Chúa Nhật XXXII Thường Niên, Năm A (CN 12.11.2023) – Khôn Hay Dại

Bài đọc 1: Kn 6,12-16

Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.

Bài trích sách Khôn ngoan.

12Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.
Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.
Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.
13Ai khao khát Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.
14Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan,
thì không phải nhọc nhằn vất vả.
Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.
15Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan
là đạt được sự minh mẫn toàn hảo.
Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm,
sẽ mau trút được mọi lo âu.
16Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm.
Trên các nẻo đường họ đi,
Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện.
Mỗi khi họ suy tưởng điều gì,
Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.

Đáp ca: Tv 62,2.3-4.5-6.7-8 (Đ. x. c.2)

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

2Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

3Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.4Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

5Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.6Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

7Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.8Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.

Đ.Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa.

Bài đọc 2: 1 Tx 4,13-18 

Những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

13 Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. 14 Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su. 15 Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. 16 Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên ; 17 rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. 18 Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau.

Tung hô Tin Mừng: Mt 24,42a.44

Ha-lê-lui-a Ha-lê-lui-a. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 25,1-13

Chú rể kia rồi, ra đón đi !

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi !’ 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng : ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi !’ 9 Các cô khôn đáp : ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi : ‘Thưa Ngài, thưa Ngài ! mở cửa cho chúng tôi với !’ 12 Nhưng Người đáp : ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả !’ 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHONG ĐÈN CHỜ CHÚA ĐẾN

 

Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội chuẩn bị chúng ta sống tâm tình chờ đón Chúa đến bằng những bài Kinh thánh liên quan đến sự bất ngờ.  Bất ngờ như chàng rể đến muộn phải ra đón (x. Mt 25, 1-13) người khôn mang đèn và dầu,  người khờ mang đèn không mang dầu theo.  Chú rể ở đây được hiểu là Đức Giêsu, Người sẽ trở lại trong vinh quang như lời tuyên xưng: “Chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến”.  Thật vậy suốt cả năm phụng vụ từ đầu chí cuối đều hướng về việc Chúa đến trong vinh quang. 

Chúa đến hay chúng ta đến với Chúa cũng vậy, đó là cuộc gặp gỡ mang tính bất ngờ, nghĩa là không ai biết được giờ hành động của Thiên Chúa, giờ đó xảy ra liên tục trong cuộc sống nhân loại. Chủ đề ‘bất ngờ’ được thánh Mátthêu đề cập ở chương 24, trước khi nói đến dụ ngôn các trinh nữ đi đón chàng rể, bất ngờ như thời Nôe, chỉ ông biết giờ lụt đại hồng thủy đến mà chuẩn bị từ xa, còn “thiên hạ vẫn ăn uống cưới vợ lấy chồng” (x. Mt 24, 37-42).  Bất ngờ như kẻ trộm vào nhà lúc đêm khuya: “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.  Hãy là người đầy tớ trung tín được ông chủ khen: “Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm việc !”  Do đó cần tỉnh thức canh phòng, người Kitô hữu là lính canh, lính canh hừng đông dậy (Chúa Kitô đến) và báo động cho anh em.

Dụ ngôn đón chú rể được rút ra từ tập tục cưới hỏi của Do thái.  Ở Do thái, tiệc cưới xảy ra ban đêm, cô dâu ở nhà cha mẹ đẻ, chờ chú rể đến đón rước mà không hẹn giờ .  Chú rể đến cách long trọng đón cô dâu, đám rước tưng bừng với đèn đuốc, tiến vào phòng cưới và nhập tiệc.  Trục trặc xảy ra, chú rể đến muộn vì lý do nào đó, mãi đến nửa đêm có tiếng hô to: “Chàng rể đến, hãy ra đón”.  Bi đát xảy ra lúc này, người có dầu kẻ không, người thắp đèn kẻ chạy ra hàng quán mua dầu.  Giờ định mệnh!  Ai không sẵn sàng vào phòng cưới đều bị bỏ lại không cứu xét.  Tiệc cưới gợi nhớ đến giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Người (x. Ed 16, 1-43. 63), gợi nhớ niềm vui vỡ bờ của nhân loại tính được kết hôn với thiên tính như Isaia diễn tả cách huyền bí: “Đấng tác tạo ngươi đã cưới người về“.  Đấng tạo hóa kết hôn với tạo vật !

Không phải được mời là đủ điều kiện tham dự tiệc cưới nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng.  Lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo mà thôi thì chưa đủ, còn phải sống ơn gọi làm người Kitô hữu nữa. Nói thế không có nghĩa là người Kitô hữu luôn canh cánh chờ đợi, căng thẳng đến nỗi không làm được việc gì ở trần gian nầy cả.  Không phải thế!  Người Kitô hữu hướng về ngày Chúa đến bằng việc sống đức tin giữa dòng đời và xây dựng xã hội trần thế  nơi họ đang ở.  Họ biện phân những mục đích trần thế với cùng đích là Nước trời.  Họ đồng hành với nhân loại nhưng họ khác biệt với những kẻ chỉ biết sống hiện tại mà không biết chuẩn bị tương lai.   Người Kitô hữu chu tất bổn phận của người công dân và bổn phận của người Kitô hữu, bởi vì họ là công dân của hai đô thị, đô thị trần thế và đô thị thiên quốc. 

Bổn phận của công dân thiên quốc là tôn thờ Thiên Chúa, thực thi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.  Đây là sự khôn ngoan Kitô giáo mà những người hèn mọn được mặc khải: họ sống như người lính canh, như kẻ trông chờ hừng đông.  “Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.  Ai khao khát Đức Khôn Ngoan thì Đức Khôn Ngoan tỏ mình cho biết” (x. Bài Đọc 1. Kn 6, 12-16).  Đức Khôn Ngoan Kitô giáo dạy cho biết : “Những người chết trong Đức Kitô sẽ sống lại … sẽ được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung” (x. Bài Đọc 2. 1Tx 4, 13-18).  Người Ki-tô hữu phải luôn sẵn sàng để gặp Đức Chúa bất cứ lúc nào, họ đã có đèn được hiểu là các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhưng họ cần phải mang theo dầu là các đức tính nhân bản và các nhân đức thuộc linh (Đức Tin – Đức Cậy – Đức Mến).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết làm việc xây dựng trần thế,  mà không quên đầu tư cho quê thật trên trời, nơi vinh quang vĩnh hằng mà con được mời gọi tham dự. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

KHÔN NGOAN HAY KHỜ DẠI

Suy niệm
Ðoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta: Chúa đến bất ngờ như chú rể đến lúc nửa đêm, nên phải luôn sống trong thái độ tỉnh thức để đón chờ. Trong ý nghĩa đó, Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chú rể đến, nhưng chỉ có năm cô khôn ngoan mới hỉ
hoan đón mừng chú rể với đèn sáng trong tay, và cùng với chú rể đi vào dự tiệc cưới. Khôn ngoan vì các cô đã chuẩn bị đầy đủ đèn dầu, trong tư thế sẵn sàng dù chàng rể có đến khuya. Còn năm cô khờ dại, mang đèn mà lại không mang dầu, lúc chàng rể đến mới hối hả lo toan. Trong tình thế cấp bách, họ đành phải vay mượn các chị em kia. Nhưng đã tới thời điểm quyết định, mỗi người phải tự đủ cho mình, không ai còn có thể giúp ai, nên van nài cũng vô ích: “Các chị nên ra hàng mua thì hơn”. Nhưng rất tiếc là không còn kịp nữa, thời gian đã hết hạn, chàng rể đã đến, “những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”, và cửa đã đóng lại.
Đèn là biểu tượng của đức tin vốn soi sáng cho đời sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng của đức mến vốn nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng của đức tin sinh hoa kết trái, là đời sống thánh thiện. Điều kiện sẵn sàng để gặp gỡ Chúa là đức tin, nhưng đức tin không có hành động là đức tin chết, nên đức tin phải được thể hiện qua đức ái. Đi lễ không đủ mà còn phải dấn thân phục vụ. Giữ đạo không đủ mà còn phải sống đạo và truyền đạo. Kinh kệ không đủ mà còn phải liên đới với mọi tình cảnh của con người. Như vậy, khôn ngoan hay khờ dại không phải là một diễn biến trong chốc lát, nhưng nó đã được hình thành từ một quan niệm sống, và đã trở thành một lối sống. Nói cách khác, khôn ngoan hay khờ dại là do mình đã lựa chọn một cách sống. Sai lầm hay thiếu sót đều có thể rút kinh nghiệm để bắt đầu lại, nhưng rất tiếc, có những cơ hội qua đi không bao giờ trở lại, đã mất là mất mãi muôn đời.
Khờ dại ở đây không phải là không biết điều mình phải làm, nhưng biết mà đã không làm; biết điều mình phải chuẩn bị nhưng đã không chuẩn bị, đến lúc cần thì không có, đến lúc làm thì đã quá muộn màng. Năm cô quên mang dầu cho ta thấy một cuộc sống cạn cợt, hời hợt, thiếu ý thức về điều quan trọng nhất. Chỉ lo trang điểm và chú tâm vào những chi tiết phụ thuộc bên ngoài, nên chẳng lạ gì mà quên sót điều chính yếu. Không thể biện minh cho thái độ quá chểnh mảng của mình trước một biến cố lớn lao nhất trên đời. Các cô khờ dại sau khi mua được dầu, cũng đến xin chủ tiệc mở cửa, nhưng mọi sự đã được quyết định rồi, có van xin cũng vậy thôi: “Tôi bảo thật
các cô, tôi không biết các cô!”. Buồn thay, cùng là những bạn bè thân tình với nhau, nhưng rồi chỉ trong phút chốc mà số mệnh đành rẽ lối, cũng chỉ vì tính ơ hờ, không lo điều phải lo.
Ta không thể vay mượn nhân cách và vốn liếng đạo đức của người khác. Nhất thiết phải có những điều mình tự tạo lấy, không thể dựa dẫm vào ai được. Cổ nhân có câu: “Tự trợ giả Thiên trợ”. Không tự giúp mình thì Trời không thể giúp. Theo nghĩa đó, ngày Chúa đến cũng không phải là điều bất ngờ. Bất ngờ là vì mình đã
không có điều mình phải có, không sống điều mình phải sống, không làm điều mình phải làm, nhất là chỉ lo thể hiện những cái không cần thể hiện. Chúa đã trách Matta: “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá, chỉ có một điều cần mà thôi”. Albert Einstein cũng minh định rằng: “Tôi chỉ muốn biết ý muốn của Thượng Đế là gì, những thứ còn lại không quan trọng”.
Điều quan trọng là ta coi trọng cái gì? Coi trọng điều không quan trọng là khờ dại. Chính cái ta coi trọng sẽ định hướng mọi hành vi của ta, và cũng từ đó phát sinh một thái độ sống trong mọi tương quan, với Chúa cũng như với tha nhân. Điều quan trọng là ta cần nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn:“Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. Chẳng ai có thể tỉnh thức nếu thiếu một tình yêu nồng cháy. Tình yêu đó làm cho tâm hồn ta phát sáng trong mọi tình trạng, như đèn vẫn sáng vì luôn có đầy dầu. Thực tế, có những ngọn đèn đã hết dầu từ lâu, nên ta cứ phải chăm chút cho ngọn đèn của đời mình. Tuổi trẻ có nhiều dự định phải thực hiện, nhiều ước mơ phải hoàn thành. Có bao giờ tôi dừng lại đôi chút để thấy dầu đèn của đời mình còn hay hết? Đức tin và lòng mến của tôi còn phát sáng không, hay chỉ liu riu mập mờ? Chẳng ai biết ngày giờ Chúa đến,
nhưng Chúa vẫn bên tôi trong từng biến cố, nơi từng con người, qua từng công việc. Và biết đâu hôm nay sẽ là ngày cuối cùng của đời tôi.“Hãy suy nghĩ như mình sắp chết, nhưng hãy hành động như mình bất tử” (Blanchecotte).

Cầu nguyện
Lạy Chúa!
Nhiều khi con thấy mình sao khờ dại,
như năm cô con gái trong Tin Mừng,
lo mang đèn mà lại chẳng mang dầu,
để đón chờ Chúa đến giữa đêm thâu.
Tuổi trẻ dễ cạn cợt và hời hợt,
thường chỉ lo trau chuốt cái bên ngoài,
mà ít biết trau dồi cái bên trong.
đâu phải con Công mà lo đẹp bộ lông.
Con lo nhiều cho những điều phụ thuộc,
mà rồi dễ quên đi điều chính yếu,
cứ loay hoay theo lối sống người đời,
nên phải đi theo thời chạy theo “mốt”,
mà không lo điều thật tốt cho mình,
để khi bất thình lình giờ Chúa đến,
nhìn lại mình thấy trơ trọi trống không,
lúc nhận ra đã quá trễ tràng rồi.
Nhiều khi con sống quá lơ mơ:
lo có những cái không cần có,
lo biết những cái không cần biết,
lo làm những cái không cần làm.
Xin cho con lo được Chúa trước tiên,
lòng tin mến quan trọng hơn mọi chuyện,
sống thánh thiện lớn lao hơn mọi điều,
đó mới thật là những gì chính yếu.
Đừng mơ chi đến những việc cao siêu,
Đừng đặt nặng về những gì còn thiếu,

cuộc sống không quá nhiều như con tưởng,
chỉ cần sống với tất cả tình thương. Amen.

WGPKT(08/11/2023) KONTUM