Chúa Nhật XXXIII Thường Niên, Năm A (CN 19.11.2023) – Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam – Liều Mất Mạng Sống Mình

Bài đọc 1: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29 

Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.

Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.

1 Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. 21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng ; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi ; bà nói với các con : 22 “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. 23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

27b Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. 28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. 29 Con đừng sợ tên đao phủ này ; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

Đáp ca: Tv 125,1-2ab.2cd-3.4-5.6 (Đ. c.5)

Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.

Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

6Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng.

Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Bài đọc 2: Rm 8,31b-39 

Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

31b Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? 34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?

35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? 36 Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Tung hô Tin Mừng: Mt 5,10

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Lc 9,23-26 

Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”

(Nguồn: ktcgkpv.org)

—————————-

Suy niệm 1: Lm. Lu-y Gonzaga Nguyễn Quang Vinh

CHỨNG NHÂN CHO ĐỨC KITÔ

 

Hôm nay Hội thánh Việt Nam tôn vinh các thánh tử tại Việt Nam, các vị đã hiên ngang lấy máu đào làm chứng đức tin, lấy mạng sống hào hùng tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, các ngài đã bất khuất trước những cấm đoán đe dọa bắt bớ, tù đày, chém giết của các triều đại vua chúa thời bấy giờ.  Cũng như các Hội Thánh khác khởi đi từ đau khổ và thử thách, Hội  thánh Việt Nam ngót nghét 300 năm bị bắt đạo qua nhiều triều đại vua chúa khác nhau mà lịch sử còn in đậm nét.  Sự kiện lịch sử đau thương và oai hùng nầy đặt Giáo hội Viêt Nam ngang tầm với các Giáo hội trên thế giới, ngang hàng trong tử đạo làm chứng đức tin.

Đức tin đòi hỏi phải được tuyên xưng bằng đức mến. Tử đạo là bằng chứng cao cả nhất về đức mến nói lên lòng tin không lay chuyển đối với Thiên Chúa.  Tử đạo minh chứng tính bất khả vi phạm trong thờ phượng Thiên Chúa.  Thiên Chúa phải được tuyệt đối tôn thờ cho dù tín hữu có phải bị đe dọa mạng sống.  Các vị tử đạo đã sống quy luật khắt khe này của đức tin: Lấy Thiên Chúa làm trọng hơn mạng sống mình, từ bỏ chính mạng sống mình để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô.  Sự hy sinh mạng sống vì đức tin đặt cơ sở trên niềm cậy trông vào sự sống lại.  Thật vậy các thánh đã hy sinh sự sống đời nầy để được sự sống đời sau.

Đức trông cậy có chút khác với niềm hy vọng, hy vọng trần thế thì ít nhiều ai cũng có, “còn sống thì còn hy vọng”, “Còn nước còn tát”, người ta vẫn thường nói như vậy.  Còn đức cậy trông cũng hướng về tương lại, nhưng lấy Thiên Chúa làm đối tượng.  Niềm cậy trông được Thiên Chúa gieo vào lòng tín hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chính Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm cậy trông sống lại, mà Đức Giêsu hứa ban cho những kẻ bước theo Người.  Niềm cậy trông sống lại đó làm cho người tín hữu luôn bình an và vui tươi trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống, đến nỗi không ai có thể cướp mất niềm cậy trông của người Kitô hữu được.   Thế gian không hiểu điều này nên họ chê cười những kẻ thà chấp nhận chết chứ không chịu từ bỏ đức tin. 

Tin-Cậy-Mến là những nhân đức đối thần còn được gọi là các nhân đức thuộc linh, được chính Thiên Chúa ban cho người tín hữu khi gia nhập Giáo hội, được người tín hữu dùng để tin Chúa, mến Chúa và Trông cậy vào Chúa, Thiên Chúa là đối tượng của ba nhân đức nầy.  Chỉ có người Kitô hữu mới có các nhân đức đối thần mà thôi.

 Quy luật đức tin được các thánh tử đạo tuân thủ triệt để đến nỗi người mẹ trong sách Macabê đã can đảm nhìn thấy bảy đứa con chết trước mắt mà vẫn lên tiếng cổ vũ các con sống trung thành với đức tin: “Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một … Chính Thiên Chúa do lòng thương xót, sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì các con trọng luật lệ hơn bản thân mình” (Bài Đọc 1. 2Mc 1.20-23.27b-29).  Cách sống can trường và anh hùng đó được thánh Phaolô tóm gọn trong Bài Đọc 2 : “ Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?  Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?” (Rm 8, 31b-39). 

Một sự thách đố thật sự đối với người Kitô hữu, sống hiên ngang và anh hùng trong chu tất bổn phận của mình: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo… Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”, lời của Đức Giêsu (x. Bài Tin Mừng Lc 9, 23-26). Thách đố này đã được 117 vị tử đạo tại Việt Nam vượt qua, và để nêu cao lòng trung tín của họ Giáo hội Công giáo hoàn vũ đã tôn phong các ngài lên bậc hiển thánh tại công trường thánh Phêrô, Rôma  ngày  19. 6. 1988 do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ phong, trong đó có 8 giám mục, 50 linh mục, 59 giáo dân, thuộc quốc tịch Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam[1].

Pháp có 10 vị tử đạo 2 giám mục và 8 linh mục; Tây ban Nha có 11 vị, 6 giám mục và 5 linh mục; Việt Nam có 96 vị trong đó 37 linh mục, số giáo hữu tử đạo đông nhất có đến 44 vị, thuộc nhiều thành phần dân chúng, quan chức triều đình, binh sĩ, trùm họ, Chủng sinh 1 vị, Thầy giảng 14 vị, đặc biệt có một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành. Tất cả các vị đã gieo trong lệ sầu và gặt trong hân hoan (x.Tv 125,50).  Con số tử đạo tại Việt Nam không chỉ dừng lại 117 vị, mà còn nhiều hơn thế nữa, có sách nói đến 100.000 vị cũng có sách nói đến 300.000 vị, thật ra vào thời loạn lạc danh tánh các vị chưa minh bạch lắm.  Trước mắt chúng ta có Á thánh Anrê Phú Yên, có Tôi Tớ Thiên Chúa là Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận và một số khác trên đường điều tra phong thánh.

Thân lạy Các Thánh Tử Đạo Việt nam, xin hãy là hạt giống đức tin trên quê hương Việt Nam, nhất là nơi miền truyền giáo Tây Nguyên Kontum, sinh thêm nhiều chứng nhân anh dũng cho Chúa Kitô. Amen

——————————–

Suy niệm 2: Lm. Thái Nguyên

LÀM CHỨNG

Suy niệm

Chúa Giêsu không ngần ngại cảnh báo cho các môn đệ biết một thực tế rất phũ phàng và cay đắng, là họ sẽ bị bách hại, và có thể kết thúc một cách bi thảm, để những ai muốn theo Ngài phải cân nhắc. Một khi đã quyết định chọn lựa thì phải dấn thân đến cùng, và “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. Chúa Giêsu đã đi bước trước, Ngài là vị tử đạo đầu tiên vì Tin Mừng mà Ngài rao giảng. Ngài là con đường dẫn đến sự sống đích thực, nhưng thế gian lại yêu sự tối tăm hơn ánh sáng. Các môn đệ cũng đồng số phận với Thầy, bị khinh khi, bị lăng nhục và thù ghét vì “danh Thầy”; cuối cùng cũng là sự hiến mạng vì Thầy để trở thành lời nhân chứng cho sự thật.
Không một tôn giáo nào bị bách hại nặng nề, lâu dài và thảm thương như Kitô giáo. Cho dù có những thế lực thù địch quyết loại trừ Kitô giáo bằng mọi cách, nhưng đạo thánh Chúa vẫn không bị tiêu diệt, mà trái lại còn tăng trưởng mạnh mẽ cả về phẩm chất lẫn số lượng. Đó là những bí ẩn của lịch sử không thể lý giải bằng lý lẽ tự nhiên, nhưng chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng đức tin. Ngay từ những năm tháng đầu tiên loan báo Tin Mừng, Hội Thánh đã trải qua gần 300 năm bị bách hại dưới thời các hoàng đế La-Mã. Rồi từ đó, Phúc Âm được rao giảng ở đâu, thì ở đó sớm muộn gì các Kitô hữu cũng bị bách hại.
Lịch sử Hội Thánh là một lịch sử đầy những cuộc tử đạo, ở khắp mọi miền trên thế giới, vào hết mọi thời kỳ trong lịch sử. Ngay trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, 118 vị thánh đã được phúc tử đạo. Dĩ nhiên đây chỉ là con số tiêu biểu cho khoảng 130.000 các tín hữu đã phải chết vì đạo. Đó là chưa kể bao nhiêu tín hữu phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vì cuộc bách hại trải qua 7 thời kỳ cấm đạo, từ năm 1625-1885, nghĩa là kéo dài đến 261 năm. Điều này vừa cho thấy sự ác liệt và thảm khốc của những cuộc bắt đạo, vừa cho thấy sức chịu đựng
kiên cường và lòng trung thành đối với đức tin của cha ông chúng ta, những vị tiên phong hào hùng nêu gương cho con cháu.

Thật khó hiểu đối với những người không có đức tin. Vui mừng trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện vì giàu sang sung sướng thì ai cũng muốn được, nhưng vui tươi và sẵn sàng lãnh nhận gian nan, thử thách, đau khổ và cả cái chết thì không ai muốn nhận, vì đây là một điều hết sức kỳ lạ, ngược đời, khác thường, không thể hiểu được. Nhưng những điều này lại rất dễ hiểu đối người Kitô hữu có lòng đạo đức, vì nó phát xuất từ một đức tin mãnh liệt với tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người. Thật ra, cuộc sống trong mọi chiều kích nhân sinh, vẫn luôn là một cuộc chiến ác liệt giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối.
Chết vì đạo chính là chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện, nên phải có một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù oán ghét, không than trách buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương và tha thứ đối với những kẻ hành hình mình. Tử đạo như thế khác xa với mọi thứ tử đạo khác: do sự cuồng tín tôn giáo; do sự cuồng ngạo văn hóa; hoàn toàn khác với những thứ anh hùng liệt sĩ phát xuất từ các phe nhóm chính trị, xã hội hoặc đảng phái.
Ngày nay, tuy không còn phải chịu những bách hại như trong quá khứ, nhưng chúng ta đang phải đối diện với một cuộc tấn công khác còn nguy hiểm gấp bội, đó là sức mạnh của tiền bạc, địa vị,
khoái lạc, tự do buông thả, nhất là trong những xã hội mà người ta muốn loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống con người. Những sức mạnh này đã làm cho nhiều tín hữu gục ngã, mất đức tin và xa rời Hội Thánh. Không nói chi bên ngoài mà ngay trong lòng Giáo Hội, ngày càng có nhiều giáo phái, nhiều chia rẽ và bất đồng, khiến mất đi sự hiệp nhất dần dần. Tuy nhiên, cũng là những cuộc thanh lọc đức tin cần thiết để thấy được mức độ chín chắn và trưởng thành của đời Kitô hữu, nhưng xem ra, đó lại là hậu quả của những cuộc bách hại tinh thần không thể tránh khỏi.
Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối và mây mù giăng mắc, những khuynh hướng và những trào lưu đi ngược với đời sống đức tin, nên việc làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian tội lụy. Làm sao cho tất cả mọi hành vi, thái độ và ứng xử của chúng ta luôn tỏa chiếu ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng, tạo nên một sức hấp dẫn đối với những người chung quanh, để Chúa ngày càng được nhận biết và yêu mến.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Bao người công chính đã bị bách hại,
bao người chân thật đã phải tù đày,
chỉ vì dám đấu tranh cho công lý,
dám liên đới và thực thi trách nhiệm.
Sống công chính đòi con dám xả thân,
dám hành động vì ích lợi của tha nhân,
dám coi thường quyền lợi của bản thân,
và luôn biết hành động trong sự thật.
Trông nhìn lại thời Giáo Hội sơ khai,
các tín hữu phải chịu những họa tai,
vì theo Chúa trên con đường làm chứng,
là yêu thương và tha thứ không ngừng.
Bách hại đâu phải chuyện của quá khứ,
mà nay vẫn tiếp diễn bằng nhiều thứ,
như vu khống, chế giễu và phỉ báng,
biến tín hữu thành hạng người lố bịch.
Không hẳn chúng con chết vì đức tin,
nhưng sẽ bị chế giễu vì danh Chúa,
bị coi là mê muội và yếu đuối,
nên Chúa cần con sống hơn là chết,
để người ta thấy tình yêu là trên hết,
và cũng chính là sự thật luôn vững bền.
Xin cho con dám vượt lên chính mình,
để con sống một niềm tin chân chính,

theo gương cha ông anh hùng tử đạo,
dám hiến thân vì Chúa đổ máu đào.
Xin cầu cho chúng con là con cháu,
biết can trường trong thử thách đau thương,
biết làm chứng cho Chúa giữa đời thường,
để mọi người đón nhận Chúa tình thương. Amen.

WGPKT(15/11/2023) KONTUM