đã sống khiêm nhường sâu xa, không muốn tỏ lộ gì ra bên ngoài, nhưng âm thầm kín đáo bên trong: “Chân nhân bất lộ tướng”. Tuy nhiên, bài học khiêm nhường ở đây không chỉ theo nghĩa từ ngữ hoặc là tính cách cao đẹp của các hiền nhân, mà còn là tấm gương độc nhất của Chúa Giêsu, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế… (Pl 2,6-10).
Khiêm nhường là hàng rào bảo vệ tốt nhất cho chúng ta tránh khỏi bờ
vực của thói kiêu căng, tự mãn. Người kiêu căng là người vượt quá cái
“là” của mình, bị coi là người “việt vị” trong bóng đá, vì đã vượt quá vị trí của mình. Sách Châm Ngôn cho biết: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào”(16,18). Đức Gioan Phaolô I nói rằng:“Trên thiên đàng không thiếu những người thu thuế và gái điếm, nhưng chắc chắn không có kẻ kiêu ngạo”. Chỉ trong sự khiêm nhường, ta mới thực sự là chính mình và mới có khả năng đạt tới cùng đích của đời mình.
Thế gian coi sự hiền lành và khiêm nhường là một thái độ sống yếu nhược. Thế nhưng sự thật nơi họ lại ẩn chứa một nội lực thâm sâu, một tính khí anh hùng, vì dám nhẫn nhục và kiên trì đến cùng trước mọi nghịch cảnh. Vương Thông đã định nghĩa chữ “anh hùng” như sau: ANH là người tự biết mình. HÙNG là người tự thắng mình. Những người hiền lành và khiêm nhường là những người anh hùng, vì họ đã đã biết mình và đã thắng được chính mình, thắng được tính nóng nảy và kiêu căng của mình. Thánh nhân là gì nếu không phải là người đã chiến thắng được chính mình, không còn nô lệ cho đam mê và dục vọng của mình nữa, nên hoàn toàn có tự do để sống cho Thiên Chúa và tha nhân.
Người hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ của Chúa Cứu thế. Trong
một xã hội cạnh tranh, giữa những lối sống phô trương và loại trừ, họ biết sống âm thầm lặng lẽ và chia sẻ nỗi đau của người khác. Họ giống như những tia sáng nhỏ trong bóng tối mênh mông, nhưng đủ để làm sáng lên một dấu chỉ nhiệm mầu. Xưa Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong con người khiêm hạ của Đức Kitô, thì nay, Chúa cũng đang tỏ mình ra trong những người phận nhỏ, nhưng ít ai nhận ra. Trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn sống an vui và tràn đầy niềm hy vọng vào Chúa.
Chỉ trong sự hiền lành và khiêm nhường, chúng ta mới thực sự là môn đệ Đức Kitô, mới trở nên hình ảnh sống động của Ngài giữa một thế giới đầy tranh chấp quyền hành và danh lợi, kẻ mạnh được kẻ yếu thua, không còn công lý và tình thương, gây nên bao cuộc chiến tranh và huynh đệ tương tàn. Chỉ trong sự hiền lành và khiêm nhường, chúng ta mới biết phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong công bình và bác ái, để đem an hòa cho thế giới, mà vì đó nên máu tim Chúa đã đổ ra để cứu chuộc nhân loại.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Trong một thế giới xung đột và tranh chấp,
phân chia cao thấp và mạnh được yếu thua,
kẻ thắng thì làm vua còn kẻ thua làm giặc,
mất đạo đức và đạo tặc lên ngôi.
Để rồi lẽ phải trong tay người quyền thế,
nên người hiền lành bị áp chế và xử tệ,
còn kẻ khiêm nhường thì bị coi yếu nhược,
cả hai được xếp loại “phường giá áo túi cơm”.
Thế nhưng đối với Chúa thì lại khác,
người hiền lành mới chân thành đạo hạnh,
kẻ khiêm nhường mới thực sự sống yêu thương,
họ mới đáng là những người được chúc phúc,
vì đem lại an bình cho thế giới nhiễu nhương.
Chúa đã sống hiền lành và khiêm nhượng,
để con noi gương Ngài mà tiến bước,
không dựa vào địa vị hay tiền tài,
không xem thành bại mà quyết đoán đúng sai,
nhưng xử khoan thai ôn hòa và độ lượng.
Hiền lành không phải là không nóng giận,
nhưng nóng giận vì nhiệt tình nhà Chúa,
để nói lên sự thật và lẽ phải,
dù biết rằng có thể gặp nguy cơ,
giống như lần Chúa thanh tẩy đền thờ,
Khiêm nhường cũng không phải là thỏa hiệp,
để cho sự gian ác cứ hoành hành,
nhưng tích cực tạo môi trường lành mạnh,

giúp mọi người có được tấm lòng thanh,
biết xa tránh những thói đời kiêu hãnh.
Con muốn sống hiền lành và khiêm nhượng,
để đời mình được trở nên giống Chúa,
đem an bình cho cuộc sống hôm nay,
cho tình yêu thêm sâu rộng mỗi ngày,
và cuộc đời trong Chúa hạnh phúc thay! Amen.

WGPKT(05/07/2023) KONTUM