Bà mẹ là người đáng khâm phục, vì bà can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.
Bài trích sách Ma-ca-bê quyển thứ hai.
1 Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.
20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. 21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng ; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi ; bà nói với các con : 22 “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. 23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”
27b Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. 28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. 29 Con đừng sợ tên đao phủ này ; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”
Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
1Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.2abVang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.
Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
2cdBấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc Chúa làm cho họ, vĩ đại thay !”3Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
4Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở,
mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở,
vai nặng gánh lúa vàng.
Đ.Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
31b Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? 34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?
35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? 36 Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.
Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”
(Nguồn: ktcgkpv.org)
—————————-
Suy niệm 1: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chọn chủ đề Năm Thánh 2025 là: “Những người hành hương của hy vọng”. Chủ đề này được gợi hứng từ thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Trông cậy không làm thất vọng” (Rm 5,5). Vị Mục tử của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ mời gọi các tín hữu ý thức thân phận hành hương của mình, đồng thời cố gắng sống thánh thiện, nên giống Đức Giê-su, Đấng là niềm hy vọng cho thế giới.
Sống trên đời, mỗi chúng ta là người hành hương, hay là lữ khách. Người hành hương là người đang trên đường và, hướng tới một đích điểm. Điểm đến của những cuộc hành hương thường là những nơi thánh, gắn bó với Chúa, với Đức Mẹ và với các thánh. Khi ý thức mình chỉ là phận hành hương hay phận lữ khách, Ki-tô hữu hướng về Thiên Chúa và mục đích tối hậu của đời người, hướng về Quê Trời là quê hương vĩnh cửu. Vì luôn hướng về Thiên Chúa và về Quê Trời, nên Ki-tô hữu coi những gì ở trần gian chỉ là tạm thời. Như người lữ hành bỏ lại những gì mình gặp gỡ hai bên đường, để chú tâm tiến về phía trước, Ki-tô hữu sống giữa thế gian, mà không dính bén thế gian, nhưng luôn coi thế gian chỉ là cõi tạm.
Các Bài đọc Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta một chủ đề chính: trần gian này sẽ qua đi. Vũ trụ sẽ có ngày bị tận diệt. Ki-tô hữu tin đó là ngày tận thế. Thi thoảng chúng ta thấy có những bộ phim nói về ngày tận thế, với những tai họa hủy diệt làm cho cả một thành phố tan tành trong mây khói. Đó cũng chỉ là những giả tưởng. Trong Kinh Thánh, Cựu ước cũng như Tân ước, có một thể loại văn chương được gọi là “khải huyền”. Thể loại văn chương này thường dùng những hình ảnh hiện tại để nói về tương lai, và thường đi kèm những tai ương và thảm họa, làm cho con người lâm vào cảnh quẫn bách đau thương.
Giáo lý về “Tận thế” hay “Cánh chung” là một tín điều của Giáo hội Công giáo. Từ điển Công giáo giải thích như sau: “Tận thế là thuật ngữ chỉ sự kết thúc của thế giới – bao hàm vũ trụ vật chất, không gian và thời gian – vào ngày Chúa quang lâm”. Chúa Giê-su loan báo sẽ có ngày tận thế (x. Mt 13,49) và ngày ấy đến lúc nào thì chỉ mình Chúa Cha biết (x. Mt 24,34-36). Người cũng hứa ở lại với các môn đệ cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).
Ngày tận thế đã đến chưa? thưa, chưa đến. Vậy phải hiểu thế nào về lời loan báo của Giáo hội Ki-tô từ hai ngàn năm nay? Giáo hội dựa vào giáo huấn của Chúa Giê-su để mời gọi chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết giờ nào Chúa đến. Lời mời gọi tỉnh thức được nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng. Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời; tỉnh thức để nhận ra phẩm giá của anh chị em đồng loại; tỉnh thức để nhận thấy thời gian là món quà quý giá Chúa ban; tỉnh thức để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa thể hiện qua vẻ huy hoàng của vũ trụ, để tôn trọng và chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta. Hơn nữa, nếu ngày tận thế chưa xảy đến theo nghĩa ngũ hành bị thiêu rụi, thì ngày ấy lại đến với mỗi người vào lúc cuối đời. Đó là lúc họ phải trình diện trước nhan Chúa để tường trình với Ngài về cuộc sống dương thế, với những thành công và thất bại; những công phúc và tội lỗi. Ngày đó còn được gọi là “ngày phán xét riêng”. Chẳng ai thoát được ngày phán xét này.
Nhờ đâu mà chúng ta được tha thứ và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu? Thư gửi tín hữu Híp-ri trả lời: nhờ Đức Giê-su, Đấng đã dâng mình trên thập giá để làm của lễ xin ơn tha tội cho trần gian (Bài đọc II). Kể từ hy tế thập giá của Đức Giê-su, phụng vụ của Cựu ước không còn cần thiết nữa, vì nghi thức phụng vụ xưa chỉ là hình bóng.
Công đồng Vatican II đã trình bày Giáo hội như dân Chúa đang trên đường lữ hành. Như dân Ít-ra-en xưa đã đi qua sa mạc để về Đất hứa, Giáo Hội – tức là Ít-ra-en mới – đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. LG 9). Dân này ở vào “thời cuối cùng,” đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Ki-tô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung. Ki-tô hữu là người lữ hành trong đoàn người lữ hành là Giáo hội. Đích điểm của cuộc lữ hành này là gặp gỡ Chúa cách huyền nhiệm ngay ở đời này, như bảo đảm cho việc thấy Chúa “mặt giáp mặt” ở đời sau.
Chúng ta đang cùng với Giáo hội tưởng nhớ những người đã qua đời. Đứng trước ngôi mộ của người thân, chúng ta càng cảm nhận sự mỏng giòn của kiếp nhân sinh. Cây thập giá trên mộ Ki-tô hữu báo trước sự phục sinh, như chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Những người nằm dưới ngôi mộ đang thầm thì nhắc chúng ta về kinh nghiệm cuộc đời, nhất là kinh nghiệm về sự chết. Hãy thinh lặng để lắng nghe thông điệp của họ.
Chúa nhật hôm nay cũng là ngày Thế giới người nghèo do Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thiết lập. Đức Bác ái Ki-tô giáo và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt gặp gỡ nhau trong đức tin của người tín hữu. Một tác giả đã viết: “không ai nghèo đến mức không có gì để cho đi, và không ai giàu đến mức không cần nhận một thứ gì đó”. Khi cho đi là khi ta nhận lãnh. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy điều này. Xin Chúa chúc phúc cho lòng quảng đại của chúng ta đối với anh chị em nghèo khó.
+TGM Giu-se Vũ Văn Thiên (TGP Hà Nội)
—————————-
Suy niệm 2: Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh