Chúa Nhật XVI Thường Niên, Năm A – (CN 23.07.2023)

Bài đọc 1: Kn 12,13.16-19

Người có tội được Chúa ban ơn sám hối.

Bài trích sách Khôn ngoan.

13Lạy Thiên Chúa,
ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác
để Ngài phải chứng tỏ rằng
các phán quyết của Ngài không bất công.
16Chính do sức mạnh của Chúa
mà Chúa hành động công minh,
và vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài.
17Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng,
thì Ngài tỏ sức mạnh ;
còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
18Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh.
Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con,
nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
19Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng :
người công chính phải có lòng nhân ái.
Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề
là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.

Đáp ca: Tv 85,5-6.9-10.15-16a (Đ. c.5a)

Đ.Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng.

5Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng,
giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin ;6lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn,
tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm.

Đ.Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng.

9Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng
sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài.10Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng ;
chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa.

Đ.Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng.

15Phần Ngài, muôn lạy Chúa,
Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi,
Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín.16aXin đoái nhìn và xót thương con.

Đ.Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng.

Bài đọc 2: Rm 8,26-27

Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

26 Thưa anh em, có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải ; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.

Tung hô Tin Mừng: x. Mt 11,25

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 13,24-43 

Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28 Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29 Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

ĐỨC KIÊN NHẪN

 

Có người cho rằng tôn giáo sinh ra từ lo sợ, tin vào thần thánh là vì mưu cầu tư lợi, lo sợ bị tai ương hoạn nạn giáng phạt đưa đến cúng kính thần dữ để khỏi bị thần dữ ra tay hãm hại, chạy chọt cúng bái thần lành để được gia ân phúc lộc.  Một quan niệm sai lạc về thần thánh vay mượn nơi các thần thọai Hy lạp làm cho con người chỉ nghĩ đến sức mạnh của thần thánh là trừng phạt, báo thù, kết án, tiêu diệt con người … 

Khác xa quan niệm ngoại giáo đó, Thiên Chúa trong Kinh thánh được trình bày là Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Giacóp, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa dùng tình yêu bao la của Người phục vụ nhân loại.  Thiên Chúa luôn tìm gặp con người, chuyện vãn với họ, chờ đợi và tha thứ cho họ trong yêu thương: “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Bài Đọc 1.  Kn 12, 13.16-19).   Thiên Chúa trong Cựu ước biết “nói” tức biết đối thoại với con người, biết cảm thông hay thương xót và cứu vớt con người, luôn cho tội nhân cơ hội làm lại cuộc đời.

Trong Tân ước Thiên Chúa xuất hiện như người cha rất nhân từ, điển hình là dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về, khiến có kẻ trách móc Thiên Chúa quá hiền lành đến nhu nhượng khó hiểu đối với người con đốn mạt, sau khi phung phí tài sản, sống trụy lạc, tìm đường về nhà vì đói ăn, vì thân tàn ma dại, lại được cha ôm ấp tha thứ và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15).  Cách cư xử của cha, khác hẳn với tâm lý của người anh cả hẹp hòi so đo tính toán, người cha già chỉ muốn đón nhận con về, mừng vui vì con còn sống, ông quên hết mọi tội lỗi của con, đây là hình ảnh của “Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực yêu thương”, lời Thánh vịnh nhắc nhủ chúng ta. 

Thiên Chúa trong Kinh thánh khác xa các thần thánh Hy lạp, các vị thần nầy thường cạnh tranh ganh tỵ và đối đầu với con người.  Theo thánh Phaolô Thiên Chúa không những cư xử tốt với con người, Người còn ban Thần khí đến trợ lực chúng ta : “Có Thần khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn” để chúng ta trở về với Thiên Chúa và “biết cầu thay nguyện giúp theo đúng ý Thiên Chúa” (x. Bài Đọc 2. Rm 8, 26-27).

Các dụ ngôn về Nước Trời hôm nay mặc khải cho thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa.  Người chậm giận và rất mực yêu thương, đây là tiêu đề của năm thánh “Lòng Thương Xót”.  Bài Tin Mừng  trình bày ba dụ ngôn về Nước Trời: lúa tốt và cỏ lùng, hạt cải được gieo vào lòng đất và nắm men vùi vào đấu bột.  Hình ảnh của Thiên Chúa nhân từ được lồng vào sự kiên nhẫn chờ đợi phát triển như sức mạnh âm thầm của hạt cải, đợi chờ ngày lớn thành cây; hoạt động của Thiên Chúa chậm chạp nhưng chắc chắn thấm nhập như nắm men làm cho cả thúng bột dậy men; phản ứng của Thiên Chúa từ tốn không nóng giận nhưng rất kiên nhẫn chờ đợi như người nông dân chờ đến mùa gặt để loại bỏ cỏ lùng: “Như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.  Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải kóc lóc nghiến rằng” (x. Bài Tin Mừng. Mt 13,24-43).

Bài Tin Mừng nói cho chúng ta về đức kiên nhẫn, lòng nhân từ, niềm hy vọng cũng như tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.  Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta , ban cho chúng ta cơ hội bỏ đường tội lỗi để trở về.  Điều tuyệt vời là nơi mỗi người đều có khả năng bắt đầu lại.  Đức tin có sức mạnh tự nội, sức sống đó mạnh như hạt cải, âm thầm và tác động như nắm men vùi vào đấu bột.  Tuy nhiên hãy coi chừng nơi con người có lẫn lộn lúa tốt và cỏ lùng, đức hạnh và tội lỗi, hãy chắc rằng có ngày “người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi”.  Đừng quá lạm dụng lòng từ bi và kiên nhẫn của Thiên Chúa. Quay đầu lại là bờ, xuất phát lại từ Chúa Kitô, không bao giờ là muộn màng vì chính Thần khí sẽ giúp đỡ chúng ta thanh luyện và loại bỏ những gì xấu xa tội lỗi.

Lạy Chúa Giêsu, đã bao nhiêu lần Chúa quay mặt đi trước lỗi lầm của con, xin cho con biết nhận ra tình thương bao dung và lòng kiên nhẫn của Chúa để con bắt đầu lại, trong hy vọng con tiến bước. Amen

___________________________

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

BAO DUNG VÀ CHỜ ĐỢI

Suy niệm
Thế giới con người ngay từ đầu đến giờ vẫn là sự đối đầu không ngừng
giữa sự thiện và sự ác. Tuy nhiên, đứng trước thực tế của cuộc sống hằng ngày, người ta vẫn đặt ra vấn nạn: nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài toàn năng và thánh thiện, thì tại sao Ngài không tiêu diệt sự ác mà để nó lây lan, khiến cho cuộc đời đầy họa tai và khổ ải? Tại sao người lành vẫn phải chuốc lấy những oan trái và nghiệt ngã như vậy? Đó cũng là điều mà dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay đặt ra.
Đứng trước tình trạng cỏ lùng ở giữa lúa, những người đầy tớ cũng đã ngạc nhiên và hỏi chủ mình rằng: “không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng tự đâu mà có?”. Chủ trả lời là do kẻ thù đã làm điều đó, nghĩa là do quỉ dữ đã gieo vào. Nhưng sao chủ lại không cho đầy tớ diệt cỏ lùng? Vì chủ sợ làm như vậy có thể làm bật luôn rễ lúa. Thật vậy, vì cỏ lùng rất giống với cây lúa mì, nên khó phân biệt hai thứ, nhưng đến khi đơm bông thì có thể nhận ra dễ dàng.
Thiên Chúa để cho cỏ lùng mọc chung với lúa, kẻ xấu sống chung với người tốt. Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn. Ngài nhẫn nại với tội nhân, không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn trở lại và được sống (Ed 18, 23). Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa được, nhưng người xấu có thể hoán cải nên người tốt, tội nhân có thể thành thánh nhân. Sự thánh thiện của Thiên Chúa ở chỗ bao dung và chờ đợi. Dù sao, sự dữ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Thiên Chúa, Đấng có thể biến sự dữ thành sự lành (x. St 37-50), Đấng chấp nhận cho cỏ lùng và lúa cùng lớn lên đến mùa gặt (Mt 13, 29-30), Đấng “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”. (Mt 5, 45).

Thật ra, cỏ lùng và lúa nằm ở nơi con tim mỗi người, luôn đong đưa giữa thiện và ác, giữa cao thượng và thấp hèn, giữa thiên thần và satan. Vì thế, chúng ta không có quyền tiêu diệt người ác, nhưng có bổn phận tiêu diệt sự ác trong con người, trước tiên nơi chính mình. Tự bản chất, cuộc sống đòi hỏi phải thanh tẩy sự ác không ngừng nơi bản thân, vì chính mình là mầm mống trước tiên gây đau khổ cho bản thân và đồng loại. Nếu Thiên Chúa thẳng tay diệt trừ theo lẽ công bình thì mỗi người chúng ta chắc không ai thoát được (x. Ga 8, 3-11). Trước mặt Chúa chẳng ai là người công chính (Rm 3, 10). Ngay trong những hành vi tốt đẹp nhất của tôi vẫn thấy có chút vị kỷ, chiếm đoạt. Vì thế, kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình, là “cái tôi đáng ghét”.
Mảnh ruộng nào cũng luôn có cỏ lùng và lúa. Trong môi trường nào cũng có đủ hai hạng người ấy: triều đình nào cũng có những trung thần và nịnh thần; xã hội nào cũng có những thanh quan và tham quan; tôn giáo nào cũng có những người thành tín và bất trung. Sự hiện diện của người xấu cũng là tiếng chuông cảnh báo về bản thân tôi. Satan vẫn lợi dụng thời cơ để lén lút gieo vào trong tôi những hạt giống cỏ lùng, và gây nên những hư hại cho những người xung quanh: một thái độ hững hờ, thiếu quan tâm cũng đủ gây nên buồn phiền cho bạn hữu; một hành vi thiếu tế nhị và tôn trọng cũng đủ gây thương tổn cho tha nhân; một chút nóng giận, khích bác, hay vênh vang tự đắc cũng đủ gây bất hòa trong cộng đoàn; một lời nói vô ý thức hay một hành động thiếu trách nhiệm cũng đủ gây ra tai hoạ cho người khác…
Dụ ngôn cho biết: “Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa”. Nếu tôi không cảnh giác, sẽ có nhiều điều xấu xa xâm nhập vào lòng trí mình. Nếu tôi không luôn đặt mình ở trước mặt Chúa trong mọi công việc, thì đời sống tôi dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành. Do hậu quả của tội nguyên tổ, con người dễ bị cám dỗ và hướng chiều theo điều xấu, dễ tự
mâu thuẫn và bất đồng ngay trong chính bản thân. Đó cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô về việc tốt muốn làm mà lại không làm, cũng là kinh nghiệm hằng ngày của mỗi người chúng ta khi đứng trước những lựa chọn.

Nhưng rồi tiến trình hoàn thiện vẫn đang ở phía trước, hướng mọi người chúng ta vươn tới sự thiện hảo là chính Đức Kitô. Chúng ta không dung túng sự dữ, nhưng cũng không bạo động để chống lại ác nhân; không che chắn cho những điều xấu xa, nhưng vẫn nhẫn nại biến đổi trái tim của kẻ thù thành bạn hữu, vì tin vào sức mạnh của tình yêu. Chúng ta cũng không hy sinh kẻ khác nhưng hy sinh chính mình, để xây dựng một thế giới hòa bình. Đó cũng chính là con người Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, mà chúng ta phải mặc lấy tâm tình của Ngài: tâm tình bao dung, đón nhận và chờ đợi trên hành trình về quê trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
khi để cỏ lùng mọc chung với lúa,
Chúa chấp nhận có vàng thau lẫn lộn,
cho dù nhiều hỗn độn và nhiễu nhương,
Ngài vẫn luôn yêu thương và nhẫn nại,
không cho làm hư hại cả đôi bên.
Qua đó Chúa dạy cho chúng con biết,
không tránh được kẻ thù gieo tai ác,
gây đau thương và chua chát phận người,
làm cho cuộc sống này mất đẹp tươi.
Qua đó Chúa đã mời gọi chúng con,
hãy kiên tâm đừng vội chấp sai lầm,
đừng nôn nóng mà loại trừ người xấu,
cần nhìn vào chiều sâu và cảm thấu,
càng không nên khinh thị hay đối đầu,
vì chưa chắc mọi sự như thế đâu.
Qua đó Chúa cũng cho chúng con hiểu,
cỏ lùng và lúa tốt ngay trong lòng,
vẫn đong đưa điều dữ với điều lành,
bất đồng và mâu thuẫn không thể tránh,
sự thiện và sự ác vẫn phân tranh,
cái tốt và cái xấu luôn hình thành.

Chính bản thân của con còn chưa tốt,
nên đừng vội thốt ra lời phê phán,
càng không được xét đoán hay lên án,
kẻo làm cho cuộc sống mãi bất an.
Xin cho con tìm cách thế nhẹ nhàng,
biết mở đường dẫn lối trong tình bạn,
luôn đồng hành và khuyến khích bảo ban,
giúp cho nhau vượt thoát những nguy nan,
cố gắng biến kẻ thù thành bạn hữu,
để chờ ngày viên mãn phúc thiên thu. Amen.

WGPKT(19/07/2023) KONTUM