Chúa Nhật XXVIII Thường Niên, Năm B (CN 13.10.2024) – Kho Tàng Trên Trời

Bài đọc 1: Kn 7,7-11

Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan.

Bài trích sách Khôn ngoan.

7Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết.
Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.
8Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng
còn hơn cả vương trượng, ngai vàng.
Tôi coi của cải chẳng là gì
so với Đức Khôn Ngoan.
9Đối với tôi, trân châu bảo ngọc
chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng chỉ là cát bụi,
và bạc, so với Đức Khôn Ngoan,
cũng kể như bùn đất.
10Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan
hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng,
vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan
chẳng bao giờ tàn lụi.
11Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan,
mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan,
của cải quá nhiều không đếm xuể.

Đáp ca: Tv 89,12-13.14-15.16-17 (Đ. c.14)

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.15Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ,
bù lại những tháng năm
Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

16Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
được thấy công trình Ngài thực hiện,
và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.17Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,
xin củng cố việc tay chúng con làm.

Đ.Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.

Bài đọc 2: Hr 4,12-13

Lời Thiên Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

12 Thưa anh em, lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. 13 Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.

Tung hô Tin Mừng: Mt 5,3

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mc 10,17-30 

 

 

Hãy đi bán những gì anh có, rồi hãy đến theo tôi.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

17 Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 18 Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp : “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao ! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau : “Thế thì ai có thể được cứu ?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

28 Ông Phê-rô lên tiếng thưa Người : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” 29 Đức Giê-su đáp : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

 

Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

 

Với chiến dịch “chống tham nhũng” của nhà nước, gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều quan chức phải trình diện trước vành móng ngựa và kếc cục là phải “vào lò”. Họ là những người lợi dụng chức quyền, tham ô của nhà nước và của cá nhân. Số tiền mà họ làm thất thoát đều là những con số làm người ta giật mình. Khi khám xét nhà của một số quan chức, cơ quan chức năng phát hiện vô số tài sản như tiền, vàng, bìa đỏ sở hữu đất đai. Số tài sản mà họ đang chiếm hữu, đủ để nuôi cả gia đình nhiều thế hệ. Vậy mà họ vẫn còn tham lam và ăn chặn của dân. Trước những vụ đại án, người ta chỉ biết thốt lên: lòng tham vô đáy.

Lòng tham xuất hiện từ bao giờ? Có lẽ nó xuất hiện từ khi con người hiện hữu trên trái đất. Người ta tham tiền, tham quyền, tham danh vọng. Ông A-đam và bà E-và đã tham danh vọng, cứ nghĩ là có thể được nên giống như Thiên Chúa, nên đã mềm lòng trước lời dụ dỗ ngon ngọt của con rắn mà phạm tội. Kinh Thánh cũng kể cho chúng ta rất nhiều vụ việc liên quan đến lòng tham. Bất kể ở địa vị hoàn cảnh hay bậc sống nào, lòng tham vẫn thường trực trong tâm khảm của con người. Vì tham mà sinh ra bạo lực, chém giết, chia rẽ, hận thù, lừa lọc và cãi vã. Sống hoàn thiện là biết làm chủ bản thân, không bị lòng tham điều khiển, nhờ đó sống thanh thoát như bông sen giữa đầm lầy, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Tuy phê phán lòng tham, nhưng chúng ta phải công nhận rằng vật chất cần thiết cho cuộc sống nhân sinh. Đóa sen với bùn lầy là hai thực tại khác biệt nhau. Tuy vậy, sen mọc lên được là nhờ bùn. Không có bùn, sen không có chất dinh dưỡng và không thể nở hoa. Vậy nên mối duyên giữa sen và bùn cứ luôn bền chặt và gắn bó với nhau. Tương tự như thế, con người sống ở đời cũng cần có vật chất. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su nhiều lần lên án người giàu, nhưng không phải vì họ giàu. Họ bị lên án vì quá tham lam, quá gắn bó với của cải như thể vật chất là lý tưởng của cuộc đời. Họ cũng bị phê phán vì dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân. Đây cũng là quan điểm và giáo huấn của các ngôn sứ trong Cựu ước.

Thánh Mác-cô kể về một chàng thanh niên muốn đi theo Chúa Giê-su. Dựa vào những gì anh nói, chúng ta có thể kết luận, anh là người đạo đức theo truyền thống, luôn lo lắng tuân giữ các giới răn. Tuy vậy, có thể nói giáo huấn của Cựu ước chỉ dừng lại ở những gì anh đang tuân giữ. Chúa Giê-su còn muốn mời gọi anh dấn thân hơn trong sự buông bỏ để đi theo Người. Chúng ta không phủ nhận hay phê phán thiện chí của anh. Tuy vậy, anh chưa sẵn sàng theo Chúa Giê-su, vì sự níu kéo của vật chất còn rất mạnh, anh chưa nỡ buông ra. Nơi khác trong Tin Mừng, Đức Giê-su cũng ra điều kiện cho những ai muốn theo Chúa, như: hãy để người chết chôn người chết; Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa; vì con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu (x. Lc 9,57,62). Chính Chúa Giê-su làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta về sự từ bỏ, để toàn tâm toàn ý dấn thân cho sứ vụ loan báo Nước Trời.

“Những người có của thì khó vào nước Thiên Chúa biết bao!” Đây là lời than vãn của Chúa Giê-su, trước sự kiện người thanh niên buồn bã bỏ đi. Nhân dịp này, Chúa Giê-su muốn dạy cho các môn đệ – và dạy chúng ta hôm nay – về sự khôn ngoan khi sử dụng của cải. Lời nói của Chúa Giê-su chắc hẳn gây sốc đối với chúng ta: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời”. Trước sự sửng sốt của các môn đệ, Chúa Giê-su đã trấn an các ông: Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Điều đó có nghĩa, cứ phó thác mọi sự cho Chúa và thiện chí sống tốt, Ngài sẽ lo liệu, vì Ngài quyền năng và yêu thương con người.

Khi đề cập tới của cải, Phụng vụ khuyên chúng ta; hãy học lấy sự khôn ngoan. Đức Khôn ngoan là chủ đề chính của Bài đọc I trích từ cuốn sách cũng mang tựa đề là sách Khôn ngoan. Dưới ánh sáng mạc khải Ki-tô giáo, Đức Khôn ngoan là chính Đức Giê-su. Chọn sống khôn ngoan là chọn Đức Giê-su như lý tưởng của đời mình. Sống như Đức Giê-su là con đường nên hoàn thiện, vì Người là Đấng thánh của Thiên Chúa. Cuộc đời dương thế của Người, mọi hành vi và lời nói, đều là mẫu mực cho chúng ta.

Để nên người khôn ngoan, thánh Phao-lô khuyên chúng ta: hãy chuyên tâm học hỏi và sống Lời Chúa, vì Lời Chúa có sức mạnh vô song. Lời Chúa soi sáng tâm hồn và giúp chúng ta phân biệt tốt xấu. Lời Chúa cũng giúp chúng ta can đảm để buông bỏ mọi sự, bước theo Chúa Giê-su và làm môn đệ của Người.

Lòng tham vẫn luôn là cơn cám dỗ dằn vặt chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta thành đạt trong sự nghiệp, để có một cuộc sống ổn định, vừa nuôi sống gia đình và bản thân, vừa có thể sẻ chia với anh chị em đang có nhu cầu. Nếu trần gian là một đầm lầy, thì mỗi người hãy cố gắng để tỏa hương như đóa sen giữa đầm lầy đó.

+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (Tgp Hà Nội)

 

—————————-

 

Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

 

 

CẢNH GIÁC CỦA CẢI

 

Khôn ngoan là giá trị cao quý nhất trong đời sống con người được phụng vụ hôm nay trình bày qua hai Bài Đọc 1 và 3.  Bài Đọc 1 tường thuật câu chuyện vua Salômon cầu xin Thiên Chúa khôn ngoan, như trong một câu chuyện thần tiên, nhà vua được Thiên Chúa cho làm điều ước, muốn gì cứ xin (x. Kn 7,7-11).  Đức vua không màng đến các giá trị trần thế nhưng đã cầu xin Thiên Chúa cho mình đức khôn ngoan.   Đức vua quý trọng sự khôn ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng, trân châu bảo ngọc, hơn sức khỏe và sắc đẹp.  Tất cả chỉ là cát bụi so với khôn ngoan. 

Khôn ngoan là ánh sáng không tàn lụi.  Giá trị của khôn ngoan không nằm trong vật chất, đức vua cầu xin một giá trị vĩnh hằng. “Tôi đã cầu xin và sự khôn ngoan đã được ban cho tôi và cùng với sự khôn ngoan của cải đã đến với tôi” (c. 11).  Bản văn như một lời mời gọi những ai có trách nhiệm lãnh đạo phải biết đặt cao lý tưởng của chức vụ, biết sử dụng của cải vật chất, quyền bính để phục vụ công ích.  Vua Salômon tìm đức hạnh hơn tìm vật chất, ông tương đối hóa giá trị vật chất, đặt vật chất vào đúng chỗ của nó.  Ông xin sự khôn ngoan, để quản trị vật chất.

Trình thuật một thanh niên đi tìm sự hoàn hảo theo Bài Tin Mừng (Mc 10,17-30), anh đã khá thành công trong cuộc đời, có tài sản kếch xù và đầy lòng đạo đức vì anh đã giữ đúng tất cả những gì Luật Môsê dạy từ thời niên thiếu, tuy nhiên của cải vật chất và việc tuân giữ lề luật cũng không làm cho anh thỏa mãn, anh ao ước một điều gì đó cao hơn nữa, một điều gì đó mà vật chất không đem lại được.  Anh chạy đến và quỳ trước mặt Đức Giêsu và xin lời cố vấn: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?   Câu hỏi của anh diễn đạt chính xác mối liên hệ giữa việc làm hôm nay và sự sống ngày mai, một quan niệm nhân quả, tuy không nói ra nhưng anh nhận thấy vật chất không làm anh hài lòng, vật chất có giới hạn, vật chất không phải là tiên là phật như quan niệm bình dân ‘có tiền mua tiên cũng được’, anh đi tìm một giá trị vĩnh hằng.  Mấy ai đã hiểu được như anh !

Sự hăm hở và lòng nhiệt thành trong tim anh như tối sầm lại khi nghe Đức Giêsu trả lời: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo”.  Điều này cũng chưa quan trọng bằng lời nói tiếp theo: “Rồi hãy đến đây theo tôi” (Mc 10, 17-30).  Một sự thách đố thật sự, bỏ cái trước mắt đang nằm trong tầm tay, đi tìm cái viễn vông sao!  Thật khắc nghiệt, Đức Giêsu ra điều kiện khắt khe cho những ai muốn theo Người.  Sự kiện này cho thấy Đức Giêsu là đấng cầm cân nẩy mực luật lệ luân lý chứ không phải con người, chính Người mới là Đấng nhân lành ra phán quyết điều nào lành, điều nào dữ. Thiên Chúa là quy tắc luân lý mà con người cần tham chiếu cho đời sống luân lý của mình.  Thiên Chúa là thước đo điều lành và điều dữ chứ không phải con người.

Chỗ đứng của vật chất. Khi nói những lời nầy Đức Giêsu muốn người thanh niên giàu có cắt đứt mối quan hệ ‘con người và tiền bạc’, mối quan hệ này thường thống trị con người, cản trở con người gặp gỡ anh em mình, và ngăn cản gặp gỡ Thiên Chúa; Người đề nghị với anh một quan hệ mới ‘con người và người nghèo’, khi làm được hai điều này thì mối quan hệ thứ ba là ‘con người và Thiên Chúa’, được thiết lập hài hòa. 

Và đó là sự khôn ngoan lo tìm kiếm “kho tàng trên trời”, tức là sự sống đời đời.  Ba mối quan hệ này liên thông với nhau, đan quyện và ảnh hưởng lên nhau, theo một bậc thang giá trị từ thấp lên cao: vật chất, con người, Thiên Chúa.  Làm đảo lộn trật tự này con người trở thành nô lệ cho vật chất, không đến được với Thiên Chúa.  Vật chất có chỗ đứng và giá trị nhất định của nó, nhưng không thế chỗ Thiên Chúa được.  Khi vật chất thế chỗ thượng đế, nó trở nên thần ‘Mam-mon’.

Đức khôn ngoan soi sáng con người biết lấy vật chất phục vụ con người, và chóp đỉnh là phục vụ Thiên Chúa.  Đó là sự khôn ngoan mà thánh Phanxicô Khó khăn chọn cho mình bằng từ bỏ tất cả gia tài sản nghiệp của cha mẹ để bước theo Bà Chúa Nghèo, rồi tự do phục vụ người cùng đinh xã hội; đó cũng là lý tưởng được mẹ Têrêxa Calcutta triệt để thi hành trên đất Ấn độ cho những người bị bỏ rơi.  Như thế các vị thánh nầy đã thế chân chàng thanh niên giàu có khi anh sa sầm nét mặt và quay lưng lại trước lời mời gọi của Đức Giêsu.  Các ngài cũng đã sống và thi hành sự khôn ngoan mà vua Salômon cầu xin.

Các Bài Đọc nầy đề cao cảnh giác sự nguy hiểm của tiền bạc, thật ra vật chất có thể đem lại cho con người sự phồn thịnh và tiện nghi, nhưng cũng biến con người  trở nên cồng kềnh, cản bước tiến đi vào Nước Thiên Chúa, như “lạc đà chui qua lỗ kim”.  Khó khăn không thể vượt qua đối với sức lực con người, thì vẫn có thể được đối với Thiên Chúa.  Như vậy việc vào Nước Trời là điều không do vật chất hay nổ lực của con người đem lại nhưng là do ân sủng Chúa ban, do sự khôn ngoan của con người biết quản lý vật chất.  Của cải là đầy tớ, chứ không là ông chủ.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con luôn bị chi phối bởi tiền bạc, xin cho con biết khôn ngoan sử dụng của cải vật chất và đặt nó làm đầy tớ biết vâng lời, chứ không tôn trọng nó như một ông chủ ra lệnh. Amen

Lm Luy Nguyễn Quang Vinh (Gx Đức An – Gp Kon Tum)

 

 

—————————-

 

Suy niệm 3: Lm. Thái Nguyên

 

 

ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI

 

Suy niệm

Qua bài Tin Mừng, ta thấy người thanh niên có đời sống luân lý thật tốt. Anh ta còn cả một ước mơ cao vời là muốn có “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Một thanh niên có được đời sống tốt lành như vậy trong xã hội hôm nay quả thật rất hiếm. Bao nhiêu thông tin hằng ngày cho thấy bộ mặt giới trẻ thật đáng ngại: trong đời sống luân lý thì phóng túng; trong quan hệ tình yêu thì gian dối; trong giao dịch kinh tế thì mánh mung lừa đảo; trong bổn phận thì thiếu trách nhiệm; trong việc chung thì đùn đẩy; trong học hành thì đối phó, gian lận… Những gì là đạo đức, hiền lành, chân thật, dường như không còn nữa.

Đối với phái nam như trung, hiếu, hay nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, xem ra đã lạc hậu; đối với phái nữ thì công, dung, ngôn, hạnh, có lẽ đã lỗi thời. Có nhiều lý do bức bách giới trẻ, làm cho họ bị tha hóa. Đúng hơn đó là hậu quả của một xã hội hay một lối sống vô thần, chỉ biết gia tăng kinh tế mà không biết gia tăng đạo đức, chỉ biết tôn thờ khoa học kỹ thuật mà không biết đến Đấng chí tôn, nên tạo ra một lớp người hỗn loạn, yêu cuồng sống vội, nóng ruột kiếm tiền, mê man hưởng thụ, và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được những gì mình muốn. Trong bối cảnh như vậy, chủ nghĩa duy lợi lên ngôi, là con đẻ của chủ nghĩa duy vật. Nhưng dù sao thì mỗi người vẫn có tự do để sống cuộc đời mình, không thể đổ trách nhiệm cho xã hội hay một lớp người nào.

Dù sao giữa đám rừng vẫn có những bông hoa đẹp như người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay. Gặp được Đức Giêsu, anh ta vui mừng hỏi… Nghe Đức Giêsu trả lời, anh ta càng vui mừng hơn vì thấy mình đã sống tốt mọi đòi hỏi của giới luật. Nhưng khi nghe Đức Giêsu mời gọi từ bỏ tất cả để đi theo Ngài… thì anh ta sa sầm nét mặt xuống, và buồn rầu bỏ đi. Không những thế mà xem ra anh ta còn có đau sâu hơn, vì thấy mình có lý tưởng sống mà lại không sống lý tưởng. Anh ta bị tiền của trói buộc, không có can đảm thoát ra. Biết rằng sự sống đời đời là trên hết, nhưng đành thúc thủ. Anh ta rất buồn và Đức Giêsu cũng thật buồn. Tình huống đáng buồn này sẽ còn tái diễn mãi mỗi khi ta yêu mình hơn yêu Chúa, yêu của cải hơn yêu con người. 

Đức Giêsu cho thấy người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Vào thời Chúa Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành, vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm. Của cải tiền bạc dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Trong một sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Việc coi trọng tiền bạc quá đáng không những làm ta xa lìa tha nhân nhưng còn làm cho con người mình trở nên trống rỗng, bất hạnh, sống ảo tưởng, vì đã thay thế Thiên Chúa bằng các của cải vật chất. Làm sao ta có thể hiểu được lòng nhân từ của Thiên Chúa nếu tâm hồn ta đầy tự mãn và những dự phóng riêng của mình, tưởng mình có thể đảm bảo tương lai cho mình?”  

Bi kịch của thanh niên trong Phúc Âm cũng là bi kịch của mỗi người chúng ta, vì ai cũng từng bị giằng co giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất, giữa lý tưởng và thực tế, giữa cao thượng và tầm thường. Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì. Cuộc sống là một cuộc trao đổi, cái gì cũng phải trả giá. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống con người, những gì đi ngược lại sẽ bị đào thải. Không biết người thanh niên giàu có này sẽ như thế nào, nhưng trước mắt khó mà hạnh phúc, cho dù nỗi buồn kia anh ta có tìm cách quên đi, nhưng sự khao khát vô biên vẫn không ngừng ray rứt. 

Theo Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn mọi bổn phận và các đòi hỏi của đời sống luân lý, chẳng bao giờ làm điều gì xấu… mà điều quan trọng là bước đi theo Chúa mỗi ngày. Mà để theo Chúa, thì cần phải sống tinh thần từ bỏ, không chỉ không ham mê vật chất tiền tài danh vọng, mà còn biết dâng hiến đời mình cho Chúa một cách nào đó theo ơn gọi và bậc sống của mình.

Theo Đức Giêsu là chấp nhận mọi tình trạng, có thể là trắng tay, nhưng lạ thay lại được gấp trăm ngay từ đời này. Đó là điều mà Ngài đã quả quyết với các môn đệ, nhưng điều cao quí nhất vẫn là sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Thực ra, người theo Chúa mất quá ít mà được thì quá nhiều. Thân phận con người ngay từ bản chất cũng đã gắn liền với mất mát và khổ đau, nên dù có bị ngược đãi hay bách hại vì Chúa Giêsu thì cũng chẳng đáng là gì. Thánh Phaolô đã nói lên điều đó:Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rm 18, 18).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Là người ai cũng ươm mơ dệt mộng,
ai cũng muốn sống an vui và hy vọng,
đều muốn đạt được những ước mong,
Chúa còn đặt nơi lòng người một khát vọng,
muốn sống hoài trong hạnh phúc hiệp thông.

Như người thanh niên giàu đã hỏi Chúa,
phải làm gì để được sống đời đời?
Nghe Chúa trả lời, anh ta chới với,
vì phải bán hết của cải đem bố thí,
rồi lên đường và tiến bước theo Ngài.

Biết rằng sự sống đời đời là trên hết,
nhưng anh không muốn bị mất hết,
nên lặng lẽ cúi đầu rồi quay gót,
anh rất buồn và Chúa cũng thật buồn.

Tình huống này sẽ còn luôn tái diễn,
khi con yêu thân mình hơn yêu Chúa,
yêu của cải hơn yêu con người,
yêu đời này hơn sự sống đời sau.

Thực tế từng ngày con theo Chúa,
cuộc đời con vẫn có những giằng co:
ước mơ bay cao và vật chất kéo ghì,
muốn cho đi nhưng cũng muốn giữ lại;
muốn dâng trao nhưng cũng muốn thu vào,
nên tim con vẫn có những xuyến xao.

Xin cho con có được lòng can đảm,
bán dần đi mọi sở hữu trong
 đời,
biết dâng trao trên con đường đi tới,
dám bước theo chân Chúa khắp mọi nơi,
như Chúa vẫn kêu mời và mong đợi
,
vì duy Ngài là tất cả Chúa ơi! 
Amen.

Lm. Thái Nguyên (Gp Cần Thơ)

 

 

WGPKT(11/10/2024) KONTUM